Trả lời cử tri còn rất chung chung, không rõ trách nhiệm và hướng giải quyết

Sáng ngày 4/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp thu nhiều kiến nghị cử tri

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 4, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri có nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay toàn bộ các kiến nghị đã được xem xét, trả lời (đạt 100%) cụ thể:

Về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan của Quốc hội: có 38/72 kiến nghị về việc xây dựng pháp luật. Các ý kiến của cử tri đóng góp cho một số dự thảo luật đã được các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu. Về hoạt động động giám sát có 34/72 kiến nghị. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã lựa chọn các chuyên đề giám sát tối cao liên quan tới vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; Quản lý vốn và tài sản nhà nước,… phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của cử tri.

Về công tác điều hành của Chính phủ, toàn bộ 1.993 kiến nghị, chiếm 95%, cử tri gửi đến Chính phủ đều đã được nghiên cứu và trả lời. Trong đó, 1.474 kiến nghị (73,96%) được giải trình, cung cấp thông tin cho cử tri, 162 kiến nghị (8,13%) đã được tiếp thu, giải quyết dưới một số hình thức, như sửa đổi một số văn bản không còn phù hợp (37 văn bản); tổ chức thanh tra xử lý vi phạm đối với một số vấn đề mà cử tri nêu như quản lý khai thác cát; tình hình lạm thu tại các trường học, bạo hành tại một số cơ sở mầm non; vi phạm tại một số cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất kinh doanh thuốc; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, việc đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT…..

Đặc biệt, tiếp thu kiến nghị của cử tri Vĩnh Long, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Tháp,… cần đặc biệt quan tâm tới công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực hay xảy ra sai phạm, tham nhũng, lãng phí như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản,… tại nhiều cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố, cụ thể: trong năm 2017, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính và 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng,… tăng hơn hai lần so với năm trước.

Theo phản ánh của cử tri Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Bình Phước về tình trạng lãng phí, sử dụng đất công không hiệu quả, Thủ tướng đã ban hành ngay Chỉ thị 01/CT-TTg chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, hủy bỏ các dự án, công trình đã quá 3 năm chưa thực hiện.

 

 

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo trước Quốc hội -Ảnh QH

 

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết điểm mới, tích cực trong công tác giải quyết kiến nghị cử tri kỳ này là trong số 357 kiến nghị (17,91%) đang được giải quyết, có 83,5% kiến nghị dự kiến sẽ giải quyết xong trong 2018 (tăng 4 lần so với kỳ trước).

Qua kết quả giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đánh giá của 59/59 Đoàn đại biểu Quốc hội đều cho thấy, việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành kỳ này có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như thời hạn trả lời.

 Giải quyết các điểm hạn chế còn chưa thỏa đáng

Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành.

Với Chính phủ và các bộ, ngành, đó là chất lượng trả lời một số kiến nghị cử tri còn hạn chế. Có tới 43/59 Đoàn ĐBQH nêu nhận xét, một số bộ, ngành trả lời vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung, diễn giải nhiều, nhưng không đủ thông tin, không rõ trách nhiệm và hướng giải quyết, ví dụ: Cử tri Lạng Sơn hỏi về chế độ đối với cán bộ, công chức công tác tại thôn không đặc biệt khó khăn nằm tại xã đặc biệt khó khăn, có được hưởng phụ cấp thu hút không? Trả lời cử tri lại nêu cán bộ, công chức công tác tại thôn đặc biệt khó khăn thì được hưởng phụ cấp. Trả lời của Bộ như vậy là chưa đúng với nội dung câu hỏi. Theo phản ánh của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, sau khi nhận được văn bản trả lời, cử tri đề nghị Bộ cần trả lời cụ thể, rõ ràng, thấu đáo hơn.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, rà soát sửa đổi các văn bản pháp luật không phù hợp thực tiễn còn chậm. Tính đến 20/4/2018, còn 101 văn bản chậm sửa đổi, đặc biệt trong đó Luật Cán bộ, công chức ban hành đã 10 năm vẫn thiếu văn bản hướng dẫn về việc xử lý kỷ luật đối tượng là cán bộ khi vi phạm; một số văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa đúng với nội dung luật nhưng chậm được sửa đổi. Ví dụ, theo Điều 42 của Luật Khiếu nại, khi công dân không đồng tình với kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 của cơ quan hành chính thì phải khởi kiện ra tòa, tuy nhiên Điều 20 Nghị định số 75/2012/NĐ-CP lại quy định trường hợp này, công dân có thể tiếp tục khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp trên xem xét lại; gây quá tải lên cơ quan hành chính cấp trên và dẫn tới kéo dài nhiều vụ việc khiếu nại.

Một số văn bản pháp luật áp dụng vào thực tiễn còn vướng mắc, nhưng chưa được xem xét, giải quyết thấu đáo. Cử tri Lai Châu phản ánh về vướng mắc gặp phải trong công nhận kết quả biểu quyết của Thường trực HĐND cấp xã khi có ý kiến khác nhau (vì chỉ có 2 người). Trả lời của Bộ Nội vụ: “Hiện nay, Bộ đang tổng hợp tình hình thực hiện, xin tiếp thu chờ sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương”. Trả lời của Bộ là không sai, nhưng vướng mắc cử tri nêu rất rõ ràng, lại chưa được nghiên cứu, để tìm cách tháo gỡ, cử tri phải tiếp tục chờ đợi đến khi sửa luật (trong dự kiến chương trình xây dựng luật năm 2019 không có luật này).

Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với một số vấn đề mà cử tri phản ánh còn chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Cử tri TP Hồ Chí Minh, Bình Định và một số địa phương phản ánh về nguy cơ cháy nổ tại nhiều khu chung cư cao tầng. Trả lời của Bộ Công an nêu Bộ đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, huy động máy bay trực thăng để xử lý sự cố; chỉ đạo lực lượng PCCC phát 12.878 tin, 25.070 băng rôn, 1.008.799 tờ rơi cảnh báo nguy cơ cháy nổ… và xác định đây là kiến nghị đã giải quyết xong. Tuy nhiên, đây là kiến nghị cử tri phản ánh từ tháng 11.2017, trước khi xảy ra vụ cháy lớn tại chung cư Carina (TP Hồ Chí Minh). Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nếu các cơ quan chức năng quan tâm hơn tới phản ánh của cử tri (mang tính chất cảnh báo) tích cực thanh tra, kiểm tra để xử lý và đặc biệt là khắc phục vi phạm… thì thiệt hại về người, tài sản trong các vụ cháy vừa qua có thể đã được giảm thiểu.

Một số vấn đề đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại kỳ họp trước nhưng chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Cụ thể, Báo cáo kỳ trước nêu việc công bố lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các địa phương chưa được thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân (có tới 35 tỉnh và 19 bộ, ngành không công bố lịch), điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của công tác tiếp công dân. Tuy nhiên, sau 7 tháng, ngày 25.4.2018 kết quả truy cập cổng Thông tin điện tử của các cơ quan trên cho thấy, việc khắc phục vẫn chưa đáng kể, cụ thể vẫn có 36 tỉnh (tăng 1 tỉnh) và 12 bộ, ngành (giảm 8 bộ) không công bố lịch.

Việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính mặc dù đã được Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, tuy nhiên đến nay, mới chỉ có các Bộ: Công thương, Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt cắt giảm; các bộ, ngành còn lại chưa có thông báo cắt giảm đáng lưu ý một số bộ, ngành có chức năng phục vụ, tiếp xúc nhiều với người dân nhưng việc cải cách thủ tục hành chính chưa được quan tâm thỏa đáng, như ngành y tế năm 2017 tụt bậc xếp hạng về cải cách hành chính so với năm 2016./.

KIM DUNG