Trà Vinh: Lấy đất của dân cấp cho cán bộ, giờ lại “phân vân” khi giải quyết hậu quả
Nhà đất nhận chuyển nhượng từ một người dân, ông Đoàn Văn Sơn sửa sang lại và ở ổn định từ năm 1991. Thế nhưng, cơ quan chức năng huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh lại thu hồi trắng khu đất này và đem cấp cho nguyên Thường vụ Huyện ủy Ngô Thị Vân.
Sau nhiều lần UBND huyện Càng Long bác đơn khiếu nại, khiếu kiện của công dân Đoàn Văn Sơn, tháng 6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh đã tổ chức buổi đối thoại với công dân để ghi nhận, xác minh rõ những căn cứ ông Sơn khiếu nại.
Theo đó, tại văn bản báo cáo số 363/BC-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thể hiện:
Năm 1991 ông Đoàn Văn Sơn mua lại căn nhà với diện tích đất 116m2 từ ông Phạm Văn Hai và sử dụng ổn định liên tục từ đó đến năm 2011. Ông Sơn có cất nhà ở từ thời điểm mua, sau đó ông sử dụng khu đất để làm kho chứa các vật dụng công việc cơ khí như thùng suốt , máy móc…
Năm 1995, lấy lý do là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, UBND huyện Càng Long đã yêu cầu khoảng 13 hộ dân có đất ở khu vực bàn giao đất và di dời nhưng không được đền bù hỗ trợ. Chỉ có đất của 3 hộ (trong tổng số 13 hộ nói trên) nằm trong khuôn viên xây dựng Trường THPT Nguyễn Đáng. Riêng phần đất của ông Sơn không nằm trong khu vực trường THPT Nguyễn Đáng.
Trong số 13 hộ dân di dời nói trên, có thường vụ Huyện ủy huyện Càng Long, bà Ngô Thị Vân. Và bà Vân đã được UBND huyện Càng Long thống nhận bố trí chỗ ở (suất tái định cư) với khu đất 84m2 trong khu vực chợ Mỹ Huê.
Chợ Càng Long cũng xảy ra nhiều vấn đề nhức nhối mặc dù nó nằm đối diện UBND huyện Càng Long. Sau khi Tạp chí TAND phản ánh, UBND huyện Càng Long đã tiến hành xử lý tồn tại, bất cập.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, ngày 16/2/2005, UBND huyện Càng Long lại tiếp tục ra quyết định số 246/QĐ-UBH giao cho bà Vân 72,9m2 đất. Đây chính là phần đất mà UBND huyện Càng Long giải tỏa trắng của ông Đoàn Văn Sơn.
Hồ sơ giao đất, thông báo nộp tiền sử dụng đất của Chi cục thuế huyện Càng Long, xác định bà Vân được giảm tiền sử dụng đất. Tuy nhiên không có văn bản xác định bà Vân thuộc đối tượng nào để được miễn giảm tiền sử dụng đất theo quyết định số 118/TTg ngày 27/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho rằng theo những hồ sơ do UBND huyện Càng Long cung cấp thì việc giao đất cho bà Vân là trái quy định của pháp luật.
Được biết, sau khi được UBND huyện Càng Long cấp đất để ở, thường trực Huyện ủy huyện Càng Long Ngô Thị Vân đã không thực hiện theo “nhu cầu ở” vì từ lúc được cấp đất đến khi chuyển nhượng cho người khác (năm 2020) bà Vân không hề cất nhà, cư trú.
Như vậy, có thể khẳng định rằng cơ quan chức năng huyện Càng Long thu hồi đất của ông Sơn chỉ để cấp cho thường trực Huyện ủy chứ không phải để xây dựng công trình công cộng. Và cho đến hiện tại, việc cấp đất, xác định nghĩa vụ thuế, thực hiện mục đích sử dụng đất đối với bà Vân đã thể hiện những mặt trái trong công tác quản lý, sử dụng đất của địa phương.
Trở lại với khu đất của ông Đoàn Văn Sơn, khi được cơ quan chức năng huyện Càng Long giải tỏa, ông Sơn không nhận được bất cứ văn bản thu hồi đất nào. Tất cả việc thực hiện giải tỏa chỉ được thể hiện bằng “mệnh lệnh của cán bộ” chứ không phải văn bản hành chính.
“Vì nghĩ rằng đất của mình được trưng dụng để xây dựng trường học (công trình công cộng) nên tôi đã vui vẻ chấp hành. Tuy nhiên, sau khi trường xây xong thì đất của tôi nằm ngoài phạm vi trường và cơ quan chức năng huyện Càng Long không hề bồi thường, hỗ trợ như yêu cầu của tôi trong các biên bản bàn giao đất nên tôi tái sử dụng phần đất của mình”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn cho biết thêm: “Đến năm 2011, cơ quan chức năng huyện Càng Long đã dùng quyền lực hành chính buộc tôi giao đất để cấp cho bà Vân. Lúc này bà Vân đang là cán bộ đương nhiệm Huyện ủy. Tôi chấp hành nhưng cũng ghi rõ yêu cầu trong biên bản bàn giao đất là tôi phải được đền bù, hỗ trợ”.
Đối với thông tin trong văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh này cho rằng cá nhân ông Sơn đã tự nguyện giao lại đất cho nhà nước quản lý, ông Sơn khẳng định điều đó đúng nhưng chưa đủ. Ông Sơn khẳng định lại lần nữa là ông đồng ý giao lại đất cho nhà nước nhưng ông cũng yêu cầu đền bù, hỗ trợ. “Trong tất cả các biên bản bàn giao tôi đều yêu cầu được đền bù hỗ trợ”, ông Sơn khẳng định.
Phải chăng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh chỉ báo cáo lên Chủ tịch UBND tỉnh này một nửa sự thật? Việc này có lẽ sẽ quan trọng khi người đứng đầu chính quyền tỉnh Trà Vinh xem xét, xử lý vụ việc.
Nhưng, quan trọng hơn chính là hiện tại sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? Và câu hỏi này đã khiến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh phân vân, không biết làm thế nào cho hợp tình hợp lý.
Theo tài liệu PV Tạp chí TAND có được, ngày 29/6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có văn bản số 415/BC-STNMT gửi Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh để báo cáo về việc bổ sung các phương án giải quyết khiếu nại của ông Đoàn Văn Sơn. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra 2 phương án để trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét:
Phương án 1: Bác đơn khiếu nại của ông Đoàn Văn Sơn. Ưu điểm của phương án này theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh là phù hợp với quy định của pháp luật đất đai. Các hộ lấn chiếm, mua bán tương tự ông Sơn trước đây sẽ không khiếu nại.
Hạn chế của phương án này theo văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường là dư luận sẽ cho rằng cán bộ thì được nhà nước bố trí đất, giao đất, còn người dân thì không được xem xét.
Và nếu áp dụng phương án này cần phải tìm lại được văn bản thông báo cho các hộ dân di dời vào năm 1995.
Phương án 2: Công nhận khiếu nại của ông Đoàn Văn Sơn bằng việc bồi thường đất theo quy định hoặc bố trí 1 phần đất tương xứng. Ưu điểm của phương án này là giải quyết dứt điểm khiếu nại của công dân.
Tuy nhiên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho rằng thực hiện theo phương án này là không đủ căn cứ pháp lý. Điều mà Sở này lo lắng hơn chính là các hộ chiếm đất cất nhà trước đây sẽ phát sinh khiếu nại yêu cầu bồi thường. Vụ việc sẽ dẫn đến sự so bì hoặc phát sinh khiếu nại đối với các vụ việc tương tự trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Lo lắng của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, để xử lý vụ việc này, cần phải căn cứ vào nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất để từ đó áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan.
Trong các văn bản của Sở TNMT tỉnh Trà Vinh luôn phân vân về nguồn gốc đất của ông Nguyễn Văn Hai (người đã ký bán cho ông Đoàn Văn Sơn vào năm 1991). Nhưng theo tường trình của ông Nguyễn Văn Hai thì khu đất này được ông sang nhượng lại từ bà Tư Vẽ. Như vậy, việc cần thiết xác minh nguồn gốc đất của bà Tư Vẽ hay không, Sở TNMT tỉnh Trà Vinh nên xem xét.
Cơ sở để khẳng định ông Đoàn Văn Sơn sang nhượng đất chứ không phải lấn chiếm theo các văn bản "xác minh" mà cơ quan chức năng huyện Càng Long báo cáo lên lãnh đạo tỉnh Trà Vinh
Quá trình sử dụng đất của ông Đoàn Văn Sơn đã được Sở TNMT tỉnh Trà Vinh xác đinh rằng công dân đã sử dụng từ năm 1991 tới năm 2011. Trong đó, có nhà ở và làm nơi chứa hàng hóa, vật liệu cơ khí. Trong văn bản của ông Nguyễn Văn Hai cũng xác nhận rằng khu đất này đã có căn nhà tồn tại trước năm 1991.
Có thể khẳng định rằng, cho đến hiện tại khu đất nói trên không thuộc diện thu hồi để xây dựng các công trình công cộng, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng… Khu đất này chỉ “quá giang” thủ tục hành chính còn nhiều sai sót của cơ quan chức năng huyện Càng Long để chuyển từ quản lý, sử dụng của công dân sang cán bộ Huyện ủy. Nếu căn cứ theo Luật đất đai năm 2013 thì ông Sơn đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ, và điều đó đồng nghĩa ông Sơn phải được đền bù, bồi thường theo luật định.
Vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận và có văn bản gửi UBND tỉnh Trà Vinh để đề nghị xử lý đơn của người dân. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, mọi thứ vẫn chưa được tỉnh Trà Vinh xử lý dứt điểm.
Ảnh: UBND huyện Càng Long
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận