Trách nhiệm bồi thường khi bị kính của quán cà phê rơi trúng người?
Theo luật sư, kết quả xác minh, điều tra yếu tố lỗi của những bên liên quan vụ việc nữ bác sĩ Hoàng Minh Lý bị tấm kính cường lực tại quán cà phê The Coffee House trên phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) rơi vào người dẫn tới đa chấn thương, liệt nửa người tối 20/4/2024 là căn cứ giải quyết vụ việc.
Theo luật sư, kết quả xác minh, điều tra yếu tố lỗi của những bên liên quan vụ việc nữ bác sĩ Hoàng Minh Lý bị tấm kính cường lực tại quán cà phê The Coffee House trên phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) rơi vào người dẫn tới đa chấn thương, liệt nửa người tối 20/4/2024 là căn cứ giải quyết vụ việc.
Sự việc đã khiến 7 người (4 nhân viên, 3 khách hàng) bị thương phải vào viện, trong đó 6 người đã ra viện và được quán cà phê thanh toán toàn bộ viện phí đợt đầu.
Hơn 20 ngày sau vụ tai nạn đáng tiếc, nữ bác sĩ Hoàng Minh Lý (29 tuổi, quê quán tại xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, vừa tốt nghiệp bác sĩ nội trú ung thư, đang công tác tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều), hiện đang có những chuyển biến tích cực tại Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Dù nhập viện với tình trạng rất nặng song hiện bệnh nhân Lý đã có thể giao tiếp với mọi người xung quanh, được theo dõi để rút sonde dẫn lưu màng phổi, sau đó tập ngồi, tập phục hồi chức năng. Vấn đề đáng lo ngại nhất là khả năng phục hồi 2 chi dưới rất khó.
Các bên liên quan gồm đại diện The Coffee House, gia đình nạn nhân và Ban Quản lý tòa nhà Viet Tower (nơi The Coffee House thuê kinh doanh) đang trao đổi về phương án giải quyết, bồi thường, trong khi cơ quan chức năng đang khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ các chi tiết.
Xét về mặt pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) nêu ra 3 giả thiết:
Thứ nhất, nếu xác định hậu quả xảy ra xuất phát từ nguyên nhân không tuân thủ các yếu tố an toàn của đơn vị thi công trong quá trình thi công lắp kính cường lực, như lắp đặt ẩu, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng... hay chính đơn vị cho The Coffee House thuê mặt bằng thiếu trách nhiệm trong quá trình giám sát thi công, biết họ lắp đặt ẩu, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng mà vẫn đưa công trình vào sử dụng dẫn đến vụ việc kính cường lực rơi thì cả đơn vị thi công, và bên cho thuê mặt bằng phải có trách nhiệm.
Thứ hai, nếu The Coffee House là đơn vị thuê mặt bằng trống, thi công toàn bộ hạng mục quán trong đó có hạng mục kính cường lực mà có yếu tố lỗi, cùng với đơn vị thi công như thiếu trách nhiệm giám sát, biết thi công ẩu, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng nhưng vẫn đưa công trình vào sử dụng dẫn đến vụ việc trên, thì The Coffee House và đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, cần xác định liệu trong quá trình kinh doanh, theo định kỳ các hạng mục đó có phải kiểm tra tính an toàn hay không, hoặc nếu đã kiểm tra, đánh giá thiếu an toàn cần khắc phục, thay thế nhưng The Coffee House vẫn không có biện pháp an toàn như đặt cảnh báo, tạm dừng sử dụng... thì người đại diện pháp luật của The Coffee House phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Thứ ba, nếu kết quả điều tra xác định quá trình thi công hạng mục kính cường lực đều đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, chất lượng nguyên liệu. Vụ việc không thuộc yếu tố lỗi con người gây ra, mà hoàn toàn do sự kiện bất khả kháng (gió giật mạnh, chưa kịp đóng cửa chắn gió) thì sẽ được loại trừ trách nhiệm.
Hiện trường vụ việc - Ảnh: MXH |
Theo quy định pháp luật hiện hành, luật sư Kỹ cho biết, thiệt hại do nhà cửa gây ra thì người quản lý nhà cửa, công trình xây dựng đó phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự, nếu có lỗi liên quan đến vấn đề xây dựng, sửa chữa, thi công lắp đặt. Trường hợp chủ sở hữu giao cho người khác quản lý thì người quản lý phải bồi thường thiệt hại.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hoạt động kinh doanh của The Coffee House đăng ký và hoạt động như thế nào, sau sự việc xảy ra thì có đảm bảo an toàn hay không. Nếu cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn cho khách hàng và cho những gia đình sống xung quanh thì có thể tạm đình chỉ kinh doanh để chờ cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Trách nhiệm ở đây có thể bao gồm cả trách nhiệm hình sự về hành vi vô ý gây thương tích và trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại, tùy theo kết quả, kết luận của cơ quan chức năng.
Nếu kết quả xác minh cho thấy việc thiết kế, thi công, xây dựng công trình không đảm bảo an toàn, vi phạm quy định về xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm quy định về xây dựng có thể bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 298 Mục 3 Chương XXI phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (Luật số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), cụ thể:
Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu tấm kính rơi là do khách quan, không có lỗi của đơn vị thi công, quản lý sử dụng tòa nhà, không có hành vi vi phạm về xây dựng thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự, trách nhiệm hình sự không được đặt ra. Tuy nhiên vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 605 Mục 3 Chương XX phần thứ hai Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015).
Cụ thể, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Ngoài ra, Điều 590 Mục 2 Chương XX phần thứ hai Bộ luật Dân sự quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm nêu rõ: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; d) Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần (50 lần) mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
“Gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu chủ sở hữu tòa nhà, đơn vị quản lý vận hành tòa nhà này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng xác minh làm rõ có sai phạm về xây dựng, thi công cải tạo, sửa chữa tòa nhà dẫn đến sự việc hay không, để xem xét trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật", luật sư Kỹ phân tích.
Qua vụ việc đáng tiếc này, không chỉ các chủ cơ sở cho thuê kinh doanh mặt bằng nói chung, ngành hàng ăn uống nói riêng, mà các nhà đầu tư, chủ thương hiệu cần khẩn trương kiểm tra, rà soát, xem xét và nâng cao yêu cầu an toàn trong hợp đồng hợp tác, vận hành kinh doanh. Yêu cầu đảm bảo an toàn tính mạng con người phải được đặt lên hàng đầu.
Theo dangcongsan.vn
Bài liên quan
-
Bàn luận về chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra
-
Điều khoản “Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm trễ” trong hợp đồng xây dựng quốc tế
-
Bàn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường
-
Pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận