Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp – Kinh nghiệm của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (TNBTTH) do gây ô nhiễm môi trường (ONMT) của doanh nghiệp là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng; theo đó, doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật làm suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường hoặc xảy ra sự cố môi trường liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác thì doanh nghiệp này phải gánh chịu hậu quả bất lợi về vật chất nhằm bù đắp những tổn thất cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại
Chế định này được quy định trong một số văn bản luật như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014[1], Bộ luật Dân sự 2015[2], Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6/1/2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014…
Trong bài viết này nhóm tác giả nghiên cứu và phân tích một số quy định của pháp luật môi trường điển hình tại Trung Quốc, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về TNBTTH do gây ONMT của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Một số vấn đề pháp lý cơ bản về TNBTTH do gây ONMT của doanh nghiệp trong pháp luật Trung Quốc
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các vấn đề về môi trường liên quan đến việc lạm dụng tài nguyên thiên nhiên và kiểm soát ô nhiễm kém. Bước sang thế kỷ XXI, quốc gia này đã bị tấn công bởi một loạt các thảm họa và sự cố nghiêm trọng về môi trường[8]. Hàng năm, có đến 2.000 vụ kiện chống ONMT được nộp tại Trung Quốc[9], làm tăng nhận thức và hiểu biết của cả Chính phủ Trung Quốc và công chúng về những rủi ro môi trường[10]. Đó cũng chính là lý do khiến cho pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung cũng như pháp luật về BTTH do gây ONMT của doanh nghiệp được ra đời và chú trọng từ khá sớm so với các vấn đề pháp lý khác tại Trung Quốc, điển hình như sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường biển, Luật Phòng chống ô nhiễm khí quyển, Luật Phòng chống ô nhiễm môi trường nước, Luật Phòng chống ô nhiễm tiếng ồn môi trường, Luật Phòng chống ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, Luật Phòng chống ô nhiễm môi trường đất, v.v. Ngoài ra, còn có các điều khoản về thiệt hại do tra tấn ô nhiễm môi trường và tội phạm về ô nhiễm môi trường trong luật dân sự và hình sự của Trung Quốc, nhằm đảm bảo tối ưu quyền lợi của người bị thiệt hại và gia tăng tính răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm.
1.1 Quy định về hoán đổi nghĩa vụ chứng minh trong tranh chấp môi trường
Gánh nặng yêu cầu chứng minh thiệt hại và mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra trong các tranh chấp môi trường luôn là thách thức vô cùng khó khăn đối với chủ thể bị thiệt hại và chủ thể yêu cầu BTTH. Đây là một tồn tại dẫn đến hậu quả là các hành vi gây ONMT của doanh nghiệp xảy ra ngày càng nhiều và khó kiểm soát vì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại luôn là bên yếu thế, chênh lệch vị thế với doanh nghiệp gây ô nhiễm và là gánh nặng tố tụng khiến cho pháp luật bảo vệ môi trường khó có thể thực thi.
Pháp luật Trung Quốc với những thay đổi tiến bộ trong suốt thập kỷ qua, điển hình với việc đưa vào luật quy định “hoán đổi nghĩa vụ chứng minh” của các đương sự trong các tranh chấp liên quan đến môi trường. Điều 65 Luật Điều chỉnh các vi phạm dân sự 2009 của Trung Quốc quy định: “Với bất cứ thiệt hại nào gây ra bởi ô nhiễm môi trường, người gây thiệt hại phải gánh trách nhiệm pháp lý do vi phạm” hay Điều 66 của Luật này quy định: “Với bất kỳ vụ tranh chấp nào về vấn đề ô nhiễm môi trường, chủ thể gây ô nhiễm sẽ chịu trách nhiệm chứng minh các cáo buộc là không có căn cứ hay đưa ra quyền miễn giảm trách nhiệm pháp lý với các trường hợp cụ thể được luật quy định cùng với việc chứng minh không có mối liên hệ giữa thiệt hại xảy ra và hành vi của chủ thể này”[11]. Theo đó, chủ thể yêu cầu BTTH sẽ không phải chứng minh cho yêu cầu của mình, không phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường với những thiệt hại xảy ra mà trách nhiệm đó sẽ thuộc về bên chủ thể bị yêu cầu BTTH trong các tranh chấp về môi trường. Để bảo vệ tối đa quyền lợi của các chủ thể bị thiệt hại, tại Điều 68 của Luật này còn quy định: “Khi có bất kỳ thiệt hại nào xảy ra do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường mà có lỗi thuộc về bên thứ ba, nạn nhân có thể đòi bồi thường từ chủ thể gây thiệt hại hoặc bên thứ ba. Sau khi bồi thường cho nạn nhân, chủ thể gây thiệt hại có thể đòi lại khoản tiền này từ bên thứ ba”. Vậy là với quy định này dù doanh nghiệp không có lỗi trong vấn đề gây thiệt hại cũng vẫn phải chịu trách nhiệm BTTH cho nạn nhân, đồng thời chủ thể khởi kiện yêu cầu BTTH cũng không có nghĩa vụ phải chứng minh thiệt hại gây ra cho mình phải thuộc về trách nhiệm của bên nào. Trong trường hợp bất kỳ thiệt hại nào do ONMT mà lỗi là của bên thứ ba gây ra, nạn nhân có thể yêu cầu bên gây ô nhiễm hoặc bên thứ ba bồi thường.
Ngoài ra, theo Luật Tra tấn của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, khi có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh về ô nhiễm môi trường, người gây ô nhiễm sẽ có trách nhiệm chứng minh rằng mình không phải chịu trách nhiệm pháp lý, rằng trách nhiệm của họ có thể được giảm nhẹ trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật hoặc để chứng minh rằng không có nhân quả giữa hành vi của chủ thể và tác hại gây ra cho môi trường. Trường hợp ô nhiễm môi trường do hai người gây ô nhiễm trở lên thì mức độ trách nhiệm chứng minh của từng chủ thể gây ô nhiễm được xác định theo loại chất ô nhiễm, khối lượng phát thải và các yếu tố khác[12].
Nhận thấy sự thiếu hiệu quả trong việc giám sát quản lý, hạn chế các hành vi gây ONMT của các cơ quan có thẩm quyền cùng thực tế chứng minh rằng doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu thế về công nghệ, tài chính, khoa học kỹ thuật… trong việc thu thập dữ liệu chứng minh so với chủ thể bị thiệt hại đa phần là các cá nhân dân cư đơn lẻ nên việc quy định hoán đổi nghĩa vụ chứng minh giữa các chủ thể tham gia tranh chấp trong lĩnh vực môi trường là bước đột phá ở Trung Quốc giúp người bị thiệt hại có thể thực hiện quyền của mình một cách thực sự, bởi gánh nặng chứng minh điều kiện cấu thành TNBTTH do ONMT luôn là một trong những rào cản tố tụng quan trọng khiến người bị thiệt hại bỏ cuộc.
1.2. Quy định về bảo hiểm TNBTTH do gây ONMT của doanh nghiệp
Tại Trung Quốc – một quốc gia luôn đối diện với tình trạng ONMT trầm trọng với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, để đẩy mạnh công tác kiểm soát các hành vi gây ONMT ngày càng gia tăng của doanh nghiệp, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra một hướng tiếp cận mới, đó chính là triển khai áp dụng bảo hiểm TNBTTH về môi trường. Loại hình bảo hiểm này đã chính thức được biết đến tại Trung Quốc vào năm 2006 như là một phần của các phương pháp tiếp cận dựa trên thị trường để quản lý, kiểm soát những rủi ro, hiểm họa liên quan đến môi trường do Trung Quốc chịu ảnh hưởng của rất nhiều công ước môi trường quốc tế, như Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do ô nhiễm dầu (CLC 69) năm 1969; năm 1992 (viết tắt là CLC 92) và năm 2000; Công ước Basel về Kiểm soát các di chuyển xuyên biên giới của chất thải nguy hại năm 1991; Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do ô nhiễm dầu mỏ (viết tắt là Công ước Bunker) năm 2008[13]; Luật bảo vệ môi trường biển năm 1982; Quy chế bảo vệ môi trường năm 1983 về thăm dò và khai thác dầu ngoài khơi[14]…
Bảo hiểm TNBTTH do gây ONMT là một loại hợp đồng về bảo hiểm trách nhiệm dân sự, là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mua bảo hiểm và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm[15], theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải cam kết sẽ thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người thứ ba thay cho bên được bảo hiểm nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn hợp đồng vẫn đang có hiệu lực. Số tiền bảo hiểm có thể bao gồm chi phí khôi phục môi trường bị ô nhiễm, chi phí đối với thương tích và tử vong cho người thứ ba do hành vi gây ô nhiễm của doanh nghiệp được bảo hiểm gây ra[16]. Sản phẩm bảo hiểm này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thực hiện quy định bảo vệ môi trường, giúp giảm các nguy cơ gây thiệt hại môi trường vì bên bảo hiểm sẽ có hành động trả tiền cho bên mua bảo hiểm là doanh nghiệp khoản tiền doanh nghiệp dùng để giảm thiểu và ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại. Thứ hai, nó giúp chia sẻ gánh nặng rủi ro với doanh nghiệp trong trường hợp xảy ra sự kiện gây thiệt hại, dẫn đến phải thực hiện những khoản đền bù thiệt hại về môi trường cực kỳ tốn kém[17], bảo vệ doanh nghiệp tránh khỏi những thách thức tài chính nghiêm trọng hoặc thậm chí phá sản[18] vì với vai trò một loại hình bảo hiểm, bảo hiểm TNBTTH về môi trường sẽ phân tán rủi ro và chi phí làm ONMT của một doanh nghiệp trong một nhóm những chủ thể gây ô nhiễm để bảo vệ các doanh nghiệp mua bảo hiểm. Thứ ba, bảo hiểm này sẽ đảm bảo cho các nạn nhân phải gánh chịu hậu quả của ô nhiễm có thể được bồi thường, ngay cả tại thời điểm doanh nghiệp gây ô nhiễm không còn tồn tại hoặc bị chấm dứt hoạt động[19].
Thời gian đầu, việc triển khai đi vào thực tiễn hoạt động của loại hình bảo hiểm ô nhiễm tại Trung Quốc gặp không ít thách thức vì những lỗ hổng trong khung pháp lý cùng nhận thức của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như người dân về các vấn đề môi trường còn chưa cao. Bên cạnh đó là vấn đề tài chính trong việc chi trả các khoản bồi thường cho bên bị thiệt hại gây không ít khó khăn, gánh nặng kinh tế cho các công ty kinh doanh sản phẩm bảo hiểm này. Sau đó, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những chính sách pháp luật mới hỗ trợ và tạo điều kiện kích cầu việc sử dụng sản phẩm bảo hiểm ô nhiễm trên thị trường[20]. Theo quy định hiện nay, năm bên có tài chính liên quan tham gia vào hệ thống bảo hiểm TNBTTH của Trung Quốc gồm: Nhà nước, công ty bảo hiểm, doanh nghiệp gây ô nhiễm, nạn nhân và bên thứ ba. Với nguyên tắc hoạt động chính là “nhận hỗ trợ từ nhà nước, được vận hành bởi thị trường”, Nhà nước đóng vai trò là bên thúc đẩy chính trong sự phát triển và duy trì hoạt động của hệ thống bảo hiểm này thông qua các khung pháp lý, các cơ quan giám sát kiểm định môi trường tại địa phương và thông qua sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước Trung Quốc trong việc chi trả một phần TNBTTH cho nạn nhân và các bên thứ ba thông qua công ty bảo hiểm. Ví dụ như tại thành phố Vũ Hán đã thành lập quỹ hỗ trợ của Nhà nước tại địa phương với hai triệu Nhân dân tệ để giúp chi trả cho khoảng 50% tiền bồi thường của doanh nghiệp gây ONMT đã ký kết bảo hiểm. Hay tại tỉnh Hồ Nam, doanh nghiệp ngăn chặn được sự cố môi trường sẽ nhận được ưu đãi 5% và ưu đãi 10% từ Nhà nước cho hai năm tiếp theo nếu duy trì được sự ngăn chặn này dựa trên khoản tiền đã ký kết với bên bảo hiểm trong vấn đề phục hồi môi trường. Những đổi mới cải cách này đã giúp thu hút không ít các công ty bảo hiểm đầu tư vào loại hình bảo hiểm này, đẩy mạnh công cuộc quản lý và bảo vệ môi trường tại Trung Quốc.
Đến năm 2012, các ứng dụng thử nghiệm về bảo hiểm ô nhiễm đã được chính thức triển khai tại 14 tỉnh, thành phố[21]. Hơn mười công ty bảo hiểm đã tham gia thị trường bảo hiểm ô nhiễm với các sản phẩm và hợp đồng của riêng họ. Các công ty trong lĩnh vực nhạy cảm với môi trường và các ngành công nghiệp có rủi ro cao đã mua bảo hiểm ô nhiễm và một số trường hợp đã bồi thường thành công[22]. Đến 7/5/2018, Bộ Khoa học sinh thái và môi trường nước này đã thông qua quy định cụ thể về bảo hiểm TNBTTH do gây ONMT bắt buộc cho các doanh nghiệp có chất thải độc hại, có nguồn xả thải; kinh doanh sản phẩm dầu hoá; khai thác mỏ than, kim loại, nguyên liệu thô và các sản phẩm hoá học cùng các doanh nghiệp khác được nhà nước nhận định là có nguy cơ gây ONMT. Nếu một doanh nghiệp không áp dụng mua loại bảo hiểm này, chính phủ sẽ công khai tên của doanh nghiệp và áp dụng mức phạt 30.000 tệ[23].
Không chỉ Trung Quốc, bảo hiểm trách nhiệm BTTH về môi trường còn được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức với loại hình bảo hiểm bắt buộc hay là loại hình tự nguyện được áp dụng tại Pháp[24] như là một phương pháp quản lý các vấn nạn gây ONMT của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người bị hại một cách hiệu quả. Vì vậy, việc nghiên cứu học tập cách thức xây dựng và triển khai áp dụng của các quốc gia đối với loại hình bảo hiểm này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý cũng như đẩy mạnh tính khả thi của bảo hiểm ô nhiễm tại Việt Nam.
Quy định về Toà án chuyên trách môi trường
Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia như Úc, Nam Phi, Mỹ (một số tiểu bang), Bangladesh, Kuwait, Thụy Điển, New Zealand, Trung Quốc… đều theo đuổi mô hình Tòa án môi trường.[25] Thực tế cho thấy, so với Tòa án thông thường, việc xét xử các tranh chấp môi trường tại Tòa án môi trường với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực này đem lại hiệu quả cao hơn do tính chuyên môn hóa cao. Tại Trung Quốc, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã thành lập một Tòa án chuyên về môi trường – Tòa án đầu tiên chuyên trách xử lý các vụ án về môi trường, trực thuộc Tòa án nhân dân tỉnh và có 12 chuyên gia thuộc các lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, biển và khai khoáng với vai trò cố vấn kỹ thuật. Các chuyên gia này sẽ tham dự các phiên tòa để tư vấn về chuyên môn và trợ giúp Hội đồng xét xử giải thích rõ những vấn đề liên quan đến lĩnh vực xét xử.
Dựa trên sự thành công và hiệu quả của Tòa án tỉnh Phúc Kiến cùng với sự hoàn thiện những bất cập trong cơ chế giải quyết, Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc tiếp tục thành lập Toà án chuyên trách về môi trường tại các tỉnh khác trên cả nước. Toà án môi trường bao gồm nhiều chức năng: Lắng nghe vụ việc, xem xét và xử lại vụ việc được giải quyết bởi các Toà án cấp dưới, hướng dẫn Toà án cấp dưới thủ tục tố tụng[26]. Bên cạnh đó, quan trọng nhất, Toà án chuyên trách môi trường sẽ chịu trách nhiệm ban hành luật, giải thích và hướng dẫn áp dụng luật về những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực môi trường, đó là những quy định về yêu cầu bồi thường thiệt hại giữa các chủ thể khi có sự cố gây ô nhiễm môi trường xảy ra và những quy định giải quyết tranh chấp về lợi ích cộng đồng bị xâm phạm trong các lĩnh vực khai thác mỏ, quản lý rừng, ô nhiễm đất và nước do các chủ thể vi phạm gây nên. Tính ưu việt và hiệu quả của Toà án môi trường tại các quốc gia nói chung và tại Trung Quốc nói riêng thể hiện ở chỗ[27]:
Thứ nhất, Toà án môi trường được thiết kế với đội ngũ thẩm phán nhất định, có chuyên môn, chịu trách nhiệm xét xử tất cả các vụ án liên quan đến môi trường trong thẩm quyền của mình. Những thẩm phán này sẽ luôn được tham vấn bởi đội ngũ chuyên gia thường trực trong lĩnh vực liên quan đối các vụ việc phức tạp và lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn về môi trường. Điều này sẽ giúp sự xét xử của Tòa án trở nên hiệu quả, chuyên nghiệp và đảm bảo công bằng hơn.
Thứ hai, Toà án môi trường được trao thẩm quyền và nhiệm vụ hoàn thiện, bổ sung những lỗ hổng, vướng mắc của các thủ tục hành chính về giải quyết tranh chấp môi trường do pháp luật quy định, là diễn đàn cho sự thử nghiệm của hệ thống pháp luật trong việc xác định hướng tiếp cận mới đối với những vấn đề phức tạp. Ví dụ, Toà án môi trường ở Côn Minh và Quy Châu (Trung Quốc) được công nhận thẩm quyền để xem xét các khiếu nại từ các hành vi gây ô nhiễm môi trường mà tại Cục bảo vệ môi trường địa phương không thể giải quyết một cách hiệu quả.
Thứ ba, Tóa án môi trường có chức năng ban hành quy định mở rộng thẩm quyền cho các tổ chức phi chính chủ, Viện kiểm sát, Cục Bảo vệ môi trường và các cơ quan chính phủ có liên quan khác, thay mặt lợi ích cộng đồng đưa ra xem xét các vụ án dân sự và hành chính. Việc mở rộng thẩm quyền khởi kiện cho người bị thiệt hại về các vấn đề môi trường giúp làm tăng khả năng tiếp cận với Tòa án như một con đường để giải quyết các tranh chấp môi trường, không những đưa các Tòa án chuyên trách tham gia nhiều hơn vào hoạt động bảo vệ môi trường mà còn mở ra một cơ chế bổ sung cho các tổ chức phi chính phủ, luật sư và các cơ quan Nhà nước như Viện kiểm sát liên kết tích cực trong việc thúc đẩy bảo vệ môi trường ở Trung Quốc.
Thứ tư, về phạm vi thẩm quyền, Tòa án môi trường áp dụng mô hình “ba trong một” để tích hợp ba loại vụ kiện liên quan đến tài nguyên môi trường, làm giảm ranh giới giữa các vụ án dân sự, hình sự và các vụ án hành chính. Tất cả các trường hợp tranh chấp môi trường “ba trong một” được xử lý tại các Tòa án môi trường với tiêu chuẩn xét xử thống nhất và cân nhắc cân bằng giữa lợi ích tư nhân và lợi ích công cộng trong các vụ kiện. Các quyết định của Tòa án không những có mục đích giáo dục, trừng phạt doanh nghiệp vi phạm và bằng cách đó, công khai khẳng định các giới hạn của hành vi có thể chấp nhận được, gửi một thông điệp về các mức độ ô nhiễm và cái giá phải trả của việc phớt lờ luật pháp.
Thời gian đầu, việc thành lập Tòa môi trường, tách riêng độc lập với cơ chế xét xử tố tụng ở Tòa án nhân dân các cấp tại Trung Quốc gặp không ít khó khăn về chi phí và tìm kiếm đội ngũ thẩm phán, chuyên gia chuyên môn cho phù hợp. Tuy nhiên mô hình này là biểu hiện của sự chuyên nghiệp hóa trong xét xử các vụ án có liên quan đến môi trường, cho thấy tính răn đe, tính công bằng và độc lập được nâng cao, đặc biệt là trong các vụ án phức tạp. Ngoài việc nhằm đảm bảo lợi ích cộng đồng và chủ thể chịu thiệt hại, mô hình này còn góp phần đẩy mạnh công tác phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường của các cơ quan nhà nước có liên quan.
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về TNBTTH do gây ONMT của doanh nghiệp
2.1. Kiến nghị hoàn thiện nhóm quy định về hoán đổi nghĩa vụ chứng minh trong tranh chấp môi trường tại Việt Nam
Với thực trạng ONMT diễn ra ngày một nghiêm trọng tại Việt Nam hiện nay, việc xác định đúng đối tượng gây thiệt hại để đặt ra những chế tài xử phạt hành chính hay chế tài hình sự cũng như yêu cầu các chủ thể này chịu TNBTTH dân sự cho người bị hại là vô cùng quan trọng. Những quy định pháp luật Việt Nam hiện hành đã gây ra rất nhiều khó khăn và bất hợp lý, tạo ra nhiều rào cản pháp lý khiến người bị thiệt hại luôn có xu hướng bỏ cuộc trong các vụ tranh chấp môi trường. Tại khoản 5 điều 13 Nghị định số 03/2015/NĐ-CP cũng đã đưa ra quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường” tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào thêm về vấn đề này. Vì vậy nhóm tác giả xin đưa ra kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý quy định, hướng dẫn các doanh nghiệp gây ONMT chứng minh hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình không gây thiệt hại môi trường như sau:
+ Bổ sung quy định riêng trong Bộ luật tố tụng dân sự đối với các tranh chấp môi trường, chủ thể yêu cầu TNBTTH chỉ cần đưa ra căn cứ chứng minh có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, chủ thể bị yêu cầu TNBTTH có nghĩa vụ chứng minh tồn tại hay không mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của chủ thể này với thiệt hại xảy ra cho bên yêu cầu bồi thường;
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về trình tự, thủ tục cũng như các giấy tờ cần thiết để chủ thể yêu cầu TNBTTH chứng minh có hành vi vi phạm và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chứng minh không gây ONMT như quy định nêu trên với sự hỗ trợ từ các cơ quan giám định tại địa phương nơi xảy ra hành vi gây ONMT;
+ Đối với trường hợp người dân chứng minh được nguy cơ gây ONMT của doanh nghiệp, ban hành quy định trao thẩm quyền cho Tòa án có thể áp dụng nguyên tắc đề phòng thiệt hại môi trường và yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động đến khi chứng minh được không có bất kì khả năng thiệt hại hoặc mối đe dọa gây thiệt hại nào từ hành động sản xuất, khai thác của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp chứng minh đã đưa ra các biện pháp ngăn chặn cần thiết để khắc phục. Bằng cách quy định như vậy Tòa án ở một mức độ nhất định đã chuyển nghĩa vụ chứng minh thiệt hại từ cộng đồng người dân bị ảnh hưởng sang cho doanh nghiệp gây ONMT[28].
2.2. Kiến nghị hoàn thiện nhóm quy định về bảo hiểm TNBTTH do gây ONMT của doanh nghiệp tại Việt Nam
Từ năm 2005, Việt Nam đã tiếp cận với loại hình bảo hiểm TNBTTH về môi trường thông qua quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến nay các quy định về loại hình bảo hiểm này đã được thay thế bằng Luật Bảo vệ môi trường 2014; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật khác. Cụ thể, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm hoạt động dầu khí, sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu; sử dụng tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ, hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải có trách nhiệm mua bảo hiểm TNBTTH về môi trường, hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. Mặc dù vấn đề còn được đề cập trong các quy định pháp luật khác tại Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, cùng một số văn bản như Nghị định 92/2015/NĐ-CP, Thông tư 13/2012/TT-BTC… nhưng cho đến nay, bảo hiểm TNBTTH về môi trường chưa được triển khai hiệu quả trong thực tế, chưa có quy định cụ thể để thực hiện cũng như chưa thu hút được các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đầu tư loại hình bảo hiểm này. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm các nước, trong đó có Trung Quốc và nền tảng quy định tại pháp luật Việt Nam đối với loại hình bảo hiểm này, nhóm tác giả xin kiến nghị giải pháp hoàn thiện khung pháp lý như sau:
+ Hoàn thiện quy định về danh mục đối tượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh phải mua bảo hiểm bắt buộc TNBTTH về môi trường như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ, nguyên liệu thô và các tài nguyên khác có nguy cơ gây ONMT; doanh nghiệp sản xuất có nguồn xả thải hay các loại chất thải nguy hại, doanh nghiệp kinh doanh chất hóa học hay các sản phẩm dầu hóa;
+ Ban hành văn bản pháp luật giải thích và hướng dẫn chi tiết về bảo hiểm TNBTTH về môi trường, phân cấp gói bảo hiểm theo mức độ hoạt động kinh doanh sản xuất cùng nguy cơ gây ô nhiễm của doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp cùng các Bộ ngành có liên quan ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện loại hình bảo hiểm này đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc;
+ Ban hành quy định cụ thể thể hiện sự phối hợp của Nhà nước trong hoạt động thẩm định, giám định, đánh giá thiệt hại với các bên tham gia bảo hiểm; quy định về những ưu đãi hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với doanh nghiệp kinh doanh loại hình bảo hiểm này;
+ Ban hành quy định thủ tục hướng dẫn chi tiết và cụ thể về bên bị thiệt hại yêu cầu TNBTTH từ doanh nghiệp gây ô nhiễm và doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với việc áp dụng thực tế bảo hiểm TNBTTH về môi trường tại Việt Nam, nhóm tác giả kiến nghị áp dụng thử nghiệm trước hết tại các tỉnh thành phố công nghiệp lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh để nghiên cứu tính khả thi hiệu quả trong công cuộc kiểm soát các hành vi gây ONMT của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của người bị hại cũng như phát hiện những thiếu sót, vướng mắc trong các chính sách, quy định pháp luật. Đồng thời thông qua việc áp dụng thí điểm tại những tỉnh thành phố này, Nhà nước sau đó cần đưa ra quy định hoàn thiện, cụ thể đối với chế định bảo hiểm này.
2.3 Kiến nghị xây dựng nhóm quy định về Toà án chuyên trách môi trường tại Việt Nam
Mặc dù ô nhiễm môi trường và các hậu quả của nó đã và đang trở nên hết sức nghiêm trọng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại Tòa án hiện nay gặp nhiều khó khăn và rào cản pháp lý. Cho tới nay, trên cả nước chỉ có hai vụ tranh chấp dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do ô nhiễm môi trường được giải quyết tại Toà án[29]. Từ góc độ luật pháp, về thực chất cả hai vụ án nói trên đều không mang lại kết quả rõ ràng và câu trả lời xác thực cho câu hỏi rằng trong bối cảnh hiện nay, liệu các điều kiện và khả năng các yêu cầu dân sự về đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể giải quyết thành công bằng con đường tố tụng toà án thông thường hay không vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên, ít nhất cả hai vụ án đã cùng chỉ ra các vướng mắc, khó khăn cả về pháp lý (quy định pháp luật còn nhiều bất cập) và thực tiễn (trình tự tố tụng không đặc thù, thẩm phán và hội thẩm nhân dân còn thiếu chuyên môn), bao gồm khung khổ pháp luật và cơ chế thi hành, cho mục đích thực hiện bồi thường thiệt do ô nhiễm môi trường. Đáng nói, trong vụ án môi trường ở Bắc Giang dù các tình tiết của vụ án khá rõ ràng (như có hành vi gây ô nhiễm môi trường, có thiệt hại phát sinh, cơ quan chính quyền đã tiến hành xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm), đồng thời có các luật sư có kinh nghiệm và tận tâm giúp đỡ nhưng các hộ dân là nạn nhân của hành vi gây ô nhiễm môi trường vẫn ở vị thế rất yếu và bất lợi khi khởi kiện dân sự và tranh tụng tại Toà án nhằm đòi bồi thường thiệt hại theo tranh chấp ngoài hợp đồng. Để khắc phục được tình trạng trên, nhóm tác giả kiến nghị giải pháp xem xét đến việc thành lập một Tòa án về môi trường thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh như bài học kinh nghiệp của Trung Quốc, với những lý do sau:
+ Thứ nhất, việc thành lập Tòa môi trường trong tình hình hiện nay là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng, quan điểm của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tuân thủ các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường. Trên thế giới, có nhiều quốc gia đã theo đuổi mô hình Tòa án này và Việt Nam có thể triển khai theo hướng đó để áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với hệ thống tư pháp quốc gia;
+ Thứ hai, việc xây dựng Tòa án chuyên trách trong lĩnh vực môi trường sẽ giúp thống nhất các quan điểm và trình tự thủ tục xét xử đối với các tranh chấp môi trường đặc thù, tháo gỡ dần các khó khăn và rào cản pháp lý phiền hà, tốn kém và giảm tải áp lực trách nhiệm đối với cơ quan quản lý trong quá trình giải quyết các vụ án, đặc biệt là các vụ việc có tính chất phức tạp, phạm vi rộng liên khu vực, thời gian tố tụng kéo dài, bị đơn là nhiều cá nhân, pháp nhân có cùng thiệt hại do hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Theo đó, Tòa án chuyên trách sẽ giải quyết những tranh chấp này theo thủ tục tố tụng đơn giản, khác biệt với trình tự tố tụng thông thường;
+ Thứ ba, việc xây dựng Tòa án môi trường tạo tiền đề phân hóa, tập trung chuyên môn nhiệm vụ chuyên ngành cũng như kỹ năng xét xử của các thẩm phán, các chuyên gia kỹ thuật, tổ chức giám định, đánh giá thiệt hại môi trường, đánh giá đất đai, kiến trúc, xây dựng, khảo sát đo lường, quản lý nguồn tài nguyên… và các chủ thể nhà nước có liên quan trong lĩnh vực quản lý môi trường, để có thể xử lý và giải quyết các vụ việc môi trường một cách khoa học, hiệu quả;
+ Thứ tư, bổ sung những quy định tạo sự liên thông giữa việc áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp xử lý hình sự với việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại tại các Tòa chuyên trách. Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính được công bố công khai, các phán quyết hình sự của Tòa án phải được thừa nhận một cách mặc nhiên là chứng cứ về sự tồn tại của hành vi gây ONMT của doanh nghiệp và người bị thiệt hại không cần phải chứng minh tính bất hợp pháp của các hành vi đó trong các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://cyberleninka.org/article/n/1386462/viewer ( Malaysia)
The Political Logic of China’s New Environmental Courts by Rachel E.Stern
https://www.law.berkeley.edu/php-programs/faculty/facultyPubsPDF.php?facID=15878&pubID=13
China’s Green Courts By Hyeon-Ju – China Country Director of ABA Rule of Law Initiative discusses China’s new green courts and the promise of justice. (8 February, 2010), available at
https://www.chinawaterrisk.org/interviews/chinas-green-courts/
Tort Liability Law of the People’s Republic of China, Dec. 26, 2009, available at http://www.gov.cn/flfg/2009-12/26/content_1497435.htm
Article 8 at the Standing Committee of the People’s Congress (SCPC) of Liaoning Province in 2008 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4132471/
Strengthening Environmental Rule of Law in China: ClientEarth welcomes Chinese Supreme Court Judges by Clientearth (2016) https://www.clientearth.org/strengthening-environmental-rule-law-china/
A thesis on the establishment of specialized environmental and resources courts in China by J D Zhang (2019), available at
https://iopscience.iop.org/article/10.1088/1755-1315/354/1/012059/pdf
Mandating Environmental Pollution Liability Insurance in China by Frank Wang ̣(July 19, 2018), https://www.genre.com/knowledge/blog/mandating-environmental-pollution-liability-insurance-in-china-en.htl
China’s Green Courts By Hyeon-Ju – China Country Director of ABA Rule of Law Initiative discusses China’s new green courts and the promise of justice. (8 February, 2010), available at:
https://www.chinawaterrisk.org/interviews/chinas-green-courts/
Tort Liability Law of the People’s Republic of China, Dec. 26, 2009, available at http://www.gov.cn/flfg/2009-12/26/content_1497435.htm
The burden of proof: Evidence in environmental litigation – By Dr. Carolijn Terwindṭ̣ (2018) https://micromag.evidenceandinfluence.org/article/the-burden-of-proof-evidence-in-environmental-litigation/index.html
Environmental Pollution Liability Insurance in China: In Need of Strong Government Backing by Yan Feng, Arthur P. J. Mol, Yonglong Lu, Guizhen He, and S. A. van Koppen( 2013) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4132471/
A thesis on the establishment of specialized environmental and resources courts in China by J D Zhang (2019
[1] Điều 164 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định về nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường:
“1. Ô nhiễm môi trường và hậu quả do ô nhiễm môi trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra và kết luận kịp thời.
Hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tổ chức, cá nhân phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân được quy định như sau:
a) Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình;
b) Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra;
c) Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”
[2] Điều 602 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường:
“Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.”
[3] Minh Quang, Vedan “giết” sông Thị Vải,
https://tuoitre.vn/vedan-giet-song-thi-vai-278294.htm, truy cập ngày 15/7/2020
[4] H.Mi, M.Thuận, Q.Thanh, Vụ Vedan “giết” sông Thị Vải: “Thành công” suốt 14 năm,
https://tuoitre.vn/vu-vedan-giet-song-thi-vai-thanh-cong-suot-14-nam-278743.htm, truy cập 10/7/2020
[5] Anh Hiếu, “Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao” gây ô nhiễm, http://cand.com.vn/Kinh-te/Supe-phot-phat-va-Hoa-chat-Lam-Thao-gay-o-nhiem-137846/, truy cập 10/6/2020
[6] Nhìn lại vụ “đầu độc” môi trường của Công ty CP Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa), http://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/nhin-lai-vu-dau-doc-moi-truong-cua-cong-ty-cp-nicotex-thanh-thai-thanh-hoa-207652.html, truy cập 5/5/2020
[7]Nguyễn Hoài, Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, https://www.tienphong.vn/xa-hoi/canh-bao-nguy-co-o-nhiem-thuy-ngan-sau-vu-chay-o-cong-ty-rang-dong-1458315.tpo, truy cập 10/5/2020
[8]He G, Zhang L, Lu Y, Mol APJ. Managing major chemical accidents in China: Towards effective risk information. Journal of Hazardous Materials. 2011;187:171–181. doi: 10.1016/j.jhazmat.2011.01.017. [PubMed] [CrossRef]
[9]Chẳng hạn như vụ tràn hóa chất năm 2005 trên sông Songhuajiang: https://tuoitre.vn/nhiem-doc-tung-hoa-thay-mat-dong-song-di-kien-279483.htm, truy cập 6/4/2019
[10] https://news.zing.vn/nha-may-ty-do-cua-tq-bi-dong-cua-vi-xa-bun-do-ra-bien-o-png-post1005292.html, truy cập 6/5/2019
[11]Tort Liability Law of the People’s Republic of China, Dec. 26, 2009, available at http://www.gov.cn/flfg/2009-12/26/content_1497435.htm
[12] Winners Law Firm – Shen Jinzhong, Environmental law in China, https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=9f730a4a-45eb-4bc3-a71d-b870b0f33863, truy cập ngày 1/7/2020
[13]Chen P. A study on the types of liability of the insurer for oil pollution and that of the party liable. In: Faure MG, Hu J, editors. Prevention and compensation of marine pollution damage, recent developments in Europe, China and the US. Alphen: Kluwer; 2006. pp. 241–262
[14]https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4132471/, truy cập ngày 30/10/2018
[15] Điều 12 Luật kinh doanh kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2019]
[16] Stone, A. 2001. Pollution insurance growing in popularity. Philadelphia Business Journal. Retrieved Nov 5, 2001, from http://www.bizjournals.com/philadelphia/stories/2001/11/05/focus4.html
[17]TNBTTH do gây ONMT của doanh nghiệp là loại trách nhiệm đặc thù với số tiền BTTH tương đối lớn do mức độ ảnh hưởng rộng của thiệt hại, không phải chỉ ảnh hưởng tới một khu vực mà còn liên lụy đến cả các khu vực lân cận khác, không chỉ một cá nhân chịu thiệt hại mà còn nhiều cá nhân, chủ thể khác. Xem thêm: Hoàng Anh, Những khoản đền bù khổng lồ vì gây ô nhiễm trên thế giới, https://news.zing.vn/nhung-khoan-den-bu-khong-lo-vi-gay-o-nhiem-tren-the-gioi-post661271.html, truy cập ngày 30/10/2018
[18]Hồng Duy, Các tập đoàn điêu đứng, hết đường tồn tại vì gây ô nhiễm, https://news.zing.vn/cac-tap-doan-dieu-dung-het-duong-ton-tai-vi-gay-o-nhiem-post661215.html, truy cập ngày 30/10/2018
[19] Environmental Pollution Liability Insurance in China: In Need of Strong Government Backing ( 2013) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4132471/
[20] Article 8 at the Standing Committee of the People’s Congress (SCPC) of Liaoning Province in 2008 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4132471/
[21]Đến cuối năm 2011, 14 tỉnh và thành phố (Giang Tô, Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh, Thâm Quyến, Ninh Ba, Thẩm Dương, Hà Bắc, Hà Nam, Vân Nam, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Phúc Kiến và Sơn Tây) đã bắt đầu áp dụng thử nghiệm bảo hiểm ô nhiễm. Một số chính quyền địa phương trong các khu vực thí điểm này (tức là Thượng Hải, Hà Bắc, Hà Nam, Liêu Ninh, Trùng Khánh và Giang Tô) đã đưa ra luật pháp về bảo hiểm ô nhiễm tại địa phương và bắt đầu tìm hiểu và thiết lập các chính sách bảo hiểm ô nhiễm. Hầu hết các tỉnh và thành phố này đã ban hành các hướng dẫn thực hiện, các nguyên tắc được công bố và sắp xếp công việc thiết lập với các ngành công nghiệp.
[22]Vào tháng 10 năm 2008, trường hợp bồi thường bảo hiểm ô nhiễm đầu tiên là tại tỉnh Hồ Nam. Công ty Bảo hiểm Pingan đã trả 11 000 Yuan cho 120 hộ bị ảnh hưởng bởi sự tràn dầu khí hydro chloride từ một nhà máy hóa chất.
[23] Mandating Environmental Pollution Liability Insurance in China by Frank Wang ̣(July 19, 2018) https://www.genre.com/knowledge/blog/mandating-environmental-pollution-liability-insurance-in-china-en.htl
[24] Environmental Pollution Liability Insurance in China: In Need of Strong Government Backing ( 2013)
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4132471/
[25] Ths. Nguyễn Văn Tùng “Tòa môi trường – Cơ chế mới cho những vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường ở Việt Nam”, http://nature.org.vn/vn/wp-content/uploads/2014/11/27112014_HTJiff_Toamoitruong.pdf, truy cập ngày 1/4/2020
[26] Strengthening Environmental Rule of Law in China: ClientEarth welcomes Chinese Supreme Court Judges by Clientearth (2016) https://www.clientearth.org/strengthening-environmental-rule-law-china/
[27]China’s Green Courts By Hyeon-Ju – China Country Director of ABA Rule of Law Initiative discusses China’s new green courts and the promise of justice. (8 February, 2010), available at:
https://www.chinawaterrisk.org/interviews/chinas-green-courts/
[28] Tại hệ thống Tòa án của Argentina, để giảm bớt gánh nặng chứng minh cho người bị thiệt hại đối với các hoạt động khai thác mỏ, tòa đã áp dụng “nguyên tắc đề phòng thiệt hại” – một nguyên tắc pháp lý quan trọng cho việc chuyển đổi nghĩa vụ chứng minh của tòa án nước này, và tạm dừng các dự án khai thác cho đến khi doanh nghiệp bị kiện có thể chứng minh được không có bất kì khả năng thiệt hại hoặc mối đe dọa gây thiệt hại nào từ hành động khai thác của doanh nghiệp. Xem thêm: The burden of proof: Evidence in environmental litigation – By Dr. Carolijn Terwindṭ̣ (2018) available at https://micromag.evidenceandinfluence.org/article/the-burden-of-proof-evidence-in-environmental-litigation/index.html
[29] Vụ thứ nhất: Trong tháng 9/2015, 11 doanh nghiệp chế biến hải sản hai lần xả thải gây ô nhiễm nước sông Chà Và ở thành phố Vũng Tàu, gây thiệt hại (cá chết) cho 33 hộ dân nuôi trồng thuỷ sản. Các hộ dân đã ngay lập tức yêu cầu Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giám định nguyên nhân cá chết và kết luận 76,64% do xả thải nhiễm độc của các doanh nghiệp nói trên. Các hộ dân cùng khởi kiện lên Toà án thành phố Vũng Tàu và được thụ lý trong cùng một vụ án. Bản án sơ thẩm ngày 22/12/2016 chấp nhận yêu cầu của 33 Nguyên đơn đòi 11 Bị đơn thanh toán tổng số tiền thiệt hại (tương đương 76,64% tổng yêu cầu khởi kiện) là 13.3 tỷ, bao gồm thiệt hại cá thương phẩm, con giống, thức ăn cho cá, nhân công và chi phí khác. Các Bị đơn kháng cáo lên Toà án tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với lý do chính là không đồng ý với kết quả giám định của Viện Môi trường và Tài nguyên cũng như xác định thiệt hại theo cách tự tính của các Nguyên đơn. Ngày 01/08/2017, tại phiên toà phúc thẩm, các bên đã tự hoà giải nên Hội đồng xét xử ra bản án công nhận hoà giải thành của các bên, theo đó các Bị đơn sẽ chỉ phải trả cho các Nguyên đơn tổng số tiền là 5.5 tỷ đồng. Các bị đơn phải thành toán toàn bộ án phí sơ thẩm và phúc thẩm.
Vụ thứ hai, từ năm 2007 đến 2017, do việc xả thải cả nước và khói của Công ty giấy Bắc Hà, khoảng 70 hộ dân của thôn 7 xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang đã bị thiệt hại về sức khoẻ (với nhiều người dân bị lở loét khi đi làm đồng và trên 60 người chết vì ung thư do khói bụi) và tài sản (với sản lượng lúa trên cánh đồng sử dụng nguồn nước tưới bị ô nhiễm sụt giảm 50%). UBND xã Tăng Tiến đã có văn bản thông báo và yêu cầu xử lý lên UBND huyện và UBND tỉnh. Sở TN-MT Bắc Giang đã kiểm tra và bốn lần xử phạt hành chính bằng tiền đối với Công ty Bắc Hà do hành vi không có hệ thống xử lý chất thải và xả thải nước không qua xử lý đạt chuẩn. Các yêu cầu đòi chấm dứt xả thải gây ô nhiễm và bồi thường thiệt hại của người dân với Công ty Bắc Hà không được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công ty này chấp nhận. Bản án sơ thẩm đã tuyên vào ngày 31/01/2019 bác toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Nguyên đơn đã kháng cáo lên Toà án tỉnh Bắc Giang nhưng đã bị bác yêu cầu với các lý do tương tự. Xem thêm: Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Nhiều bất cập trong bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bằng tố tụng tòa án, https://enternews.vn/nhieu-bat-cap-trong-boi-thuong-thiet-hai-do-o-nhiem-moi-truong-bang-to-tung-toa-an-162538.html.
[30] Điều 34 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014
Ảnh: Internet
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận