![](https://cdn.tapchitoaan.vn/media/2025/images/%E1%BA%A2nh%20(82).jpg)
Trách nhiệm của Tòa án liên quan đến việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong tố tụng dân sự theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
Bài viết phân tích cụ thể các điểm mới của Luật Tổ chức TAND năm 2024 so với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và BLTTDS năm 2015. Từ đó, các tác giả khẳng định rằng quyền lợi của người dân trong tố tụng dân sự vẫn được bảo đảm và Tòa án vẫn có vai trò trong hoạt động thu thập chứng cứ. Đồng thời, bài viết cũng phân tích một số quy định của một số luật liên quan đến việc thu thập chứng cứ để làm rõ tính chủ động của các bên đương sự trong các vụ việc dân sự.
1. Quy định của một số luật có liên quan
1.1. Quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và BLTTDS năm 2015
Căn cứ theo khoản 4 Điều 2 của Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật này quy định rằng “Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng”. Đồng thời, căn cứ theo khoản 2 Điều 6 BLTTDS năm 2015, Bộ luật này quy định rằng “Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định”. Đây được cho là các quy định về nguyên tắc cơ bản nhằm đặt ra trách nhiệm của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự1.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 48, khoản 7 Điều 70, điểm e khoản 1 Điều 97, khoản 2 và khoản 3 Điều 106 của BLTTDS năm 2015, Tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ nếu như thỏa mãn một số điều kiện sau: (1) Đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ; (2) Đương sự có đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ phù hợp theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, nhiều đương sự đã áp dụng các căn cứ pháp lý nêu trên để yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, dẫn đến hệ quả là tăng khối lượng công việc của Tòa án khi giải quyết vụ việc2.
1.2. Quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2024
Căn cứ theo khoản 1, 2, 3 và 4 của Luật Tổ chức TAND năm 2024, việc thu thập chứng cứ được quy định như sau:
“1. Trong vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác, các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định của pháp luật.
2. Tòa án hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật.
3. Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của Tòa án.
4. Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ”.
Trong khi khoản 4 Điều 2 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định theo hướng Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự. Điều này vô hình trung giúp nhiều người hiểu theo hướng “việc thu thập tài liệu, chứng cứ là trách nhiệm hoặc nghĩa vụ của Tòa án” hoặc “Tòa án phải chủ động thu thập tài liệu, chứng cứ”. Theo Luật Tổ chức TAND năm 2024, trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ thuộc về các bên đương sự trong vụ việc dân sự. Điều này là hợp lý. Bởi lẽ, các bên đương sự, người yêu cầu là người có quyền và lợi ích bị ảnh hưởng trực tiếp trong vụ việc dân sự, do đó tính chủ động trong việc thu thập chứng cứ trước hết phải thuộc về họ.
Tuy nhiên, các tác giả cho rằng Tòa án cũng không bị động trong việc thu thập chứng cứ như một số ý kiến trái chiều từng đưa ra. Bởi lẽ, khoản 4 Điều 15 Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã quy định rõ các điều kiện để các bên đương sự được Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ. Theo quan điểm của các tác giả, các điều kiện này không có sự khác biệt so với BLTTDS năm 2015. Cụ thể, có 02 điều kiện là (1) các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ; và (2) các bên đề nghị Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ.
Bên cạnh đó, theo dự thảo lần 5 của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), việc hỗ trợ thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự được đề xuất chỉ đặt ra đối với nhóm đương sự là người yếu thế trong xã hội3. Tuy nhiên, theo Luật Tổ chức TAND năm 2024 được thông qua thì việc hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ này là dành cho “các bên”. Điều này có thể được hiểu rằng mọi đương sự có quyền đề nghị Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ theo các điều kiện mà pháp luật quy định.
Như vậy, trách nhiệm chủ động trong việc thu thập tài liệu chứng cứ thuộc về các bên đương sự, và các điều kiện về việc hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án vẫn được giữ nguyên. Các quy định này của Luật Tổ chức TAND năm 2024 vẫn bảo đảm quyền lợi của người dân và cân bằng với hoạt động của Tòa án.
1.3. Quy định của một số luật liên quan đến việc thu thập chứng cứ
Trước đây, một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc người dân tự mình thu thập chứng cứ sẽ rất khó khăn. Theo đó, các đại biểu cho rằng việc thu thập thông tin tại các ngân hàng, cơ quan nhà nước (ví dụ như cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan tài nguyên - môi trường,…) dường như là không khả thi. Nếu nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ thực tiễn, có lẽ như các quy định mới của Luật Tổ chức TAND năm 2024 đang đặt ra nhiều trách nhiệm cho các bên đương sự.
Tuy nhiên, các tác giả cho rằng một số cơ sở pháp lý tại một số luật liên quan, dù không trực tiếp đề cập tới việc thu thập chứng cứ, nhưng cũng đã được cập nhật theo hướng tạo sự chủ động cho người dân khi thu thập chứng cứ tại tổ chức hoặc cơ quan nhà nước. Cụ thể như sau:
- Theo khoản 6 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (được Quốc hội thông qua vào ngày 29/6/2024, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2025), một trong những trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội là “xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho từng người lao động; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu”. Tài liệu chứa thông tin liên quan đến bảo hiểm xã hội là một trong những loại chứng cứ phổ biến trong các tranh chấp lao động. Trong trường hợp này, người lao động hay người sử dụng lao động có vẫn có thể yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp một số thông tin nhất định và sau đó giao nộp chứng cứ cho Tòa án.
- Theo khoản 4 Điều 130 Luật Đất đai năm 2024 (được Quốc hội thông qua vào ngày 18/01/2024, có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024), công chức làm nhiệm vụ địa chính cấp xã có trách nhiệm quản lý, sử dụng thông tin từ hồ sơ địa chính phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương và theo yêu cầu của công dân. Như vậy, trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, đặc biệt là các tranh chấp về đất đai, công dân vẫn có thể yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin sẽ phụ thuộc vào các hạn chế theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Theo Điều 11 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chỉ có 02 trường hợp mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức khác, cá nhân là (1) Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng được quy định cụ thể tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; và (2) Có chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng. Như vậy, trong lĩnh vực ngân hàng, việc tiếp cận thông tin dường như có nhiều hạn chế hơn và điều này là cần thiết để bảo mật thông tin khách hàng.
Trên thực tế, có thể có những trường hợp đương sự, người có yêu cầu giải quyết việc dân sự trên thực tế không thể thu thập chứng cứ do các hạn chế mà quy định của pháp luật đặt ra hoặc do các cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ tài liệu, chứng cứ. Tuy vậy, các tác giả cho rằng khoản 4 Điều 15 Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Mặc dù trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ thuộc về các đương sự và họ phải chủ động thực hiện, nếu bên không thể thu thập chứng cứ thì vẫn có thể đề nghị Tòa án hỗ trợ nhưng phải chứng minh được mình đã thực hiện các biện pháp cần thiết. Từ đó, Tòa án sẽ đánh giá và quyết định hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ hay không.
4. Một số vấn đề đặt ra và kiến nghị
Theo tinh thần của Luật Tổ chức TAND năm 2024, các bên trong vụ việc dân sự phải tự mình chủ động thu thập tài liệu, chứng cứ và chỉ có thể đề nghị Tòa án hỗ trợ với những điều kiện nhất định. Đặc biệt, điều kiện cần nên thảo luận ở đây là “Các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ”. Liệu rằng, các Thẩm phán giải quyết các vụ việc dân sự trên thực tế có cần đánh giá các yếu tố tác động đến khả năng thu thập chứng cứ của đương sự, người có yêu cầu giải quyết việc dân sự hay không. Bởi lẽ, trước đây khi Quốc hội thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng việc quy định các bên tự thu thập chứng cứ trong bối cảnh xã hội Việt Nam là rất khó khăn. Một số yếu tố chủ quan như trình độ dân trí, văn hóa, điều kiện kinh tế của người dân; và sự khó khăn của một số đối tượng thuộc nhóm yếu thế sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu thập chứng cứ4. Tuy vậy, cũng có một số yếu tố khách quan, không phụ thuộc vào các bên trong vụ việc dân sự, chẳng hạn như quy định của pháp luật hạn chế đối tượng được tiếp cận một số thông tin, tài liệu nhất định; hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm giữ chứng cứ không hợp tác, đặt ra các yêu cầu đối với bên thu thập chứng cứ.
Đối với các trường hợp do yếu tố khách quan, các tác giả cho rằng Tòa án có thể hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ sau khi các bên có văn bản đề nghị hỗ trợ và nêu rõ các biện pháp đã thực hiện nhưng vẫn không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ.
Đối với các trường hợp do yếu tố chủ quan, giả sử như một số người lao động nghèo hoặc người cao tuổi không có hiểu biết về thủ tục cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc thủ tục ngân hàng, thực hiện sai các yêu cầu dẫn đến bị từ chối cung cấp thông tin. Nếu theo tinh thần của Luật Tổ chức TAND năm 2024, các tác giả cho rằng trước hết Tòa án cần đánh giá các lý do dẫn đến việc đương sự không thể thu thập chứng cứ, hướng dẫn họ thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật; nếu họ vẫn không thể thu thập được chứng cứ thì Tòa án mới hướng dẫn họ làm đơn đề nghị hỗ trợ.
Với cách tiếp cận như vậy, có lẽ sẽ phần nào giảm tải áp lực liên quan đến việc thu thập chứng cứ cho nhân lực ngành Tòa án, đề cao vai trò chủ động của các bên trong vụ việc dân sự khi thu thập chứng cứ, tập trung vai trò của Tòa án làm cơ quan xét xử, là trung gian để kiểm tra, đánh giá tính xác thực của chứng cứ và đưa ra phán quyết công tâm, khách quan và công bằng.
1 Cao Việt Huy - Nguyễn Thu Huyền - Bùi Trần Bảo Minh (2024), Trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong vụ án dân sự - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện, https://tapchitoaan.vn/trach-nhiem-thu-thap-chung-cu- cua-toa-an-trong-vu-an-dan-su-thuc-trang-va-giai-phap-hoan-thien11219.html, truy cập ngày 24/10/2024.
2 Hữu Đăng (2024), Luật Tổ chức TAND 2024: Tòa không có trách nhiệm thu thập chứng cứ, https://plo.vn/luat-to- chuc-tand-2024-toa-khong-co-trach-nhiem-thu-thap-chung-cu-post798725.html, truy cập ngày 24/10/2024.
3 Tòa án nhân dân tối cao (2024), Dự thảo lần 5 - Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/dtluatsuadoict?dDocName=TAND325817, truy cập ngày 24/10/2024.
4 Nhóm PV Báo Pháp luật (2023), Đại biểu tranh luận việc 'tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ', https://plo.vn/dai-bieu-tranh-luan-viec-toa-an-khong-co-nghia-vu-thu-thap-chung-cu-post762916.html, truy cập ngày 25/10/2024.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định giá trị tài sản mà Trần Thị T chiếm đoạt trong tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" là 132.567.000 đồng
-
Ngày Xuân, Cột cờ Lũng Cú cảnh đẹp mê hoặc lòng người
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Xuân mới, cơ hội mới, khí thế mới!
Bình luận