Trách nhiệm của Tòa án trong phối hợp thực hiện hoạt động tố tụng dân sự và hành chính ở nước ngoài

Ngày 05/12/2019, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao đã ký Thông tư liên tịch số 01/2019/TTLT-TANDTC-BNG quy định trình tự, thủ tục giữa TAND và Cơ quan đại diện Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thực hiện một số hoạt động tố tụng dân sự và tố tụng hành chính ở nước ngoài (gọi tắt là Thông tư liên tịch 01/2019). Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 03/02/2020. Trong đó, Thông tư liên có những quy định mới về nhiệm vụ cụ thể của TAND.

1. Về hồ sơ đề nghị tống đạt văn bản tố tụng

Hồ sơ đề nghị tống đạt văn bản tố tụng bao gồm:

– Văn bản đề nghị Cơ quan đại diện tống đạt văn bản tố tụng;

– Văn bản tố tụng cần được tống đạt cho đương sự;

– Giấy tờ, tài liệu của đương sự ở trong nước đề nghị Tòa án gửi cho đương sự (nếu có);

– Bản chụp hóa đơn, chứng từ chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài.

Tòa án lập hồ sơ đề nghị tống đạt văn bản tố tụng theo cách thức sau đây:

– Văn bản đề nghị Cơ quan đại diện tống đạt văn bản tố tụng được lập theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

– Trường hợp cần tống đạt văn bản tố tụng cho nhiều đương sự có địa chỉ khác nhau hoặc cho nhiều đương sự có cùng một địa chỉ, thì hồ sơ được lập riêng theo từng địa chỉ của đương sự hoặc cho từng đương sự;

– Hồ sơ đề nghị tống đạt văn bản tố tụng được lập thành hai bộ; một bộ để gửi cho Cơ quan đại diện và một bộ để lưu hồ sơ vụ việc.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập xong hồ sơ đề nghị tống đạt và hoàn thành việc chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài cho Cơ quan đại diện, Tòa án gửi hồ sơ đó cho Cơ quan đại diện.

2. Về hồ sơ đề nghị thông báo văn bản tố tụng

Hồ sơ đề nghị thông báo văn bản tố tụng bao gồm:

– Văn bản đề nghị Cơ quan đại diện thông báo văn bản tố tụng;

– Văn bản tố tụng cần được thông báo cho đương sự;

– Bản chụp hóa đơn, chứng từ chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài.

– Giấy tờ, tài liệu của đương sự ở trong nước đề nghị Tòa án gửi cho đương sự (nếu có).

Trường hợp đương sự được thông báo văn bản tố tụng là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, thì hồ sơ đề nghị thông báo văn bản tố tụng còn bao gồm bản dịch văn bản tố tụng ra tiếng nước ngoài có chứng thực chữ ký người dịch.

Tòa án lập hồ sơ đề nghị thông báo văn bản tố tụng theo cách thức sau đây:

– Văn bản đề nghị Cơ quan đại diện thông báo văn bản tố tụng được lập theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

– Bản dịch văn bản tố tụng phải được dịch đúng ngôn ngữ chính thức của nước mà đương sự có quốc tịch, nơi đương sự có địa chỉ hoặc ngôn ngữ khác được nước này chấp nhận;

– Tòa án giao nguyên đơn, người khởi kiện, người yêu cầu, người kháng cáo thực hiện việc dịch, thanh toán tiền dịch văn bản tố tụng và chứng thực chữ ký người dịch. Đương sự phải nộp lại hóa đơn thanh toán cho Tòa án để lưu hồ sơ vụ việc;

– Hồ sơ đề nghị thông báo văn bản tố tụng được lập thành hai bộ; một bộ để gửi cho Cơ quan đại diện và một bộ để lưu hồ sơ vụ việc.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập xong hồ sơ thông báo văn bản tố tụng và hoàn thành việc chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài cho Cơ quan đại diện hoặc kể từ ngày lập xong hồ sơ đề nghị thông báo văn bản tố tụng bằng văn bản điện tử có chữ ký số, Tòa án gửi hồ sơ đó cho Cơ quan đại diện.

3. Về mở tài khoản ngân hàng để quản lý, thanh toán, trả lại tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng còn thừa cho đương sự

Tòa án cấp sơ thẩm mở một tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại ngân hàng thương mại nơi Tòa án có trụ sở để quản lý, thanh toán, trả lại tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng còn thừa cho đương sự.

Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm có thể lập văn bản ủy quyền thường xuyên cho các Thẩm phán thay mặt chủ tài khoản ký văn bản, chứng từ giao dịch với ngân hàng liên quan đến khoản tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.

Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho ngân hàng nơi Tòa án mở tài khoản về việc chấm dứt ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện các công việc được ủy quyền khi Thẩm phán đó được điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, bị cách chức theo quy định của pháp luật và các trường hợp khác mà Chánh án Tòa án xét thấy cần thiết.

Tòa án cấp phúc thẩm mở tài khoản ngân hàng, ủy quyền, chấm dứt ủy quyền cho Thẩm phán ký văn bản, giấy tờ, chứng từ giao dịch với ngân hàng.

4. Về yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho Tòa án

Tòa án yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng đồng đô la Mỹ. Tòa án xác định mức tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng để yêu cầu đương sự nộp như sau:

– Tòa án đề nghị Cơ quan đại diện cung cấp thông tin về mức tiền cước bưu chính ở nước ngoài. Căn cứ mức tiền cước bưu chính ở nước ngoài do Cơ quan đại diện cung cấp và số lần tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, Tòa án dự tỉnh số tiền tạm ứng lần thứ nhất mà đương sự phải nộp. Số tiền tạm ứng này phải đủ để thanh toán chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bao gồm thông báo thụ lý vụ việc, bản án, quyết định của Tòa án, thông báo về việc kháng cáo cho đương sự ở nước ngoài;

– Nếu số tiền tạm ứng lần thứ nhất đã hết hoặc không đủ thanh toán chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, bao gồm bản án, quyết định của Tòa án, thông báo về việc kháng cáo trong các lần đề nghị tống đạt, thông báo văn bản tố tụng tiếp theo, Tòa án căn cứ chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của lần trước đó để dự tính số tiền tạm ứng lần thứ hai mà đương sự phải nộp;

– Nếu đương sự không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có đơn kháng cáo, Tòa án căn cứ chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của lần trước đó để dự tính số tiền tạm ứng mà đương sự này phải nộp;

– Các trường hợp khác mà Tòa án đề nghị Cơ quan đại diện tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc Luật tố tụng hành chính, Tòa án căn cứ mức tiền cước bưu chính ở nước ngoài do Cơ quan đại diện cung cấp và số lần tống đạt, thông báo văn bản tố tụng để dự tính số tiền tạm ứng mà đương sự phải nộp.

Tòa án lập văn bản yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng như sau:

– Nếu đương sự đó ở trong nước, Tòa án lập văn bản theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch;

– Nếu đương sự đó ở nước ngoài, Tòa án lập văn bản theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch.
Trường hợp xác định thấy đương sự không nộp đủ số tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, Tòa án lập văn bản yêu cầu đương sự nộp tiếp số tiền tạm ứng còn thiếu.

5. Về thời gian Tòa án ban hành văn bản yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng

Tòa án cấp sơ thẩm ban hành văn bản yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo thời gian sau đây:

– Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan đại diện về mức tiền cước bưu chính ở nước ngoài hoặc đơn kháng cáo của đương sự đối với các trường hợp quy định tại điểm a, c và d khoản 1 Điều 13 của Thông tư liên tịch;

– Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án xét thấy số tiền tạm ứng lần thứ nhất đã hết hoặc không đủ thanh toán chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trong các lần đề nghị tống đạt, thông báo văn bản tố tụng tiếp theo đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 của Thông tư liên tịch.
Tòa án cấp phúc thẩm ban hành văn bản yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo thời gian sau đây:

– Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan đại diện về mức tiền cước bưu chính ở nước ngoài đối với trường hợp Tòa án yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng lần thứ nhất;

– Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án xét thấy số tiền tạm ứng lần thứ nhất đã hết hoặc không đủ thanh toán chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, bao gồm bản án, quyết định của Tòa án trong các lần đề nghị tống đạt, thông báo văn bản tố tụng tiếp theo.

6. Về thanh toán tiền cước bưu chính ở trong nước để gửi hồ sơ đề nghị tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho Cơ quan đại diện

Trường hợp đương sự ở Việt Nam, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự đó thanh toán trực tiếp tiền cước bưu chính khi Tòa án gửi hồ sơ đề nghị tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho Cơ quan đại diện. Đương sự giao lại hóa đơn tiền cước bưu chính cho Tòa án để lưu hồ sơ vụ việc.

Trường hợp đương sự ở nước ngoài, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm làm thủ tục bán cho ngân hàng một khoản tiền tạm ứng bằng ngoại tệ mà đương sự đã nộp để thanh toán tiền cước bưu chính khi gửi hồ sơ đề nghị tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho Cơ quan đại diện. Tòa án lưu văn bản bán ngoại tệ cho ngân hàng, hóa đơn, chứng từ giao dịch vào hồ sơ vụ việc.

7. Về đề nghị cung cấp thông tin để chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài cho Cơ quan đại diện

– Tòa án lập văn bản đề nghị Cơ quan đại diện cung cấp thông tin về mức tiền cước bưu chính ở nước ngoài và tài khoản ngân hàng để Tòa án chuyển khoản tiền này cho Cơ quan đại diện theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Tòa án, Cơ quan đại diện lập văn bản cung cấp thông tin cho Tòa án theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch.

– Tòa án và Cơ quan đại diện gửi cho nhau các văn bản quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thông qua hộp thư điện tử đầu mối của từng cơ quan.

8. Về chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài và hóa đơn bưu chính, giấy tờ liên quan giữa Tòa án và Cơ quan đại diện

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng do đương sự nộp, Tòa án làm thủ tục chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài cho Cơ quan đại diện thông qua ngân hàng nơi Tòa án mở tài khoản. Tòa án thanh toán phí chuyển tiền từ số tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng mà đương sự đã nộp.

Hồ sơ Tòa án yêu cầu ngân hàng chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài cho Cơ quan đại diện bao gồm:

– Văn bản yêu cầu ngân hàng chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài cho Cơ quan đại diện được lập theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch;

– Bản chụp văn bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 hoặc điểm a khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch;
– Bản chụp văn bản quy định tại khoản 2 Điều 16 của Thông tư liên tịch.

Sau khi hoàn thành việc chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài, Tòa án gửi kèm 01 bản chụp hóa đơn, chứng từ chuyển tiền của ngân hàng cùng hồ sơ đề nghị tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho Cơ quan đại diện. Tòa án lưu các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài cho Cơ quan đại diện vào hồ sơ vụ việc. Tòa án thực hiện thanh quyết toán tiền cước bưu chính ở nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đại sứ quán Việt Nam tại Stockholm. (Ảnh tham khảo nguồn: https://vi.wikipedia.org/)

TẤN THANH