Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Gv Khoa Luật Dân sự ĐH Luật Tp. HCM; NGUYỄN THỊ THU HÂN - Học viên lớp cao học Luật Kinh tế khóa 24 - Công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một nội dung quan trọng trong lao động sản xuất. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ATVSLĐ đòi hỏi doanh nghiệp phải đề cao trách nhiệm thực hiện các biện pháp về khoa học kỹ thuật, tổ chức, hành chính để loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất, tạo nên môi trường lao động an toàn, lành mạnh, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hạn chế ốm đau và giảm sút sức khỏe cũng như những thiệt hại khác đối với người lao động. Đồng thời, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động là trực tiếp góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, xây dựng đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh toàn diện.

1. Quy định pháp luật trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ

Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 21 Công ước của ILO, với 12 Công ước liên quan trực tiếp đến công tác ATVSLĐ[1]. Các Công ước quy định các nước thành viên phải chủ động các bước để tiến đến môi trường lao động an toàn và lành mạnh thông qua chính sách, hệ thống và chương trình quốc gia về ATVSLĐ phù hợp. Vì vậy, các cam kết quốc tế về ATVSLĐ đã được nội luật hóa trong Luật ATVSLĐ (Luật ATVSLĐ) và các văn bản hướng dẫn.

Thứ nhất, về trách nhiệm của người sử dụng lao động để tạo ra môi trường lao động an toàn lành mạnh: theo quy định tại Điều 4.2 của Công ước số 155 về an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường lao động: “Mục đích của Chính sách quốc gia là  phòng ngừa tai nạn lao động và những tổn hại cho sức khỏe phát sinh do công việc, có liên quan tới công việc hoặc trong khi tiến hành công việc, bằng cách giảm thiểu đến mức thấp nhất, trong điều kiện thực tế cho phép, những nguyên nhân rủi ro vốn có tại môi trường làm việc”. Ở Việt Nam, nội dung của quy định này được thể hiện cụ thể tại khoản 2 Điều 5 Luật ATVSLĐ như sau: “Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình lao động”. Cụ thể, ngay từ khi thiết kế nhà xưởng, lựa chọn công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu phải loại trừ các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Hàng năm, người sử dụng lao động phải xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, đánh giá những nguy cơ rủi ro, tai nạn lao động, bệnh tật. Đối với các yếu tố có hại phải tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất 1 năm 1 lần[2]. Dựa trên những nguy cơ rủi ro đó, người sử dụng lao động phải xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, xử lý sự cố kỹ thuật và phải hướng dẫn người lao động tự đánh giá các rủi ro. Khi người lao động thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình, họ được quyền từ chối hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý và chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác ATVSLĐ đã khắc phục các nguy cơ để đảm bảo ATVSLĐ. Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm việc hoặc quay trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động. Điểm khác biệt trong quy định này giữa Công ước 155 và Luật ATVSLĐ là Điều 13 Công ước 155 quy định người lao động có quyền từ chối hoặc rời bỏ nơi làm việc khi “chứng minh mối nguy hiểm” sắp xảy ra, thì điểm đ khoản 1 Điều 6 Luật ATVSLĐ quy định cụm từ “thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động”.

Trong trường hợp vẫn còn tồn tại các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại phải ngăn chặn, hạn chế tiếp xúc các yếu tố này thông qua việc xây dựng lưu trình làm việc, thực hiện các chế độ bảo hộ lao động, trang bị và cung cấp các thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm việc có tiếp xúc với một trong những yếu tố nguy hiểm, độc hại. Toàn bộ chi phí mua các phương tiện bảo hộ lao động do người sử dụng lao động chi trả[3].

Đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ[4] cần phải được quản lý chặt chẽ. Việc sử dụng hay thải bỏ các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt ATVSLĐ, doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan quản lý cấp tỉnh tại nơi sử dụng. Quy định này giúp các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát tình hình sử dụng các loại máy này có phù hợp các quy chuẩn kỹ thuật, có được phép sử dụng hay không. Ngoài ra, tất cả các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm tra định kỳ trong quá trình sử dụng bởi tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động để kịp thời phát hiện những bộ phận hư hỏng nặng, có khả năng dễ vỡ, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây nguy hại đến tính mạng bất kể lúc nào. Trong quá trình sử dụng, phải che chắn các bộ phận dễ gây nguy hiểm của máy, thiết bị, bố trí đề phòng sự cố, có bảng chỉ dẫn về ATVSLĐ đặt ở vị trí mà mọi người dễ thấy, dễ đọc ở nơi làm việc, nơi đặt máy móc, thiết bị, nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại trong doanh nghiệp giúp người lao động biết được phương thức vận hành, thao tác máy móc, để từ đó tránh được nguy cơ tai nạn lao động.

THs.NGUYỄN TẤN HOÀNG HẢI