Trần Thị Thu T phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 01/3/2023 có đăng bài viết “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay gian lận trong kinh doanh bảo hiểm?” của tác giả Lê Đức Anh. Qua nghiên cứu, tôi cho rằng hành vi Trần Thị Thu T đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” .

Thứ nhất, đối với tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” quy định tại Điều 213 BLHS, có thể hiểu rằng hành vi gian lận là hành vi bất hợp pháp nhằm thu lợi bất chính của các chủ thể tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Có nghĩa rằng, trên thực tế đã phát sinh quan hệ giữa bên mua và bên kinh doanh bảo hiểm thông qua hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Hành vi gian lận của tội này đã được quy định rõ tại khoản 1 Điều 213 BLHS.

Căn cứ vào các tình tiết mà nội dung vụ án đưa ra có thể thấy rằng, việc T mua hợp đồng bảo hiểm cho A, A hoàn toàn không biết, do đó không phát sinh quan hệ giữa A và Công ty bảo hiểm M. Việc tham gia hợp đồng bảo hiểm là hoàn toàn trái với ý muốn của A, A không biết thông tin của mình bị T sử dụng trái phép để lập hồ sơ khống nhằm hưởng quyền lợi bảo hiểm; mặt khác T không tham gia hợp đồng bảo hiểm với tư cách là người mua để hưởng các quyền lợi từ việc tham gia bảo hiểm do đó hành vi của T không phải là hành vi gian lận quy định trong tội này.

Thứ hai, ý thức chiếm đoạt tài sản của công ty bảo hiểm của Trần Thị Thu T đã có ngay từ ban đầu thông qua việc thường xuyên nhắn tin chào bán bảo hiểm cho A và hứa hẹn với A việc làm giả hồ sơ nằm viện để A có tiền hỗ trợ viện phí và chi phí phẫu thuật từ công ty bảo hiểm M. Mặc dù A từ chối nhưng Trần Thị Thu T vẫn tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối bằng cách mượn thông tin cá nhân của A, giả mạo chữ ký của A để làm giả hồ sơ, tài liệu cho hợp đồng bảo hiểm, từ đó đã chiếm đoạt được số tiền 20 triệu đồng từ Công ty bảo hiểm M.

Từ những phân tích trên tôi cho rằng cần xem xét xử lý Y về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”  theo quy định tại Điều 174 BLHS là có cơ sở.

Trên đây là một số ý kiến quan điểm cá nhân xin được trao đổi cùng tác giả và các bạn đọc.

 

Tòa án tỉnh Ninh Bình xét xử sơ thẩm vụ án  gian lận Bảo hiểm xã hội- Ảnh: Như Nguyệt

 

 NGUYỄN THỊ MAI (Tòa án quân sự Khu vực Thủ đô Hà Nội)