Trần Tuấn K không phạm tội trộm cắp và tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Đọc bài "Chiếm đoạt hành lý của người khác nhờ trông, tội gì”? đăng trên Tạp chí TAND online số ra ngày 3/7/2020 chúng tôi không đồng tình với hai quan điểm xác định tội danh mà tác giả đã nêu.
Ngày 18/4/ 2020, Nguyễn Văn H và Trần Tuấn K cùng đi trên chuyến tàu SQN3 từ Tp Hồ Chí Minh về tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Hai người ngồi cùng hàng ghế, nói chuyện thân mật. Khi tàu dừng, K nhờ H trông hành lý giúp mình để đi mua thuốc. Sau khi K xuống tàu, H đã chiếm đoạt hành lý của K và bỏ trốn, hành lý của K bao gồm 01 chiếc điện thoại trị giá 15 triệu đồng và một số quần, áo cá nhân.
Tác giả cho biết việc xác định H phạm tội gì có quan điểm cho rằng H phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 BLHS năm 2015; và quan điểm cho rằng H phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 173 BLHS 2015.
Qua bài viết chúng tôi thấy, về tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 BLHS 2015, điều luật không mô tả hành vi khách quan, tuy nhiên thực tiễn xét xử thừa nhận hành vi khách quan của tôi này là lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để chiếm đoạt tài sản của họ. Do đó dấu hiệu hành vi khách quan của tội này là hành vi chiếm đoạt tài sản tương tự ở tội cướp giật tài sản. Điểm khác biệt là hành vi chiếm đoạt tài sản công khai như cướp giật nhưng xảy ra trong hoàn cảnh người chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản. Do đó, người phạm tội không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực, không uy hiếp tinh thần cũng như nhanh chóng tẩu thoát. Ví dụ, một người ra sông tắm, để xe máy trên bờ, khi đã bơi ra xa thì kẻ gian lấy xe máy chạy mất. Chủ tài sản trông thấy kẻ gian lấy xe nhưng không thể ngăn cản được, đó là công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, K là chủ tài sản đã gửi H trông giúp, việc chiếm đoạt tài sản đó K hoàn toàn không biết, nên không thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội này.
Về tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS 2015, điều luật cũng không mô tả hành vi khách quan, tuy nhiên thực tiễn xét xử thừa nhận hành vi khách quan của tội này là lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý. Lén lút là trái ngược với công khai như đã nêu ở trên. Việc lén lút có thể chỉ nhằm che giấu đối với chủ tài sản. Ví dụ, A lợi dụng chen lấn mua vé xem bóng đá đã móc trộm ví tiền của B trong đó có 5 triệu đồng; hay C lợi dụng lúc D là người bán hàng, mải tính tiền đã lấy cắp lọ nước hoa trị giá 4 triệu đồng … là lén lút chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, tài sản mà H chiếm đoạt do chính H đang quản lý, nên H chiếm đoạt không cần lén lút. Do đó không thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội trộm cắp tài sản.
Chúng tôi có ý kiến khác với hai quan điểm tác giả đã nêu, và cho rằng H phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 BLHS 2015. Điều luật quy định: “Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…
Trong trường hợp này, việc K nhờ H trông hành lý và H nhận lời là hai bên đã thực hiện một hợp đồng, một giao dịch dân sự bằng lời nói. Theo Điều 116 BLDS 2015, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo quy định của pháp luật, về hình thức, hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hay bằng hành vi cụ thể. Điều 119 BLDS năm 2015 quy định hình thức giao dịch dân sự là giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Điều 385 BLDS năm 2015 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”.
Trong vụ án này H “nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng”. Cụ thể là lợi dụng việc K tin tưởng, nhờ trông giữ hành lý, H đã nhận lời, bằng lòng thực hiện “giao dịch dân sự” và lợi dụng sự tin tưởng, tín nhiệm của K để chiếm đoạt tài sản. Do đó, H phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mới thỏa đáng.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý bạn đọc.
( Ảnh minh họa của Báo Giao thông)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận