Trần Văn A phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”
Qua nghiên cứu bài viết “Trần Văn A phạm tội gì?” của tác giả Phạm Văn Phương đăng ngày 21/8/2023, chúng tôi cho rằng hành vi của A đã phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 170 BLHS.
Theo như tình huống “ Khi A đi đi thu tiền thì bị mọi người trên xe phản ứng lại không nộp nên A lấy trong xe một ống sắt dài 20 cm đe doạ nếu không nộp sẽ bị đuổi xuống xe giữa đường vắng và trời tối” căn cứ vào hành vi của Trần Văn A thì A đã phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Các yếu tố cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản:
Thứ nhất, về mặt khách quan của tội phạm: Thể hiện ở hành vi A dùng ống sắt dài đe dọa hành khách là hành vi uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản của hành khác. Và trong tình huống này, hành khách vẫn có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc việc đưa hay không đưa tiền cho A.
Thứ hai, về mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Và A đã đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản.
Thứ ba, về mặt chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Thứ tư, về mặt khách thể của tội phạm: Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản cùng lúc xâm hại đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ sở hữu. Hành vi của A, việc xâm hại đến quan hệ nhân thân không phải mục đích của A mà A chỉ đe dọa tinh thần làm cho hành khách phải trả thêm tiền vé.
Như vậy để thực hiện được việc thu tiền, A đã có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của hành khách là đuổi hành khách xuống xe giữa trời tối và lúc này đường đang vắng, trong tình thế đó, hành khách buộc phải trả thêm tiền vé xe. Khoản 1 Điều 170 quy định “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản..." , việc A dùng ống sắt dài đe dọa hành khách là hành vi uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản.
Chúng tôi không đồng ý quan điểm 1 cho rằng A phạm tội Cướp tài sản theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS. Mặc dù “Tội cướp tài sản” và tội “Cưỡng đoạt tài sản” đều có hành vi đe dọa dùng vũ lực nhưng tính chất đe dọa ở hai tội khác nhau cơ bản. Tội cướp tài sản đe dọa ngay tức khắc sử dụng vũ lực còn tội cưỡng đoạt tài sản đe dọa tương lai sẽ dung vũ lực, nếu bị hại không trao tài sản. Trường hợp đe dọa ngay tức khắc sử dụng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản thì định tội là cướp tài sản; còn đe dọa sẽ dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản thì định tội là cưỡng đoạt tài sản. Thiết nghĩ, trong trường hợp này chưa đủ điều kiện để chuyển hóa tội danh.
Trên đây là ý kiến của nhóm tác giả mong các độc giả đóng góp ý kiến!
*Th.s - Tòa án quân sự khu vực quân khu 9; **Th.s - Bộ môn Luật- Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn Trường Đại học Kiên Giang
TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử vụ “Cưỡng đoạt tài sản” - Ảnh: Mạnh Hùng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận