Trần Văn A phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Sau khi nghiên cứu bài viết “Trần Văn A phạm tội gì?” của tác giả Lưu Trung Huy đăng ngày 20/9/2021, tôi đồng ý với quan điểm Trần Văn A phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” quy định tại Điều 126 BLHS năm 2015.

Căn cứ vào nội dung của vụ án, tôi cho rằng Trần Văn A không phạm tội “Giết người” quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, hành vi khách quan của tội giết người có thể được thực hiện qua hành động hoặc không hành động, là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan có sự kiểm soát của ý thức và sự điều khiển của ý chí. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là hành vi đó phải gây ra hoặc có khả năng gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật. Trong vụ án này, Trần Văn A chỉ nhận thức được việc làm sao để thoát khỏi sự tấn công của Đinh Văn K, không có ý thức cố ý gây thương tích hoặc tước đi sinh mạng của K. Như vậy, xuất phát từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân K mà A đã có hành vi chống trả bằng cách dùng gậy ba khúc dấu sẵn trong người ra đập mạnh vào vùng đầu K nhiều nhát làm K gục xuống. Hành vi của A trong vụ án này đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Bởi lẽ:

- Thứ nhất, hành vi tấn công của nạn nhân đang xâm hại lợi ích hợp pháp của cá nhân người phòng vệ – cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Xuất phát từ hành vi tấn công thì làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng và nếu không có hành vi tấn công xâm hại các lợi ích hợp pháp thì không có phòng vệ chính đáng. Cụ thể, khi Đinh Văn K vừa đến chỗ A, B và D đứng thì Đinh Văn K và Trần Văn A to tiếng với nhau. Đinh Văn K cầm cổ áo đấm vào mắt A và kéo A xuống làm A bị ngã. Thấy K rút một vật nhọn dài chừng 30 – 40 cm màu đen trong người ra, A liền dùng gậy ba khúc dấu sẵn trong người đập mạnh vào vùng đầu K nhiều nhát làm K gục xuống. Rõ ràng, hành vi của K đang trực tiếp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của A thì A buộc lòng phải chống trả hành vi trái pháp luật đó nên có cơ sở để phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của A.

 - Thứ hai, hành vi xâm hại của nạn nhân phải đang diễn ra, đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc. Nếu hành vi chưa bắt đầu, thì mọi hành vi chống trả không được coi là hành vi phòng vệ. Ví dụ: M thấy N đi chơi với người yêu của mình nên nói với N: “Tao sẽ giết mày”. Mới nghe M nói vậy, N đã rút dao trong người ra đâm M chết. Hay trường hợp hành vi xâm phạm đã kết thúc thì mọi hành vi chống trả cũng không được coi là hành vi phòng vệ. Ví dụ: X đánh Y bị thương vào đầu, được mọi người can ngăn, X đã bỏ đi, nhưng do bực tức Y đã lấy dao đuổi theo X đâm X chết. Căn cứ vào tình tiết của vụ án, K cầm cổ áo đấm vào mắt A và kéo A xuống làm A bị ngã, K đang có ý định rút một vật nhọn dài chừng 30 – 40 cm màu đen trong người ra để thực hiện hành vi trái pháp luật. Điều đó cho thấy, hành vi xâm hại của K là đang diễn ra, đã bắt đầu và chưa kết thúc.

- Thứ ba, pháp luật hình sự quy định hành vi phòng vệ phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công chứ không được gây thiệt hại cho lợi ích của người khác. Do đó, phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn có thể phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công. Quy định này xuất phát từ mục đích phòng vệ chính đáng, muốn ngăn chặn được sự tấn công, bảo vệ được lợi ích hợp pháp, người có hành vi phòng vệ phải hướng sự chống trả của mình vào việc gây thiệt hại cho người đang có hành vi tấn công. Có như vậy nguồn gốc làm phát sinh hành vi tấn công xâm hại lợi ích hợp pháp mới bị loại trừ tận gốc.

Trong vụ án này, hành vi chống trả của A là dùng gậy ba khúc dấu sẵn trong người đập mạnh vào vùng đầu K nhiều nhát là hành vi phòng vệ chống trả lại những hành vi tấn công trước đó của K, tuy nhiên nó “vượt quá mức cần thiết”. Bởi lẽ, đánh giá, xem xét toàn bộ một chuỗi các sự việc trong vụ án cho thấy hành vi của A có động cơ là muốn trốn tránh khỏi hành vi trái pháp luật của K; sai phạm là đã vượt quá phạm vi được phép phòng vệ, chống trả rõ ràng là quá quyết liệt và rất nguy hiểm, hành vi phòng vệ của A không tương xứng với hành vi xâm hại của K, việc gây hậu quả K chết là không cần thiết trong khi có thể lựa chọn cách xử sự khác. Vì vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trần Văn A về tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” quy định tại Điều 126 BLHS năm 2015 là hoàn toàn phù hợp trên cả phương diện lý luận cũng như thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tác giả Đoàn Phước Hòa – Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 7, cùng có quan điểm Trần Văn A về tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử vụ án Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng - Ảnh: Văn Ngọc

          

 


* .

ThS LẠI SƠN TÙNG (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân)