
Trần Văn B phải bị xử lý hình sự về hai tội
Qua nghiên cứu bài viết “Trần Văn B phạm những tội gì?” của tác giả Nguyễn Thị Mai, đăng ngày 17/04/2024, tôi cho rằng trong vụ án này, Trần Văn B phạm hai tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đầu tiên, cần phân biệt sự khác nhau giữa tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải có hành vi gian dối trước khi được chủ tài sản giao tài sản, còn tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội lại được giao tài sản trước rồi sau đó mới gian dối (hoặc lén lút) để chiếm đoạt. Như vậy, đối với vụ án này, hành vi của B là nhờ người làm giả giấy tờ và sử dụng giấy đăng kí xe giả để bán chiếc xe ô tô trên cho Th với giá tiền 500 triệu đồng nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền bán xe là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để Th tin tưởng giao tài sản cho B.
Xét các yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
- Khách thể của tội này là quan hệ sở hữu, đối tượng tác động là chiếc xe ô tô trị giá 700 triệu đồng.
- Mặt khách quan của tội phạm:
Đặc trưng của hành vi gian dối trong tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là sau khi thực hiện hành vi gian dối làm cho nạn nhân tin và từ đó tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội. Như vậy rõ ràng vấn đề ở đây là chúng ta phải xác định được chính xác thời điểm chuyển giao tài sản là lúc nào? Về nguyên tắc, khi nói có thời điểm chuyển giao tài sản nghĩa là quyền chiếm hữu, kiểm soát tài sản hoàn toàn thuộc về một phía người phạm tội. Từ đó, có thể xác định thời điểm chuyển giao tài sản là khi anh Th tin rằng giấy tờ xe B sử dụng là thật nên đã đồng ý giao dịch và giao cho B số tiền 500 triệu đồng.
Các hình thức thể hiện của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thể hiện ở hai dạng: giao nhầm và nhận nhầm, xem xét từ góc độ của nạn nhân.
Nhận nhầm tài sản là trường hợp do người phạm tội thực hiện hành vi gian dối (bằng lời nói, bằng hợp đồng không hợp pháp, bằng hiện vật) làm cho nạn nhân do tin tưởng mà mua hoặc trao đổi... sản phẩm không có giá trị hoặc chất lượng, chủng loại không đúng như ban đầu người phạm tội đã nói.
Qua nội dung vụ án, có thể thấy B có ý thức là sẽ chiếm đoạt số tiền bán xe từ trước, nhờ người làm giả giấy tờ đăng ký xe ô tô, B sử dụng giấy tờ xe như công cụ, phương tiện để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của anh Th. B đã chiếm được số tiền 500 triệu đồng sau khi dùng thủ đoạn gian dối để làm cho anh B bị mắc lừa. Do đó, B thực hiện tội phạm đến giai đoạn tội phạm hoàn thành.
Về hậu quả của tội phạm, đây là dấu hiệu bắt buộc phải có trong cấu thành tội này, hậu quả trên thực tế có xảy ra hay không chính là điều kiện bắt buộc. Trong vụ án này, B đã chiếm đoạt được tài sản (500 triệu đồng) nên đã thỏa mãn hết các yếu tố trong mặt khách quan của cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chủ thể của tội phạm: B hoàn toàn được xem là đủ điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm: có thể thấy rõ ý thức mong muốn chiếm đoạt tài sản của B nên việc xác định hành vi của B với lỗi cố ý trực tiếp là có cơ sở.
Về giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao trong một số trường hợp cụ thể như sau:
Theo quy định tại điểm 10 mục I Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử:“Hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 174 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự), nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự cả về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341).”
Trần Văn B hoàn toàn nhận thức được hành vi nhờ người làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó để thực hiện giao dịch mua bán, nhằm chiếm đoạt tài sản là trái pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện. Từ các phân tích trên, hành vi sử dụng giấy tờ đăng ký xe giả và lừa đảo chiếm đoạt tài sản 500 triệu đồng của Trần Văn B đã đủ yếu tố cấu thành tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS.
TAND tỉnh BR-VT xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Tiểu Thiên
Bài liên quan
-
Dự kiến ngày 16/4/2025 tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã
-
Trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Hoàn thiện pháp luật về vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân trong tổ chức chính quyền đô thị
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
-
VKSNDTC đề nghị tiếp tục duy trì Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát
-
Tòa án nhân dân tối cao đề xuất sửa nhiều luật theo mô hình Tòa án 3 cấp
Bình luận