Trần Văn K phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”
Sau khi nghiên cứu bài viết: "Trần Văn K phạm tội gì?" của tác giả Lê Đình Nghĩa đăng ngày 19/4/2021 tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.
Chúng tôi cho rằng Trần Văn K phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bởi vì:
Thứ nhất, trong trường hợp này, chiếc xe ôtô nhãn hiệu Innova Venturer mà bị cáo đem đi cầm, có một phần thuộc quyền sở hữu của bị cáo theo hợp đồng góp vốn (tính đến tháng 8/2020 K đã góp vốn cho Công ty C với tổng số tiền là 450.000.000đ), do đó K có quyền tự do lựa chọn ý chí thỏa thuận lại với phía bên Công ty C để hủy hợp đồng và nhận lại phần tài sản tương ứng với số tiền đã góp vốn (sau khi đã trừ đi số tiền phạt hợp đồng, nếu trong hợp đồng có quy định về điều khoản phạt trong trường hợp một bên hủy hợp đồng trước khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ). Tuy nhiên, sau đó Trần Văn K lại tự ý mang chiếc xe ô tô đi cầm cố mục đích là để lấy tiền tiêu xài cá nhân, trong khi K biết rõ đây là tài sản đứng tên sở hữu của Công ty C và không được phép sử dụng để mua bán, cầm cố hoặc thế chấp. Khi anh H là đại diện Công ty C tìm K để thu hồi xe, do đã mang xe đi cầm cố cho anh B nên K nói là xe đang cho em trai mượn nhưng bị mất chìa khóa, không gọi được cho em trai, không biết xe đang ở đâu, đây lại là hành vi gian dối của Trần Văn K sau khi cầm cố tài sản. Do đó, hành vi của K đã có đầy đủ các yếu tố của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định của BLHS.
Thứ hai, đối với hành vi của anh H đi cùng K mang theo chìa khóa dự phòng và sử dụng hệ thống định vị đến khu vực Siêu thị D tìm xe thì phát hiện chiếc xe ô tô đang dừng đỗ bên đường, không có ai trông giữ. K nói anh H đưa xe về trụ sở Công ty C để bàn giao, anh H dùng chìa khóa dự phòng mở cửa và đưa xe về. Mặc dù, việc K cùng anh H lấy xe ô tô mang về công ty là “lén lút” đối với anh B (người hiện đang quản lý tài sản), tuy nhiên việc anh H dùng chìa khóa dự phòng mở cửa và đưa chiếc xe ô tô về Công ty là theo sự yêu cầu từ phía Công ty C và Trần Văn K, H không biết việc K đã cầm cố xe cho anh B, mục đích K đi cùng anh H là để làm thủ tục bàn giao xe lại cho Công ty C do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Cả K và anh H đều không có mục đích chiếm đoạt chiếc xe ô tô Innova Venturer, do đó hành vi của H không cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”, Trần Văn K cũng không phạm tội Trộm cắp tài sản vì hành vi này đã bị thu hút vào hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như ở trên.
Trên đây là quan điểm đưa ra trao đổi cùng tác giả bài viết và quý bạn đọc cùng đồng nghiệp./.
Tòa án huyện Chi Lăng, Lạng Sơn xét xử vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Vy Hà
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận