Trần Văn Quang phạm tội Giết người theo Điều 123 BLHS

Sau khi nghiên cứu bài viết trao đổi ý kiến “Trần Văn Quang phạm tội gì?" của tác giả Dương Đình Mạnh đăng ngày 1/3/2024, chúng tôi đồng thuận quan điểm thứ hai, hành vi Trần Văn Q thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS.

…Sau khi tìm thấy anh H đang đứng trước khu vực nhà kho,  Q và G mỗi người nhặt lấy một khúc gỗ gần đấy xông vào đánh liên tiếp vào vùng đầu H làm H ngã gục tại chỗ, Tại Giấy chứng nhận thương tích ngày 29/5/2018 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh G L, xác định thương tích anh Phan Văn H: một vết thương vùng đỉnh thái dương 2%; một vết thương mày trái, một vết trên môi 12%; nứt sọ trán - thái dương - đỉnh phải 9%; tụ máu ngoài màng cứng vùng trán - đỉnh phải, tụ máu dưới màng cứng vùng thái dương phải chèn ép não thất bên phải, dập não xuất huyết vùng thái dương trái 21%.

Dựa trên các tình tiết của vụ án, nhóm tác giả đồng thuận quan điểm thứ hai. Trần Văn Quang phạm tội Giết người theo Điều 123 BLHS

Thứ nhất, về khách thể: Trần Văn Quang đã có hành vi xâm phạm đến quyền được sống, được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của anh H.

Thứ hai, về hành vi khách quan: Hành vi của G dưới dạng hành động. G đã sử dụng gỗ tấn công liên tiếp vào khu vực trọng yếu của anh H với mức độ của hành vi mang tính quyết liệt.

Thứ ba, về hậu quả: Mặc dù Tội giết người có cấu thành vật chất, đòi hỏi hậu quả chết người phải xảy ra, tuy nhiên trong một trường hợp này mặc dù chưa gây hậu quả chết người nhưng Q vẫn phải chịu hình phạt về tội này. Bởi do do yếu tố khách quan là sự ngăn cản nên Q và G lên xe mô tô bỏ về, vất 03 đoạn cây gỗ (kích thước 192x3,8x6,5 cm; 122x7x5,2 cm; 125x5x8 cm) tại hiện trường. Vì vậy, hành vi Trần Văn Q thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS.

Thứ tư, về yếu tố lỗi: Trần Văn Q trong trường hợp này thực hiện hành vi với lỗi cố ý đối với hậu quả chết người. Nghĩa là Q nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Khi thấy Q trượt ngã, H đã dừng xe đến hỏi thăm nhưng bị Q chửi,  Q còn rủ Trần Văn G đi đánh anh H.

Đồng thời, tại Án lệ số 01/2016/AL có viện dẫn như sau: “Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ, người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.

Mặc dù án lệ có hành vi khác với tình huống tác giả đưa ra. Tuy nhiên, án lệ đã đề cập đến một vấn đề rất quan trọng đó là căn cứ vào ý thức chủ quan của chủ thể thực hiện tội phạm với hành vi và hậu quả. Nếu ý thức chủ quan của Q chỉ nhằm cố ý gây thương tích cho nạn nhân, việc thực hiện hành vi cũng ở mức độ vừa phải, không quyết liệt thì cho dù hậu quả chết người có xảy ra cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Nhưng trong trường hợp này, Q ý thức rất rõ về hành vi của mình và hậu quả chết người mặc dù không xảy ra nhưng là do sự can ngăn của người dân chứ không phải do Q không mong muốn.

 

*Ths PHẠM THỊ THỦY (Bộ môn Luật- Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn Trường Đại học Kiên Giang) Th.s – NGUYỄN VĂN VŨ (Tòa án quân sự khu vực quân khu 9)

Tòa án nhân dân huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum xét xử  vụ án “Cố ý gây thương tích”- Ảnh: Hữu Nam