Tranh chấp trong thẩm định giá có thể giải quyết thông qua hòa giải, Trọng tài hoặc Tòa án
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật giá về thẩm định giá. Theo đó, có nhiều quy định mới đáng chú ý về nghĩa vụ báo cáo kết quả thẩm định giá; chứng thư thẩm định giá; giải quyết tranh chấp về kết quả thẩm định giá giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá...
Không ký đủ 10 bộ chứng thư thẩm định giá trong năm sẽ không được đăng ký hành nghề năm tiếp theo
Theo đó, so với Nghị định 89, Nghị định 12 đã bổ sung nhiều quy định mới đối với thẩm định viên, tổ chức thẩm định.
Cụ thể, bổ sung quy định về nghĩa vụ ký Báo cáo kết quả thẩm định giá, Chứng thư thẩm định giá của thẩm định viên về giá hành nghề. Trong năm được thông báo hành nghề, Thẩm định viên về giá hành nghề (trừ thẩm định viên là người địa diện theo pháp luật của doanh nghiệp) phải ký ít nhất 10 bộ Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá. Trong trường hợp đến hết ngày 15 tháng 12 của năm hành nghề, thẩm định viên về giá đã hành nghề từ 06 tháng trong năm trở lên không ký đủ 10 bộ Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm thì không được đăng ký hành nghề trong năm liền kề tiếp theo.
Bổ sung quy định về yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Theo đó, người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 hoặc điểm c khoản 2 hoặc điểm c khoản 3 hoặc điểm c khoản 4 hoặc điểm c khoản 5 Điều 39 Luật giá; Có ít nhất 03 năm là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Đồng thời, không là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong khoảng thời gian 01 năm tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Tranh chấp trong thẩm định giá có thể giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án
Nghị định 12 cũng bổ sung quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp về kết quả thẩm định giá giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá.
Theo đó, khi phát sinh tranh chấp về kết quả thẩm định giá giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo các hình thức: Thương lượng, hòa giải trên cơ sở những cam kết đã ghi trong hợp đồng thẩm định giá hoặc giải quyết bằng trọng tài thương mại hay khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP trên nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; trường hợp việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm định giá thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Về việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, Nghị định 12 quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu do doanh nghiệp thẩm định giá xây dựng với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. Doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm kết nối cơ sở dữ liệu do doanh nghiệp thẩm định giá xây dựng với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Đồng thời Nghị đinh 12 cũng quy định Cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản hoặc cơ quan chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định giá có trách nhiệm gửi 01 bản sao Báo cáo kết quả thẩm định giá hoặc Kết luận thẩm định giá tài sản qua đường công văn, fax hoặc hệ thống báo cáo điện tử về Bộ Tài chính để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cung cấp thông tin và quản lý nhà nước về thẩm định giá trừ trường hợp tài sản thuộc danh mục tài sản bí mật nhà nước...
Những quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2021.
Theo phaply.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận