Trao đổi bài “Đòi tài sản hay tranh chấp quyền sở hữu”

Trong bài: “Đòi tài sản hay tranh chấp quyền sở hữu” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 05/8/2018, tác giả có nêu một tình huống cụ thể, và đặt ra vấn đề xác định quan hệ tranh chấp. Trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật có liên quan, tôi xin được trao đổi quan điểm cá nhân.

Theo nội dung bài báo, nguyên đơn là ông Nguyễn Việt T khởi kiện bị đơn là Công ty TNHH Thương mại Mai Ninh (Công ty Mai Ninh) do Nguyễn Thị Diệu N, vợ ông T – làm Giám đốc. Công ty Mai Ninh do bà Nguyễn Thị Diệu N và Nguyễn Thị Tuyết M góp vốn với tỷ lệ mỗi người là 1,5 tỷ đồng, chiếm 50% tổng số vốn điều lệ. Ông T yêu cầu Tòa án giải quyết cho ông được quyền sở hữu giá trị hạ tầng diện tích 848,5 m2 và một nửa giá trị xây dựng ngôi nhà 6 tầng, hiện đang thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty Mai Ninh.

Với tình huống trên, về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp thì có hai quan điểm khác nhau: tranh chấp đòi tài sản hay tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.  Theo quy định tại khoản 2 Điều 164 BLDS năm 2015 thì chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

Tranh chấp đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản (nguyên đơn) yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm quyền (bị đơn) phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có). Như vậy, nguyên đơn phải là người chủ sở hữu hoặc người có quyền khác đối với tài sản; còn bị đơn là người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản hoặc quyền khác đối với tài sản, có hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.

Theo quy định tại Điều 158 của BLDS năm 2015 thì quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là tranh chấp ai có quyền sở hữu đối với tài sản. Tài sản có thể do nguyên đơn hoặc bị đơn đang chiếm hữu, sử dụng nhưng nguyên đơn và bị đơn đều lập luận hoặc đưa ra các chứng cứ cho rằng mình là người có quyền sở hữu tài sản đó và yêu cầu Tòa án công nhận quyền sở đối với tài sản đó cho nguyên đơn hoặc bị đơn. Quá trình giải quyết, Tòa án có nhiệm vụ xác định ai là chủ sở hữu của tài sản đó và công nhận quyền sở hữu đối với tài sản đó cho họ.

Trở lại tình huống tác giả nêu thì về mặt pháp luật, toàn bộ tài sản thuộc Công ty Mai Ninh là của bà Nguyễn Thị Diệu N và Nguyễn Thị Tuyết M. Vì Đăng ký chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty TNHH có hai thành viên trở lên do Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp cho Công ty TNHH Thương mại Mai Ninh ghi nhận trong danh sách thành viên góp vốn có hai người là Nguyễn Thị Diệu N và Nguyễn Thị Tuyết M, giá trị vốn góp mỗi người là 1,5 tỷ đồng, chiếm 50% tổng số vốn điều lệ.

Phía nguyên đơn ông Nguyễn Việt T cho rằng từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2001, số tiền trị giá gần 1,2 tỷ đồng  thuê/mua  phần đất 848,5 m2 của Công ty TNHH Thương mại Thanh Hà do ông T trực tiếp nộp, thể hiện qua 5 phiếu thu.

Còn bị đơn Công ty Mai Ninh do bà Nguyễn Thị Diệu N đại diện cho biết số tiền 5 phiếu thu nguyên đơn nêu là tiền góp vốn của bà N và bà M, ông T chỉ là người đi nộp thay. Về giá trị xây dựng ngôi nhà 6 tầng, bị đơn khẳng định thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà N và bà M. Vì từ ngày 12/12/2001, bà M và bà N đã có biên bản thỏa thuận góp vốn thành lập Công ty, mỗi người góp trên 593 triệu đồng và khi Công ty có đăng ký kinh doanh thì mỗi bên đã góp tiếp trên 906 triệu đồng, hình thành 3 tỷ đồng vốn điều lệ. Số tiền này được sử dụng để xây dựng căn nhà 6 tầng.

Như vậy, trong tình huống trên, tôi cho rằng quan điểm thứ hai xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong tình huống trên là “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản” là phù hợp với quy định của pháp luật. Và đây là tranh chấp giữa ông  Nguyễn Việt T và bà Nguyễn Thị Diệu N.

Rất mong bạn đọc cùng tiếp tục trao đổi.

 

 

DƯƠNG TẤN THANH (TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)