Trao đổi kinh nghiệm giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên

Ngày 10/6, TANDTC phối hợp với Liên minh Châu Âu, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến về “Trao đổi kinh nghiệm hoạt động và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên”. Diễn giả là các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế và Thẩm phán công tác tại Tòa gia đình Australia.

Ông Bùi Ngọc Hòa, Thẩm phán TANDTC phát biểu khai mạc Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền.

Vì sao cần phải có một cách tiếp cận đặc biệt đối với người chưa thành niên?

Chia sẻ với Hội nghị bà Shelley Casey, chuyên gia UNICEP đặt vấn đề và hướng dẫn một cách tiếp cận đặc biệt đối với người chưa thành niên? Tại Việt Nam cũng như các nước khác hệ thống tư pháp được thiết kế trước hết dành cho những người trưởng thành, các quy trình tố tụng có thể xa lạ và đáng sợ đối với người chưa thành niên và có thể cản trở các em tham gia tố tụng một cách đầy đủ và hiệu quả. Để bảo đảm rằng người chưa thành niên được hệ thống tư pháp phục vụ và bảo vệ tốt hơn, cần điều chỉnh để các thủ tục xét xử sao cho nhạy cảm, thân thiện hơn với người chưa thành niên.

Người chưa thành niên là nhóm đặc biệt, dễ bị tổn thương, nên cần phải có cách tiếp cận đặc biệt để giải quyết các vụ án. Người chưa thành niên vẫn đang trong quá trình phát triển về thể chất, tình cảm, nhận thức, cũng như đạo đức, không giống như người lớn. Người chưa thành niên chưa đủ năng lực để hiểu về luật và tự bảo vệ quyền lợi của mình, trong nhiều trường hợp cha mẹ hay người đại diện theo pháp luật của trẻ thường không sẵn sàng hoặc không thể thực hiện được công việc này. Do đó, ngoài những trách nhiệm khác, Thẩm phán còn có trách nhiệm bảo vệ lợi ích cho người chưa thành niên.

Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa phát biểu khai mạc

Người chưa thành niên cũng có những nhu cầu đặc thù và khác biệt, họ không chỉ đơn giản là những người chưa trưởng thành, có thân hình nhỏ bé, khả năng hiểu, giao tiếp và tham gia hiệu quả vào quá trình tố tụng của người chưa thành niên là không giống nhau, tùy vào độ tuổi và mức độ phát triển của từng em để sử dụng các biện pháp phù hợp với độ tuổi.

Thân thiện với người chưa thành niên sẽ nâng cao chất lượng và độ chính xác trong lời khai của trẻ và tăng khả năng đạt được một kết quả công bằng và thích đáng. Quá trình tham gia tố tụng có thể khiến những người bị hại chưa thành niên bị tổn thương, đặc biệt là trong các vụ án nhạy cảm như xâm hại tình dục, kể lại một sự kiện đau buồn có thể làm tổn thương trẻ thêm một lần nữa và ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi của trẻ. Do đó Thẩm phán cần nhạy cảm hơn để tránh gây thêm tổn thương cho người bị hại chưa thành niên.

Khi người chưa thành niên tham gia tố tụng tại Tòa án, Thẩm phán cần có cách tiếp cận đặc biệt khi giải quyết các vụ án, vụ việc gia đình ảnh hưởng đến con chưa thành niên như những quyết định về quyền nuôi con và quyền của cha mẹ có tác động quan trọng đối với cuộc sống của người chưa thành niên ở mọi phương diện; trẻ sẽ sống ở đâu; sẽ đi học ở đâu và sẽ liên hệ với các thành viên khác trong gia đình như thế nào?… Do đó, điều cần thiết là người chưa thành niên phải có một cơ hội công bằng và hiệu quả để nói lên mong muốn của mình.

Bị cáo chưa thành niên cũng ít có lỗi hơn đối với các hành vi của họ. Nghiên cứu chỉ ra rằng bộ não con người chưa được phát triển đầy đủ cho tới khi 20 -25 tuổi. Thùy trán là bộ phận chịu trách nhiệm lên suy nghĩ, suy tính, lý lẽ, kiểm soát sự bốc đồng, điều chỉnh cảm xúc là một trong những phần của bộ não đạt được sự phát triển sau cùng. Như vậy, người chưa thành niên không thể bị phán xử với các tiêu chuẩn như người lớn bởi não bộ của các em chưa đủ phát triển để đưa ra các quyết định đúng đắn, để đánh giá hậu quả do hành vi của mình gây ra và để kiềm chế sự bốc đồng do đang trong quá trình phát triển.

Các bị cáo nhìn chung cũng dễ phục hồi hơn so với người trưởng thành. Các tác động tích cực bằng các biện pháp giáo dục và hỗ trợ đối với các biện pháp chú trọng đến giáo dục và phục hồi thay vì chỉ đơn thuần trừng phạt, có nhiều khả năng bảo đảm rằng người chưa thành niên không tiếp tục con đường phạm tội nữa, họ trở thành công dân có ích và tuân thủ pháp luật.

Thái độ của Thẩm phán quan trọng hơn trang thiết bị đắt tiền

Thẩm phán có thể làm gì để trở nên nhạy cảm hơn với người chưa thành niên, hệ thống tư pháp trở nên thân thiện với người chưa thành niên, là vấn đề đặt ra. Không nhất thiết có những phòng xét xử đặc biệt hay thiết bị hiện đại đắt tiền, cách mà Thẩm phán và các nhà chuyên môn khác tương tác với người chưa thành niên có ý nghĩa quan trọng hơn.

Các đại biểu tại đầu cầu TANDTC

Thẩm phán có thể làm cho thủ tục tố tụng tại Tòa án trở nên thân thiện hơn rất nhiều so với người chưa thành niên, bằng những thay đổi trong thái độ, cách tiếp cận và phương pháp. Thẩm phán phải ưu tiên, bảo đảm rằng việc giải quyết vụ án được hoàn thành càng nhanh càng tốt, việc chậm trễ kéo dài có thể tác động đến trí nhớ của trẻ về một sự kiện, làm trầm trọng thêm mâu thuẫn và sự chia rẽ gia đình trong cuộc sống của trẻ, làm giảm bớt giá trị giáo dục của bản án đối với bị cáo là người chưa thành niên.

Mọi đứa trẻ mà Thẩm phán tiếp xúc vì bất kể lý do gì cũng cần được đối xử như cách mà Thẩm phán muốn con cái mình được đối xử, thể hiện một thái độ kiên nhẫn và cảm thông, dành thời gian để động viên người chưa thành niên tham gia vào hoạt động tố tụng và bảo đảm rằng trẻ hiểu được vấn đề.

Đối với bị cáo chưa thành niên hãy kiên quyết nhưng không hà khắc với trẻ, hãy gọi trẻ bằng tên riêng; đối xử bình đẳng với tất cả người chưa thành niên và không đưa ra giả định dựa trên điều kiện, hoàn cảnh, giới tính, chủng tộc, dân tộc của trẻ.

Về không gian phòng xét xử, hãy điều chỉnh để có thể giúp giảm bớt cảm giác sợ hãi của trẻ và khuyến khích trẻ tham gia tố tụng một cách hiệu quả. Nếu có thể nên bố trí một nơi riêng tư và yên tĩnh cho trẻ và phụ huynh của trẻ ngồi nghỉ trong thời gian chờ đợi. Thẩm phán nên mặc trang phục đơn giản, thay cho đồng phục của Tòa án. Nên xét xử kín, không cho công chúng tham dự.

Phiên tòa sắp xếp lại đồ đạc có sẵn để tất cả các bên ngồi quanh một chiếc bàn duy nhất, trên cùng một mặt sàn, thu hẹp khoảng cách giữa trẻ và những ai cần nghe trẻ nói. Người chưa thành niên gặp khó khăn trong việc diễn đạt, phải nhắc lại lời mình đã nói cũng có thể bị căng thẳng. Nên cho phép trẻ ngồi cạnh phụ huynh, cho phép ngồi thay vì đứng khi trình bày trước tòa.

Người chưa thành niên rất nhạy cảm với âm điệu, giọng nói, thái độ và ngôn ngữ cơ thể của người khác và Thẩm phán nên thể hiện là đang rất tập trung và quan tâm đến những gì trẻ nói, ví dụ như gật đầu, nghiêng người về phía trước, giao tiếp bằng ánh mắt một cách thường xuyên, sử dụng giọng điệu trung lập và cảm thông, không thể hiện sự ngạc nhiên, ghê tởm, nghi ngờ hoặc phản ứng cảm xúc khác đối với những gì mà trẻ đang nói với bạn.

Thẩm phán nên sử dụng cách giao tiếp thân thiện. Người chưa thành niên phản hồi tốt nhất khi người lớn bình tĩnh và thân thiện, thay vì cáu gắt hoặc đáng sợ. Kể cả khi người chưa thành niên tỏ ra bướng bỉnh hoặc không hợp tác, các em vẫn chưa trưởng thành và có thể cảm thấy dễ bị tổn thương và sợ hãi. Vì thế, Thẩm phán luôn sử dụng các từ và câu đơn giản, trên cơ sở cân nhắc tuổi và độ trưởng thành của trẻ, tránh dùng những từ pháp lý chuyên ngành, các cấu trúc câu dài và phức tạp những câu hỏi khó hiểu…

Cần căn cứ và mức độ trưởng thành của trẻ

Thẩm phán Jan Stevenson, Tòa gia đình Australia cho rằng: Thẩm phán tiếp xúc với người chưa thành niên ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ trẻ mới chập chững cho đến các em sắp thành niên, tất cả người chưa thành niên cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Nhưng trẻ ở các độ tuổi khác nhau thì có đặc điểm và nhu cầu cũng khác nhau, cách tương tác với trẻ cần căn cứ vào mức độ trưởng thành và hiểu biết của trẻ, các Thẩm phán phải hiểu về sự phát triển của trẻ, năng lực của trẻ tại các lứa tuổi khác nhau và như vậy có thể điều chỉnh các thủ tục tố tụng cho phù hợp…

Nhóm chưa thành niên có thể dễ bị tổn thương hơn hoặc gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận tư pháp, nên Thẩm phán phải nhạy cảm với các nhu cầu đặc biệt của người chưa thành niên là nữ, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số, những em này có thể cần sự giúp đỡ đặc biệt để có thể tham gia tố tụng tại Tòa án và giao tiếp một cách hiệu quả. Ngay cả việc tiết lộ danh tính người chưa thành niên có thể gây ra sự xấu hổ, kỳ thị và khiến cho quá trình phục hồi và tái hòa nhập của trẻ trở nên khó khăn hơn nên xét xử kín đảm bảo tên và chi tiết nhân dạng của người chưa thành niên không được lộ ra cho công chúng và giới truyền thông. Toàn bộ hồ sơ các vụ án liên quan đến người chưa thành niên phải được giữ bí mật tuyệt đối, không sử dụng tên đầy đủ của người chưa thành niên. Khi tuyên án cũng như trong bản án luôn đặt quyền lợi của người chưa thành niên ở vị trí ưu tiên trong mọi quyết định về người chưa thành niên, lợi ích tốt nhất của người thanh niên phải được ưu tiên.

Trong một số vụ án, Thẩm phán có thể cần phải cân nhắc giữa lợi ích của người chưa thành niên với lợi ích của những chủ thể khác. Thẩm phán phải xem xét tất cả các lợi ích nói trên, nhưng những gì là tốt nhất cho người chưa thành niên thì cần được ưu tiên để bảo vệ lợi ích tốt nhất cho họ, có nghĩa là những mục đích truyền thống của tư pháp hình sự như trấn áp, hình phạt phải nhường chỗ cho mục đích cải tạo và phục hồi.

Thẩm phán Rudy Ryan, Tòa gia đình Australia nói: Người chưa thành niên ra trước tòa thường là những người đang phải trải qua một giai đoạn căng thẳng và biến động trong cuộc sống bởi vì các em đang bị cáo buộc do vi phạm pháp luật, đã bị xâm hại, hoặc bóc lột, hoặc đang bị mắc kẹt trong tranh chấp gia đình, Thẩm phán là những người có địa vị đặc biệt để giúp đỡ, hỗ trợ và hướng dẫn người chưa thành niên khi các em cần sự hướng dẫn này.

TRẦN KHÁNH LINH