Tọa đàm về phòng chống tham nhũng và kinh nghiệm tranh tụng tại Tòa án

Thực hiện Thỏa thuận hợp tác với Tòa Phá án Cộng hòa Pháp, trong các ngày 17, 18/9/2018, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tòa Phá án Pháp tổ chức Tọa đàm về phòng, chống tham nhũng; phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật và kinh nghiệm tranh tụng tại Tòa án.

Tham dự buổi Tọa đàm về phía Việt Nam có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền; Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC và đại diện Tòa án nhân dân một số tỉnh phía Bắc.

Về phía Đại sứ quán Pháp, có bà Blanche Henry Ecouellan, cán bộ pháp lý Đại sứ quán Cộng hòa Pháp; bà Laurence Mézin, Trưởng phòng Tư pháp – Luật – Quản trị, Hợp tác hành chính và phân quyền Đại sứ quán Cộng hòa Pháp; bà Nicole Planchon, Thẩm phán Tòa Phá án Pháp; ông Patrick Matet, Thẩm phán Tòa Phá án Pháp.

Tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền nêu rõ, tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và nhân dân. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định Tòa án nhân dân tối cao là một trong những cơ quan có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vì thế, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong hệ thống Tòa án càng phải được nâng cao và thực hiện một cách nghiêm túc.

                   Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm, ảnh Đinh Hùng Lan

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, thực hiện nguyên tắc tranh tụng là yêu cầu quan trọng trong việc bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động tư pháp, là một trong những giải pháp cần thiết để phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Tranh luận, điều tra, đánh giá chứng cứ tại Tòa án càng minh bạch, công khai, đáng tin cậy càng tạo dựng niềm tin của nhân dân.

Nhằm xây dựng được niềm tin của công chúng vào một hệ thống Tòa án trong sạch, vững mạnh, minh bạch, Tòa án đã thực hiện việc công bố các bản án, quyết định của Tòa án cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của Tòa án; Ngày 16 tháng 3 năm 2017, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Phó chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền hy vọng rằng qua 02 ngày tọa đàm, các Thẩm phán Tòa phá án Pháp sẽ giới thiệu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình về vấn đề phòng, chống tham nhũng, phương thức tuyên truyền, phổ biến các bản án, quyết định của Tòa án, cũng như kinh nghiệm về tranh tụng tại Tòa phá án Pháp.

Trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng chống tham nhũng

Phòng chống tham nhũng là chủ đề tọa đàm ngày thứ nhất 17/9 giữa hai bên.

Đồng tình với những ý kiến của Phó Chánh án TANDTC Thúy Hiền về tính cấp bách và sự cần thiết của công tác phòng chống tham nhũng, ông Patrick Matet, Thẩm phán Tòa Phá án Pháp cho rằng, tuy về tình hình thực tế, quy định pháp luật của mỗi nước có khác biệt nhưng tham nhũng là vấn nạn chung của tất cả các nước nên việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng là hết sức cần thiết, góp một phần quan trọng vào hoạt động phòng, chống tội phạm tham nhũng của mỗi nước.

Ông bày tỏ mong muốn góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp của Việt Nam; đảm bảo cùng phía Việt Nam triển khai có hiệu quả những chương trình hợp tác đã được hai bên ký kết trong Thỏa thuận hợp tác.

Thẩm phán cao cấp Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh đã khái quát quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng của Việt Nam; về chủ thể, về khái niệm tội phạm về chức vụ trong Bộ luật hình sự 2015, ông Tuyên cho rằng Tham nhũng cũng chính là những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

Về khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật đấu tranh phòng, chống các tội phạm tham nhũng của Việt Nam, có khó khăn từ chính các chủ thể của nhóm tội phạm tham nhũng; khó khăn, vướng mắc từ các văn bản pháp luật liên quan; về công tác giám định thiệt hại về tài sản; về ủy thác Tư pháp.

Theo ông Phạm Minh Tuyên sở dĩ khó khăn trong công tác phát hiện hành vi tham nhũng vì chủ thể của nhóm tội phạm tham nhũng thường là những người có chức vụ quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, quan hệ hiểu biết xã hội rộng, có điều kiện kinh tế để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội. Thủ đoạn phạm tội rất tinh vi vì các đối tượng tham nhũng thường có quan hệ chặt chẽ với nhau, có thông tin khép kín trong phạm vi nhất định. Hành vi tham nhũng nhiều khi được che chắn thậm chí là có sự đồng lõa của những người có chức vụ, quyền hạn ở cấp cao hơn. Vì vậy, việc phát hiện và xử lý tham nhũng là hết sức khó khăn.

Mặt khác, đối với việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài (nhất là việc sử dụng vốn đầu tư, mua sắm), việc ủy thác điều tra và tiếp nhận kết quả ủy thác điều tra phải phụ thuộc vào nước ngoài nên công tác điều tra bị kéo dài hoặc không đạt được yêu cầu điều tra. Đồng thời, do có sự khác biệt về pháp luật giữa Việt Nam với các nước nên kết quả công tác phối hợp tương trợ tư pháp còn nhiều hạn chế. Vấn đề hợp tác quốc tế, dẫn độ trong các vụ án này cũng gặp nhiều khó khăn, không nhận được sự hỗ trợ của bên ngoài.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm, ảnh Đinh Hùng Lan

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên và các đại biểu cũng đã chia sẻ, thảo luận sôi nổi và đề nghị các Thẩm phán Pháp cho ý kiến về hai vấn đề nổi cộm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đó là phát hiện tham nhũng và xử lý đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc phù hợp

Tại buổi tọa đàm, bà Nicole Planchon, Thẩm phán Tòa án phá án Pháp cũng đã chia sẻ về công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp. Theo bà Nicole, phát hiện tham nhũng chủ yếu qua tố cáo, ở Pháp mọi công chức đều có nghĩa vụ tố cáo các hành vi tham nhũng, trục lợi trái phép, biển thủ của công. Mục đích là công chức của Pháp phải là những người có hành vi không thể chê trách.

Pháp luật Pháp quy định chỉ cần thỏa thuận, hứa hẹn là sẽ giúp và sẽ được bồi dưỡng mà chưa cần nhận hối lộ đã bị bắt và xử lý về tội nhận hối lộ mà không cần xác định giá trị thiệt hại…

Pháp có luật kê biên tài sản, kê biên cả những tài sản người phạm tội đứng tên và cả những tài sản người phạm tội có toàn quyền sử dụng kể cả khi tài sản đó đứng tên người khác; nhân viên điều tra có quyền được thu thập thông tin trong bất cứ giai đoạn nào, khi cơ quan điều tra yêu cầu thì tất cả các cơ quan phải cung cấp do đó, việc thi hành án, thu hồi tài sản phạm tội không gặp khó khăn.

Kinh nghiệm tranh tụng tại Tòa án hai bên và việc công khai bản án, quyết định của Tòa án phá án Pháp

Trong ngày làm việc thứ 2 (ngày 18/9), hai bên tập trung tọa đàm về nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tư pháp của hầu hết các quốc gia dân chủ và pháp quyền. Đó là một tiêu chí quan trọng để đánh giá tính dân chủ và pháp quyền của một quốc gia.

Trong phần trình bày của mình, ông Phạm Minh Tuyên nhấn mạnh: Tranh tụng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp. Tranh tụng không chỉ là một phương thức để tìm ra chân lý, mà theo Hiến pháp năm 2013, nó còn có nghĩa là công cụ bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong một nhà nước pháp quyền, là cách thức để nâng cao nhận thức, tạo ra một môi trường dân chủ, bình đẳng trong các quan hệ tố tụng, buộc các chủ thể có thẩm quyền thực hiện các hành vi tố tụng một cách nghiêm túc, đúng pháp luật, qua đó làm giảm thiểu các vi phạm pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên khi tiến hành một quy trình tố tụng tại tòa án.

Thẩm phán cao cấp Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh phát biểu về tranh tụng tại Tòa án theo pháp luật Việt Nam

Khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Nguyên tắc này là cần thiết đối với hoạt động của Tòa án, đặc biệt là khi lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Tòa án được ghi nhận là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Theo nguyên tắc của tranh tụng, phiên tòa sẽ được tổ chức sao cho các bên tham gia phiên tòa có được vị trí tương đương nhau,  quyền phát biểu, tranh luận, đưa ra chứng cứ, thời gian dành cho mỗi bên cũng bằng nhau, các chủ thể tham gia tố tụng được tôn trọng như nhau… Tòa án – hay cụ thể hơn là các Thẩm phán – sẽ là một người trọng tài thực thụ để đánh giá những chứng cứ, ý kiến, quan điểm mà các bên thu thập được theo một trình tự tố tụng, trên cơ sở đó, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án để đưa ra những phán quyết khách quan nhất, tương thích nhất với các quy định của pháp luật. Tranh tụng trong xét xử góp phần rất quan trọng để Tòa án đưa ra những phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế tình trang oan sai, bảo đảm tòa án thực sự là nơi công bằng và công lý được thực thi…

Bà Nicole Planchon, Thẩm phán Tòa Phá án Pháp và ông Patrick Matet, Thẩm phán Tòa Phá án Pháp cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về tranh tụng tại phiên tòa theo quy định của pháp luật cộng hòa Pháp; Phổ biến các bản án, quyết định của Tòa án phá án Pháp .

Tòa án tối cao Pháp xác định và buộc các thẩm phán xét xử về nội dung vụ việc phải tuân thủ, trong đó bắt buộc Thẩm phán phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tranh tụng. Điều 14 Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp khẳng định nguyên tắc tranh tụng bằng việc quy định rằng “ không bên nào có thể bị xét xử mà không được trình bày hoặc được triệu tập” . Khoản 1 Điều 16 Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp quy định trong mọi trường hợp, thẩm phán phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tranh tụng .

Về công khai bản án : Những quyết định của Tòa Phá án có ba mức độ công bố : những quyết định được in “trong ấn bản”, những “quyết định được công bố” và những quyết định “không được công bố”.

Những quyết định “không được công bố”có thể được truy cập trên mạng nội bộ của Tòa Phá án. Đó là những quyết định tương ứng với những phán quyết không bao gồm những lý do đặc biệt. Những quyết định hủy bản án không có lý do đặc biệt trong lĩnh vực dân sự và những tuyên bố không-chấp nhận trong lĩnh vực hình sự.

Những quyết định “được công bố” là những quyết định, không được in trong ấn bản, được phổ biến trên open data- cơ sở dữ liệu mở để mọi người tiếp cận sau khi đã được mã hóa. Những quyết định này được đăng tải trên Jurinet, cơ sở dữ liệu các quyết định của Tòa phá án, có thể truy cập trên mạng nội bộ của Tòa Phá án và cả trên trang web Legifrance.gouv.fr trong mục “không in trong ấn bản”.

Những quyết định “được in trong ấn bản” được các thẩm phán của Tòa Phá án chọn lựa để in trong Bản tin các quyết định của các Tòa dân sự hoặc Tòa đại hình. Những quyết định được in trong ấn bản được Tòa Phá án phân loại để công bố.

Theo ông Patrick Matet, Thẩm phán Tòa Phá án Pháp: Năm 2016, hơn ba triệu bản án (dân sự và hình sự) đã được phán quyết. Cùng năm đó, Legifrance đã công bố 14 000 phán quyết. Việc công bố trên mạng nhằm mục đích cung cấp sự phân tích đầy đủ. Hoạt động của các nghề pháp luật sẽ tiến triển hướng tới nhiều sự công khai hơn, tạo thuận lợi cho việc hội tụ các án lệ và cách thức thực thi pháp luật trên toàn lãnh thổ, là nguồn để áp dụng pháp luật tốt hơn và củng cố sự bình đẳng trong đối xử với các đương sự.

 

NGÔ XUÂN BÁCH