Trao đổi về việc áp dụng Điều 357 BLTTHS năm 2015
Khi xét xử lại lần 2, người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt cho bị cáo còn bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo. Như vậy, HĐXX phúc thẩm có thẩm quyền chấp nhận cả hai kháng cáo của bị cáo và bị hại hay không?
Vào năm 2018, trong lúc xảy ra sự mâu thuẫn và cự cãi Nguyễn Văn A có hành vi dùng chân và tay đấm, đá làm Nguyễn Văn B té ngã, gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 26%. Sau đó, TAND huyện P, tỉnh H tuyên xử bị cáo Nguyễn Văn A phạm tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 và xử phạt bị cáo 15 tháng tù, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo. Người bị hại Nguyễn Văn B kháng cáo yêu cầu TAND tỉnh H xét xử tăng nặng hình phạt đối với bị cáo A.
Tòa án tỉnh H đưa vụ án ra xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại nhằm làm rõ đề nghị của người bị hại cho rằng bị cáo có tiền sự, là cơ sở để xem xét có cho bị cáo được hưởng án treo hay không.
Quá trình điều tra lại cho thấy, bị cáo Nguyễn Văn A không có tiền sự. TAND huyện P đưa vụ án ra xét xử lại lần 2 và tuyên xử bị cáo Nguyễn Văn A phạm tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015, xử phạt bị cáo với mức án là 9 tháng tù. Người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt cho bị cáo. Bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo. Như vậy, HĐXX phúc thẩm có thẩm quyền chấp nhận cả hai kháng cáo của bị cáo và bị hại hay không?
Qua vụ án trên thì có hai quan điểm khác nhau về áp dụng Điều 357 BLTTHS năm 2015 khi xét xử phúc thẩm lần 2:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tại điểm e khoản 1 Điều 357 BLTTHS năm 2015[1] về sửa bản án sơ thẩm chỉ có quy định trường hợp “giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo” và theo điểm a khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015[2] quy định “Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp”. Như vậy, theo quy định này HĐXX phúc thẩm chỉ được sửa bản án sơ thẩm cho bị cáo được hưởng án treo theo 2 trường hợp: Một là, giữ nguyên bản án sơ thẩm và cho bị cáo được hưởng án treo; hai là, giảm mức hình phạt tù và cho bị cáo được hưởng án treo. Pháp luật không có quy định về trường hợp vừa tăng nặng hình phạt và cho hưởng án treo. Do vậy, HĐXX phúc thẩm không có thẩm quyền vừa xét xử chấp nhận kháng cáo của người bị hại Nguyễn Văn B về tăng hình phạt và chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Văn A, như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: HĐXX phúc thẩm áp dụng điểm e khoản 1 Điều 357; điểm a khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015, để xem xét từng kháng cáo độc lập trong cùng một vụ án. Đồng thời, có thẩm quyền xét xử chấp nhận kháng cáo của người bị hại Nguyễn Văn B về tăng hình phạt lại vừa chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Văn A là đúng và phù hợp với quy định của pháp luật.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, vì những lý do sau: Khi xét xử HĐXX đánh giá toàn diện vụ án, xác định nguyên nhân mâu thuẫn, tính chất mức độ của hành vi phạm tội, hậu quả mà bị cáo gây ra cho người bị hại và sự tác động đến xã hội, từ đó làm cơ sở đánh giá bản án sơ thẩm xét xử đúng pháp luật hay không và mức hình phạt có thuyết phục không để làm căn cứ chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo của người bị hại. Nếu có căn cứ cho rằng mức hình phạt của bị cáo còn nhẹ chưa nghiêm khắc thì HĐXX áp dụng điểm a khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015, chấp nhận kháng cáo của người bị hại tăng hình phạt đối với bị cáo.
Trong vụ án này tình huống đưa ra khi điều tra, truy tố xét xử lại đối với bị cáo không có tình tiết nào mới khác nhưng cấp sơ thẩm xét xử lần 2 giảm hình phạt cho bị cáo từ 15 tháng tù xuống còn 9 tháng tù là chưa tương xứng với tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo cũng như không đủ sức giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm chung; nên HĐXX phúc thẩm có thẩm quyền quyết định chấp nhận kháng cáo của người bị hại và tăng hình phạt cho bị cáo từ 9 tháng tù lên 15 tháng tù theo bản án sơ thẩm lần 1 đã tuyên và phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015.
Đối với kháng cáo yêu cầu xin được hưởng án treo của bị cáo. Đây là quyền của bị cáo đã được quy định trong BLTTHS. Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, khi người phạm tội thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định, có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015; bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; bị cáo có lý lịch, nơi cư trú rõ ràng thì HĐXX phúc thẩm có thẩm quyền cho bị cáo được hưởng án treo. Khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015 quy định: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”. Cụ thể hơn, theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo thì “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”.
Trong vụ án này, tình huống đặt ra là, vừa có kháng cáo của người bị hại tăng nặng trách nhiệm hình sự, vừa có kháng cáo của bị cáo xin được hưởng án treo. Xét hai kháng cáo này có nội dung không mâu thuẫn hay đối kháng nhau. Bị hại yêu cầu về việc tăng nặng hình phạt còn bị cáo yêu cầu xem xét việc cho bị cáo được miễn chấp hành hình phạt tù. HĐXX phúc thẩm cần xem xét toàn diện từng yêu cầu kháng cáo của các bên, xem xét những tình tiết, chứng cứ trong vụ án và nhận thấy có cơ sở thì HĐXX áp dụng điểm a khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015 để tăng nặng hình phạt cho bị cáo. Đối với kháng cáo của bị cáo xin được hưởng án treo, cấp phúc thẩm xem xét, đối chiếu những quy định của pháp luật về điều kiện cho hưởng án treo về những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để áp dụng Điều 51, Điều 65 BLHS năm 2015 chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật.
HĐXX không thể cứng nhắc khi vận dụng điểm a khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015 khi xét xử tăng hình phạt theo kháng cáo của người bị hại thì không được quyền cho bị cáo hưởng án treo, như vậy là không xem xét đến quyền lợi của bị cáo khi đủ các điều kiện hưởng án treo theo pháp luật quy định và ngược lại không thể cho rằng nếu chấp nhận kháng cáo của bị cáo cho bị cáo được hưởng án treo thì không chấp nhận kháng cáo của người bị hại tăng hình phạt đối với bị cáo. Mặt khác, quan sát nội dung Điều 357 BLTTHS năm 2015 có thể nhận thấy sự phân hóa trong quy định về phạm vi áp dụng khoản 1 hay khoản 2 của điều luật. Cụ thể, quy định tại khoản 1 Điều 357 BLTTHS năm 2015 được áp dụng cho tất cả những người kháng cáo được quy định tại Điều 331 BLTTHS năm 2015[3] khi nội dung của kháng cáo không làm xấu đi tình trạng của bị cáo, nhưng tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015 quy định chỉ được làm xấu đi tình trạng của bị cáo khi có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của bị hại yêu cầu thì HĐXX phúc thẩm mới được xem xét áp dụng. Như vậy, khi xét xử cần xem xét toàn diện các kháng cáo và đánh giá tính hợp pháp của các kháng cáo đã được pháp luật quy định, mà không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo hay bị hại khi HĐXX chấp nhận kháng cáo của bên đối lập.
Tóm lại, theo quan điểm của người viết, HĐXX phúc thẩm có thẩm quyền áp dụng điểm a khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015, tăng hình phạt đối với kháng cáo của người bị hại, nếu có căn cứ cho rằng mức hình phạt mà cấp sơ thẩm xét xử bị cáo còn nhẹ chưa đủ sức răn đe và có thẩm quyền chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cho bị cáo được hưởng án treo khi có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015, Nghị quyết số 02/2018/NQ- HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS, thì cho bị cáo được hưởng án treo.
Trên đây là quan điểm của người viết, rất mong nhận được sự đóng góp của quý bạn đọc để việc áp dụng pháp luật được thống nhất./.
Tòa án nhân dân TP. Pleiku đã mở phiên tòa xét xử 18 bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” - Ảnh: Vân Ngọc/ BGL
[1] Điều 357. Sửa bản án sơ thẩm
1. Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:
a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;
b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;
c) Giảm hình phạt cho bị cáo;
d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;
đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;
e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.
2. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:
a) Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp;
b) Tăng mức bồi thường thiệt hại;
c) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn;
d) Không cho bị cáo hưởng án treo.
Nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.
[3] Điều 331. Người có quyền kháng cáo
1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận