Tráo linh kiện của người gửi xe là Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Qua nghiên cứu bài viết “ Đánh tráo linh kiện xe phạm tội gì” của tác giả Đặng Duy Thanh đăng trên Tạp chí Tòa án ngày 08/6/2020. Quan điểm cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ 3 cho rằng hành vi của các đối tượng Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Sơn, Ngô Hoàng Văn và Trần Tấn Phát phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hành vi của các đối tượng trên không thỏa mãn cấu thành tội trộm cắp tài sản. Bởi lẽ: Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý. Trong tình huống trên, các đối tượng Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Sơn, Ngô Hoàng Văn và Trần Tấn Phát thông qua hợp đồng gửi giữ tài sản, các bị cáo là người trực tiếp quản lý tài sản, vì vậy, người quản lý tài sản không thể nào trộm cắp tài sản do chính mình đang quản lý.
Các đối tượng Nam, Sơn, Văn và Phát đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản là linh kiện của xe từ trước khi nhận được xe trên cơ sở hợp đồng gửi giữ tài sản. Thủ đoạn gian dối đã có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với các đối tượng. Như vậy, hành vi của các đối tượng không thỏa mãn cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bởi lẽ trong cấu thành tội này thủ đoạn gian dối phải có sau khi người phạm tội nhận được tài sản. Đây là một trong những dấu hiệu để phân biệt giữa 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.
Trong cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản dấu hiệu hành vi khách quan gồm hai hành vi khác nhau. Hành vi thứ nhất được điều luật quy định là thủ đoạn thực hiện hành vi thứ hai. Đó là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Hành vi lừa dối là thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi lừa dối. Hành vi chiếm đoạt trong tội Lừa đảo có hai hình thức biểu hiện cụ thể: Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thì hình thức cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối, vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa dối đã giao nhầm tài sản; Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng lẽ phải giao cho người bị lừa dối. Vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa dối đã nhận nhầm tài sản (nhận thiếu, nhận sai loại tài sản được nhận) hoặc không nhận.
Từ những phân tích trên, tôi hoàn toàn nhất trí với phân tích của quan điểm thứ ba khi cho rằng: Nam, Sơn, Văn và Phát đã thông đồng với nhau để tránh tráo linh kiện xe, chứ không chiếm đoạt luôn linh kiện của xe, ý thức của các bị cáo là lừa dối khách hàng, bởi khi khách hàng lấy xe ra lẽ họ nơi gửi xe thì các phụ tùng, linh kiện của xe vẫn đầy đủ, không mất phần nào, xe vẫn hoạt động bình thường. Ở đây, các đối tượng chỉ lừa đối khách hàng để chiếm đoạt phần giá trị chênh lệch giữa linh kiện tốt và kém chất lượng nên đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Cần làm rõ quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là xác định chứng cứ hay đó chỉ là nguồn chứng cứ
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
Bình luận