Tráo linh kiện của người gửi xe phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nghiên cứu bài viết trao đổi “Tráo linh kiện của người gửi xe, tội gì?” của tác giả Đặng Duy Thanh, đăng trên Tạp chí TAND điện tử số ra ngày 8/6/2020, tôi đồng tình với quan điểm thứ ba, các đối tượng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS.

Quan điểm này được phân tích trên cơ sở sau:

Thứ nhất, đây không phải là hành vi “Trộm cắp tài sản” vì  trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Người khác ở đây có thể là người chủ tài sản đang trực tiếp chi phối tài sản hoặc người đang có trách nhiệm quản lý tài sản. Trường hợp này, có sự lén lút đối với người chủ sở hữu, nhưng chủ sở hữu lại không phải là người đang trực tiếp chi phối tài sản. Tài sản lúc này đã được giao cho các đối tượng trông giữ xe quản lý. Việc các đối tượng trông giữ xe cấu kết với một số đối tượng khác tráo đổi linh kiện xe trong thời gian xe đang được giao quản lý xe không hề mang tính lén lút. Vì vậy, đây không phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản trong tội “Trộm cắp tài sản”. Mặt khác, các đối tượng phạm tội không lấy luôn các phụ tùng mà chỉ thay thế chúng bằng các linh kiện khác nhằm lừa dối người bị hại, làm cho người bị hại tin rằng xe được trông giữ cẩn thận, không bị mất mát, thay thế gì. Đó chính là thủ đoạn gian dối, thủ đoạn này không có trong hành vi khách quan của tội “Trộm cắp tài sản”.

Thứ hai, đây không phải là hành vi “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản” vì lạm  dụng tín nhiệm tài sản xuất phát từ hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản một cách hợp pháp. Sau khi được giao các tài sản trên một cách hợp pháp mới phát sinh việc chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, ý thức chiếm đoạt đã có trước khi phát sinh việc gửi xe. Các đối tượng đã có sự bàn bạc kỹ càng với nhau từ trước về việc lựa chọn xe, bố trí nơi tráo đổi linh kiện để tiện tháo lắp, vận chuyển ra ngoài, chuẩn bị sẵn linh kiện kém chất lượng để thay thế, cách xử lý khi khách hàng đến lấy xe sớm (ý thức chiếm đoạt được phát sinh trước hay sau khi giao tài sản chính là một đặc điểm để phân biệt giữa tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Hợp đồng  trông xe cũng không phải là hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản đã quy định trong cấu thành tội phạm của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Do đó, trường hợp các đối tượng phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” cũng được loại trừ.

Thứ ba, có thể khẳng định các đối tượng trên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hành vi khách quan bao gồm “bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản” thỏa mãn cấu thành của tội phạm. Thủ đoạn gian dối thể hiện: bọn chúng không lấy luôn tài sản mà thực hiện việc tráo đổi linh kiện. Việc tráo đổi là nhằm cố ý lừa dối người bị hại, cố ý làm cho khách gửi xe tin rằng xe được trông giữ an toàn, không xảy ra mất mát gì và nhận lại xe. Tài sản lúc này đang ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội. Lẽ ra, người phạm tội phải trao trả xe như đúng hiện trạng ban đầu người bị hại đã gửi nhưng bọn chúng đã giữ lại những linh kiện, phụ tùng đã đánh tráo thay vào đó là trả cho khách chiếc xe với những linh kiện, phụ tùng bị thay thế có chất lượng kém hơn. Vì bị lừa dối, tin rằng xe vẫn nguyên trạng nên người gửi xe đã nhận lại xe. Hành vi chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành khi các đối tượng phạm tội đã làm chủ được tài sản bị chiếm đoạt và người bị lừa dối đã mất tài sản đó. Thủ đoạn lừa dối trên chính là tiền đề để các đối tượng thực hiện được việc chiếm đoạt còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối. Ý thức chiếm đoạt trong trường hợp này cũng đã có từ trước (như phân tích ở đoạn trên). Vì vậy, tôi cho rằng hành vi đánh tráo linh kiện của người gửi xe phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS.

Trên đây là một số ý kiến của tôi về định tội danh trong vụ án này, kính mong nhận được sự trao đổi của các độc giả!

 

Một điểm giữ xe tại TP HCM . Ảnh minh họa: Đại Việt

NÔNG NGỌC MỴ ( Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)