Trích đăng hồi ký “Chuyện nghề phán xử”

(TCTA) - Tác giả “Chuyện nghề phán xử” ông Tưởng Duy Lượng bắt đầu vào nghề từ cuối năm 1975 trải qua các cương vị Thư ký Tòa án địa phương, Phó Chánh Văn phòng, Thẩm phán Tòa án địa phương, Thẩm tra viên Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao, gần chín năm làm Thẩm phán Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, hơn 13 năm là Phó Chánh Tòa- Chánh Tòa tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao và gần 5 năm là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nhân dịp, hồi ký “Chuyện nghề phán xử” của tác giả Tưởng Duy Lượng chuẩn bị phát hành, Tạp chí Tòa án nhân dân trích đăng một số nội dung trong cuốn sách.

Toà sơ thẩm đã quy kết sai cho tôi, tôi bị oan

Trong những năm chiến tranh, nhân dân tỉnh Quảng Trị gồng mình cùng quân dân cả nước chống trả các cuộc tấn công của phía đối địch. Nhằm tạo thêm sức mạnh tinh thần, một phong trào chia sẻ, đùm bọc diễn ra, nhiều gia đình đã nhận các anh, chị du kích về ở trong nhà mình như một thành viên. Gia đình bà M có hai người, bà và cô con gái đã đón một anh du kích về ở cùng. Mọi việc diễn ra bình thường như bao gia đình khác, êm đềm và thuận hòa trong một thời gian khá dài. Rồi một ngày bà nhận ra bụng con gái bà cứ lớn dần. Hỏi con, bà biết được con gái bà với anh du kích ở cùng nhà yêu nhau. Sau đó một thành viên mới ra đời. Anh du kích ở cùng không nhận mình là “tác giả”. Tổ chức đã bố trí cho anh tới một gia đình khác. Chi bộ đã có nhiều cuộc họp kiểm điểm, nhưng anh ta không nhận, vì thế sự việc cứ nhùng nhằng, kéo dài.

Mãi mấy năm sau giải phóng, cô gái năm xưa mới quyết định cần phải xác định về pháp lý ai là người cha cho đứa con của mình. Chị đã quyết định gửi đơn khởi kiện truy nhận cha cho đứa con tới Tòa án nhân dân thị xã Đông Hà(1).

Sau khi thu thập tài liệu, chứng cứ Tòa án nhân dân thị xã Đông Hà đã đưa vụ án ra xét xử và quyết định: Anh du kích ở cùng gia đình bà M là cha của đứa trẻ do con gái bà sinh ra. Sau khi có phán quyết anh đã làm đơn kháng cáo với nội dung: Tôi không phải là cha cháu bé, đã có nhân chứng khai không đúng sự thật, không dám đến phiên tòa, có nhân chứng khi biết tôi bị oan đã ân hận khóc trước mặt tôi.

Đó là cốt lõi của lá đơn kháng cáo trong một vụ án “truy nhận cha cho con”.

Đọc lá đơn kháng cáo mà tôi giật mình, nếu đúng như vậy anh ta oan rồi. Cảm nhận được sự phức tạp của vụ án tôi không dám giao cho Thư ký đi xác minh, thu thập thêm chứng cứ. Khi đó chưa có giám định gen như bây giờ, nên đâu có đơn giản. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã từng hướng dẫn: con sinh ra trong phạm vi 180 ngày tính từ ngày có quan hệ vợ chồng thì dù vợ chồng đã ly hôn (nếu không có chứng cứ nào khác) vẫn kết luận đó là con chung của vợ chồng. Tôi hay nói vui rằng “cá vào ao nhà ai thì là cá của nhà đó”. Đối với những vụ truy nhận cha cho con còn khó hơn nhiều. Có ai biết được “ma ăn cỗ”.

Tôi đã từng gặp một vụ do Thẩm phán Tòa án cấp sơ thẩm thiếu kinh nghiệm trong khai thác, thu thập chứng cứ nên tới giai đoạn phúc thẩm đương sự đã “có kinh nghiệm”, không thể nào làm rõ một tình tiết có ý nghĩa quan trọng trong vụ án truy nhận cha cho con. Giai đoạn sơ thẩm đương sự thật thà hé lộ chi tiết là “có quan hệ” với người phụ nữ. Chỉ cần dấn lên một chút đưa ra các câu hỏi hợp lý, làm rõ “có quan hệ” là như thế nào, trong hoàn cảnh nào… thì tôi tin là sẽ biết được “có quan hệ” sâu sắc đến đâu. Có lẽ Thẩm phán thấy đương sự thực thà khai thế là đủ rồi, không làm rõ thêm đã ra phán quyết xác định đứa con đó là con của anh ta. Sau khi xử, anh này kháng cáo, nói tòa xử sai, anh với người đó chỉ có quan hệ bạn bè.

Còn vụ “ma ăn cỗ” mà Tòa án nhân dân thị xã Đông Hà vừa xét xử cũng không phải là vụ án đơn giản. Tôi quyết định cần phải trực tiếp đi về cơ sở để thẩm tra và thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, nếu bị đơn oan thật phải “giải oan” cho đương sự. Khi tôi đến Toà án nhân dân thị xã Đông Hà, vào gặp đồng chí Chánh án yêu cầu cho người dẫn tôi đến những điểm tôi cần làm việc, để công việc được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả. Khi vừa rời phòng đồng chí Chánh án thì gặp chị Giang, chị vốn cũng là du kích đã đích thân xét xử vụ này. Khi biết tôi tới Quảng Trị để thẩm tra, thu thập thêm tài liệu, chị cho biết:

- Đương sự này ghê lắm, hỏi câu nào chối phắt câu ấy, phản bác quyết liệt. Cả cái thị xã này, ai cũng tin là con của nó.

Thông tin của chị Giang rất quý giá, giúp tôi hiểu đương sự này thuộc dạng không vừa, được xếp vào hàng cao thủ trong giới “võ mồm”, một đối tượng giảo hoạt, cần có “kế sách” thích hợp.

Tôi đến gặp Bí thư Chi bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp kiểm điểm mà không thành, tôi nói:

- Nếu không có gì bí mật, đồng chí cho tôi xem biên bản họp để biết các đồng chí trong Chi bộ và đối tượng có ý kiến như thế nào.

Sau đó, tôi đi gặp lấy lời khai của các nhân chứng mà đương sự nói đã ân hận, đã khóc trước mặt anh, vì ân hận làm anh bị oan; lấy lời khai của nhân chứng không có mặt ở phiên tòa sơ thẩm, nhân chứng này có lời khai có ý nghĩa nhất vì đôi lần bất chợt đến chứng kiến sự thân mật hơn mức bình thường của hai người.

Khi tôi lấy lời khai nhân chứng, họ đều khẳng định: Anh ta viết thế là không đúng. Đối với nhân chứng vắng mặt ở phiên tòa sơ thẩm, chị cho biết khi tòa xử chị mới sinh con, thời điểm tôi về lấy lời khai con chị mới được 3 tháng tuổi. Tôi nói:

- Đương sự viết trong đơn khẳng định rằng vì chị khai không đúng sự thật nên đã không dám đến phiên tòa.

- Tất cả những lời khai của tôi là đúng những gì tôi nhìn thấy, một lần vào buổi tối và một lần vào ban ngày, cả hai lần đó bà mẹ đều không có ở nhà.

- Phiên tòa phúc thẩm đề nghị chị có mặt tại phiên tòa để trình bày.

- Tôi xin được vắng mặt vì hai lý do: con còn nhỏ và chồng tôi rất hay ghen. Xin cho tôi vắng mặt và khẳng định sự chính xác về lời khai của mình.

Tôi ghi tất cả ý kiến của chị, cả lý do xin vắng mặt ở phiên tòa phúc thẩm.

Tôi lấy lời khai của người khởi kiện xin truy nhận cha cho con, của đại diện phụ nữ phường, chính quyền phường và một vài người khác. Biết được đối tượng trong vụ “ma ăn cỗ” này không phải dạng vừa, tôi có một ý tưởng thẩm vấn bằng chiến thuật bao vây, cùng những câu hỏi khác thường. Do tôi dự đoán chắc chắn không bao giờ anh ta thừa nhận, mà nhân dân thị xã lại đặc biệt quan tâm vụ án này, cần làm sao để nhân dân có thể thấy được sự khách quan của phán quyết.

Hôm khai mạc phiên tòa, hội trường xét xử trước đây nguyên là của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị nên cũng khá rộng, nhưng chật cứng người. Các cửa sổ đầy người đứng xung quanh, khi xử tôi còn lo đông thế, nếu có chen lấn xô đẩy mà đổ tường, sập nhà thì nguy to. Tôi lưu ý người dân phải trật tự, những người ở ngoài không chen lấn, xô đẩy ảnh hưởng đến hoạt động phiên tòa. Nhân dân vùng mới giải phóng chấp hành rất nghiêm chỉnh. Khi mọi thủ tục ban đầu như giới thiệu thành phần Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, quyền, nghĩa vụ của các đương sự, nhân chứng tại phiên tòa đã xong, tôi chuyển sang giai đoạn thẩm vấn. Từng câu hỏi, thứ tự câu hỏi đều có tính toán.

- Anh đã xây dựng gia đình chưa? Vào ngày tháng năm nào? Vợ anh tên là gì? Đã có con chưa? Con sinh ngày tháng năm nào?

Mục đích để người dự phiên tòa thấy sau khi xảy ra sự cố, tổ chức bố trí cho anh đến một gia đình khác, anh cũng “ăn cơm trước kẻng” tại gia đình này, chỉ khác lần trước là anh đã cưới cô gái làm vợ. Sau đó, tôi không đi sâu vào sự việc trên nữa, nếu đi sâu quá vừa không cần thiết mà dễ vi phạm quyền riêng tư. Tôi chuyển qua vấn đề chính. Bây giờ, tôi không nhớ được hết những câu đã hỏi, song có một điều khẳng định rất nhiều câu đương sự không trả lời, không giải thích được.

Để đánh đòn tâm lý, mỗi lần đương sự không trả lời được tôi đều lưu ý Thư ký, yêu cầu Thư ký ghi rõ trong biên bản, Hội đồng xét xử đã nhắc lại câu hỏi nhiều lần nhưng đương sự không trả lời được, mồ hôi đương sự ròng ròng ngày một nhiều hơn.

Tôi đang say sưa hỏi mà quên, chứ đúng ra tôi cần làm động tác ấy. Lúc đó, ông Phước (trước phụ trách Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị, về hưu ông là Hội thẩm nhân dân của tỉnh)(2), đã nói với đương sự:

- Anh cứ bình tĩnh trình bày.

Câu nói của ông Phước làm tôi sực tỉnh. “Ơ, tại sao mình lại quên không làm động tác đó”. Sau khi ông Phước nói xong tôi nhắc lại lời ông Phước:

- Anh bình tĩnh trình bày, nhưng quan trọng là anh phải khai cho đúng sự thật.

 Sau đó tiếp tục hỏi đương sự, lúc này bắt đầu xuất hiện những câu hỏi có phần “bất thường”.

- Chính quyền và đoàn thể phường nơi anh cư trú có tình cảm với anh như thế nào? Yêu, ghét hay cũng bình thường như nhiều người khác?

- Thưa tòa bình thường ạ

- Đúng rồi. Tôi khẳng định lời của đương sự và nói tiếp: Nếu anh không có đóng góp, cống hiến gì đặc biệt hoặc có hành động xấu nào thì chính quyền, đoàn thể đối với anh cũng bình thường như những người khác. Vậy anh trả lời như thế nào với trình bày của đại diện Ủy ban, của đoàn thể là anh có quan hệ với chị ấy và cháu đó là con của anh?

Đương sự đứng im.

- Anh trả lời đi, lý do vì sao?

Đương sự không trả lời.

- Như vậy là anh không giải thích được? Anh cho biết đối với người dân thị xã Đông Hà họ yêu hay ghét, hay tình cảm nhân dân thị xã với anh cũng bình thường như những người khác?

- Tôi làm thuế vụ (đương sự làm công tác thu thuế ở chợ Đông Hà) nên có người ghét tôi.

Anh ta phản ứng rất nhanh sau câu hỏi, vì đoán ra ý đồ của câu hỏi.

- Tòa cũng công nhận anh làm công tác thuế vụ sẽ có va chạm đến quyền lợi của người khác, ngay cả khi anh làm đúng, có người không hiểu cũng ghét anh, còn anh làm sai, hách dịch, họ ghét là đương nhiên.

Tôi xác nhận lời khai đương sự.

- Anh trả lời sao về nhân chứng anh viết trong đơn kháng cáo là đã ân hận vì khai oan cho anh nhưng khi tôi gặp nhân chứng này để lấy lời khai, chị ta khẳng định không có việc đó và không thay đổi nội dung đã khai ở Tòa sơ thẩm?

Đương sự đứng im.

- Anh trả lời đi.

Tôi nhắc đương sự, dừng vài giây và nói tiếp:

- Như vậy anh không giải thích được. Anh trả lời thế nào về lời khai của những người không buôn bán, không làm việc gì có liên quan đến công tác của anh, mà họ cũng cho rằng cháu bé là con anh, anh có quan hệ với chị đó?

Đương sự lại đứng im, mồ hôi lại túa ra. Có lẽ vì bị quây nhiều câu đã không trả lời được làm anh ta giảm hoạt ngôn, nên lúng túng, chứ bình thường chắc anh ta đâu chịu đứng im như vậy. Khi hỏi câu này tôi biết có chỗ để anh ta phản bác và tôi đã dự liệu câu hỏi tiếp sau nếu anh phản bác. Khi tôi hỏi anh ta về lời khai của nhân chứng quan trọng nhất đã vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm, anh ta như bừng tỉnh, phản ứng ngay.

- Chị ta khai không đúng sự thật, vì khai không đúng nên phiên tòa sơ thẩm cũng không ra, phiên tòa phúc thẩm không thấy có mặt.

Đúng là đương sự này không phải tay vừa

- Chị nhân chứng này không tới tòa, không phải với lý do như anh viết trong đơn kháng cáo và anh vừa khai, tôi đã trực tiếp lấy lời khai của nhân chứng. Anh chú ý nghe tôi đọc lời khai của nhân chứng này nhé.

Đọc xong tôi hỏi đương sự:

- Anh thấy đấy, chị ấy không hề thay đổi lời khai, còn lý do chị không có mặt tại phiên tòa hôm nay, chị đã trình bày và tòa chấp nhận cho chị vắng mặt.

Tôi lại đọc tiếp đoạn nhân chứng xin vắng mặt và lý do không có mặt tại phiên tòa Phúc thẩm.

- Vậy anh trả lời sao về lời khai nhân chứng này?

Khi phần thẩm tra tại phiên tòa đã xong, nghe hết ý kiến hai bên trình bày, Hội đồng xét xử vào nghị án. Tôi cảm thấy an lòng khi thấy không có thành viên nào trong Hội đồng xét xử tỏ ra băn khoăn, đều thống nhất giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Trước đó tôi cứ nghĩ, sau khi tuyên án thể nào anh ta cũng có một phản ứng nào đó, nhưng không, anh ta đã chấp nhận phán quyết của Tòa phúc thẩm. Điều đó càng rõ ràng hơn, khi tôi biết sau này anh ta đã không khiếu nại bản án phúc thẩm.

PV

(1) Tháng 8/2009, thị xã Đông Hà đã được Chính phủ ra Nghị quyết công nhận thành phố thuộc tỉnh.

(2) Hồi mới giải phóng, do thiếu Thẩm phán, việc nhiều nên tố tụng lúc đó quy định phiên tòa Phúc thẩm có thể có hai Thẩm phán và một Hội thẩm, có thể cả ba là Thẩm phán. Riêng ngoài Bắc tôi không rõ, ở Bình Trị Thiên thời điểm đó đôi khi chúng tôi xét xử chỉ có hai Thẩm phán và một Hội thẩm.