Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ cho chính sách BHXH tự nguyện

Hơn 10 năm qua, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện theo 2 giai đoạn, với những quy định khác nhau. Tuy nhiên, sau 10 năm, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Thay đổi nhận thức người dân

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.

Anh Nguyễn Văn Thành, thành phố Bắc Ninh cho biết, anh đi làm và tham gia BHXH bắt buộc tại một doanh nghiệp đã được hơn 5 năm. Giờ anh không còn làm việc tại doanh nghiệp đó nữa mà về nhà kinh doanh tự do. “Tôi đã có sổ bảo hiểm. Tôi băn khoăn không biết muốn tham gia BHXH tự nguyện được không? Nếu được thì tôi có thể dùng sổ bảo hiểm đã được cấp để đóng tiếp được hay không?”. Được nhân viên đại lý BHXH tư vấn, “công dân từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia tự chọn nhưng không thấp hơn chuẩn hộ nghèo nông thôn (tối thiểu thu nhập 700.000 đồng/tháng).

Ngoài ra, những người đã từng tham gia BHXH bắt buộc, nay chuyển sang làm tự do vẫn có thể tham gia BHXH tự nguyện và đóng ngay trên sổ bảo hiểm đã có. Nếu người tham gia đóng BHXHTN chưa đủ 20 năm, không muốn tham gia BHXHTN nữa thì bảo lưu sau 12 tháng sẽ được hưởng chế độ BHXH một lần.

Tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân

Chính những lợi ích thiết thực do BHXH tự nguyện mang lại nên những năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng lên. Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 10/2019 số người tham gia BHXH là hơn 15,3 triệu người, trong đó người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 14,898 triệu người; BHXH tự nguyện khoảng 488.000 người; tăng hơn 200.000 người so với cuối năm 2018.

Tại địa bàn Hà Nội, BHXH TP đã yêu cầu cơ quan BHXH các quận, huyện trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó có những giải pháp phù hợp với đối tượng là lao động tự do và người dân khu vực nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện tại các quận, huyện ngày càng gia tăng. Để thu hút thêm nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, BHXH TP Hà Nội tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân.

Theo Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) Điều Bá Được, tại Nghị quyết số 28/NQ-T.Ư về cải cách chính sách BHXH, T.Ư đã đặt ra mục tiêu từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. “Mục tiêu trên sẽ thuận lợi hơn khi chúng ta sửa Luật BHXH như đề xuất của Bộ LĐTB&XH. Sau này, chúng ta sẽ giảm điều kiện về thời gian để được nhận lương hưu, thay vì 20 năm sẽ giảm xuống 15 năm hoặc là 10 năm như là Nghị quyết T.Ư đã chỉ đạo” – ông Được chia sẻ.

Cần đổi mới chính sách

Theo quy định, người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng năm chế độ trong BHXH gồm thai sản, tai nạn, tử tuất, hưu trí, thất nghiệp, còn BHXH tự nguyện chỉ được chi trả hai chế độ là tử tuất và hưu trí. Trong khi đó lao động di cư tự do cũng rất cần hưởng những chính sách ngắn hạn khi tham gia BHXH tự nguyện như chế độ thai sản, chế độ chi trả an toàn lao động… như người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Bà Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng – LIGHT cho biết, lao động di cư tự do là một trong những nhóm lao động yếu thế. Mặc dù công việc nặng nhọc, vất vả nhưng họ lại chưa nhận được những sự trợ giúp cần thiết để đảm bảo cuộc sống. Nhiều nhóm lao động di cư như nhóm giúp việc gia đình, nhóm bốc vác, nhóm bán hàng rong…. có thu nhập trung bình khá so với mặt bằng chung, nhưng lại đang sống trong những điều kiện khó khăn về nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục. “Đa phần lao động di cư chưa tiếp cận được với chính sách an sinh xã hội. Chỉ có 5 % lao động tham gia BHYT, gần 100% lao động di cư tự do chưa tham gia BHXH tự nguyện”, bà Giang cho hay.

Ngoài ra, hiện nay không phải địa phương nào cũng có chính sách “mở” với lao động nhập cư. Để mua được BHYT, BHXH tự nguyện, lao động di cư tự do cần rất nhiều giấy tờ: Tạm trú, chứng minh thư, xác nhận của chủ trọ… nhưng nhiều người không có những giấy tờ trên cũng là rào cản để họ tham gia vào hệ thống an sinh xã hội. Để mở rộng, phát triển BHXH tự nguyện hướng tới thực hiện BHXH toàn dân, thời gian qua Chính phủ, ngành BHXH đã có nhiều chủ trương, nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ bao phủ của BHXH tự nguyện. Trong năm 2018, sau khi triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ từ 10 đến 30% tiền đóng BHXH hàng tháng cho người lao động tùy từng đối tượng; tổ chức hàng nghìn hội nghị tuyên truyền tại các địa phương, tập huấn công tác tuyên truyền BHXH cho cán bộ BHXH các cấp…Với những nỗ lực đó, đến thời điểm này, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên gần 500.000 nghìn người. Tuy vậy, tốc độ tăng vẫn rất chậm, và không đáng kể so với tổng số người lao động tự do.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đối tượng tham gia BHXH dần được mở rộng, nhưng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện còn thấp và khó khăn, chưa có số liệu cụ thể đánh giá tỷ lệ phần trăm này. Vì vậy đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nâng mức hỗ trợ đóng BHXH cho đối tượng hộ cận nghèo và hộ nghèo để thúc đẩy người dân tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đạt nhanh tốc độ tăng BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương. “Trong gia đoạn đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cần nâng mức hỗ trợ lên để kích cầu, tham gia từ người dân. Về dài hạn, đây là việc Nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ trước để không phải chi sau khi người dân cao tuổi, bệnh tật”, ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện nên mở rộng thêm các chế độ hưởng để người có nhu cầu mở rộng thêm quyền lợi được tham gia. Ngoài ra, có thể tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT.

Trương Tuấn