Trong 3 năm 2016 – 2019, kỷ luật 1.111 tổ chức đảng và 54.573 đảng viên
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra Đảng năm 2019, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư có bài phát biểu quan trọng.
Những thành tựu nổi bật
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quốc Vượng điểm lại những thành tựu nổi bật trong công tác kiểm tra đảng.
1- Từ năm 2016 – 2019, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã triển khai thực hiện, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tăng nhiều so với các năm trước đây. Chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát từng bước được nâng cao, trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp, nghiêm trọng; tạo được hiệu ứng lan tỏa. Cụ thể là: Cấp ủy các cấp đã kiểm tra 226.479 tổ chức đảng và 1.054.699 đảng viên, trong đó Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập 36 đoàn kiểm tra, kiểm tra 110 tổ chức đảng. Toàn Ngành đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm 13.619 tổ chức, 16.214 cấp ủy viên các cấp và 24.727 đảng viên, gần bằng cả nhiệm kỳ của khóa XI (khóa XI, ủy ban kiểm tra đã kiểm tra 16 nghìn tổ chức đảng, 55 nghìn đảng viên và cấp ủy viên có dấu hiệu vi phạm). Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên, trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 38 sỹ quan trong lực lượng công an, quân đội (cấp tướng là 23 người…).
2- Qua kiểm tra, giám sát từng bước siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, quy chế làm việc, góp phần củng cố hoạt động, nâng cao chất lượng công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng.
3- Từng bước nhận dạng được “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, bằng các cá nhân, tập thể sai phạm, suy thoái cụ thể.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhận định: “Nhìn vào số tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật nêu trên, chúng ta thấy đó là sự cố gắng rất lớn của toàn Ngành, góp phần xây dựng Đảng ta thêm trong sạch, vững mạnh. Điều quan trọng là chúng ta từng bước làm rõ được, tại sao số lượng tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm kéo dài qua nhiều năm không được phát hiện? Phải chăng hằng năm, từng nhiệm kỳ chúng ta đánh giá chưa chính xác chất lượng đảng viên và tổ chức đảng? Phải chăng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chưa được coi trọng, chưa làm tốt, tiến hành không thường xuyên? Trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ còn hình thức, thiếu dân chủ? Tính chiến đấu của người cộng sản, người đảng viên không được phát huy? Đây là những vấn đề cần hết sức quan tâm trong thời gian tới”.
4- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và uỷ ban kiểm tra các cấp đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, tinh thần chiến đấu cao, vượt qua nhiều khó khăn, quyết tâm làm rõ và xử lý những vi phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh lực lượng vũ trang, cả cán bộ đương chức, nghỉ hưu.
Quá trình xem xét, xử lý các vụ việc, các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, “thấu tình, đạt lý”. Cho đến hôm nay, cơ bản các vụ việc đã xử lý kỷ luật, thì khiếu nại về mức kỷ luật chiếm tỷ lệ rất thấp.
Những nguyên nhân của thành tích
Ông Trần Quốc Vượng cho rằng có được những thành tích, bước đầu rút ra 5 nguyên nhân sau:
(1) Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư có quyết tâm chính trị cao trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thường xuyên quan tâm, kịp thời chỉ đạo hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nhiều cấp ủy tăng cường chỉ đạo, định hướng và tạo điều kiện để uỷ ban kiểm tra thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của Đảng. Đồng thời, Ngành Kiểm tra nhận được sự cổ vũ, động viên, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là động lực tinh thần to lớn, giúp đội ngũ cán bộ toàn Ngành Kiểm tra vững tin thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Có thể thấy rằng, chỉ đạo của Tổng Bí thư ngày 9-6-2016, yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan kiểm tra, kết luận vụ việc Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang sử dụng xe tư nhân gắn biển số xanh, tuy tưởng như là một việc vi phạm nhỏ, nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm tốt việc này và có ý nghĩa như hoạt động mở đầu cho sự đổi mới công tác kiểm tra đảng nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
(2) Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung, dày công nghiên cứu, tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành 12 văn bản, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ban hành 10 văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm khoa học, sát thực tế, phù hợp với tình hình, với nhiều điểm mới như: Xử lý nghiêm các vi phạm về tư tưởng, chính trị, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; trách nhiệm và thẩm quyền của ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng; thẩm quyền của ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; về thời hiệu xử lý kỷ luật đảng; về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; quy định việc thẩm tra, xác minh trong hoạt động giám sát…
(3) Công tác kiểm tra thực hiện theo chương trình, kế hoạch hằng năm; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm; thực hiện đúng nguyên tắc, nhiệm vụ của công tác kiểm tra đảng, làm bài bản, chắc chắn, rõ đến đâu kết luận, xử lý đến đó, triệt để khắc phục vi phạm; chủ động, không chờ đợi kết quả của công tác điều tra, thanh tra, thậm chí kết quả kiểm tra còn là cơ sở, điều kiện cho công tác thanh tra, điều tra. Những vụ việc mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (có tính chất điểm) đối với doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), công tác cán bộ (vụ Trịnh Xuân Thanh) việc thực hiện các quy chế hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng (ở nhiều tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng bộ, ngành, UBND tỉnh), với các địa phương (Đà Nẵng, Khánh Hòa), lực lượng vũ trang (Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân chủng Hải quân, Tổng cục Cảnh sát), vấn đề bảo vệ môi trường gắn với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (dự án Formosa Hà Tĩnh)… đã kịp thời xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể sai phạm, bảo đảm sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, đồng thời, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm, có thêm bài học, kinh nghiệm hay trong công tác kiểm tra.
(4) Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về việc ủy ban kiểm tra cấp trên tăng cường kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên ở cấp huyện và cơ sở khi có dấu hiệu vi phạm (ví dụ, kiểm tra Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai). Bên cạnh đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kịp thời tiến hành kiểm tra lại các vụ việc dư luận quan tâm, ủy ban kiềm tra cấp dưới đã kiểm tra nhưng chưa đáp ứng yêu cầu (ví dụ vụ kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa), góp phần giải quyết triệt để những bức xúc ở cơ sở, nhắc nhở, chấn chỉnh các địa phương, đơn vị còn lúng túng, làm chưa tốt công tác kiểm tra các vụ việc.
(5) Một điểm nổi bật trong thời gian qua chính là, đã kịp thời công khai kết quả kiểm tra, kết luận các phiên họp của uỷ ban kiểm tra, nhất là các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Qua đó, góp phần tuyên truyền công tác kiểm tra của Đảng, ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm; khẳng định bản lĩnh của Ngành Kiểm tra, giúp cho cán bộ kiểm tra, cơ quan kiểm tra phải luôn tự đổi mới và hoàn thiện, bảo đảm cẩn trọng khi kết luận kiểm tra, giám sát. Đồng thời, để đảng viên, nhân dân giám sát hoạt động kiểm tra Đảng.
“Tóm lại, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác kiểm tra của Đảng đã giành được nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ làm chuyền biến, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng; giúp cho môi trường xã hội thêm lành mạnh để phát triển kinh tế – xã hội; đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; từng bước củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước” – ông Trần Quốc Vượng nói.
Công tác kiểm tra đảng là hết sức quan trọng và nặng nề
Năm 2020, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian tới yêu cầu phải làm mạnh hơn, tập trung đấu tranh, ngăn chặn những yếu kém, tiêu cực trong Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Trong bối cảnh đó, vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đối với công tác kiểm tra đảng là hết sức quan trọng và nặng nề.
Cùng với việc tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các văn bản của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát; bên cạnh phương hướng công tác kiểm tra năm 2020 mà Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã đề ra, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, tập trung công tác kiểm tra chuẩn bị cho việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Ngoài các nhiệm vụ theo chức năng, ủy ban kiểm tra các cấp cần tiến hành đánh giá, phân tích sâu công tác kiểm tra trong nhiệm kỳ qua, chỉ ra nguyên nhân của thành công và những hạn chế, tồn tại để phục cho xây dựng văn kiện đại hội. Các văn bản quy định của Đảng về công tác kiểm tra ban hành trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải chủ động, kịp thời nắm lại tình hình, phát hiện những vấn đề chưa phù hợp trong quá trình thực hiện, để ngay sau Đại hội XIII của Đảng trình cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Chú trọng giải quyết đơn thư, các vụ việc, bảo đảm đúng quy định, phục vụ tốt cho việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và nhân sự Trung ương khóa XIII, theo đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị; kiên quyết đấu tranh với tình trạng lợi dụng dịp tổ chức đại hội để tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến nhân sự đại hội.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong công tác kiểm tra; thấy rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Làm tốt công tác kiểm tra đảng để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới; góp phần tạo môi trường xã hội minh bạch, lành mạnh để phát triển đất nước; củng cố niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng.
Thứ ba, các cấp uỷ, nhất là người đứng đầu phải tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra; khắc phục ngay tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác kiểm tra. Coi trọng việc nắm tình hình hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu để sớm phát hiện, ngăn ngừa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, nhất là các dấu hiệu vi phạm khi còn manh nha, để vi phạm không trầm trọng hơn.
Thứ tư, bên cạnh việc phát huy hiệu quả công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chấp hành và công tác giám sát. Đây là việc làm thường xuyên, có tính phòng ngừa, nhắc nhở kịp thời. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện một số quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương, về giám sát quyền lực trong công tác cán bộ.
Thứ năm, phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ làm công tác kiểm tra phải luôn giữ vững bản lĩnh, có dũng khí đấu tranh, phải liêm, chính, chí công, vô tư đấu tranh với sai phạm, tiêu cực trong Đảng; phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, nhất là trong bối cảnh khoa học-công nghệ phát triển như hiện nay; nắm vững và thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn phấn đấu, rèn luyện tác phong công tác, không kiêu ngạo, say sưa với thành tích, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tâm huyết, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận