Trung tâm Khuyến nông Hà Nội: 30 năm cống hiến cho nông nghiệp Thủ đô
Trong 30 năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào tuy phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Song, được sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Ủy ban nhân dân Thành phố, các cấp ngành của Thành phố cùng sự cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống khuyến nông, công tác khuyến nông của Hà Nội đã đạt được một số thành tựu nhất định.
Tham quan mô hình trình diễn giống lúa thuần chất lượng cao BC15 vụ mùa 2022
Công tác xây dựng và triển khai các mô hình trình diễn lĩnh vực trồng trọt có những đóng góp quan trọng giúp phát triển nông nghiệp của Thủ đô. Cụ thể, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã triển khai thực hiện được khoảng 400 mô hình khuyến nông trồng trọt (trong đó: cây lúa 110 mô hình; cây rau 55 mô hình; cây hoa 50 mô hình; cây ăn quả 55 mô hình; các dạng mô hình cây trồng khác 130 mô hình). Bằng việc áp dụng thực hiện tốt các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao cho bà con nông dân thông qua các mô hình khuyến nông đã góp phần nâng cao năng suất lúa từ 41,7 tạ/ha (năm 1997) lên 57,2 tạ/ha (năm 2005) và 62,0 tạ/ha (năm 2022); sản lượng lúa từ 191.063 tấn (năm 1993) tăng lên 700.684 tấn (năm 2022), tăng 366%; năng suất rau đạt từ 20 - 40 tấn/ha (tùy từng loại rau), tăng 13,2 % và lợi nhuận sau khi trừ chi phí tăng từ 20 - 25 % so với ngoài mô hình; hàng năm mở rộng diện tích trồng mới cây ăn quả từ 30 - 50 ha, góp phần đưa diện tích cây ăn quả của thành phố đạt hơn 20.000 ha vào năm 2022; diện tích trồng hoa của Hà Nội tăng mạnh từ 5.484 ha (2015) lên 7.960 ha (2020)…
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm đã triển khai được tổng số trên 360 dạng mô hình khuyến nông chăn nuôi (trong đó: đối với lợn hơn 80 mô hình; bò hơn 55 mô hình; gà gần 80 mô hình; mô hình thủy sản 60 mô hình; các dạng mô hình chăn nuôi khác 85 mô hình). Các chương trình, mô hình tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế nông hộ, ứng dụng các giống vật nuôi lai có tỷ lệ máu ngoại cao như bò lai hướng thịt, hướng sữa, lợn lai hướng nạc, các giống gia cầm, thủy cầm lai chuyên thịt, thụ tinh nhân tạo đưa tinh lợn ngoại, tinh bò ngoại vào lai tạo để tạo ra giống tốt. Nhiều mô hình khuyến nông đã mang lại hiệu quả to lớn đối với sản xuất, có thể kể đến như: Dạng mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học, nuôi bò sinh sản... Tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao gồm: Giống mới, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; chăn nuôi chuồng kín, có điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm; hệ thống làm mát, hệ thống cho ăn, uống tự động, bán tự động, sử dụng chế phẩm sinh học phối trộn thức ăn, xử lý môi trường...
Trong lĩnh vực thủy sản, các mô hình khuyến nông đã góp phần chuyển đổi các vùng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn 3 - 4 lần so với cấy lúa... Tiêu biểu là các mô hình nuôi cá lồng, mô hình áp dụng công nghệ “Sông trong ao”, nuôi thủy sản theo VietGAP, ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản… Góp phần đưa năng suất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố tăng từ 3 - 5 tấn/ha (giai đoạn 1993 - 2000) lên 10 - 12 tấn/ha (2008) đối với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đặc biệt năng suất mô hình áp dụng công nghệ “Sông trong ao” đạt 20 - 25 tấn/ha.
Việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án của Trung ương và Thành phố cũng được Trung tâm tích cực triển khai thực hiện với 17 đề tài khoa học và 14 dự án. Tiêu biểu có thể kể đến như: Đề án “Phát triển cơ giới hóa giai đoạn 2013 - 2016” về sản xuất lúa, đầu tư cơ giới hóa đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất từ 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha/vụ; hiệu quả sản xuất tăng từ 1,15 - 1,2 lần so với chưa áp dụng cơ giới hóa; Đề án “Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2016” đã góp phần đưa diện tích sản xuất hoa trên địa bàn Hà Nội không ngừng tăng lên (hiện diện tích trồng hoa, cây cảnh toàn thành phố Hà Nội đạt hơn 6.400 ha, đã hình thành 47 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với diện tích khoảng 1.800 ha);…
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền được duy trì thực hiện hiệu quả. Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương như Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, báo Hà Nội mới, báo Nông nghiệp Việt Nam, Kinh tế Đô thị, Nông thôn ngày nay, Thông tấn xã VN… nhằm tăng cường phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố đối với Nông nghiệp - Nông thôn; giới thiệu các gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong xây dựng NTM, quảng bá sản phẩm OCOP, tuyên truyền về ATTP, phòng chống cháy rừng… In ấn, phát hành 281.250 cuốn Bản tin “Nông nghiệp và Nông thôn”, 525.800 cuốn Bản tin “Sản xuất và Thị trường”, 107.000 cuốn Nông lịch Hà Nội. Tổ chức trên 600 cuộc hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm với trên 100.000 lượt người tham dự. Tham gia 45 cuộc triển lãm, hội chợ tại các tỉnh, thành phố; Tổ chức 19 phiên chợ rau an toàn và nông sản chất lượng cao, phiên chợ giống, vật tư nông nghiệp; 05 hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và làng nghề, hội chợ cây cảnh. Đặc biệt tổ chức thành công Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2019 và 2022. Cùng với đó, vào năm 2013, trang web Khuyến nông được cấp phép thiết lập trang tin điện tử khuyennonghanoi.gov.vn. đã cập nhật trên 9.000 tin, bài, video clip, hình ảnh. Số lượng người truy cập trên 120.767.250 lượt.
Trong công tác đào tạo, tập huấn, Trung tâm đã tổ chức khoảng 20.600 lớp tập huấn cho trên 1.850.000 lượt người tham gia và 35 buổi thao giảng cho 115 lượt cán bộ khuyến nông nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông thành phố.
Ngoài ra, trong hoạt động của hệ thống khuyến nông cả nước, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là đơn vị duy nhất có hoạt động Quỹ khuyến nông. Được UBND Thành phố quyết định thành lập tháng 2/2002, Nguồn vốn ngân sách cấp ban đầu cho quỹ khi thành lập là 5 tỷ đồng và được cấp bổ sung hàng năm. Tính đến hết năm 2022, tổng nguồn kinh phí Quỹ khuyến nông là 213.011.742.899 đồng. Trong 20 năm hoạt động (2002 - 2022), Quỹ đã giải ngân cho 4.332 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là 925,236.5 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, bám sát chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa, tích cực chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là chủ trương phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiệu quả, hiện đại, bền vững.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận