Trường án mảnh đất được Quân đội cấp (bài 1): Ai cũng có lý
Là người đủ điều kiện và đã được cấp đất theo chế độ sĩ quan quân đội, nhưng một nữ quân nhân đã nhượng quyền sử dụng cho người khác. Gần 20 năm sau, họ kéo nhau ra tòa để đòi lại đất. Vụ án kéo dài với 3 lần bản án phúc thẩm bị hủy.
Quan điểm của cấp sơ thẩm
Năm 2014, TAND Q.Ninh Kiều, TP. Cần Thơ đưa ra xét xử vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn ông Nguyễn Việt Hùng và vợ là bà Hoàng Qui Phượng (ngụ C37C khu tập thể Trần Khánh Dư, đường 30/4, P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), và bị đơn ông Đinh Xuân Thân (ngụ cùng địa phương). Nguyên đơn đề nghị Tòa buộc ông Thân trả lại thửa đất tọa lạc C45A khu tập thể Trần Khánh Dư, có diện tích 86,17m2.
Khởi nguồn phát sinh tranh chấp là từ năm 2008 và mấu chốt của vụ kiện là có hay không giao dịch chuyển quyền sử dụng đất giữa các bên? Theo tòa sơ thẩm, việc cấp đất được ghi nhận là cấp cho vợ chồng bà Phượng, ông Hùng cùng các con. Mối quan hệ gia đình lúc này chưa xảy ra tranh chấp, còn gắn kết nên ông Thân là người trực tiếp đi làm thủ tục, giấy tờ để xin cấp đất.
Lời khai của bà Phượng thể hiện khi bà làm đơn xin cấp đất, ông Thân là người soạn thảo, trực tiếp đọc cho bà viết trong đơn xin nhượng để thuận tiện khi thực hiện việc xin đất.
Phía ông Thân lại cho rằng, bà Phượng biết rõ việc xin được đất và thời điểm đó giá trị nhượng đất được 2 bên thỏa thuận bằng sự đóng góp của ông trong việc xây nhà cho gia đình bà Phượng.
Tòa sơ thẩm cho rằng việc Hội đồng nhà đất Quân khu 9 cấp phần đất này là cấp cho bà Phượng, cùng chồng là ông Hùng và các con. Điều đó đồng nghĩa với việc đây là tài sản chung nên việc bà Phượng tự ý ký tờ nhượng đất cho ông Thân mà không thông qua ý kiến ông Hùng là chưa phù hợp quy định tại Điều 217, Điều 219 Bộ uật Dân sự và Điều 27, Điều 28 Luật Hôn nhân gia đình.
Đối với sự tự nguyện của bà Phượng khi ký vào đơn chuyển nhượng, Tòa cấp sơ thẩm nhìn nhận:
Điểm thứ nhất, nội dung của văn bản về mặt hình thức được ghi nhận là đơn xin nhượng quyền sử dụng đất tuy ghi cụ thể số lô, số thửa, diện tích, tứ cận nhưng văn bản này chỉ dừng lại nội dung chuyển nhượng, không thể hiện rõ đó là 1 hợp đồng, không có giá chuyển nhượng, thiếu chữ ký của bên nhận chuyển nhượng và chỉ được Thủ trưởng cơ quan của bà Phượng xác nhận. Để chuyển nhượng nhà đất thì phải được sự đồng ý của Hội đồng nhà đất Quân khu nhưng đơn chuyển nhượng chỉ gửi Cục hậu cần mà không gửi cho Hội đồng là chưa phù hợp với quy định của Quân đội.
Thứ 2, cần xác định việc chuyển nhượng các bên đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán với nhau hay chưa? Trong đơn xin nhượng quyền sử dụng đất chỉ có ý chí và chữ ký của bà Phượng, việc giao dịch không ghi rõ giá chuyển nhượng. Phía ông Thân cho rằng thời điểm đó ông là người đi làm các thủ tục để xin được cấp đất nhưng do bà Phượng là người có đủ tiêu chuẩn để được cấp. Lời khai tại giai đoạn hòa giải tại địa phương của ông Thân nêu rõ việc viết giấy không phải là quan hệ chuyển nhượng mà chỉ là nhờ bà Phượng đứng tên xin giùm. Ông Thân cũng đề cập có bỏ ra tiền, công sức tương đương giá trị đất để trả cho bà Phượng, ông Hùng khi xây dựng nhà đất cho các nguyên đơn nhưng số tiền ông bỏ ra ở giai đoạn nào của quá trình xây dựng, bỏ ra bao nhiêu lần, bao nhiêu tiền, ông Thân không chứng minh được.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng việc bà Phượng tự ý định đoạt tài sản chung là không đúng, vì vậy tờ chuyển nhượng vô hiệu về hình thức và giữa các bên chưa hoàn thành việc chuyển nhượng, không có việc giao nhận tiền nên đòi lại quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, phía ông Thân đã xây nhà trên đất từ năm 1995 đến nay, bản thân bà Phượng biết nhưng không ngăn cản và cũng không tranh chấp trong suốt thời gian dài. Vì vậy, yêu cầu đòi đất là chưa có cơ sở để chấp nhận.
Sau khi phân tích, TAND Q.Ninh Kiều tuyên xử chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn.
Buộc ông Đinh Xuân Thân có nghĩa vụ trả số tiền 517,02 triệu đồng tương ứng với phần giá trị đất cho ông Nguyễn Việt Hùng và bà Hoàng Qui Phượng.
Tòa cũng tuyên bị đơn có quyền liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền để kê khai đăng ký và thực hiện các thủ tục theo quy định khi bị đơn thực hiện xong nghĩa vụ giao tiền cho nguyên đơn.
Sau bản án sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo, VKSND Q.Ninh Kiều có quyết định kháng nghị.
Quan điểm của cấp phúc thẩm
Ngày 25/11/2014, TAND TP.Cần Thơ mở phiên phúc thẩm để xem xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn cũng như kháng nghị của Viện kiểm sát. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, TAND nhìn nhận:
Thứ nhất, việc bà Phượng cho rằng không biết việc bà đã được cấp đất, bà viết đơn chuyển quyền sử dụng đất cho ông Thân là do ông Thân đọc cho bà viết với mục đích để ông Thân lo thủ tục để Quân khu 9 cấp đất cho bà là không đúng. Bởi vì, trong đơn bà đã ghi rõ ngày tháng năm bà được cấp đất và vị trí, diện tích thửa đất bà đã được cấp. Nếu bà cho rằng ông Thân đọc cho bà viết thì lẽ ra bà phải hỏi ông Thân, nhưng bà vẫn viết và ký tên. Điều đó chứng minh rằng bà đã biết được việc bà được cấp đất. Sau đó đơn này được chấp thuận và ký xác nhận của Chủ nhiệm Cục hậu cần Quân khu. Như vậy việc ký xác nhận này là có giá trị pháp lý và hợp đồng chuyển nhượng cho tặng đã hoàn thành. Bên nhận đất đã làm nhà ở ổn định và được cấp phép xây dựng từ năm 1996 đến nay.
HĐXX xác định rằng bà Phượng không hề bị nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng như đã phân tích ở trên nên không có căn cứ để tuyên “Đơn xin chuyển nhượng đất” là vô hiệu.
Theo Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 tại mục III, tiểu mục 1 điểm 1.1 quy định “Trường hợp người có công với cách mạng được nhận tài sản trong thời kỳ hôn nhân khi họ còn sống thì tài sản được coi là tài sản riêng của người đó”. Căn cứ vào quy định này, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng đây là phần đất bà Phượng được cấp theo chế độ chính sách sĩ quan nên đây là tài sản riêng của bà Phượng.
Cùng với đó, việc chuyển nhượng cho tặng này giữa bà Phượng và ông Thân, ông Hùng biết và mặc nhiên thừa nhận khi ký giáp ranh trong biên bản thẩm tra, xác minh ngày 18/11/1995 có chính quyền địa phương chứng thực. Do đó, việc ông Hùng, bà Phượng yêu cầu hủy giao dịch chuyển nhượng được thể hiện qua Đơn xin chuyển nhượng đất ngày 25/5/1995 là không có cơ sở.
Từ những phân tích trên, bản án dân sự phúc thẩm số 207/2014/DSPT ngày 25/11/2014 của TAND TP.Cần Thơ đã tuyên sửa bản án sơ thẩm và quyết định: Chấp nhận kháng cáo cũng như yêu cầu phản tố của bị đơn Đinh Xuân Thân; Bác kháng cáo cũng như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Việt Hùng và bà Hoàng Qui Phượng.
Tòa cũng chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Q.Ninh Kiều.
Giám đốc thẩm
Tuy nhiên, đến ngày 22/5/2017, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm số 207/2014/DSPT theo hướng đề nghị UBTP TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.
Kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM
VKSND Cấp cao tại TP.HCM dẫn Quyết định số 1429/HĐNĐ ngày 19/1/1994 của Hội đồng nhà đất Quân khu 9. Nội dung của quyết định này là bà Phượng và chồng con ruột được quyền sử dụng lâu dài, có trách nhiệm nộp thuế và các thủ tục quy định của nhà nước. Đồng thời có ghi chú: “Đất được phân phối để ở, khi chuyển quyền sử dụng cho người khác phải được sự chấp nhận của Hội đồng nhà đất Quân khu”.
Đồng thời, tại Công văn số 1278/CHC-DT ngày 11/11/2010, Phòng doanh trại Cục Hậu cần Quân khu 9 đã trả lời TAND TP.Cần Thơ như sau: “Quân khu 9 cấp đất cho bà Hoàng Qui Phượng, ông Nguyễn Việt Hùng (là chồng) và các con ruột đều được hưởng quyền lợi như nhau”.
“Như vậy, Bản án sơ thẩm xác định đất này được cấp cho hộ gia đình bà Phượng là có căn cứ; Bản án phúc thẩm áp dụng tiểu mục 1 điểm 1.1 Mục III của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 để xác định phần đất trên được cấp cho bà Phượng theo quy định của trường hợp người có công với cách mạng nên là tài sản riêng của bà Phượng là không có căn cứ”, kháng nghị Giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM nêu.
Đối với “Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất” của bà Phượng, Viện kiểm sát cho rằng đơn không có ý kiến của chồng con bà Phượng, không được sự đồng ý của Hội đồng nhà đất Quân khu 9, không được chứng thực của cơ quan công chứng Nhà nước, chưa làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 13, điểm b khoản 1 Điều 15 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991 và khoản 2 Điều 31 Luật Đất đai 1993 nên vô hiệu cả về nội dung lẫn hình thức.
Ngày 2/8/2017, UBTP TAND Cấp cao tại TP.HCM ra Quyết định Giám đốc thẩm số 170/2017/DS-GĐT tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm nói trên, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Cần Thơ xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.
Vụ án tưởng chừng như đã có kết quả cuối cùng, thế nhưng vẫn kéo dài đến hiện tại. Bởi từ đó đến nay VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã 2 lần nữa ra Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM 1 lần ra Quyết định Giám đốc thẩm và bản án Phúc thẩm bị hủy ít nhất thêm 2 lần.
Tạp chí TAND sẽ tiếp tục thông tin những diễn biết tiếp theo của vụ án và rất cần các chuyên gia pháp luật đưa ra quan điểm, quy định pháp luật để góp phần sớm giải quyết vụ án này.
Ngày 2/8/2017, UBTP TAND Cấp cao tại TP.HCM ra Quyết định Giám đốc thẩm số 170/2017/DS-GĐT tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm nói trên, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Cần Thơ xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận