Truy tố H tội Chiếm giữ trái phép tài sản là phù hợp

Qua nghiên cứu bài viết “Nguyễn Quốc H có phạm tội không, tội gì? của tác giả Trần Thanh Bài đăng ngày 12/4/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.

Để xác định được hành vi chiếm đoạt tài sản của H có phạm tội “Trộm cắp tài sản” hay “Chiếm giữ tài sản trái phép” cần xác định được tài sản này đang nằm trong sự quản lý của ai?

Đối với tội “Trộm cắp tài sản”, tài sản là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản vẫn chưa thoát ly khỏi chủ sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự.

Đặc điểm quan trọng của tài sản là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản là tài sản đó vẫn còn nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu (trực tiếp hoặc gián tiếp), chưa thoát ly khỏi chủ sở hữu. Đó là các loại tài sản chưa bị chấm dứt quyền sở hữu của chủ sở hữu theo quy định tại khoản 6 Điều 221 BLDS như: Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên. Trong các trường hợp này, nếu một người có hành vi lén lút chiếm đoạt các tài sản này cũng không phạm tội trộm cắp tài sản. Bởi vì, chỉ khi tài sản còn đang do chủ tài sản, người quản lý tài sản chiếm hữu thì hành vi phạm tội mới có thể làm mất khả năng chiếm hữu của chủ tài sản, người quản lý tài sản.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 230 BLDS 2015 quy định về việc “Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên” như sau:

"Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu”.

Trường hợp nhặt được của rơi mặc dù biết người đã làm rơi nhưng cố tình không trả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Trường hợp nhặt được của rơi có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên mặc dù biết người đã làm rơi nhưng cố tình không trả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 176 BLHS về “Tội chiếm giữ trái phép tài sản”.

Trong trường hợp này, H phát hiện thấy ví của khách trước đó bỏ quên thay vì đến cơ quan Công an, UBND cấp xã gần nhất để trình báo, nộp lại tài sản. Mặc dù biết là tài sản do khách bỏ quên nhưng H cố tình không trả. Điều này thể hiện  qua việc: H không nghe lời khuyên của con trai; dùng mũ và khăn che lên chiếc ví rồi bỏ vào túi xách của chị Th đem về nhà; chỉ đưa giấy tờ cho chị Th để mang ra quán cà phê trả chứ cố tình không trả lại số tiền 40 triệu đồng, chỉ khi công an hỏi thì H mới nhận có rồi nộp lại chiếc ví và toàn bộ tài sản trong ví đưa cho cơ quan chức năng. Qua những phân tích kể trên thì hành vi của Nguyễn Quốc H đã cấu thành tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS.

 

QUÁCH DUY LINH (Tòa án quân sự Quân khu 3)

Tòa án quân sự Quân khu 3 xét xử  vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Quang Anh