Truyện kể của Thẩm phán - Một cuốn sách hay
Nhận được cuốn sách "Truyện kể của Thẩm phán" của Trần Văn Tuân do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành, tôi đọc liền một mạch, trước hết vì tác giả có 20 năm làm Thẩm phán, trước khi nghỉ hưu là Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội. Một Thẩm phán lão luyện như thế hẳn có quá nhiều chuyện để kể với bạn đọc.
Cuốn sách dày 320 trang, trong đó có bốn truyện gồm: Kẻ tử tù cuồng si, Cha và con, Ly hôn và Người thừa kế.
Điều gây thiện cảm đầu tiên với người đọc là cách viết khá chuyên nghiệp, mạch truyện được dẫn dắt khéo léo và văn phong uyển chuyển, mượt mà. Tôi không ngờ một ông Thẩm phán, lần đầu tiên xuất bản sách mà viết có chất văn như thế.
Ở truyện thứ nhất - Kẻ tử tù cuồng si, tác giả kể về một vụ án, bị cáo là kẻ si tình, cuồng ghen đã sát hại người yêu khi cô muốn chia tay vì quá mệt mỏi với cách yêu của hắn. Nhân chứng, vật chứng đầy đủ nhưng khó khăn nhất với Hội đồng xét xử là từ quá trình điều tra, truy tố đến xét xử bị cáo luôn giả ngây, giả dại. Tại phiên tòa phúc thẩm, chủ tọa phiên tòa làm thế nào để hắn trở lại con người thật của mình, hạ mặt nạ tâm thần xuống… tác giả viết rất kỹ. Đây có thể là một kinh nghiệm các Thẩm phán khác có thể tham khảo để nâng cao kỹ năng xét xử. Bản án phúc thẩm giữ nguyên mức án tử hình của bản án sơ thẩm, trong sự thanh thản của các Thẩm phán.
“Tiếng còi hú của chiếc xe ô tô chở kẻ tử tù về trại vang lên inh ỏi, chát chúa hòa vang cùng tiếng khóc thảm thương của hai người mẹ làm cho Thẩm phán chủ tọa cảm thấy nhức nhối, mặt căng ra chất chứa những suy nghĩ, ưu tư, trăn trở... Sau vài phút trấn tĩnh, bình tâm trở lại, Thẩm phán chợt nhớ điều răn dạy của Đức Phật: “Diệt ác cũng là làm thiện”. Quả đúng vậy, chỉ trên cơ sở diệt trừ cái ác, tiêu trừ tội phạm những điều tốt đẹp, những điều thiện lương trong xã hội thêm sinh sôi nảy nở, làm cho cuộc sống được bình yên, hạnh phúc”... Tác giả viết.
Đọc xong truyện Cha và con, câu chuyện đọng lại trong người đọc là những dư âm của tình yêu thương vô bờ bến mà người cha dành cho cô con gái ngây thơ, dại dột của mình. “Cha không hoàn hảo nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất”- có ai đó đã viết như thế thật đúng. Nó được chứng minh qua trang viết của Trần Văn Tuân, bạn đọc thấy rõ người cha từ miền quê Thanh Hóa lặn lội chở đứa cháu ngoại trên chiếc xe đạp, vừa đi vừa rao mài dao kéo, vừa tìm mẹ cho cháu… Có lẽ cũng là cách chơi chữ của tác giả, trong câu chuyện này còn nói về một mối quan hệ cha con khác, đó là anh sinh viên lớp trên khéo tán tỉnh khiến cô sinh viên năm thứ nhất, vừa từ quê ra, có bầu. Gia đình phản đối, anh ta muốn cô gái phá thai... Cuối cùng, sau nhiều đổi thay của cuộc đời, anh ta nhọc nhằn đi tìm lại cậu con trai mà anh ta đã ruồng bỏ. Phiên tòa đòi nhận con, xin được trực tiếp nuôi con... Thẩm phán đưa ra những lập luận sắc bén để có một phán quyết thấu tình đạt lý.
Ly hôn, tác giả kể về hai vụ án, với hai phán quyết khác nhau, cũng mang đến cho người đọc hiểu thêm về pháp luật hôn nhân gia đình, những căn cứ để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu ly hôn, cũng như qua đó chiêm nghiệm về thế thái nhân tình, về những thân phận con người trong muôn mặt của đời sống hôn nhân.
“Tiếng chổi tre của bà đã nhẹ nhàng như những cơn gió thổi bay những bụi bẩn... Tiếng mõ mà bà gõ ngày ngày đã khoan thai, nhẹ nhàng. Tiếng chuông chùa mỗi khi bà gióng lên vang xa thăm thẳm… Không biết tiếng chuông vang vọng vào không gian có lay động đến tiềm thức của các con bà Vững hay không? Họ có còn nhớ đến bà Vững và những lời bà căn dặn trước lúc ra đi? Chỉ biết rằng thi thoảng trong đêm tĩnh lặng, bà Vũng vẫn mơ về thời các con bà còn thơ ấu. Chúng quây quần bên bà, cùng nhau nhai ngô rang và cất tiếng cười giòn tan, xua đi cái giá lạnh của đêm đông, làm cho gương mặt bà tràn đầy niềm vui.”
Đây là đoạn văn trong Người thừa kế khép lại cuốn sách, về một người mẹ sau những ngày đau lòng về việc các con tranh nhau nhà đất, bà phân xử xong rồi lên chùa ở với bà bạn cũ nay là sư trụ trì.
Với chủ ý “hư cấu hóa” những vụ án, những tình huống mà tác giả với cương vị Thẩm phán đã trực tiếp xét xử, có thể nói tác giả đã thành công. Ngay từ tựa sách đã thể hiện rõ cách thể hiện của tác giả, đó là “Truyện kể của Thẩm phán” chứ không phải là “Chuyện kể của Thẩm phán”. Ngoài tên tác giả, người đọc cũng chỉ thấy thông tin vắn tắt: Sinh năm 1962. Nguyên quán: Văn Xá, Kim Bảng, Hà Nam. Sách cũng không có Lời giới thiệu.
Như vậy là bạn đọc khó biết tác giả đang kể chuyện về công việc của mình. Tác giả muốn tác phẩm tự nói lên tất cả.
Giá như tác giả thể hiện tác phẩm theo cách phi hư cấu, kiểu ký sự với chính danh Thẩm phán chia sẻ những trăn trở, suy tư về các tình huống, các vụ án cụ thể thì sức thuyết phục sẽ cao hơn rất nhiều. Đây là mảng sách còn rất ít người viết, nếu các Thẩm phán có thể viết lại những vụ án đáng nhớ trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình thì rất quý giá. Những tác phẩm như thế giúp bạn đọc hiểu pháp luật hơn, hiểu Tòa án hơn, có thêm niềm tin vào pháp luật, vào công lý.
Hy vọng sau cuốn sách mở hàng thành công này, tác giả Trần Văn Tuân cũng như các tác giả khác sẽ cho ra đời những cuốn sách thật hay, hấp dẫn và sinh động về chốn pháp đình, cũng như hành trình đi tìm công lý trả lại cho người dân của mỗi Thẩm phán.
Bạn đọc có nhu cầu xin liên hệ Ban Trị sự Tạp chí Tòa án- ĐT: 024.39341735 để được phục vụ. Giá bìa 150.000đ.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận