TS Nguyễn Sơn: Đúc tượng Lý Thái Tông đặt tại trụ sở Tòa án là một ý tưởng sáng tạo, có tính thuyết phục
Dự án đúc tượng Lý Thái Tông, biểu tượng công lý đặt tại trụ sở TANDTC đang được sự quan tâm của cả hệ thống TAND và dự luận xã hội. Tạp chí Tòa án online đã phỏng vấn TS Nguyễn Sơn – Nguyên Phó Chánh án TANDTC xung quanh vấn đề thời sự này.
PV: Hiện tại, TANDTC đã tiến hành lấy ý kiến về các mẫu tượng vua Lý Thái Tông, biểu tượng công lý để dựng tại trụ sở TANDTC. Xin ông cho biết ý kiến về chủ trương này?
TS Nguyễn Sơn: Thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng Hành chính, hệ thống Tòa án những năm qua có nhiều thay đổi tích cực, từ việc bố trí phòng xử án, thay vành móng ngựa bằng bàn khai báo tại phiên tòa, quy định mới trang phục xét xử của Thẩm phán các cấp, cải cách hành chính tư pháp, công bố bản án công khai trên mạng internet, phát triển án lệ… nhằm thực hiện tốt hơn chức năng xét xử của cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Qua đó, chúng ta cũng cần nhận thức đúng đắn rằng các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tham gia vào việc điều tra, giải quyết vụ án không phải là các cơ quan tư pháp, không có chức năng thực hiện quyền tư pháp, các cơ quan này chỉ thực hiện một số hoạt động tư pháp theo tố tụng, là cơ quan có hoạt động tư pháp. Hiến pháp giao cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và như vậy, chỉ có duy nhất hệ thống Tòa án là cơ quan tư pháp, đây là xu thế tất yếu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ba mẫu phác thảo tượng Lý Thái Tổ được công bố để lấy ý kiến đóng góp
Trong xu thế đổi mới đó, dựa vào lịch sử Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đến nay việc tôn vinh Lý Thái Tông (1000-1054), vị vua anh hùng, bách chiến bách thắng, nhân từ, sáng suốt và công minh, chỉ đạo soạn thảo và ban hành Hình thư năm 1042, Bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đúc chuông để người dân bị oan ức đến kêu kiện, vua cũng từng xử án công minh, rèn dạy Thái tử việc xử kiện tụng, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, phân tích và đề xuất xây dựng Người là biểu tượng của công lý Việt Nam, đúc tượng đặt tại trụ sở Tòa án là một ý tưởng sáng tạo, theo tôi chủ trương đó có tính thuyết phục.
PV: Theo ông, đặt tượng Lý Thái Tông tại các Tòa án có ý nghĩa như thế nào?
TS Nguyễn Sơn: Theo dõi trên báo chí, tôi thấy còn có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng một vị vua thời phong kiến dù nhân từ, công minh đến đâu thì trước hết cũng vì vương quyền, quyền lợi của triều đình, rồi bộ Hình thư có hay đến đâu cũng có nhiều quy định hà khắc… Nên chưa ủng hộ việc dựng tượng Lý Thái Tông tại Tòa án làm biểu tượng cho công lý Việt Nam.
TS. Nguyễn Sơn – nguyên Phó Chánh án TANDTC
Tôi nghĩ rằng đã có nhiều nghiên cứu, công lý là tượng trưng cho các giá trị sự thật, công bằng, trật tự, pháp luật, đạo đức và xã hội. Biểu tượng công lý là hiện thân của pháp luật và trật tự tự nhiên. Công lý là một khát vọng của con người ở mọi thời đại và cùng với sự phát triển về mọi mặt của xã hội loài người, nội hàm công lý cũng thay đổi, được bổ sung theo chiều hướng nhân văn, nhân đạo, vì con người hơn. Cho nên, chúng ta không thể lấy những chuẩn mực tiến bộ của ngày nay để làm thước đo cho ngàn năm trước được. Mặt khác, với sự kế thừa chế tài ngày xưa thì nay chúng ta cũng như nhiều nước cũng vẫn còn hình phạt tử hình và hình phạt này cũng nhằm bảo đảm công lý được thực thi, trừng trị đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng với hình thức thi hành đã được thay đổi, không dã man như trước đây.
Đối với lịch sử đất nước ta, lần đầu tiên có Hình thư, có luật thành văn là một bước tiến bộ, mang lại công bằng cho người dân, ngăn ngừa sự tùy tiện của người thừa hành pháp luật. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi: “Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Đế lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng, cho nên mới đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo”. Dấu mốc đó do công lao của Lý Thái Tông. Ông lại là vị vua nhân từ, đặt chuông cho người bị oan đánh lên khi có đơn kêu oan, dùng hình luật nhưng cân nhắc mọi lẽ, thường khoan hồng, độ lượng.
Có hình luật nghiêm minh, áp dụng pháp luật thận trọng, đề cao khoan hồng, độ lượng, thể hiện sự công bằng không thiên vị, đó là những giá trị muôn đời, mà ngày nay chúng ta cũng phải đề cao, luật pháp và áp dụng pháp luật nước ta tiếp tục kế thừa những di sản đó. Dựng tượng Lý Thái Tông tại Tòa án có ý nghĩa vừa tôn vinh vị vua anh minh trong lịch sử dựng nước, giữ nước, vừa giáo dục truyền thống, nhắc nhở truyền thống đó của dân tộc đối với cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và mọi tổ chức, công dân.
PV: Trong ba mẫu phác thảo tượng đã được công bố, ông có nhận xét như thế nào?
TS Nguyễn Sơn: Tôi cũng chỉ mới nhìn qua hình ảnh đăng trên báo, chưa thấy trực tiếp để có nhiều góc nhìn hơn, nhưng có thể thấy là các mẫu tượng đã được chuẩn bị công phu, nhân vật toát lên vị thế của một vị đế vương. Tuy nhiên, tôi vẫn mong nhìn thấy một pho tượng vua Lý Thái Tông bình dị, gần gũi hơn và cũng mới mẻ hơn, thể hiện được đầy đủ sự công bằng của pháp luật và trật tự xã hội. Tính sao cho tượng phù hợp với không gian kiến trúc, tạo ra sự hài hòa của cảnh quan nơi cơ quan xét xử, khác biệt với tượng đài ngoài trời hay tượng thờ cúng.
Nếu không thay đổi được, trong 03 tượng mẫu, cá nhân tôi có thể đồng tình mẫu tượng số 02 (Tay trái cầm sách luật, tay phải cầm đốc gươm).Tuy nhiên, nếu thay đổi được theo tôi có thể nghiên cứu sửa mẫu 02: Tay trái giữ quyển sách, tay phải cầm thanh kiếm dựng thẳng đứng, có cân công lý đặt trên mũi gươm chứ không để gươm chúc xuống.
PV: Xin cảm ơn nguyên Phó Chánh án TANDTC với những chia sẻ quý báu.
Ngày 16/11/2019, TANDTC tổ chức Hội thảo Khoa học nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam – Ảnh: CLXH
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận