Từ 29/5, Hà Nội dừng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung

TP. Hà Nội vừa yêu cầu dừng tổ chức hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, từ 0h ngày 29/5 cho đến khi có thông báo mới và thực hiện chống dịch theo nguyên tắc “3 lớp”, “3 trước”.

Người đứng đầu, đại diện tổ chức tôn giáo chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký văn về yêu cầu đối với hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn Thành phố trong thời gian thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Văn bản nêu rõ, trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp trên địa bàn TP. Hà Nội, xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp. Đặc biệt, ngày 27/5, tại TPHCM đã phát hiện các ca nhiễm mới cùng sinh hoạt tôn giáo tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp).

Để quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội đề nghị các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành, chức việc và tín đồ các tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động tại Hà Nội chung tay cùng Thành phố nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tham gia chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, quý vị chức sắc, chức việc, người đại diện đứng đầu cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung trên địa bàn Thủ đô yêu cầu chức sắc, chức việc, tín đồ trong phạm vi quản lý dừng tổ chức hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung; thời gian thực hiện từ 0h ngày 29/5 cho đến khi có văn bản hướng dẫn, thông báo mới.

Đồng thời đề nghị các tổ chức nhắc nhở chức sắc, chức việc, tín đồ kịp thời phát hiện, thông tin với chính quyền, cơ sở y tế về các trường hợp có nguy cơ lây bệnh để kịp thời khoanh vùng, cách ly khi có dịch.

Tuyên truyền, vận động tín đồ, nhân dân thực hiện nghiêm yêu cầu “5K” của Bộ Y tế; thực hiện khai báo y tế trên tokhaiyte.vn hoặc khai báo y tế bằng ứng dụng công nghệ thông tin, khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, người hoạt động tín ngưỡng tăng cường các hình thức sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, giảng lễ, thuyết pháp trực tuyến qua công nghệ thông tin, truyền hình.

Không mời người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là những người đến hoặc đi qua vùng dịch; không thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế như cử chức sắc, chức việc đi nước ngoài hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cho đến khi có thông báo được phép.

Người đứng đầu, đại diện tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật trước UBND TP. Hà Nội nếu việc không chấp hành, thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19, làm phát sinh dịch bệnh tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng lây nhiễm trong chức sắc, chức việc, tín đồ và cộng đồng.

Phòng chống ba lớp

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm sức khỏe nhân dân được an toàn, đồng thời tập trung quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn và đơn vị; chủ động rà soát, xây dựng bổ sung các kịch bản, phương án phòng, chống dịch theo nguyên tắc “3 lớp”, “3 trước” (nhận diện trước; chuẩn bị phương án, lực lượng, vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước) và “4 tại chỗ” trong mọi cấp độ, tình huống của dịch bệnh, kể cả mức cao nhất…

Các đơn vị, địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... phải đến ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.

Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại hộ gia đình, khu chung cư, khu nhà ở của công nhân, ký túc xá sinh viên, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin; các đơn vị căn cứ số lượng công việc và mức độ lây lan dịch bệnh để tổ chức phương án làm việc phù hợp, khuyến khích các đơn vị tổ chức cho cán bộ, nhân viên làm việc luân phiên (trừ các lực lượng vũ trang, y tế và các lực lượng khác theo quy định) nhưng không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Phòng họp phải thông thoáng và khử khuẩn trước khi tổ chức, hạn chế dùng điều hòa trung tâm, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát lại tổ Covid-19 cộng đồng và phối hợp Công an thành phố kiện toàn lại tổ Covid-19 cộng đồng như sau: 1 tổ Covid-19 cộng đồng thành lập từ 10-20 nhóm Covid-19 cộng đồng tùy theo tình hình thực tế của địa phương do người đứng đầu địa phương quyết định, phải bảo đảm các thành phần: Công an cơ sở làm tổ trưởng tổ Covid-19 cộng đồng; tổ trưởng tổ dân phố/trưởng ban công tác Mặt trận/chi hội trưởng chi hội phụ nữ/chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh/bí thư chi đoàn/trưởng ban quản trị tòa nhà làm trưởng nhóm; lực lượng bảo vệ dân phố/dân phòng và các đoàn thể chính trị - xã hội làm thành viên nhóm Covid-19 cộng đồng.

Tổ Covid-19 cộng đồng ứng trực 24/24/7 để thực hiện rà soát, nhắc nhở, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tới từng khu chung cư, từng hộ nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế đảm bảo thật hiệu quả.

UBND thành phố giao Sở Y tế chỉ đạo và tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phân luồng, khám sàng lọc, tăng cường xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phát hiện kịp thời ca bệnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Sở cũng rà soát, chuẩn bị nguồn lực, kể cả kế hoạch dự kiến huy động đội ngũ chuyên gia, lực lượng sinh viên ngành y, y, bác sĩ nghỉ hưu trên địa bàn (khi cần thiết). Triển khai thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại công viên Thủ Lệ. Ảnh VGP

THÁI VŨ