Tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý, công bằng
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng, những giá trị công bằng, độc lập, tự do, chân chính cần phải được thể hiện trong nội dung pháp luật của nhân dân. Trách nhiệm của Nhà nước là tạo ra những khuôn mẫu, chuẩn mực để công dân lựa chọn hành vi của mình sao cho phù hợp với lẽ phải, bảo đảm công bằng, tự do và trật tự xã hội.
Hành trình đấu tranh cho công lý
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người Việt Nam đầu tiên đề cập đến khái niệm nhân quyền và dùng khái niệm nhân quyền trong các lập luận đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, bảo vệ, bênh vực nhân quyền của các dân tộc thuộc địa. Tác phẩm “Yêu sách của nhân dân An Nam” không chỉ là bản cáo trạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc phê phán, tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp vi phạm nghiêm trọng các quyền con người cơ bản ở Việt Nam mà còn là bản yêu sách đòi quyền con người cho nhân dân Việt Nam, quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam. Hay trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo chủ nghĩa thực dân vi phạm quyền con người, tước đoạt tất cả quyền con người của người dân bản xứ trong tất cả các thuộc địa của Pháp. Người đã chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân và tính giả dối của nền dân chủ tư sản với các khẩu hiệu “bình đẳng”, “bác ái”, “nhân quyền” mà thực dân Pháp vẫn quảng bá.
Trong cuộc đời cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và chắt lọc những tư tưởng công lý, công bằng, bình đẳng của các nhà tư tưởng khai sáng để lên án cái những bất công của nhà nước tư sản. Người từng nêu rõ: “Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp. Người An Nam thì không có hội đồng bồi thẩm, cũng không có luật người An Nam. Thường người ta xử án và tuyên án theo giấy tờ, vắng mặt người bị cáo. Nếu vụ kiện cáo giữa người An Nam với người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả, mặc dù tên này ăn cướp hay giết người”.
Năm 1919, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến hội nghị Vecxay yêu sách của nhân dân An Nam, trong bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Vecxay đã có 4 điểm liên quan đến vấn đề pháp quyền, còn lại liên quan đến công lý và phản ánh những quyền cơ bản của con người. Thông qua bản yêu sách này, Nguyễn Ái Quốc cũng đã vạch ra rõ chân tướng nhà nước “bảo hộ”, một nhà nước chuyên sử dụng các tòa án đặc biệt như công cụ để khủng bố và áp bức bóc lột nhân dân Việt Nam và áp dụng chế độ ra các sắc lệnh chứ không phải chế độ đạo luật. Do đó, bản yêu sách đòi hỏi: “Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ các đạo luật”.
Đây được xem là tư tưởng pháp quyền hết sức sâu sắc và tiến bộ ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, hơn ai hết Người nhận thức rất rõ rằng sắc luật là văn bản do một người ban hành, dễ thiên về thể hiện ý chí cá nhân của người đó, ý chí đó có thể tùy tiện, phiến diện và rất nguy hiểm nếu nó đi ngược lại ý chí và lợi ích của tập thể, của Nhà nước cũng như của số đông quần chúng nhân dân trong xã hội. Trong khi đó, các đạo luật thường được xây dựng theo trình tự, thủ tục chặt chẽ hơn, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến, soạn thảo và do một tập thể biểu quyết thông qua nên thường thể hiện một cách toàn diện và khách quan hơn ý chí và lợi ích của số đông trong xã hội.
Mọi quyền hạn, công lý đều ở nơi dân
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý đã góp phần tạo nên niềm tin của nhân dân vào tính chính đáng, chính nghĩa của chính quyền cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Bản Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”… Đây là một trong những bản tuyên ngôn nhân quyền có tinh thần cách mạng, khoa học và nhân văn cao cả; phản ánh một tầm nhìn thời đại, một tư duy sắc sảo về công lý và quyền con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng, những giá trị công bằng, độc lập, tự do, chân chính cần phải được thể hiện trong nội dung pháp luật của nhân dân. Trách nhiệm của Nhà nước là tạo ra những khuôn mẫu, chuẩn mực để công dân lựa chọn hành vi của mình sao cho phù hợp với lẽ phải, bảo đảm công bằng, tự do và trật tự xã hội. Đối với Người, pháp luật là của nhân dân và để phục vụ nhân dân. Mọi quyền hạn, công lý đều ở nơi dân.
Người từng nói: “Tôi chỉ có ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là lý tưởng chính trị, đạo đức, nhân văn, chi phối toàn bộ mọi hoạt động của Người. Chính vì thế tư tưởng của Hồ Chủ tịch về công tác xây dựng pháp luật luôn xoay quanh một trục chính đó là vì dân, lấy dân làm gốc “quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân” do đó “phải đưa chính trị vào giữa dân gian”.
Với tư tưởng coi trọng các giá trị và vai trò của pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến việc sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền con người. Do đó, một trong những nhiệm vụ cấp bách sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời là ban hành Hiến pháp để bảo đảm quyền tự do dân chủ, quyền con người của nhân dân ra.
Bàn về Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Hiến pháp Việt Nam phải ghi rõ thành tích vẻ vang của cách mạng và phải xây dựng trên nguyên tắc đoàn kết toàn dân, bảo đảm quyền tự do dân chủ”. Ngay trong lời nói đầu Người đã chỉ rõ, một trong ba nguyên tắc xây dựng bản Hiến pháp 1946 là: “Bảo đảm mở rộng các quyền tự do, dân chủ”. Điều 7 quy định: “Tất cả các công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật.”
Bản dự thảo Hiến pháp này đã được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (9/11/1946). Dù ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng Hiến pháp năm 1946 đã long trọng ghi nhận những giá trị cơ bản nhất và quyền cao quý nhất của nhân dân đó là quyền được sống tự do trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đây chính là cơ sở pháp lý cao nhất đảm bảo thực hiện các quyền của công dân Viêt Nam trong thực tế.
Đề cao lẽ công bằng, bình đẳng
Song song việc đề cao vai trò của pháp luật trong ghi nhận các quyền tự do, dân chủ nhân của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất chú trọng vai trò của công lý trong việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước và các cá nhân được nhà nước trao quyền lực. Quyền con người, quyền công dân phải được tôn trọng và bảo đảm thực hiện từ phía các cơ quan nhà nước, viên chức nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, việc thực thi công lý phải triệt để, nghiêm minh và đặc biệt “nhà cầm quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.
Tư tưởng về công bằng và bình đẳng xã hội được Hồ Chí Minh thể hiện một cách sinh động, linh hoạt trong những hoàn cảnh và tình huống cụ thể khác nhau của quá trình xây dựng đất nước. Khi nói đến công bằng xã hội, Hồ Chí Minh thường gắn nó với quan niệm về bình đẳng xã hội, mà ở đây chính là mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi. Nói cách khác, Hồ Chí Minh đã coi công bằng xã hội chính là sự bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. Với quan niệm như vậy, Người đòi hỏi tất cả những người lao động ngày nay đều phải nhận rõ mình là người chủ nước nhà và đã có quyền hạn làm chủ, thì phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ – đó là cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.
Từ đó, việc thực hiện một chế độ phân phối công bằng, theo quan niệm của Hồ Chí Minh, chính là thực hiện nguyên tắc phân phối trong đó phần hưởng thụ ngang bằng với mức độ đóng góp, cống hiến của từng cá nhân, chứ hoàn toàn không phải là sự ngang bằng về hưởng thụ giữa các cá nhân mà không tính đến sự cống hiến của từng người. Người cho rằng, trong chủ nghĩa xã hội, nguyên tắc phân phối công bằng là: “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”. Đây là nguyên tắc phân phối công bằng và phù hợp với điều kiện nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là khi đất nước vừa thoát khỏi chế độ thực dân, phong kiến và còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Do đó, sự bình đẳng của những người lao động trong mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, mà cụ thể là sự ngang bằng về địa vị làm chủ nước nhà, làm chủ tư liệu sản xuất là những điều kiện cơ bản hàng đầu mà chế độ xã hội mới tạo ra, bảo đảm cho mỗi người đều có thể phát huy mọi khả năng của mình để cùng vươn tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, công bằng xã hội không chỉ biểu hiện như là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, mà còn là một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, một biện pháp căn bản để hiện thực hoá những giá trị, lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội.
Đối với Hồ Chí Minh, việc thực hiện công bằng xã hội là một yêu cầu bức thiết của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong điều kiện nền kinh tế còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển của xã hội. Theo quan điểm của Người, ngay cả khi không thiếu vật tư, hàng hoá nhưng lại phân phối không đúng, thì vẫn có thể gây ra những căng thẳng không cần thiết. Bởi vậy, phương châm chỉ đạo của Hồ Chí Minh trong công tác lưu thông phân phối là: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.
Như vậy, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, công bằng và bình đẳng là một mục tiêu của sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới. Nó không phải là chủ nghĩa bình quân cào bằng trong sự nghèo khổ. Mục tiêu của chế độ xã hội mới là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, là phấn đấu: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn/ Người đủ ăn thì khá giàu/ Người khá giàu thì giàu thêm”.
Những quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh một lần nữa cho thấy, ngoài ý nghĩa là mục tiêu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, công bằng và bình đẳng xã hội còn mang ý nghĩa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Xuất phát từ sự phân biệt rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa công bằng và bình đẳng xã hội, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh đến việc phải phân biệt rõ lợi ích cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, chúng ta phải tôn trọng lợi ích cá nhân nhằm động viên mỗi người không ngừng phấn đấu, cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới; đồng thời, đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân nhằm ngăn chặn tác hại của nó đối với lợi ích chung của xã hội.
Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng lưu ý rằng, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”, mà phải thấy là “chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình”. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh đến sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân với lợi ích chung của xã hội và cho rằng, lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được đảm bảo thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn. Việc bảo vệ lợi ích chung, tức là bảo vệ điều kiện để thực hiện lợi ích cho mỗi cá nhân, được coi là một biện pháp nhằm bảo đảm công bằng xã hội. Cũng vậy, nguyên tắc hành động “mình vì mọi người, mọi người vì mình” mà Hồ Chí Minh đưa ra không chỉ là một giá trị văn hoá trong quan hệ ứng xử giữa con người với con người, mà còn thể hiện sự công bằng trong quan hệ lợi ích giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể và cộng đồng.
Tham khảo:
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia
Bản án chế độ thực dân Pháp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận