Tuyên bố chung Việt Nam- Campuchia
Ngày 5/10/2019 tại Hà Nội, Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia từ năm 2006 đến nay và Lễ ký hai văn kiện pháp lý về biên giới, bao gồm: (1) Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia và (2) Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia.
Hai bên đánh giá cao ý nghĩa của việc ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân công tác giới cắm mốc biên giới đất liền (khoảng 84%), nhấn mạnh đây là dấu mốc lịch sử trong tiến trình giải quyết biên giới đất liền giữa hai nước; nhất trí sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đối với các đoạn biên giới còn lại trong thời gian tới.
Hai bên tái khẳng định tôn trọng đầy đủ các hiệp ước hoạch định biên giới và các hiệp định, thỏa thuận liên quan về biên giới đã ký giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong việc quản lý biên giới theo các khuôn khổ pháp lý và cơ chế hợp tác hiện có, với mục tiêu xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Lãnh đạo hai nước đã trao đổi sâu rộng và đạt được những nhận thức chung quan trọng về quan hệ song phương Việt Nam – Campuchia cũng như sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Hai bên bày tỏ phấn khởi về những thành tựu kinh tế – xã hội mà hai nước Việt Nam và Campuchia đạt được trong những năm gần đây. Hai nước giữ vững an ninh, ổn định chính trị, duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, đời sống của nhân dân được cải thiện, từng bước nâng cao vị thế và vai trò ở khu vực và trên thế giới. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí tiếp tục ủng hỗ và hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Việt Nam – Campuchia có quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống khăng khít, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp qua quá trình lịch sử, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc. Hai bên tái khẳng định cùng quyết tâm gìn giữ và không ngừng nuôi dưỡng, phát triển quan hệ hai nước lên những tầm cao mới trên cơ sở tin cậy chính trị, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Hai bên nhất trí đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu thông qua tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, làm sâu sắc giao lưu nhân dân, thắt chặt quan hệ hữu nghị và giúp đỡ thiết thực giữa các bộ ban ngành, địa phương của hai bên, cũng như tiếp tục phối hợp tổ chức các sự kiện kỷ niệm chung của hai nước.
Hai bên bày tỏ hài lòng về quan hệ truyền thống khăng khít và hiệu quả giữa Bộ Quốc phòng hai nước và giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Campuchia. Hai bên tái khẳng định cam kết phối hợp chặt chẽ nhằm giữ vững môi trường hòa bình và an ninh chung, nhất là an ninh dọc biên giới hai nước, và tiếp tục thực hiện nguyên tắc không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng lãnh thổ nước này làm phương hại đến an ninh, ổn định của nước kia. Hai Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hơn nữa việc tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong chiến tranh tại Campuchia, và hợp tác chặt chẽ để đẩy nhanh việc trùng tu các Đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia tại Campuchia.
Là hai nước láng giềng, Việt Nam và Campuchia nhận thấy những cơ hội to lớn cho hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư, cùng nhất trí phát huy mọi tiềm năng nhằm đưa kinh tế trở thành lĩnh vực trụ cột trong quan hệ song phương.
Nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế bằng việc sớm hoàn tất Quy hoạch tổng thể về kết nối hai nền kinh tế đến năm 2030, triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đã ký về kết nối giao thông hai nước, bao gồm Bản ghi nhớ về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2018-2015, tầm nhìn 2030.
Hai bên hoan nghênh kim ngạch thương mại hai chiều gần đây tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 24% năm 2018, đạt hơn 4,7 tỷ USD, và khả năng có thể đạt trên 5 tỷ USD trong năm 2019. Hai bên nhất trí duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới thông qua tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hội chợ và triển lãm ở hai nước.
Campuchia đánh giá cao Việt Nam là một trong năm nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với hơn 214 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,3 tỷ USD. Phía Campuchia khẳng định sẽ đẩy mạnh triển khai các biện pháp thúc đẩy đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp Việt Nam, duy trì hoạt động hiệu quả và mở rộng đầu tư tại Campuchia.
Phía Campuchia cảm ơn và đánh giá cao việc Việt Nam hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cung cấp viện trợ không hoàn lại trong nhiều năm qua. Hai bên nhất trí triển khai đúng tiến độ các dự án hỗ trợ và tiếp tục nghiên cứu các biện pháp nâng cao hiệu quả các gói hỗ trợ của Việt Nam cho Campuchia.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ thông tin và viễn thông, du lịch, hàng không, tài chính ngân hàng, nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng và chế biến nông – lâm – thủy sản, y tế… Hai Lãnh đạo đề nghị các bộ ngành liên quan mỗi bên phát huy hiệu quả các cơ chế song phương hiện có để tăng cường hợp tác, đặc biệt là Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật và Hội nghị về hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia.
Phía Việt Nam bày tỏ cảm ơn Vương quốc Campuchia về việc tiếp tục hỗ trợ và đối xử bình đẳng với người gốc Việt sinh sống ở Campuhia.
Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt tại ASEAN và các cơ chế liên quan, Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Á-Âu (ASEM). Đề cao tầm quan trọng của sự đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, hai bên nhất trí nỗ lực cùng các quốc gia thành viên xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, đoàn kết, gắn kết, lấy người dân làm trung tâm.
Trên tinh thần đó, hai bên khẳng định phối hợp chặt chẽ trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Campuchia là chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEM 13.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong sử dụng, phát triển và quản lý hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Công, phù hợp với Hiệp định về Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công năm 1995, Tuyên bố Sieam Reap năm 2018 của Hội nghị Thượng đỉnh Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 3, Tuyên bố chung 2018 của Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Công mở rộng, và các cơ chế tiểu vùng khác hiện có.
Hai bên nhất trí phối hợp trong khuôn khổ Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động kết nối kinh tế Campuchia – Lào – Việt Nam đến năm 2030, được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Campuchia – Lào – Việt Nam tháng 3/2018.
Hai bên nhất trí phối hợp với các nước liên quan nhằm đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) toàn diện, cân bằng về lợi ích, tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên.
Hai bên nhắc lại lập trường của ASEAN về Biển Đông nêu tại các tuyên bố chung gần đây, đặc biệt là Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52). Hai bên cho rằng, tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông cần phải sớm được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS).
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận