Ứng dụng Excel trong công tác Tòa án

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công cuộc thực hiện cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết công việc là một giải pháp rất tích cực. Việc xây dựng những ứng dụng công nghệ trong công tác chuyên môn góp phần giảm thiểu sức lao động, đảm bảo độ chính xác là điều cần thiết. Qua thực tiễn áp dụng, tác giả xin chia sẻ một số nội dung ứng dụng excel trong công việc.

1.Ứng dụng excel trong việc tính án phí

Án phí có giá ngạch trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động là một phần nội dung quyết định trong vụ án, tuy nhiên tùy theo từng mức độ, số tiền tranh chấp mà cách tính án phí khác nhau. Thực tiễn xét xử có rất nhiều bản án đã bị hủy, sửa do việc tính án phí không chính xác xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, người tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Nhận thức được tầm quan trọng nêu trên, chúng tôi đã xây dựng file tính án phí, theo đó chỉ cần nhập số tiền tranh chấp đối với từng loại vụ án sẽ hiện kết quả án phí cần tuyên. Độ chính xác là 100%.

 

Chú thích: Tại ô B4, B5, B6 là giá trị tài sản tranh chấp, theo đó đối với từng loại vụ án khi nhập giá trị tài sản tranh chấp, án phí sẽ tự động được tính và trả kết quả tương ứng tại ô C4, C5, C6.

Ví dụ: Đối với vụ án dân sự có giá trị tài sản tranh chấp là 30.000.000đ; tại ô B4 nhập giá trị 30.000.000đ thì kết quả án phí trả ra tại ô C4 sẽ là 1.500.000đ.

2.Ứng dụng excel trong giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản là loại tranh chấp hợp đồng phổ biến, chiếm số lượng lớn trong các vụ án mà Tòa án phải giải quyết. Việc tính toán các khoản nợ gốc, nợ lãi trong hạn, lãi quá hạn, thời hạn vay, thời hạn quá hạn…. là nội dung hết sức phức tạp, đòi hỏi sự chính xác cao trong từng nội dung, chỉ cần một nội dung nêu trên sai sẽ dẫn tới việc toàn bộ quyết định của bản án không chính xác. Do đó, chúng tôi đã xây dựng một file riêng để giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản, theo đó chỉ cần nhập một số nội dung trong hợp đồng vay là sẽ đủ điều kiện cho ra kết quả các khoản nợ gốc, nợ lãi… đảm bảo kết quả giải quyết vụ án chính xác 100%.

 

 

Chú thích: Các giá trị tại ô C3, C4, C5, C6, C7, C8, C9 là những dữ liệu đầu vào cần nhập, đây cũng là các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng vay tài sản. Căn cứ vào từng vụ án, sau khi nhập các số liệu trên sẽ tự động trả kết quả là các nội dung tại ô C11, C12, C13, C14.

Lưu ý ô C9 không được để trống: Trong trường hợp người vay đã trả một phần nợ gốc trong thời hạn vay thì ghi ngày chính xác đã trả; trường hợp người vay chưa trả thì ô này không được để trống và nhập vào 01 ngày bất kỳ miễn sao ngày này là sau ngày xét xử sơ thẩm.

Ví dụ: Ngày 6/4/2014 ông A vay ông B số tiền 75.000.000đ, lãi thỏa thuận là 1%/tháng, ngày hẹn trả là ngày 01/9/2015. D ông A không thanh toán đúng hẹn với ông B nên ông B đã khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản ra Tòa án yêu cầu ông A phải trả cả gốc và lãi cho ông B. Tòa án đã thụ lý đơn và mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 25/9/2017.

Với các dữ liệu nêu trên thì cần nhập vào bảng tính như sau:

Ô C3: Số tiền nợ gốc: 75.000.000đ

Ô C4: Lãi thỏa thuận: 1

Ô C5: Ngày vay: 6/4/2014

Ô C6 Ngày hẹn trả: 1/9/2015

Ô C7 Ngày xét xử sơ thẩm: 25/9/2017.

Ô C8 Số tiền đã trả: vụ án này ông A chưa trả ông B nên nhập số: 0.

Ô C9 Ngày đã trả: Do chưa trả đồng nào nhưng ô này không được để trống nên nhập vào ngày bất kỳ miễn sao là sau ngày 25/9/2017: Nên ta nhập là 10/3/2018.

Sau khi nhập đủ giá trị sẽ trả ra kết quả như sau:

Lãi gốc trong hạn: 75.000.000đ x (16 tháng 26 ngày) x 1% = 12.650.000đ

Lãi gốc quá hạn: 75.000.000đ x (24 tháng 24 ngày) x 1,5% = 27.900.000đ

Lãi của lãi gốc quá hạn:12.650.000đ x (24 tháng 24 ngày) x 1,50.833% = 2.614.333đ

Tổng số nợ gốc phải trả là: 75.000.000đ; tổng số nợ lãi phải trả là: 43.164.333đ.

3.Ứng dụng excel trong việc báo cáo thống kê, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của lãnh đạo đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng Thẩm phán

Biên chế ngành Tòa án còn nhiều hạn chế, do đó các Tòa án luôn tận dụng tối đa số lượng biên chế vào các chức danh chuyên môn như Thư ký, Thẩm phán. Do đó, hầu hết các Tòa án cấp tỉnh đều không có cán bộ chuyên trách về mảng báo cáo, thống kê cho từng Tòa chuyên môn. Việc báo cáo, thống kê do các Thư ký kiêm nhiệm thực hiện. Được lãnh đạo phân công bên cạnh công việc chuyên môn của Thư ký, bản thân tôi còn kiêm thêm nhiệm vụ báo cáo thống kê. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhận thấy việc quản lý, lưu trữ còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến việc báo cáo thống kê còn nhiều thủ công, độ chính xác không cao, tốn nhiều thời gian… Do đó, tôi đã nghiên cứu và xây dựng file riêng để tổng hợp thống kê các tiêu chí về số lượng vụ án thụ lý, giải quyết, các tội danh, số vụ án được Thẩm án giải quyết, thống kê hình phạt, nhân thân người phạm tội… Đồng thời, kết hợp với các phần mềm OneDrive (OneDrive là một dịch vụ lưu trữ đám mây của Microsoft cho phép lưu trữ tất cả các tệp tin quan trọng an toàn và truy cập chúng hầu như ở bất cứ đâu) kết nối với máy của các lãnh đạo, giúp lãnh đạo có thể bao quát khối lượng công việc của các Tòa án cấp huyện, các Thẩm phán; giảm thiểu khối lượng công việc cho các Tòa án, giảm thiểu số lượng báo cáo hàng tháng.

 

 

Chú thích: Trong file excel có 03 sheet, trong đó sheet 1 là HSST; sheet 2 là HSPT; và sheet 3 là thống kê thẩm phán. Theo đó khi nhập các số liệu tại sheet 1 và sheet 2 sẽ giúp cho lãnh đạo quản lý, rà soát số lượng các vụ án được được giải quyết, tiến độ giải quyết vụ án đối với từng thẩm phán. Đồng thời, quá trình làm việc khi cần rút trích số liệu theo từng tiêu chí sẽ được thực hiện nhanh chóng, thông qua các hàm rút trích, giúp việc tổng hợp, báo cáo số liệu được thực hiện nhanh chóng, chính xác mà không cần dò tìm, mở từng hồ sơ trong kho để tổng hợp, báo cáo.

**

Có thể nói Excel đã giúp ích cho công tác xét xử của Tòa án một cách hữu hiệu, đắc lực, góp phần bảo đảm sự chính xác trong xử lý và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nên chúng tôi xin được chia sẻ cùng quý độc giả.

Tòa án tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tư pháp cho nhân dân tại bộ phận một cửa. Ảnh: TA TN

 

NGUYỄN XUÂN BÌNH (TAND tỉnh Bắc Ninh)