Ủy ban nhân dân tham gia tố tụng trong vụ án Hủy hoại rừng với tư cách là nguyên đơn dân sự
Sau khi đọc bài “Xác định tư cách tham gia tố tụng, bồi thường thiệt hại trong vụ án Hủy hoại rừng” của tác giả Đinh Minh Lượng, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, cần xác định UBND tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự.
Theo quy định của pháp luật, bị hại và nguyên đơn dân sự đều là những tư cách tham gia tố tụng mà ở đó đòi hỏi phải có dấu hiệu thiệt hại về tài sản của những người này do tội phạm gây ra. Tuy nhiên, hai tư cách này khác nhau ở chỗ bị hại là chủ thể bị thiệt hại trực tiếp, còn nguyên đơn dân sự là chủ thể bị thiệt hại gián tiếp (tức là mục đích phạm tội không nhằm mục đích gây ra thiệt hại cho chủ thể này).
Trong nội dung vụ án tác giả đưa ra, đã có đủ cơ sở để xác định hành vi của Lê Đức A và đồng phạm phạm tội “Hủy hoại rừng” theo điểm c khoản 3 Điều 243 BLHS 2015. Như vậy, hành vi của A và đồng phạm đã xâm phạm những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ (hay còn gọi là khách thể) của tội Hủy hoại rừng. Cụ thể là xâm phạm đến chế độ quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường của Nhà nước. Do đó, cần phân biệt đối tượng tác động và khách thể giữa tội Hủy hoại rừng và tội xâm phạm sở hữu. Khi chưa có sự cho phép khai thác của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc rừng bị hủy hoại thuộc một số loại nhất định thì rừng vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước. UBND chỉ là cơ quan hành chính được nhà nước trao quyền quản lý, thay mặt Nhà nước để bảo vệ, chăm sóc, phát triển diện tích rừng đó. Vì vậy, UBND không phải chủ thể bị thiệt hại trực tiếp từ hành vi phạm tội nên không phải bị hại. Đồng thời, UBND có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nên được xác định với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Tham khảo 10 bản án của các Tòa án đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử TANDTC, có 7/10 bản án xác định UBND là nguyên đơn dân sự; 2/10 bản án xác định đây là bị hại và 1/10 bản án xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Như vậy việc xác định tư cách của UBND trên thực tế còn chưa thống nhất, cần có hướng dẫn cụ thể theo hướng xác định UBND là nguyên đơn dân sự. Cơ quan chức năng lấy lời khai của UBND về việc giao đất, giao rừng, diện tích được giao, đó là loại rừng gì, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, những thiệt hại xảy ra, yêu cầu bồi thường như thế nào, yêu cầu cụ thể về chi phí trồng lại rừng… là hợp lý.
Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại, vì hành vi hủy hoại đã diễn ra, làm hư hại diện tích rừng nên khi UBND có yêu cầu bồi thường thiệt hại, vẫn yêu cầu A và đồng phạm phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước thông qua đại diện là UBND. Số cây gỗ còn tại hiện trường được trả lại cho UBND theo quy định.
Trên đây là quan điểm của tác giả về việc xác định tư cách tham gia tố tụng và bồi thường thiệt hại trong vụ án Hủy hoại rừng, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc./.
Một phiên tòa dân sự tại TAND tỉnh Quảng Trị - Ảnh. H. Phong
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận