Ủy ban Tư pháp đề xuất ba kiến nghị về phòng chống tham nhũng

Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp - đó là những nhận định của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm

Tại diễn đàn Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Báo cáo tóm tắt thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt được nhiều kết quả tích cực; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, qua đó góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, năm 2021, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN tiếp tục được quan tâm; nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước về quản lý kinh tế- xã hội và PCTN tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới; đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở chính trị- pháp lý đồng bộ, khả thi để PCTN hiệu quả. Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn hạn chế; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Một số văn bản quy phạm pháp luật còn sai về thẩm quyền hoặc có nội dung quy định chưa phù hợp, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Đề cập về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận thấy, năm 2021, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN tiếp tục được quan tâm. Các cấp, các ngành, cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN; hình thức tuyên truyền có nhiều đổi mới, sáng tạo nhằm phù hợp với điều kiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh ở một số địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các cơ quan báo chí… đã tích cực tham gia vào công tác PCTN. Các cơ quan hữu quan kịp thời cung cấp thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ rõ, công tác này trong một số trường hợp còn chưa thực sự chuyển biến. Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng; chưa thực sự gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm, còn nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật. Còn có trường hợp phóng viên, nhà báo thoái hóa, biến chất “tống tiền”, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp, cán bộ, công chức…

Liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2021, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ tích cực chỉ đạo thực hiện như: việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử… Các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế 

Cho biết công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương, vẫn còn có những hạn chế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc thực hiện công khai, minh bạch còn có tình trạng công khai thông tin không đầy đủ, công khai trong phạm vi hẹp với lý do “bí mật công tác” hoặc “quy chế phát ngôn” trong cơ quan, đơn vị, tổ chức; việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế, vướng mắc; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước còn chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ; vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga 

Về kết quả thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2021, công tác thanh tra, kiểm toán tiếp tục được chú trọng, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; kịp thời chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, chủ yếu là xử lý hành chính, kỷ luật. Việc tiếp công dân ở một số đơn vị, địa phương chưa được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp.

Kiến nghị với Chính phủ 

Đánh giá tình hình tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2021: “Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục... Đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN vẫn còn.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp đề xuất 3 kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan, trong đó:

1. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

2. Đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tăng cường chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan có chức năng PCTN, các cơ quan tư pháp.

3. Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện...

 

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 - Ảnh: Qh.vn

KIM DUNG