Uy tín của Tòa án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị

Trong những năm qua, hệ thống Tòa án nhân dân cả nước nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhận định, đánh giá, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đối với Tòa án nhân dân có ý nghĩa hết sức to lớn. Tạp chí Tòa án nhân dân trân trọng giới thiệu các ý kiến quý báu đó.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Nhiệm vụ trọng tâm của các Tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử

Xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, trong đó Tòa án đóng vai trò trung tâm là nội dung quan trọng để không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Uy tín của Tòa án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị, của Nhà nước, bởi đây là niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội.

Khẳng định điều này giúp chúng ta thấy rõ hơn trách nhiệm chính trị của các Tòa án, nhất là đội ngũ Thẩm phán. Mỗi bản án phải làm sao để thực sự “tâm phục, khẩu phục,” khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; phải tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của các Tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử; không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế thấp nhất các bản án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan.

Tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết, nhất là việc áp dụng các biện pháp tư pháp và xác định đúng trách nhiệm dân sự của tội phạm, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Khi phát hiện các bản án sai sót phải kiên quyết khắc phục, thành tâm nhận khuyết điểm, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân. Kiên quyết khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng. Kéo dài thời gian xét xử, đặt người dân vào tình trạng pháp lý căng thẳng quá lâu không phải là biểu hiện của một nền tư pháp văn minh.

(Phát biểu tại Hội nghị, triển khai công tác Tòa án năm 2019)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Tòa án có chuyển biến tích cực

Cải cách tư pháp lấy Tòa án làm trung tâm theo tinh thần Nghị quyết 49, ngành Tòa án có chuyển biến tích cực, như tranh tụng tại tòa không hạn chế thời gian, công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân giám sát… Các cơ quan quốc tế đánh giá rất cao các cải cách trong hệ thống Tòa án Việt Nam.

Tòa án đã tham gia cùng Chính phủ xử lý giải quyết khiếu nại đông người kéo dài; tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án có nhiều đổi mới, nhất là huy động trí tuệ, tâm huyết của những người đã và đang công tác trong hệ thống Tòa án, các nhà khoa học pháp lý.

Có thể nói, công tác phối hợp giữa Tòa án và Chính phủ được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả, nhất là trong thi hành án dân sự, xây dựng pháp luật, hướng dẫn pháp luật, công tác tương trợ tư pháp…

Cần làm tốt công tác đào tạo nghiệp vụ xét xử, đào tạo nâng ngạch thẩm phán, các chức năng tư pháp. Đầu tư xây dựng trụ sở, nâng cấp trang thiết bị làm việc của tòa án các cấp theo yêu cầu cải cách tư pháp phù hợp với điều kiện phát triển đất nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ tư pháp để cải cách tư pháp một cửa, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong quản lý điều hành.

(Phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo TANDTC để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác, ngày 18/4/2018).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội

Đây là trách nhiệm chính trị của Tòa án các cấp, của các Thẩm phán trước Đảng, trước Nhân dân. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án các cấp là phải tập trung nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tâm phục, khẩu phục, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; kiên quyết khắc phục việc để án quá hạn luật định, vi phạm thời hạn tố tụng. Tăng cường xem xét, giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đối với việc xét xử các vụ án tham nhũng, phát huy thành quả và kinh nghiệm vừa qua, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án; áp dụng đồng bộ các biện pháp để có thể thu hồi triệt để tài sản ngay trong quá trình xét xử; chú trọng kiến nghị khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, sự buông lỏng trong quản lý cán bộ. Đối với việc xét xử các vụ án hành chính, cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong xét xử loại án này thời gian qua và có các giải pháp cụ thể khắc phục trong thời gian tới.

(Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tòa án năm 2020)

THÁI VŨ