V phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn V phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 07/8/2020, tác giả cho rằng V phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại khoản 3 Điều 136 BLHS năm 2015.

Về quan điểm cho rằng V phạm tội “Giết người”, tác giả đồng tình với quan điểm của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ. Tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” hay “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” là hai tội được tách ra từ tội “Giết người”, có nguồn gốc, bản chất từ tội “Giết người” nhưng có mức độ nhẹ hơn, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi ít hơn; do đó cơ bản phải có các yếu tố cấu thành tội “Giết người”. Tác giả cho rằng, trường hợp này, với hành vi, lỗi của V không cấu thành các tội trên.

Về trường hợp phạm tội của V là “Trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” hay “Do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” tác giả thấy rằng: Trong y học, tinh thần bị kích động đề cập đến trạng thái phấn khích của một cá nhân, kèm theo lo lắng vận động, sợ hãi và lo lắng. Rối loạn ngôn ngữ cũng có thể xảy ra. Về nguyên tắc, kích động được coi là một phản ứng tự nhiên của cơ thể con người đối với căng thẳng gây ra bởi căng thẳng nghiêm trọng. Nói cách khác, tình trạng được mô tả được phát hiện dưới ảnh hưởng của yếu tố gây căng thẳng hoặc chấn thương tâm lý. Ở các cá nhân, hiện tượng được xem xét xuất hiện do sợ hãi nghiêm trọng hoặc thay đổi đột ngột trong môi trường xung quanh. Ngoài ra, tình trạng này đôi khi là cố hữu ở những người có công việc nguy hiểm đến tính mạng của cá nhân.

Trong khoa học pháp lý tinh thần bị kích động mạnh là sự tác động từ các yếu tố khác kích thích lên tinh thần của người phạm tội, đây chính là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội. Người bị tinh thần bị kích động mạnh là người không còn nhận thức được hành vi của mình, không có khả năng làm chủ hành vi của mình và chỉ diễn ra trong khoảnh khắc tức thời, sau đó thì người này trở lại trạng thái bình thường.

Cần hiểu rằng các rối loạn được mô tả về trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không phát triển từ đầu mà nó bị kích động bởi các yếu tố bên ngoài và nguyên nhân bên trong.

Với những nội dung, tình tiết tình huống đưa ra chưa thể hiện rằng V đã lâm vào tình trạng tinh thần bị kích động mạnh.

Trong tình huống này đúng là có hành vi trái pháp luật từ phía bị hại đối với V nhưng hành vi của V là để chống trả lại sự đe dọa từ phía nhóm người của bị hại. Nguyễn Văn V vì bảo vệ bản thân mình trước sự tấn công của L, Đ và nhóm bạn nên đã dùng dao đâm bừa, đâm trúng ai thì trúng, không quan tâm hậu quả xảy ra là gây thương tích hay chết người, thể hiện sự chống trả lại một cách rõ ràng là quá mức cần thiết làm cho L bị chết, Đ bị thương tích 57%, đây được xem là trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Tác giả nhấn mạnh ở đây là hành vi của V nhằm chống trả lại sự uy hiếp, đe dọa từ một nhóm người, không phải chỉ là chống trả lại L và Đ. Sự tấn công đối với V là sự tấn công của cả một nhóm người, tuy nhóm nay chỉ dùng tay chân, không dùng hung khí, vật dụng nào nhưng số lượng người tấn công đông, việc tấn công khá hung hăng, trong khi phía V chỉ có một mình, khi bị tấn công dồn đến góc tường, không còn cách nào khác V phải tự vệ bằng cách sử dụng con dao để chống trả, V đâm bừa để chủ yếu là tìm cách thoát thân; tuy nhiên hậu quả lại đâm trúng L và Đ khiến một người bị thương tích và một người chết; V không có ý thức chiếm đoạt tính mạng, gây thương tích cho L và Đ mà chỉ là để tự vệ, việc gây ra hậu quả là nằm ngoài ý muốn của V.

Xét hành vi, lỗi của V trong trường hợp này tác giả cho rằng chỉ có thể có cơ sở khẳng định V đã có hành vi cố ý gây thương tích đối với L và Đ; lỗi của V là lỗi cố ý gián tiếp, hành vi xuất phát từ sự vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng; do đó, có thể kết luận V đã phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại khoản 3 Điều 136 BLHS 2015 (hậu quả dẫn đến chết người).

Trên đây là quan điểm của tác giả về bài viết “Nguyễn Văn V phạm tội gì?”, mong nhận được sự thảo luận, trao đổi của bạn đọc, đồng nghiệp./.

 

TAND tp Đông Hà, Quảng Trị  xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 3 Điều 134 BLHS – Ảnh: Phạm Thị Vân

 

 

Ths NGUYỄN ANH CHUNG (TAQS Quân khu 5)