Văn bản, hợp đồng, giao dịch đã chứng thực là đối tượng khởi kiện vụ án dân sự hay hành chính?
Đương sự khởi kiện yêu cầu Tòa án xử “Văn bản phân chia tài sản thừa kế” được lập giữa ông Lê Văn L và ông Lê Văn Ngh về việc phân chia tài sản thừa kế đã được Trưởng Phòng tư pháp huyện H ký chứng thực vào ngày 17/9/2012, là văn bản vô hiệu. Vụ kiện được giải quyết theo tố tụng hành chính vay tố tụng dân sự?
Phân chia di sản
Cụ Lê Văn C, sinh năm 1919, chết ngày 13/05/1990. Vợ của cụ Lê Văn C là cụ Đỗ Thị Đ, sinh năm 1921, chết ngày 21/6/2002. Khi chết cả cụ Lê Văn C và cụ Đỗ Thị Đ đều không để lại di chúc.
Vợ chồng cụ Lê Văn C và Đỗ Thị Đ sinh được 07 người con cụ thể bao gồm: Lê Văn L, Lê Thị Th, Lê Văn Ngh, Lê Thị T, Lê Thị D, Lê Thị S và Lê Văn H.
Di sản thừa kế của cụ Lê Văn C và cụ Đỗ Thị Đ chết không để lại di chúc là diện tích 800m2 đất và tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà cấp xây dựng 4 có địa chỉ tại thôn Sông Hai, xã Núi Thành, huyện H, tỉnh L, đã được UBND huyện H cấp Giấy CNQSD đất đứng tên “hộ bà Đỗ Thị Đ” là chủ sử dụng từ năm năm 1999.
Những người thừa kế hiện nay còn sống thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Lê Văn C và bà Đỗ Thị Đ gồm có 07 người con cụ thể là: Lê Văn L, Lê Thị Th, Lê Văn Ngh, Lê Thị T, Lê Thị D, Lê Thị S và Lê Văn H.
Vào ngày 08/8/2012, có 05 người là Lê Văn L, Lê Thị Th, Lê Thị T, Lê Thị D, Lê Thị S đã cùng đến UBND xã Núi Thành để xác lập và chứng thực “Văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế”. Văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế do 05 người con lập có nội dung là “Tôi là người thừa kế theo pháp luật của mẹ tôi là Đỗ Thị Đ … Tài sản mà tôi được thừa kế là một phần diện tích đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1999 mang tên hộ bà Lê Thị Đ … Nay tôi tự nguyện từ chối tài sản nêu trên mà tôi được hưởng”.
Có 02 người là Lê Văn Ngh và Lê Văn H thì không có Văn bản từ chối.
Ngày 07/9/2012, người con trai út là ông Lê Văn H đang làm ăn ở xa không có mặt ở địa phương nên đã lập Giấy ủy quyền gửi về cho người con trai cả là ông Lê Văn L được “Thay tôi ký kết các văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế tài sản”.
Trên cơ sở 05 văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế của 05 người con và Giấy ủy quyền của người con trai út, ngày 14/8/2012, ông Lê Văn L và ông Lê Văn Ngh đã lập “Văn bản phân chia tài sản thừa kế” để phân chia di sản, tài sản thừa kế với nội dung “Ông Lê Văn Ngh và ông Lê Văn H mỗi người được hưởng ½ (Một nửa) của tổng diện tích quyền sử dụng 800m2 đất đã được UBND huyện H cấp Giấy CNQSD đất năm 1999 đứng tên cụ Đỗ Thị Đ là chủ sử dụng”. Văn bản phân chia tài sản thừa kế này đã được Trưởng Phòng tư pháp huyện H ký chứng thực vào ngày 17/9/2012. Sau đó, ông Lê Văn Ngh đã tiến hành làm hồ sơ và đã được UBND huyện H cấp 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một Giấy đứng tên ông Lê Văn Ngh và 01 Giấy đứng tên ông Lê Văn H.
Năm 2015, người con trai út là Lê Văn H quay về địa phương, ông H có gặp và hỏi ông Ngh và các anh chị về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thế nào, ai đang giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải trả lại cho ông H cất giữ, nhưng ông Ngh nói là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị thất lạc mất. Sau đó ông H đã làm đơn gửi UBND xã và UBND huyện đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Đỗ Thị Đ. Quá trình xem xét giải quyết đơn của ông H về việc đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến cuối năm 2018 thì ông H biết được là vào tháng 9/2012 giữa ông L và ông Ngh đã lập Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế quyền sử dụng diện tích 800m2 đất đứng tên cụ Đ sang cho 02 người con là ông Ngh và ông H và đã được UBND huyện cấp 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi biết được nội dung của Văn bản phân chia tài sản thừa kế được lập giữa ông Lê Văn L và ông Lê Văn Ngh về việc phân chia tài sản thừa kế đã được Trưởng Phòng tư pháp huyện H ký chứng thực vào ngày 17/9/2012, ông H cho rằng Nội dung Văn bản này là trái pháp luật và xâm phạm đến quyền lợi của ông H nên ông H đã khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện H tuyên xử “Văn bản phân chia tài sản thừa kế” được lập giữa ông Lê Văn L và ông Lê Văn Ngh về việc phân chia tài sản thừa kế đã được Trưởng Phòng tư pháp huyện H ký chứng thực vào ngày 17/9/2012, là văn bản vô hiệu.
Quan điểm khác nhau
Sau khi tiếp nhận đơn và hồ sơ khởi kiện của ông Lê Văn H, có 02 quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Tòa án nhân dân huyện H tiến hành thụ lý vụ án hành chính và giải quyết nội dung yêu cầu khởi kiện của ông H theo pháp luật tố tụng hành chính.
Quan điểm thứ hai: Tòa án nhân dân huyện H tiến hành thụ lý vụ án dân sự và giải quyết nội dung yêu cầu khởi kiện của ông H theo pháp luật tố tụng dân sự.
Tác giả nhận thấy rằng: Căn cứ nội dung vụ việc và nội dung yêu cầu khởi kiện, khi nhận Đơn khởi kiện thì Tòa án cần phải nghiên cứu kỹ nội dung yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện (Trong trường hợp xét thấy yêu cầu khởi kiện chưa cụ thể hoặc thấy cần thiết thì Tòa án cần phải mời Người khởi kiện đến làm việc để xác định rõ nội dung yêu cầu khởi kiện của Người khởi kiện cụ thể là như thế nào). Sau khi đã xác định được chính xác về yêu cầu khởi kiện của Người khởi kiện, thì:
Trường hợp thứ nhất:
Khoản 4 Điều 2 Nghị định số: 23/2015/NĐ-CP qui định “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”. Khoản 2 Điều 2 Nghị định số: 75/2000/NĐ-CP, qui định “Chứng thực là việc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xác nhận sao y giấy tờ, hợp đồng, giao dịch và chữ ký của cá nhân trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch của họ theo quy định của Nghị định này”. Điều 116 và Điều 385 Bộ Luật dân sự năm 2015 qui định “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” … “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, cần phải xác định “Văn bản phân chia tài sản thừa kế” là “Hợp đồng, giao dịch dân sự”, bởi vì chủ thể trong văn bản này có sự tham gia của nhiều bên (ít nhất là của hai bên) và nội dung trong văn bản này có sự thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Do đó, nếu như Người khởi kiện cho rằng “Giao dịch dân sự về việc xác lập Văn bản phân chia tài sản thừa kế giữa ông Lê Văn L và ông Lê Văn Ngh” là trái pháp luật và khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố “Văn bản phân chia tài sản thừa kế là vô hiệu”, có nghĩa là “Khởi kiện yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” thì Tòa án cần phải thụ lý vụ án dân sự và tiến hành xem xét giải quyết vụ án theo pháp luật tố tụng dân sự.
Trường hợp thứ hai:
Khoản 3 Điều 2 Luật tố tụng hành chính qui định “Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.
Do đó, nếu như Người khởi kiện cho rằng “Trưởng phòng tư pháp huyện H thực hiện chứng thực vào Văn bản phân chia tài sản thừa kế” là đã thực hiện chứng thực trái pháp luật và khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố “Việc Trưởng phòng tư pháp huyện H chứng thực vào Văn bản phân chia tài sản thừa kế là trái pháp luật” có nghĩa là “Khởi kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực chứng thực” thì Tòa án cần phải thụ lý vụ án hành chính và tiến hành xem xét giải quyết vụ án theo pháp luật tố tụng hành chính.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.
Ảnh minh họa của Thái Vũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận