Vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài trong giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án Việt Nam

Vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài, đặc biệt là xác định, cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài là một vấn đề phức tạp, đang có ý kiến khác nhau. Để góp phần tạo cơ sở cho việc thống nhất nhận thức chung, tác giả sẽ phân tích, làm rõ hoàn cảnh, mục đích, lý do xây dựng các quy định của Điều 481 BLTTDS trên cơ sở các thông tin có được khi được giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung của điều luật này trong quá trình xây dựng Dự án BLTTDS (sửa đổi).

Trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động), pháp luật Việt Nam, một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép các bên được lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc yêu cầu Tòa án Việt Nam phải áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp, yêu cầu. Phù hợp với tinh thần đó, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam đã có quy định về trách nhiệm cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài để Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Mặc dù vậy, kết quả tổng kết thực tiễn cho thấy trong thời gian 18 năm, kể từ khi Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) được ban hành đến nay, Tòa án các cấp chưa thụ lý, giải quyết bất kỳ vụ việc dân sự nào mà Tòa án phải áp dụng pháp luật nước ngoài được giải quyết. Tuy nhiên, tình hình đó không phải là sự phản ánh hoặc biểu hiện có sự bất cập của pháp luật Việt Nam nói chung, BLTTDS hiện hành nói riêng về việc áp dụng pháp luật nước ngoài, bao gồm quy định về xác định, cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án. Trên thực tế, lý do chính của tình hình trên xuất phát từ việc các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà Tòa án đã xét xử, giải quyết chưa phát sinh yêu cầu Tòa án phải áp dụng pháp luật nước ngoài cho vụ việc đó.

Tuy nhiên, trên phương diện nghiên cứu khoa học, vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài, đặc biệt là xác định, cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài là một vấn đề phức tạp, đang có ý kiến khác nhau, thậm chí có những ý kiến sai lệch, tiêu cực cho rằng Tòa án Việt Nam có xu hướng không muốn áp dụng hoặc không áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết vụ việc trong những trường hợp pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam có quy định.

Trong bối cảnh đó, để góp phần tạo cơ sở cho việc thống nhất nhận thức chung trong nghiên cứu khoa học cũng như trong nhận thức của dư luận xã hội, tác giả cố gắng làm rõ hoàn cảnh, mục đích, lý do xây dựng các quy định của Điều 481 BLTTDS trên cơ sở các thông tin có được khi được giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung của điều luật này trong quá trình xây dựng Dự án BLTTDS (sửa đổi). Cùng với đó, trên cơ sở nhận định, đánh giá những thách thức, khó khăn có thể phát sinh trên thực tế, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất để góp phần thúc đẩy công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong vấn đề này.

1. Quy định về xác định và cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài để Tòa án áp dụng trong giải quyết, xét xử vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Theo quy định của pháp luật hiện hành, pháp luật nước ngoài được áp dụng bắt buộc trong trường hợp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định hoặc trên cơ sở lựa chọn của các bên trong quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài theo nghĩa rộng, bao gồm quan hệ hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài. Các quy định cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài chủ yếu tập trung tại Bộ luật dân sự (BLDS), Bộ luật hàng hải, Luật thương mại, Luật chuyển giao công nghệ, Luật hôn nhân và gia đình, Luật đầu tư...

Để bảo đảm thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật nước ngoài tại Tòa án, pháp luật hiện hành cũng quy định về cách thức xác định, chủ thể có nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài để Tòa án áp dụng trong giải quyết, xét xử vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Điều 481 BLTTDS.

Có thể nói rằng Điều 481 BLTTDS được xây dựng trên tinh thần kết quả rà soát pháp luật trong nước, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc áp dụng pháp luật nước ngoài và thực tiễn áp dụng pháp luật nước ngoài trong các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án từ năm 2004 đến năm 2014.

Kết quả rà soát cho thấy trong một số Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam ký từ năm 2010 trở về trước có quy định về những trường hợp mà Tòa án nước này áp dụng pháp luật nước kia trong các quan hệ pháp luật như: hôn nhân và gia đình, thừa kế di sản thừa kế là động sản, nghĩa vụ theo hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và hợp đồng lao động. Tuy nhiên, ngoài các hiệp định này, không phát hiện được thêm các điều ước quốc tế khác có cách tiếp cận tương tự về những trường hợp cần áp dụng pháp luật nước ngoài. Tình hình nêu trên xuất phát từ sự thay đổi trong chính sách đàm phán các hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự; theo đó, kể từ năm 2010 trở về sau, các hiệp định mà Việt Nam đàm phán, ký kết đều không có các quy định về xác định luật áp dụng cho các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài. Thay vào đó, các hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự chủ yếu quy định về tống đạt, thu thập chứng cứ, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án mỗi nước.

Cùng với đó, tại một số luật, bộ luật của Việt Nam tuy có quy định về vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi ghi nhận quyền của các bên được lựa chọn pháp luật nước ngoài để áp dụng cho quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài. Các luật, bộ luật này không có quy định cụ thể về các trường hợp cần áp dụng pháp luật nước ngoài tương tự quy định của một số hiệp định tương trợ tư pháp như đã nêu trên.

Bên cạnh đó, kết quả rà soát cũng cho thấy không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về chủ thể có trách nhiệm cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án.

Thêm vào đó, kết quả tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành BLTTDS cho thấy, từ năm 2005 đến năm 2014, không phát sinh vụ việc dân sự mà đương sự đề nghị áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc Tòa án phải áp dụng pháp luật nước ngoài theo quy định của luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Mặc dù vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án áp dụng pháp luật nước ngoài khi phát sinh yêu cầu này trên thực tế, thì cần phải có điều luật quy định về việc xác định và cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án. Trên tinh thần đó, Điều 481 BLTTDS được xây dựng theo hướng:

- Đương sự có nghĩa vụ cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án nếu đương sự có quyền lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài và đã chọn pháp luật nước ngoài để áp dụng cho quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài.

- Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định phải áp dụng pháp luật nước ngoài cho quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài, thì đương sự không có nghĩa vụ cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài đó. Thay vào đó, Tòa án có trách nhiệm thông qua các cơ quan trung ương có liên quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài,  cá nhân, cơ quan, tổ chức có chuyên môn về pháp luật nước ngoài để thu thập nội dung pháp luật nước ngoài phục vụ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

a) Nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án

Theo quy định tại khoản 1 Điều 481 BLTTDS, đương sự có nghĩa vụ cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án trong trường hợp đương sự được quyền lựa chọn pháp luật áp dụng là pháp luật nước ngoài và đã lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đó. Các đương sự chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của pháp luật nước ngoài đã cung cấp.

Khi xây dựng quy định nêu trên, có ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể đương sự có quyền đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có chuyên môn về pháp luật nước ngoài như: các chuyên gia có kiến thức pháp luật nước ngoài, các văn phòng luật sư, công ty luật của Việt Nam hoặc nước ngoài…cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài. Tuy nhiên, đa số ý kiến khác cho rằng quy định như vậy là không cần thiết. Bởi lẽ, đây là nghĩa vụ của đương sự nên họ có toàn quyền quyết định biện pháp tìm kiếm, xác định nội dung pháp luật nước ngoài. Theo đó, đương sự có quyền thông qua cá nhân, cơ quan, tổ chức, không phân biệt công dân Việt Nam, người nước ngoài, cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài để tìm kiếm, xác định nội dung pháp luật nước ngoài để cung cấp cho Tòa án, miễn là nội dung pháp luật đó chính xác và hợp pháp. Đương nhiên, để bảo đảm tính chính xác và hợp pháp cũng như làm rõ thêm nội dung pháp luật nước ngoài do đương sự cung cấp, Tòa án có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đã cung cấp cho đương sự nội dung pháp luật nước ngoài đến Tòa án để trình bày, giải thích nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức đó có địa chỉ liên hệ tại Việt Nam.

Trên tinh thần đó, khoản 1 Điều 481 BLTTDS không bổ sung quy định về biện pháp, cách thức mà đương sự sử dụng khi tìm kiếm, thu thập nội dung pháp luật nước ngoài để cung cấp cho Tòa án.

Bên cạnh đó, để xác định nội dung pháp luật nước ngoài nào là phù hợp trong trường hợp về cùng một vấn đề mà hai bên đương sự lại cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài khác nhau hoặc để có cơ sở đối chứng tính chính xác nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự cung cấp, khoản 1 Điều 481 của BLTTDS bổ sung thêm quy định: Trường hợp các đương sự không thống nhất được với nhau về nội dung pháp luật nước ngoài hoặc trong trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc thông qua Bộ ngoại giao đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài.

Cũng cần nói thêm rằng, quy định đương sự có nghĩa vụ cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án được xây dựng để phù hợp với quy định của pháp luật cho phép đương sự được quyền lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài trong quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, về nguyên tắc, khi đương sự đã thực hiện quyền này trên thực tế và quan hệ pháp luật đó có phát sinh tranh chấp, một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết, thì đương sự trong vụ việc đó phải có nghĩa vụ cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án áp dụng.

Bên cạnh đó, quy định này còn là kết quả tham khảo pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của nhiều nước trên thế giới, bao gồm Ốt-xtrây-li-a và các nước châu Âu. Tại Tòa án của nước Ốt-xtrây-li-a hoặc tại nước Anh, pháp luật nước ngoài được coi là một trong những vấn đề về tình tiết khách quan của vụ án (question of fact) mà không phải là vấn đề luật áp dụng (question of law). Điều này có nghĩa rằng, việc tìm kiếm, thu thập nội dung pháp luật nước ngoài cũng tương tự như việc tìm kiếm, thu thập, xác định các tình tiết khách quan của vụ án. Mặt khác, nghĩa vụ của đương sự còn xuất phát từ việc Thẩm phán không thể hiểu biết hết các nội dung của pháp luật nước khác. Trên tinh thần đó, chỉ khi nào đương sự làm rõ được lý do Tòa án phải áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết và những lý lẽ đó của đương sự được Tòa án chấp nhận là có căn cứ, thì pháp luật nước ngoài mới được áp dụng. Như vậy, trong trường hợp này, đương nhiên đương sự phải cung cấp được cho Tòa án nội dung pháp luật nước ngoài để hỗ trợ cho việc chứng minh tại sao pháp luật nước ngoài cần được áp dụng.[1]

Tương tự Ốt-xtrây-li-a và Anh, tại một số nước khác như: Ai-len, Síp, Man-ta, Hà Lan, Lát-vi-a, Lúc-xăm-bua, pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án cũng đặt ra yêu cầu đương sự phải chứng minh việc áp dụng pháp luật nước ngoài và tự tìm kiếm, xác định nội dung pháp luật nước ngoài mà họ đề nghị Tòa án áp dụng.[2]

Như vậy, việc quy định đương sự có nghĩa vụ cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 481 của Bộ luật này là phù hợp với các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế về vấn đề này.

b) Nghĩa vụ của Tòa án

Bên cạnh quy định về nghĩa vụ của đương sự, khoản 2 và 3 Điều 481 của BLTTDS quy định: Trường hợp luật của Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định phải áp dụng pháp luật nước ngoài thì đương sự có quyền cung cấp pháp luật nước ngoài cho Tòa án hoặc Tòa án yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp pháp luật nước ngoài. Tòa án có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài cung cấp thông tin về pháp luật nước ngoài.

Quy định này được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 22 của Nghị định số 138/2006/NĐ-CP ngày 15/11/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài: “Theo yêu cầu của Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các việc hoặc các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp có trách nhiệm hỗ trợ các cơ quan có yêu cầu trong việc xác định pháp luật được áp dụng và cung cấp các văn bản pháp luật nước ngoài được áp dụng”.

Cùng với đó, để Tòa án có được nội dung pháp luật nước ngoài trong một thời hạn hợp lý, thì Tòa án cần có thêm thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài cung cấp thông tin về pháp luật nước ngoài cho Tòa án. Quy định này bảo đảm cho Tòa án có quyền sử dụng nhiều cơ quan hỗ trợ khác nhau, từ Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến việc sử dụng chuyên gia, các cơ quan, tổ chức có chuyên môn về pháp luật nước ngoài để có được nội dung pháp luật nước ngoài cần thiết, phù hợp cho việc giải quyết vụ việc. Trong quá trình soạn thảo, đề xuất này được đa số ý kiến ủng hộ. Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng cần quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện để xác định thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài”. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng trong điều kiện pháp luật nước ngoài điều chỉnh nhiều quan hệ khác nhau theo từng lĩnh vực của xã hội, việc đặt ra tiêu chuẩn chung mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng được để trở thành “cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài” là không khả thi. Thay vào đó, trong trường hợp cần đến cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu trên, thì Tòa án sẽ căn cứ vào các thông tin công khai về nghề nghiệp, nhiệm vụ, chức năng, lĩnh vực hoạt động của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó theo quy định của pháp luật hoặc sản phẩm, dịch vụ mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó cung cấp theo quy định của pháp luật để yêu cầu cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài. Bên cạnh đó, Tòa án cũng có thể đăng thông báo công khai về việc mời cung cấp dịch vụ để tìm kiếm cá nhân, tổ chức đáp ứng được điều kiện cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án.

Trên tinh thần đó, khoản 3 Điều 481 BLTTDS không có quy định về tiêu chuẩn để xác định thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài”.

c) Về thời hạn yêu cầu cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài và hậu quả pháp lý của việc không có được nội dung pháp luật nước ngoài

Theo quy định tại khoản 4 Điều 481 của BLTTDS, trong trường hợp đã hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Tòa án yêu cầu cung cấp pháp luật nước ngoài theo quy định tại Điều này mà không có kết quả thì Tòa án áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết vụ việc dân sự đó.

Quy định tại khoản 4 Điều 481 của BLTTDS áp dụng cho những trường hợp sau đây:

Thứ nhất, trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 481 BLTTDS, khi đương sự không cung cấp cho Tòa án nội dung pháp luật nước ngoài trong quá trình yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc.

Xét về nguyên tắc, khi đương sự có quyền được áp dụng pháp luật nước ngoài và đã lựa chọn pháp luật nước ngoài để áp dụng cho quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp, thì đương nhiên đương sự phải biết và cung cấp được cho Tòa án nội dung pháp luật nước ngoài đó. Do đó, không phải đến khi tranh chấp được một bên đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết, thì đương sự mới có nghĩa vụ tìm kiếm, cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án. Tuy nhiên, để đương sự có thêm thời gian thực hiện nghĩa vụ cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài, khoản 4 Điều 481 của BLTTDS cho phép các đương sự thêm 6 tháng để cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài. Tuy nhiên, để có cơ sở giải quyết dứt điểm vụ việc dân sự, thì khoản 4 Điều 481 BLTTDS đã có quy định về hậu quả pháp lý của việc đương sự không cung cấp được nội dung pháp luật của nước ngoài cho Tòa án. Theo đó, trong trường hợp này, Tòa án Việt Nam sẽ phải áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết vụ việc. Do đó, quan điểm cho rằng “đương sự sẽ chỉ có 06 tháng để thực hiện nghĩa vụ của mình”[3] – nghĩa vụ cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài, là sự nhầm lẫn đáng tiếc do chưa nắm vững quy định về quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Thứ hai, trường hợp Tòa án có nghĩa vụ áp dụng pháp luật nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 481 BLTTDS.

Quy định này được xây dựng để thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của các đương sự trong vụ việc cũng như tinh thần hợp tác của nhà nước được Tòa án Việt Nam yêu cầu cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài. Cụ thể:

Kết quả rà soát các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên cho thấy trong các trường hợp mà Tòa án phải áp dụng luật pháp của nước thành viên hiệp định, thì đều phát sinh trong vụ việc mà một trong các bên đương sự là công dân hoặc tổ chức của nước đó. Ví dụ: đó là quy định về luật áp dụng đối với di sản là động sản có trên lãnh thổ Việt Nam; quan hệ nhân thân và tài sản của vợ chồng công dân nước thành viên hiệp định, trong đó một người thường trú ở Việt Nam, còn một người thường trú tại nước thành viên hiệp định đó.

Như vậy, trong bối cảnh đó, đương sự trong vụ việc sẽ tự nhận thấy việc Tòa án Việt Nam sớm có nội dung pháp luật nước họ là cơ sở quan trọng để đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Từ đó, đương sự sẽ tự xét thấy có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng quyền của mình để hỗ trợ Tòa án Việt Nam có được nội dung pháp luật của nước họ.

Đối với nước thành viên Hiệp định, thì việc nhanh chóng cung cấp nội dung pháp luật theo đề nghị của Tòa án Việt Nam cũng là một trong những cách thức hiệu quả góp phần bảo hộ công dân, tổ chức của họ tại Tòa án Việt Nam. Nếu nước thành viên hiệp định tương trợ tư pháp chậm trễ trong việc cung cấp nội dung pháp luật cho Tòa án Việt Nam, thì đồng nghĩa với việc quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức của nước đó có thể bị ảnh hưởng. Do đó, khó xảy ra trường hợp nước này từ chối hợp tác, không thực hiện yêu cầu của Tòa án Việt Nam trong việc cung cấp nội dung pháp luật của nước họ, đặc biệt là khi nước đó biết được hậu quả pháp lý của việc không cung cấp nội dung pháp luật là việc Tòa án Việt Nam sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.

Vì vậy, quan điểm cho rằng thời hạn 06 tháng nêu trên được xây dựng như là ““một cánh cửa bí mật” giúp thẩm phán áp dụng luật Việt Nam thay vì áp dụng pháp luật nước ngoài, có thể dẫn đến việc “Tòa án hoặc các cơ quan khác không tích cực trong việc tìm kiếm[4] nội dung pháp luật nước ngoài, là quan điểm phiến diện, không khách quan, tiêu cực về Tòa án và cơ quan nhà nước liên quan khác cũng như hệ thống pháp luật Việt Nam. Quan điểm này ngụ ý, dẫn dắt người đọc đến một nhận thức sai lầm rằng nếu Tòa án áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết theo quy định tại khoản 4 Điều 481 của BLTTDS, thì có khả năng quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ không được bảo vệ hoặc không được bảo vệ thỏa đáng. Cần lưu ý rằng trong nhiều lĩnh vực quan hệ pháp luật, thì các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, hài hòa hóa với pháp luật quốc tế. Do đó, việc áp dụng pháp luật Việt Nam trong trường hợp này cũng là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo đó, trường hợp này, khi không có được nội dung pháp luật nước ngoài, thì pháp luật cho phép suy đoán pháp luật Việt Nam không có sự khác biệt cơ bản với pháp luật nước ngoài. Đây cũng là cách thức mà nhiều nước trên thế giới áp dụng trong trường hợp không xác định, không có được nội dung pháp luật nước ngoài để áp dụng. Ví dụ: Tòa án của nước Anh, Ốt-xtrây-li-a[5],  Ai-len, Síp, Man-ta,  Đức (Điều 293 Bộ luật tố tụng dân sự), Lúc-xăm-bua và Tây Ban Nha cũng sử dụng cách tiếp cận này.[6]

(Còn nữa)

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại - Ảnh: Trang Trần


[1] James McComish, ‘Pleading and Proving Foreign Law in Australia’, Melbourne University Law Review, Vol 31, 2007;Hausmann, Rainer, Pleading and Proof of Foreign Law - a Comparative Analysis, The European Legal Forum (E) 1-2008, 1 – 14.

[2] Swiss Institute of Comparative Laws, “The application of Foreign Law in civil matters in the EU member states and its perspectives for the future”, 2011.

[3] Võ Hưng Đạt, Một số vấn đề về xác định nội dung pháp luật nước ngoài khi giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tửhttps://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-van-de-ve-xac-dinh-noi-dung-phap-luat-nuoc-ngoai-khi-giai-quyet-vu-viec-dan-su-co-yeu-to-nuoc-ngoai.

[4] Võ Hưng Đạt, Một số vấn đề về xác định nội dung pháp luật nước ngoài khi giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tửhttps://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-van-de-ve-xac-dinh-noi-dung-phap-luat-nuoc-ngoai-khi-giai-quyet-vu-viec-dan-su-co-yeu-to-nuoc-ngoai.

[5] Hausmann, Rainer, Pleading and Proof of Foreign Law - a Comparative Analysis, The European Legal Forum (E) 1-2008, 1 – 14.

[6] General Report on the Application of Foreign Law by Judicial and Non-Judicial Authorities in Europe. <www.elra.eu/wp-content/uploads/.../FINALGENERAL%20REPORT.pdf>.

LÊ MẠNH HÙNG (Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, TANDTC)