Vụ án Ga Phạm Xá – cuộc hội ngộ của người trong cuộc

Sau khi đăng bài “Vụ án ga Phạm Xá và anh bộ đội xuống ga lúc nửa đêm” trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi từ độc giả, trong đó có cuộc điện thoại của anh Phạm Văn Tuyến, con trai ông Phạm Văn Duyện… Cơ duyên đó khiến Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, người cán bộ điều tra của Viện kiểm sát Quân sự Trung ương năm xưa, cùng chúng tôi trở lại Phạm Xá, sau tròn nửa thế kỷ vụ án xảy ra.

Cảnh cũ người xưa

Con đường chạy thẳng từ ga Phạm Xá vào làng Bùng Dựa (xã  Tuấn Hưng, huyện Kim Thành, Hải Dương) ngày nay trải xi măng phẳng lừ. Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ bồi hồi: Vẫn con đường này nhưng khác xưa nhiều quá, bây giờ nhà cửa san sát nhưng khi đó một bên nhà cửa rất thưa thớt, một bên là cánh đồng. Hai bên đường có rặng phi lao, cạnh đó là con mương dẫn nước khá rộng chạy song song với con đường đất gập ghềnh.

Nhà ông Duyện năm xưa cách ga chưa đầy một cây số, anh Phạm Văn Tuyến chờ đón chúng tôi ở đầu đường. Nhà anh chỉ một tầng nhưng cao ráo, khang trang. Cụ Tỵ nắm tay anh Tuyến mà nói: Khi đó tôi nhớ nhà ông Duyện có hai bé trai, nhỏ lắm, chừng 4, 5 tuổi thôi.

-Cháu sinh năm 1962, khi đó mới 5 tuổi, em cháu thì còn nhỏ hơn ạ.

Ngôi nhà xưa có cửa bức bàn nhìn ra ao, nay nhà mới quay ra ngõ. Khi đó cơ quan điều tra đã tát cạn cái ao lớn để tìm xem có tang vật vụ án hay không, nay cái ao đã được san lấp, chỉ còn lại ao nhỏ bên cạnh. Cụ Tỵ bồi hồi đứng bên bờ ao nhớ lại những dấu ấn xưa nay đã đổi thay.

Vào nhà, chúng tôi xin phép thắp nén hương lên bàn thờ có hình ảnh vợ chồng ông bà Duyện. Bà Nguyễn Thị Tương, vợ ông Duyện cũng mất cách đây mấy năm. Ngồi bên bàn nước, anh Tuyến lắng nghe cụ Tỵ kể lại vụ án năm xưa với gương mặt tĩnh lặng. Người đàn ông 55 tuổi cao lớn, dấu ấn một thời thanh xuân điển trai, ngồi đó trầm buồn. Vợ anh, chị Bùi Thị Thúy, vẫn theo nếp xưa, khiêm nhường ngồi trên chiếc ghế nhỏ gần đó lắng nghe câu chuyện mà mắt đỏ hoe.

Anh Tuyến, cụ Tỵ, anh Minh và chị Thúy

Anh Tuyến hỏi về việc hài cốt ông Duyện đưa  từ Văn Điển về thì thấy sọ vỡ làm đôi… Cụ Tỵ nhớ lại: Ông Duyện bị giam ở Bất Bạt, khi xảy ra việc tự tử thì họ đưa đi cấp cứu ở Viện 5 Sơn Tây. Khi thấy nguy kịch thì họ đưa về Bệnh viện 108 ở Hà Nội và ông Duyện mất ở đấy. Vì thế mới an táng ở Nghĩa trang Văn Điển. Tôi không biết vì sao có chuyện hộp sọ vỡ, vì sau khi tôi không đồng ý với kết luận ông Duyện là thủ phạm giết cô y tá thì họ không cho tôi làm ở Phòng điều tra hình sự nữa mà chuyển tôi sang làm hành chính, văn phòng. Mặc dù vậy tôi vẫn theo dõi sát vụ án. Khi ông Duyện chết, họ còn làm báo cáo cho rằng ông Duyện tự tử để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Đọc báo cáo này tôi rất bất bình, tôi làm một văn bản phản bác gửi Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Tổng cục Chính trị, nói rằng không có căn cứ để kết luận ông Duyện phạm tội nên thông báo như vậy là tiếp tục làm oan cho người đã chết, nếu không thay đổi kết luận đó tôi sẽ kiến nghị lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Khi tên Vũ Minh Lễ khai nhận là thủ phạm gây ra vụ án đó thì gia đình lên xin mang hài cốt về. 

-Con vẫn nghe mẹ con kể, có ông cán bộ tốt lắm, đã mấy lần về đây, muốn bênh vực bố mà không được, gia đình cũng không biết đi tìm ông ở đâu… Chị Thúy xúc động nói: Không ngờ hôm nay chúng con được gặp lại ông. Giá như mẹ con sống thêm được mấy năm thì hay biết mấy.

-50 năm trước tôi đã bênh vực cho ông Duyện mà bị vô hiệu, bởi vì cơ chế cấp dưới phải phục tùng cấp trên, thiểu số phải phục đa số. Người ta không cần biết công lý và lẽ phải, cứ quy kết theo hướng “Không phải Duyện thì ai vào đây”. Tôi nói anh Duyện ốm yếu như vậy sao có thể tấn công một cô gái to khỏe dễ dàng như thế trong khi trạm gác của dân quân ở đó rất gần. Hay chuyện Công an Hải Dương sau đó thu được căn cước của nạn nhân ở trên đường phía đi thị xã Hải Dương, khi nhặt lên cỏ dưới tấm căn cước vẫn khô, trong khi trời mưa phùn, chứng tỏ căn cước có ở đó từ lúc chưa mưa. Tôi bảo thời gian đâu để anh Duyện lên vứt căn cước của nạn nhân ở hướng đường khác như vậy, thì họ nói đấy là thủ đoạn đánh lạc hướng…

Nơi xảy ra vụ án mạng 50 năm trước

Tôi hỏi chị Thúy về mẹ chồng, chị kể: Em về làm dâu được sống với mẹ 30 năm thì mẹ mất. Mẹ rất buồn, mỗi khi nhớ đến chuyện xưa lại khóc. Mẹ bảo người ta cướp mất cuộc đời mẹ… Từ đó mẹ em ăn chay cho đến tận lúc chết và chỉ tụng kinh niệm Phật cho nguôi ngoai. Chị nói rồi mang cho tôi xem mấy cuốn kinh Phật dày dặn, được bọc bìa cẩn thận. Cũng có người muốn mẹ đi bước nữa, khi đó mẹ em chưa đến 30 tuổi, nhưng mẹ em nói con tôi còn quá nhỏ, tôi phải nuôi chúng nó lên người. Mẹ em đẹp lắm. Chị Thúy nước mắt dàn dụa nói: “Cả nhà ăn ở hiền lành, hiền lắm, không bao giờ làm điều gì ác, mà sao oan khổ quá thế cơ chứ!”.

Khi tôi hỏi về ký ức xưa, anh Tuyến chậm rãi nói: Lúc đó tôi quá nhỏ, không biết gì nhiều, chỉ nhớ là nhà rất buồn, bà và mẹ khóc suốt. Cuộc sống thì rất cơ cực, hơn 10 tuổi tôi đã theo mẹ ra đồng đi làm cho hợp tác xã, được tính bằng nửa công người lớn. Năm 1980 tôi học xong cấp 3  thi đỗ Đại học Thủy lợi nhưng mẹ bảo ở nhà làm đỡ mẹ.

-Anh Tuyến nhà em học giỏi có tiếng từ bé, khi đỗ Đại học mẹ không muốn cho đi. Mấy năm sau, hai anh em lại được gọi đi học Công an, mẹ cũng không cho đi vì mẹ hận những người điều tra… Thật ra, mẹ không muốn con đi xa khỏi làng. Mẹ em kể, sau khi vụ án được sáng tỏ, có lần mẹ dẫn hai con trai lên Hà Nội hỏi về việc của bố về thì cậu em suýt bị lạc. Từ đó mẹ không bao giờ đi Hà Nội nữa, mẹ bảo đã mất chồng rồi, lại mất con nữa thì tôi điên, tôi không sống được.

Nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương, có hình bà vợ ông Duyện như đang nhìn chúng tôi, tôi thầm nghĩ, vụ án đã khiến bà sợ hãi, bất an nên bà chỉ muốn các con ở trong vòng tay của bà, sống quanh quẩn trong cái làng Bùng Dựa bé nhỏ này thôi. Bà sợ các con bà đi xa, sẽ gặp những tai họa bất ngờ, oan ức như chồng bà.

Hai anh con trai cao lớn, đẹp trai, ngoan ngoãn vâng lời mẹ. Anh Tuyến bỏ giấc mơ học hành ở nhà làm ruộng, em trai anh đi bộ đội 6 năm, lúc trở về đi làm thợ xây, không may qua đời vì tai nạn…

Qua câu chuyện với thân nhân ông Duyện, chúng tôi biết rằng ông Duyện đã đi bộ đội từ năm 1958, sau mấy năm xuất ngũ, lấy vợ sinh con thì năm 1966 ông tái ngũ và dẫn đến vụ án oan ức. Ông Duyện thuộc Sư đoàn 320 B đóng quân ở Miếu Môn, Hòa Bình. Khi hành quân đến Thạch Thành, Thanh Hóa thì ông Duyện bị ốm nặng, thể trạng ốm yếu dẫn đến phải ở lại và ông xin phép trạm thu dung cho về nhà điều trị. Khi bắt đầu điều tra vụ án thì ông Duyện đã trở lại đơn vị tại Miếu Môn, đến khi họ xác định thủ phạm là ông Duyện thì ông mới bị bắt tại đơn vị. Do đó, ông Duyện không đào ngũ.

Năm 1971 tên Lễ bị thi hành án tử hình tại đê Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên, cách xã ông Duyện chừng hai cây số, người dân đi xem rất đông, ai cũng hiểu ông Duyện bị oan nên vợ con, gia đình ông được an ủi phần nhiều. Và người con dâu Bùi Thị Thúy của bà Duyện chính là người xã Kim Xuyên ấy.

Nạn nhân đã có thai

Cùng gặp gỡ với chúng tôi ở nhà anh Tuyến có bác sĩ Uyển, người gọi ông Duyện bằng cậu và cũng gọi nữ y tá bị sát hại trong vụ án là dì họ. Ông Uyển cho hay, nữ y tá xấu số đó là bà Nguyễn Thị Chu, sinh năm 1944, nhà ở thôn Cam Thượng, xã Việt Hưng, liền kề xã Tuấn Hưng và nhà chồng ở bên kia sông, chỗ bến đò Quýt. Khi bị sát hại bà Chu đang có thai hai tháng.

Thông tin khiến cụ Nguyễn Trọng Tỵ bất ngờ, vì không hề biết nạn nhân trong vụ án đã có chồng và đang mang thai. Ông Uyển dẫn chúng tôi đến nhà cha mẹ bà Chu năm xưa. Đến gần một cái giếng, chúng tôi dừng lại nơi bà Chu bị sát hại. Cụ Nguyễn Trọng Tỵ nói rằng: Theo hồ sơ vụ án thì một chiếc dép của nạn nhân văng sang ruộng lúa, đè lên khóm lúa tháng Hai đang thì con gái, chứng tỏ nạn nhân bị tác động rất mạnh. Mương nước năm xưa giờ chỉ còn là con lạch nhỏ, rặng phi lao cũng không còn.

-Chỉ vì thủ phạm mặc quần áo kiểu bộ đội, dẫn đến các nhân chứng khai khi họ đi qua chỗ này thì thấy một người trông như bộ đội, đeo ba lô. Một người hỏi: Anh bộ đội ơi, có đi đò Quýt thì đi cùng với chúng tôi cả thể. Anh kia trả lời là: Các bác cứ đi đi, tôi ngã lấm ướt cả người đây này, dẫn đến ông Phạm Văn Duyện bị bắt oan vì là bộ đội, cùng xuống tàu, về cùng đường với nạn nhân.

Ông Chi, em của nạn nhân kể lại nỗi đau của gia đình

Nhà bà Chu cách nhà ông Duyện không xa. Ông Chi, em trai bà Chu kể: Sáng hôm ấy chị qua đây nói là lên Hải Dương nhận quyết định phân công công tác, tối sẽ về. Nào ngờ… Sáng sớm hôm sau biết tin chị tôi bị sát hại mẹ tôi phát ngộ, kêu khóc thảm thương, bắt chúng tôi mang chăn chiếu ra đắp cho chị, không để cho chị rét. Tôi đã mang chăn ra đắp cho thi thể chị trong khi chờ khám nghiệm. Suốt mấy tháng trời mẹ tôi phát ngộ, cứ ra mương mò tìm và kêu khóc: Chu ơi, con gái ơi, con về ăn cơm với mẹ. Đau lòng lắm.

Theo lời ông Chi, nhà ông có sáu chị em, chị Chu là con gái đầu, sau là năm em trai. Chị Chu xinh đẹp, ngoan ngoãn nên bố mẹ rất thương yêu. Nhiều trai làng tìm hiểu nhưng chị đã chọn anh Nguyễn Thanh Mai, cháu một bà mợ, nhà ở bên kia sông… Khi án mạng xảy ra, mấy anh trai làng mê chị khi xưa cũng bị gọi hỏi.

Nếu không có chuyện đó…

Đầu buổi chiều, chúng tôi trở lại nhà ông Chi, ông đưa chúng tôi sang bên kia sông Vận, một  nhánh của sông Kinh Thầy, thăm nhà ông Nguyễn Thanh Mai, thuộc xã Lạc Long, huyện Kinh Môn. Con sông Vận nước chảy êm đềm, có cái phà nhỏ đưa chúng tôi qua sông. Hai bên đường, người dân đắp ụ trồng sắn dây xanh ngăn ngắt, bên cạnh đê là những thửa ruộng trồng tỏi, trồng hành vuông vắn, đẹp mắt.

Nhà ông Mai khang trang, có vườn rộng rãi bao quanh, có cái ao nhỏ trồng hoa súng, có những cây bưởi quả đã ửng vàng. May quá ông Mai có nhà.

Di ảnh của nạn nhân Nguyễn Thị Chu thờ ở nhà chồng

Ông Mai dù đã ở tuổi 75 nhưng còn khang kiện, mái tóc xoăn tự nhiên, trắng trẻo, tươi tắn. Hẳn ở tuổi thanh niên, ông Mai là người rất đẹp giai. Khi chúng tôi hỏi về chuyện xưa, ông Mai nói:

-Chúng tôi lấy nhau được gần một năm thì bố tôi xin cho Chu đi học lớp y tá 18 tháng. Lúc đó tôi đang làm ở mỏ than Hà Lầm, Quảng Ninh, định đưa vợ đi cùng, nhưng bố tôi xin cho Chu về ngành lương thực Hải Dương, hôm đó lên nhận quyết định phân công công tác. Lẽ ra 9 giờ đêm là về đến nhà, nhưng trễ tàu nên 12 giờ đêm mới về đến ga Phạm Xá. Khi chuyện đó xảy ra Chu đang đan áo len cho tôi. Tài sản có mấy cuộn len, đôi hoa tai 1 và cái đồng hồ Liên Xô, vậy mà…

Nói chuyện với chúng tôi, ông Mai luôn cúi đầu nhìn xuống.  Có lẽ cuộc gặp gỡ bất ngờ, dấy lại những kỷ niệm xưa khiến ông bối rối, muốn che giấu cảm xúc của mình.

-Khi đó bà Chu có thai phải không ông?

-Vâng. Khi Chu đi học thì chúng tôi không dám có con, sợ ảnh hưởng việc học. Tết năm đó tôi về, cũng học sắp xong nên mới có con.

Bà Nguyễn Thị Mỳ, chị gái ông Mai nói: Tôi ở đây với bố mẹ, nên chị em thân thiết với nhau. Mợ ấy hồng hào, khỏe mạnh, đẹp lắm. Dù ở bên nhà chỉ đi học nhưng về đây mẹ chồng làm ruộng nên Chu cũng chăm chỉ làm ruộng. Mẹ chồng, con dâu êm ả, không có điều tiếng gì bao giờ. Khi đó tôi và mợ ấy cùng có chửa, vẫn cứ trò chuyện với nhau thế… Năm nay, con gái tôi 51 tuổi, nếu không có chuyện đó thì bây giờ nó có hai chị em cùng tuổi Mùi.

Cụ Tỵ và vợ chồng ông Mai

Bà Tâm, vợ ông Mai dù mới hơn 60 nhưng ông Chi vẫn gọi chị xưng em như ruột thịt. Xem ra hai gia đình vẫn rất thân thiết với nhau. Khi tôi muốn xem ảnh bà Chu thì bà Tâm nhanh nhảu dẫn tôi sang phòng thờ. Bà Chu được thờ riêng theo phong tục. Tấm hình vẽ lại do ảnh cũ đã hỏng cho chúng tôi thấy một thiếu phụ khỏe mạnh, xinh tươi. Khi bị sát hại, bà Chu mới 23 tuổi… Khi tôi xin thắp nén hương, bà Tâm nói nhỏ: Chị thiêng lắm, có việc gì khó khăn chúng tôi lại cầu khấn chị.

Những điều an lành đang đến

Đi cùng chúng tôi thăm nhà anh Tuyến còn có Thẩm phán trẻ Trần Quang Minh cán bộ Tòa án thành phố Hải Dương. Anh chăm chú lắng nghe câu chuyện của bậc tiền bối, cựu Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trọng Tỵ và nói: Đúng là luật luôn ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng thực tế suy đoán có tội vẫn chi phối người làm án. Đằng sau một người bị oan là những cuộc đời khác rất đau khổ, là bố mẹ, vợ con họ… Hôm nay cháu rất thấm thía điều đó.

-Đúng vậy đấy. Do đó, người tiến hành tố tụng, người Thẩm phán xét xử, phải rất công tâm, có bản lĩnh, tuyệt đối tuân thủ pháp luật mới mong tránh được oan sai – Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nói.

Vợ chồng anh Tuyến tiễn chúng tôi ra xe, sau cuộc gặp gỡ của những người trong cuộc với biết bao tâm sự của nửa thế kỷ đầy đổi thay. Tôi nhớ mãi chi tiết chị Bùi Thị Thúy nói, con trai chị khi đỗ vào trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cháu định không đi học, ở nhà với mẹ như bố ở nhà với bà khi xưa, nhưng chị bảo không được, ngày nay đã khác xưa rồi, con phải đi học, để có kiến thức, có thêm bạn bè… Và bây giờ con trai chị đã là một kỹ sư tin học, có việc làm ở Hà Nội một cách vững vàng. Chị chỉ còn chờ có con dâu nữa là yên tâm. Chắc hẳn, những điều tốt đẹp, an lành đã và đang đến với con cháu của anh bộ đội Phạm Văn Duyện xấu số năm xưa.

 Ảnh đầu bài: Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, ông Phạm Văn Tuyến và tác giả trước ga Phạm Xá.

 

 

 

 

 

Ghi chép của NGUYỄN PHAN KHIÊM