Vấn đề áp dụng thời hiệu khi hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được - Nghiên cứu so sánh pháp luật Việt Nam và Pháp
Nghiên cứu so sánh chỉ ra rằng pháp luật dân sự Việt Nam và Pháp, cụ thể là BLDS có khá nhiều điểm tương đồng và Việt Nam có thể xem xét đi theo hướng này. Bài viết phân tích và đưa ra giải pháp về vấn đề áp dụng thời hiệu (II), làm rõ điều kiện áp dụng chế tài vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được tại Điều 408 BLDS 2015 (I).
Điều 408 BLDS 2015 quy định hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được ngay từ thời điểm giao kết. Nhà lập pháp đã có sự sửa đổi tích cực so với Điều 411 BLDS 2005, cụ thể là không còn giới hạn phạm vi do nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Điều 408 chỉ quy định chế tài mà không quy định phương thức áp dụng chế tài, cụ thể là về thời hiệu - một vấn đề tiên quyết trong tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Tại Pháp, BLDS Pháp không quy định một cách chi tiết như BLDS 2015 mà chỉ quy định các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và hợp đồng khi được giao kết mà vi phạm một trong các điều kiện này sẽ bị tuyên bố vô hiệu. Khi áp dụng chế tài, pháp luật Pháp áp dụng các quy định chung về thời hiệu để giải quyết.
I.Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được ngay từ thời điểm giao kết.
Căn cứ theo câu chữ của Điều 408 BLDS 2015 và sự đồng thuận trong giới nghiên cứu cũng như cách giải thích và áp dụng pháp luật của các cơ quan xét xử, chế tài vô hiệu chỉ được áp dụng khi hội tụ đủ 2 điều kiện: đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được (2) và thời điểm để xem xét sự bất khả thi này là thời điểm giao kết hợp đồng (1).
1.1.Thời điểm giao kết hợp đồng
Điều 408 BLDS 2015 đã nêu rõ hợp đồng chỉ bị vô hiệu khi có đối tượng không thể thực hiện được “ngay từ khi giao kết”. Đây là một điểm khác so với Điều 411 BLDS 2005. Mặc dù có chung cách tiếp cận nhưng Điều 411 BLDS 2005 sử dụng thuật ngữ “ngay từ khi ký kết” khiến cho phạm vi áp dụng của điều luật này bị thu hẹp và gây tranh cãi bởi lẽ “ký kết” chỉ phù hợp với hợp đồng được xác lập bằng hình thức văn bản[1].
Về nguyên tắc, hợp đồng chỉ bị vô hiệu khi ngay từ thời điểm giao kết, đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được. Bởi lẽ, theo lý thuyết, vô hiệu là chế tài được áp dụng khi hợp đồng không đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực tại thời điểm giao kết. Nếu tại thời điểm giao kết, đối tượng của hợp đồng có thể thực hiện được nhưng trong thời gian thực hiện hợp đồng, đối tượng trở nên không thể thực hiện được thì hợp đồng sẽ không thể bị vô hiệu mà sẽ bị chấm dứt[2]. Quy định này được thể hiện rõ tại khoản 5 Điều 422 BLDS 2015. Theo đó, hợp đồng chấm dứt nếu hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng không còn. Tại Pháp, Điều 1186 BLDS Pháp cũng quy định: “Hợp đồng được giao kết một cách hợp thức sẽ bị mất hiệu lực nếu như một trong những thành phần chính mất đi.”[3]. Điều 1187 BLDS Pháp quy định tiếp: “Sự mất hiệu lực làm chấm dứt hợp đồng.”.
Tuy nhiên, cần đặc biệt nhấn mạnh rằng trong trường hợp hợp đồng có đối tượng là tài sản hình thành trong tương lai thì mặc dù đương nhiên là đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện tại thời điểm giao kết, hợp đồng không thể bị tuyên bố vô hiệu[4]. Bởi lẽ, nếu tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này sẽ đi ngược lại với nguyên tắc quy định tại Chương VII về Tài sản của BLDS 2015. Tại Pháp, Điều 1163 BLDS Pháp cũng quy định đối tượng của nghĩa vụ có thể là đối tượng trong tương lai[5]. Hướng giải quyết cũng được xác định khá cụ thể trong pháp luật Cộng hòa Pháp, theo đó: Nếu tại thời điểm giao kết, các bên chấp nhận sự rủi ro rằng đối tượng có thể không hình thành trong tương lai, hợp đồng vẫn có hiệu lực mặc dù không có đối tượng tại thời điểm giao kết[6]. Nếu tại thời điểm giao kết, các bên coi việc đối tượng sẽ hình thành trong tương lai là điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ hợp đồng thì sẽ áp dụng các quy định về hợp đồng có điều kiện[7]. Điều 120 BLDS 2015 cũng dự liệu trường hợp này.
2.1.Đối tượng không thể thực hiện được.
So với quy định trước đây của BLDS 2005, Điều 408 BLDS 2015 đã xoá bỏ cụm từ “nguyên nhân khách quan”, do đó theo tinh thần của BLDS 2015 thì khi hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng bị vô hiệu bất kể việc đó xuất phát từ nguyên nhân khách quan hay chủ quan[8].
a.Nguyên nhân khách quan.
Đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện do không tồn tại
Đối tượng của hợp đồng là một bộ phận quan trọng của nội dung hợp đồng[9]. Nếu đối tượng của hợp đồng không tồn tại, hợp đồng không thể thực hiện được và có thể bị tuyên bố vô hiệu. Ví dụ: Tại thời điểm giao kết, vì lý do khách quan mà đối tượng của hợp đồng không còn tồn tại (hỏa hoạn), mà các bên không biết[10].
Tại Pháp, đại đa số các luật gia Pháp đều khẳng định sự tồn tại của đối tượng của nghĩa vụ[11], tính khả thi và xác định cũng như tính hợp pháp của đối tượng này là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng[12]. Theo đó, hợp đồng không có đối tượng xác định hoặc không khả thi cũng đồng nghĩa với việc nội dung của hợp đồng không xác định và không khả thi[13], hợp đồng không có đối tượng hoặc đối tượng không tồn tại đồng nghĩa với việc nội dung của hơp đồng không tồn tại. Các Tòa án Pháp đứng trước các trường hợp này sẽ tuyên bố vô hiệu do hợp đồng không đáp ứng đủ các điều kiện chung để hợp đồng có hiệu lực, cụ thể là điều kiện về nội dung của hợp đồng, bằng cách kết hợp Điều 1128 (Hợp đồng phải có nội dung hợp pháp và chắc chắn), Điều 1163 (Đối tượng của nghĩa vụ phải có thể thực hiện được, được xác định hoặc có thể được xác định) và Điều 1178 (Hợp đồng không đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực sẽ bị tuyên bố vô hiệu)[14].
Tại Việt Nam, do cấu trúc BLDS được xây dựng có phần hơi khác so với BLDS Pháp nên quy định riêng về hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được kể từ thời điểm giao kết đã được đưa vào từ BLDS 2005. Nguyên nhân là do quy định chung về các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong tất cả các BLDS đều tập trung đến tính hợp pháp và tính hợp đạo đức của nội dung mà không quy định cụ thể về sự tồn tại và tính khả thi của nội dung[15]. Hơn nữa, các quy định khác của BLDS cũng chỉ coi đối tượng là một phần của nội dung mà không làm rõ mối liên hệ giữa đối tượng và điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng. Tóm lại, quy định tại Điều 408 BLDS 2015 là nhằm bổ khuyết cho cách tiếp cận của quy định chung về nội dung của giao dịch dân sự và cụ thể hóa cho quan hệ hợp đồng[16]. Theo đó, đối tượng của hợp đồng không tồn tại đồng nhất với việc đối tượng không thể thực hiện được và thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 408 BLDS 2015[17].
Đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được một cách tuyệt đối và khách quan
Trước hết, cần phải khẳng định, hợp đồng chỉ có thể bị vô hiệu khi đối tượng không thể thực hiện được một cách tuyệt đối, có nghĩa là không ai có thể thực hiện được, không chỉ riêng bên có nghĩa vụ phải thực hiện[18]. Ví dụ: Một công ty có 5 nhân viên kỹ thuật cam kết sửa chữa một hệ thống 10.000 máy móc trong một ngày. Ngay từ thời điểm giao kết, có thế thấy nghĩa vụ không thể thực hiện được nhưng chỉ một cách tương đối vì công ty có nghĩa vụ không thể thực hiện được nhưng một đơn vị quy mô lớn hơn có thể thực hiện. Trong trường hợp này, bên có nghĩa vụ đã thực hiện một giao kết nhưng không thể đảm bảo thực hiện được nghĩa vụ của mình, các quy định về thực hiện hợp đồng sẽ được áp dụng[19] vì người khác có thể thực hiện[20].
Trong một ví dụ khác, một người cam kết sẽ chạm tay vào Mặt trăng, điều này là không thể thực hiện được một cách tuyệt đối về mặt khách quan mặc dù Mặt trăng có tồn tại nhưng nghĩa vụ chạm tay vào Mặt trăng không thể thực hiện. Tuy nhiên, hợp đồng sẽ bị tuyên bố vô hiệu trên cơ sở nào?
Theo pháp luật Cộng hòa Pháp, đối tượng của nghĩa vụ không thể thực hiện được một cách tuyệt đối như trường hợp nêu ra được đồng nhất với trường hợp nghĩa vụ không có đối tượng[21]. Bởi lẽ, trong truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa bắt nguồn từ Luật La Mã có một ngạn ngữ: “Khi không thể thì không ai bị ràng buộc”[22] do đó pháp luật Cộng hòa Pháp coi như nghĩa vụ không tồn tại. Tại Việt Nam, như đã đề cập, Điều 408 được đưa vào BLDS nhằm bổ khuyết cho các quy định chung do đó đây là trường hợp điển hình thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật này.
b.Nguyên nhân chủ quan
Tại thời điểm giao kết, đối tượng của hợp đồng không được xác định rõ ràng
Cần phân biệt trường hợp này với trường hợp đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện do nguyên nhân khách quan. Nếu như do nguyên nhân khách quan, đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được vì đối tượng đó không tồn tại (ví dụ do vật không còn) hoặc không thể thực hiện một cách tuyệt đối và khách quan (ví dụ công việc không thể thực hiện như chạm tay vào Mặt trăng) thì trường hợp chúng tôi muốn đề cập tới ở đây là đối tượng có tồn tại nhưng không được xác định cụ thể nên không thể thực hiện. Ví dụ: Một cá nhân sở hữu 2 mảnh đất cạnh nhau và muốn bán 1 mảnh nhưng không nêu rõ là mảnh đất nào trong hợp đồng thì hợp đồng không thể thực hiện. Hoặc một người muốn bán một phần nhỏ mảnh đất của mình nhưng không nêu rõ diện tích đất muốn bán và cách phân định thì hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu không được xác định. Hay đơn giản hơn, trong hợp đồng mua bán không nêu rõ giá là bao nhiêu thì hợp đồng không thể thực hiện do nghĩa vụ thanh toán có đối tượng không xác định. Khoản 2 Điều 282 BLDS 2005 và khoản 2 Điều 276 BLDS 2015 quy định: “Đối tượng của nghĩa vụ phải được xác định.”. Tuy nhiên, BLDS lại không cho biết hướng xử lý. Có lẽ cũng vì lý do này mà các Tòa án tại Việt Nam thường áp dụng quy định tại Điều 411 BLDS 2005 (Điều 408 BLDS 2015) để tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Ví dụ, trong bản số 04/2007/KDTM-ST, TAND thành phố Pleiku nhận định: “Thấy rằng, các bên không chứng minh được là đã có thỏa thuận rõ ràng, chi tiết với nhau về đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, giữa các bên lại không có thói quen đã được thiết lập. Chính vì vậy, Hội đồng xét xử xác định, đây là một hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được. Theo quy định tại Điều 411 của Bộ luật dân sự thì hợp đồng này vô hiệu.”[23]. Thậm chí, có thể nhận thấy, mặc dù Điều 411 BLDS 2005 giới hạn phạm vi áp dụng đối với những trường hợp hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được do nguyên nhân khách quan, nhưng Tòa án vẫn áp dụng điều luật này để giải quyết. Thực tiễn xét xử trước khi có BLDS 2015 cho thấy thiên hướng áp dụng Điều 411 BLDS 2005 cho cả trường hợp hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện do nguyên nhân chủ quan[24].
Tại Pháp, BLDS Pháp và các Án lệ của Tòa Phá án đều yêu cầu đối tượng của nghĩa vụ phải được xác định hoặc ít nhất là có thể xác định được[25]. Đối tượng của nghĩa vụ được coi là có thể xác định được và được coi là hợp pháp nếu như có thể xác định được tại bất cứ thời điểm nào không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một bên hay thỏa thuận của các bên[26]. Sau lần sửa đổi năm 2016, Điều 1128 BLDS Pháp yêu cầu để có hiệu lực, hợp đồng phải có đối tượng cụ thể. Điều 1163 BLDS Pháp quy định rõ đối tượng của nghĩa vụ phải “được xác định hoặc có thể được xác định”[27]. Theo một số bình luận, trường hợp đối tượng của hợp đồng không được xác định cụ thể hoặc không thể xác định cụ thể được sẽ bị coi là một trong những trường hợp hợp đồng không có nội dung cụ thể và bị tuyên bố vô hiệu do không hội tụ đủ các điều kiện có hiệu lực[28]. Hầu hết các nghiên cứu và giáo trình giảng dạy tại Pháp (một số đã được viện dẫn trong bài viết) đều đặt ba điều kiện của đối tượng vào chung một phần: đối tượng phải tồn tại, phải có thể thực hiện được, phải được xác định hoặc ít nhất là có thể xác định. Các Tòa án Pháp cũng tuyên bố hợp đồng vô hiệu trên cùng một cơ sở: Hợp đồng không thỏa mãn các điều kiện chung về hiệu lực, cụ thể là điều kiện nội dung (đối tượng là một bộ phận của nội dung)[29].
Thông qua sự so sánh hai BLDS Pháp và Việt Nam có thể thấy rằng cả hai Bộ luật đều quy định đối tượng của nghĩa vụ (đối tượng của hợp đồng) phải được xác định. Tuy nhiên, dù không có một quy định riêng như Điều 408 BLDS 2015, các Tòa án Pháp có thể vận dụng các quy định chung để tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Điều này được giải thích bởi các học thuyết về nghĩa vụ trong truyền thống pháp luật Pháp. Nói một cách ngắn gọn thì nghĩa vụ là mối liên hệ pháp lý ràng buộc giữa một bên có quyền và một bên có nghĩa vụ[30]; bên có quyền cần được biết quyền của mình đến đâu, bên có nghĩa vụ cần phải biết nghĩa vụ của mình đến đâu và điều này chỉ có thể được thỏa mãn khi đối tượng được xác định nếu không thì giao kết sẽ không có hiệu lực[31].
Tóm lại, pháp luật Pháp và Việt Nam đều chia sẻ chung một quan điểm về điều kiện và phạm vi áp dụng chế tài vô hiệu đối với hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện. Sự khác biệt nằm ở chỗ: Tại Pháp, khi không có một quy định riêng, Tòa án sẽ áp dụng các quy định chung về hợp đồng vô hiệu để giải quyết, đặc biệt là các quy định về thời hiệu. Tại Việt Nam, với một quy định riêng như Điều 408 BLDS 2015, Tòa án có một cơ sở pháp lý trực tiếp để tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên Điều 408 BLDS 2015 lại bỏ ngỏ vấn đề về thời hiệu. Khi không có quy định riêng về thời hiệu, phải chăng Tòa án cũng nên vận dụng các quy định chung của BLDS để giải quyết?
II.Giải quyết vấn đề về thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Do thiếu sót quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được ngay từ thời điểm giao kết mà một số vướng mắc đã nảy sinh. Theo quan điểm của chúng tôi, cần áp dụng các quy định chung về thời hiệu trong lĩnh vực hợp đồng để giải quyết trong trường hợp này (1). Cách làm này cũng giúp giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh sau khi hết thời hiệu (2).
2.1.Áp dụng thời hiệu chung trong lĩnh vực hợp đồng
Việc áp dụng quy định riêng tại Điều 408 BLDS 2015 (Điều 411 BLDS 2005) đã gây ra một vướng mắc lớn về vấn đề thời hiệu. Cụ thể, không như những quy định chung về giao dịch dân sự vô hiệu, Điều 408 BLDS 2015 không quy định rõ ràng về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Có lẽ vì lý do này mà một Hội đồng trọng tài đã áp dụng thời hiệu của Điều 132 BLDS 2015 là 2 năm. Phán quyết này đã bị TAND thành phố Hồ Chí Minh hủy. Theo Tòa án: “Trong trường hợp hợp đồng vô hiệu theo Điều 411 của Bộ luật dân sự 2005 thì sẽ không áp dụng thời hiệu”, bởi lẽ “các trường hợp áp dụng thời hiệu 2 năm để yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu tại Điều 136 của Bộ luật dân sự 2005 không bao gồm Điều 411 của Bộ luật dân sự 2005”[32]. Tuy nhiên, Tòa án cho rằng không áp dụng thời hiệu cũng là không có căn cứ pháp lý bởi lẽ các trường hợp không áp dụng thời hiệu tại khoản 2 Điều 136 BLDS 2005 cũng không bao gồm Điều 411[33]. Điều 411 BLDS 2005 cũng không thuộc các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện tại Điều 160 BLDS 2005 và các văn bản khác có liên quan[34]. Do đó, chúng tôi đồng tình với quan điểm của Hội đồng trọng tài là áp dụng thời hiệu nhưng với cách tiếp cận và cơ sở pháp lý khác.
Theo một tác giả[35], trong trường hợp này, cần áp dụng quy định tại Điều 429 BLDS 2015 về thời hiệu khởi kiện chung cho lĩnh vực hợp đồng là 3 năm (2 năm theo Điều 427 BLDS 2005). Tuy nhiên, vấn đề này có thể gây tranh cãi bởi lẽ quy định này nằm trong phần “Sửa đổi, chấm dứt hợp đồng” do đó liệu có thể áp dụng cho chế tài vô hiệu (chế tài áp dụng cho giao kết hợp đồng)? Theo chúng tôi, không thể giới hạn phạm vi áp dụng của Điều 492 trong các tranh chấp liên quan đến sửa đổi, chấm dứt hợp đồng bởi lẽ:
-Thứ nhất, về hình thức, Điều 429 mặc dù được đặt ở cuối Tiểu mục 3 “Sửa đổi, chấm dứt hợp đồng”, nhưng cần phải hiểu một cách rộng hơn rằng điều luật này nằm cuối Mục 7 “Hợp đồng”. Do đó, Điều 429 phải được coi là quy định chung cho lĩnh vực hợp đồng và có thể được áp dụng cho tất cả các Tiểu mục của Mục này nếu không có quy định khác, bao gồm: giao kết hợp đồng; thực hiện hợp đồng; sửa đổi, chấm dứt hợp đồng. Cách kết cấu này không chỉ của riêng Điều 429. Ví dụ: Điều 588 BLDS 2015 về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được đặt ở cuối Mục 1 “Quy định chung” của Chương XX “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Điều 623 BLDS 2015 về thời hiệu thừa kế được đặt ở cuối Chương XXI “Quy định chung” của Phần thứ 4 “Thừa kế”. Điều 671 BLDS 2015 về thời hiệu được đặt ở cuối Chương XXV “Quy định chung” của Phần thứ 5 “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”.
-Thứ hai, phạm vi áp dụng của Điều 429 trên thực tế không bị giới hạn trong các tranh chấp về sửa đổi, chấm dứt hợp đồng[36] mà được áp dụng đặc biệt là đối với các tranh chấp liên quan đến thực hiên hợp đồng, nghĩa vụ bồi thường trong hợp đồng[37]. Do đó, không có lý do gì để hạn chế việc áp dụng Điều 429 đối với các tranh chấp liên quan đến giao kết hợp đồng nếu không có các quy định khác[38]. Trên thực tế, Điều 429 BLDS 2015 không được Tòa án áp dụng bởi lẽ trong đa số các trường hợp liên quan đến chế định vô hiệu của hợp đồng, các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 (bao gồm quy định về thời hiệu) sẽ được áp dụng do được dẫn chiếu từ Điều 407 BLDS 2015. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng Điều 407 dẫn chiếu tới các quy định chung về giao dịch dân sự nhưng nếu các quy định được dẫn chiếu không thể giải quyết triệt để vấn đề về thời hiệu thì phải quay lại áp dụng quy định chung về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng tại Điều 429 BLDS 2015. Thật đáng tiếc là cơ quan xét xử lại có xu hướng không áp dụng thời hiệu một cách máy móc và thiếu căn cứ như trên mà quên đi sự tồn tại của Điều 429 BLDS 2015. Thậm chí Hội đồng trọng tài trong vụ việc vừa nêu mặc dù theo hướng áp dụng thời hiệu nhưng cũng quên đi sự tồn tại của quy định này.
Xét về một khía cạnh nào đó, có thể hiểu nguyên nhân cơ quan xét xử từ chối áp dụng thời hiệu tại khoản 1 Điều 132 BLDS 2015 là do theo quy định tại khoản 2, sau khi hết thời hiệu thì giao dịch dân sự (cụ thể hơn là hợp đồng) có hiệu lực. Nếu áp dụng trong trường hợp hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện kể từ thời điểm giao kết thì rất bất hợp lý. Tuy nhiên, không áp dụng thời hiệu trong trường hợp này, như chúng tôi đã phân tích, là thiếu căn cứ. Áp dụng điều 429 BLDS 2015 sẽ giải quyết triệt để được vấn đề bởi lẽ sau khi hết thời hiệu thì các quy định chung về thời hiệu sẽ được áp dụng để giải quyết.
2.2.Giải quyết hậu quả sau khi hết thời hiệu khởi kiện.
Theo khoản 3 Điều 150 BLDS 2015: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.”. Như vậy khi hết thời hiệu khởi kiện thì quyền khởi kiện sẽ mất đi, điều này không có nghĩa là hợp đồng sẽ trở nên có hiệu lực. Bởi lẽ sau khi hết thời hiệu, quyền khởi kiện mất đi nhưng “quyền và lợi ích hợp pháp” của bên mất quyền khởi kiện không mất đi[39], đặc biệt là trong trường hợp hợp đồng vô hiệu, sau khi hết thời hiệu khởi kiện, hợp đồng không trở nên có hiệu lực[40]. Cách hiểu này cũng hợp lý bởi lẽ: Một hợp đồng được xác lập mà đối tượng của hợp đồng đó không tồn tại hay đối tượng không thể thực hiện một cách khách quan, tuyệt đối thì sau một thời gian, khó có thể hình dung hợp đồng đó trở nên có hiệu lực vì đối tượng không thể tự sinh ra hay trở thành có thể thực hiện sau khi hết thời hiệu. Hơn nữa, nếu coi hợp đồng trở nên có hiệu lực, có nghĩa là hợp đồng có thể thực hiện được và phải được thực hiện, điều này là vô lý vì nếu có yêu cầu thực hiện hợp đồng thì Tòa án sẽ giải quyết bằng cách nào? Tòa án không thể yêu cầu bên bị đơn thực hiện một nghĩa vụ không thể thực hiện trên thực tế. Điều 422 BLDS 2015 quy định chấm dứt hợp đồng do “đối tượng của hợp đồng không còn”, tức là đối tượng phải đã từng tồn tại. Một cách khiên cưỡng, Tòa án có thể áp dụng Điều 425 BLDS 2015 để hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện. Tuy vậy, bên nào sẽ phải bồi thường bên nào? Hơn nữa, nếu áp dụng các quy định về hủy bỏ hợp đồng, theo Điều 427 BLDS 2015, các thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp vẫn phải được thực hiện, điều này là bất hợp lý vì ví dụ: Bên bán đáng ra có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do đối tượng đã bị tiêu hủy tại thời điểm giao kết vì lý do khách quan thì sau khi hết thời hiệu khởi kiện, nếu hợp đồng bị hủy bỏ và trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm, bên bán phải chịu thiệt thòi. Do đó, theo chúng tôi, sau khi hết thời hiệu, hợp đồng không trở nên có hiệu lực nhưng bên có quyền khởi kiện mất quyền khởi kiện.
Một câu hỏi nữa cần được giải quyết là: Sau khi hết thời hiệu, một bên có yêu cầu thực hiện hợp đồng thì giải quyết thế nào? Như chúng tôi đã phân tích, do hợp đồng không trở nên có hiệu lực, bên bị đơn có thể sử dụng quyền yêu cầu phản tố được quy định tại Điều 200 BLTTDS 2015. Theo điểm b khoản 2 tại Điều 200 BLTTDS 2015: “Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”[41]. Theo đó, bên bị đơn có thể viện dẫn việc đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện ngay từ thời điểm giao kết - hợp đồng vô hiệu - để loại trừ việc chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn do yêu cầu thực hiện hợp đồng không có căn cứ (hợp đồng vô hiệu).
Cách giải quyết này hiện nay đã được công nhận và áp dụng trong pháp luật Pháp. Tại Pháp, lý thuyết về hợp đồng vô hiệu đã được xây dựng và phát triển từ rất lâu. Theo học thuyết cổ điển, tùy theo mức độ quan trọng của điều kiện không được đáp ứng khi giao kết hợp đồng mà hợp đồng bị coi là không tồn tại hay có thể bị vô hiệu. Các học giả theo trường phái này bảo vệ quan điểm cho rằng hợp đồng không có đối tượng bị coi là không tồn tại do đó không áp dụng thời hiệu. Tuy nhiên, khái niệm hợp đồng không tồn tại mặc dù được nghiên cứu nhưng chưa bao giờ được Án lệ tại Pháp thừa nhận. Thêm vào đó, BLDS Pháp quy định thời hiệu chung cho các tranh chấp liên quan đến hợp đồng là 30 năm[42] do đó quan điểm này sớm bị bác bỏ. Tuy vậy, học thuyết cổ điển vẫn có ảnh hưởng khá mạnh và theo đó, việc hợp đồng không có đối tương hoặc có đối tượng không thể thực hiện luôn được coi là khiếm khuyết lớn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hợp đồng do đó phải bị coi là vô hiệu tuyệt đối. Theo quan điểm này, thời hiệu 30 năm sẽ được áp dụng. Khác biệt ở đây là rất lớn bởi lẽ nếu hợp đồng bị coi là vô hiệu tương đối thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu là 5 năm.
Học thuyết hiện đại kể từ khi ra đời đã thu hút được đa số các học giả Pháp. Theo học thuyết này, việc phân biệt hợp đồng vô hiệu tuyệt đối hay tương đối phụ thuộc vào lợi ích được bảo vệ bởi điều kiện bị vi phạm trong giao kết hợp đồng. Cụ thể, theo học thuyết này, quy định về đối tượng của nghĩa vụ hay rộng hơn là về tính chắc chắn của nội dung của hợp đồng chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của các bên giao kết. Do đó, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được kể từ thời điểm giao kết sẽ vô hiệu tương đối[43]. Thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu là 5 năm[44]. Theo pháp luật Pháp, sau khi hết thời hiệu, hợp đồng không trở nên có hiệu lực và quyền phản tố cũng được quy định cụ thể tại Điều 1185 BLDS Pháp sau lần sửa đổi năm 2016 trong tiểu mục về “Vô hiệu”. Điều 73 BLTTDS Pháp cũng định nghĩa rõ ràng về quyền phản tố và theo truyền thống pháp luật Pháp, thời hiệu không được áp dụng cho quyền phản tố[45].
Qua những phân tích trên đây có thể kết luận việc nhà làm luật xây dựng một quy định riêng như Điều 408 BLDS 2015 có thể một phần nào đó bổ khuyết cho các quy định chung về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Tuy nhiên, nếu như phần quy định chung về giao dịch dân sự vô hiệu quy định khá cụ thể vấn đề về thời hiệu, Điều 408 lại mắc phải một vấn đề khác là chỉ quy định một cách khá chung chung. Khác với cách làm của Việt Nam, pháp luật Cộng hòa Pháp coi đối tượng của hợp đồng (đối tượng của nghĩa vụ phát sinh trong hợp đồng) là một phần của nội dung của hợp đồng; theo đó, khiếm khuyết về đối tượng sẽ dẫn đến khiếm khuyết về nội dung và có thể dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng do vi phạm một trong những điều kiện chung để hợp đồng có hiệu lực. Cũng theo hướng này, tại Pháp, các quy định chung về thời hiệu sẽ được áp dụng. Thiết nghĩ, liệu Việt Nam có thể đi theo hướng của Pháp và loại bỏ một quy định riêng nhưng lại chung chung như Điều 408 khỏi BLDS? Trong lúc chờ đợi câu trả lời từ nhà làm luật, khi áp dụng Điều 408 BLDS 2015, các quy định chung về thời hiệu cần phải được vận dụng một cách linh hoạt nhằm đưa ra phương án giải quyết một cách hợp lý, có căn cứ.
TAND Quận 7 TP HCM xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi “Hủy kết quả đấu giá” - Ảnh: Kiemsat.vn
[1] Xem thêm: Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (Tập 2), 6th a.b (HCM: Hồng Đức, 2017), 781.
[2] Đỗ Văn Đại, 781. Xem thêm: Án lệ số 36/2020/AL của Tòa án nhân dân tối cao.
[3] Theo giải thích của Án lệ Pháp, chế tài này được áp dụng khi hợp đồng được giao kết một cách hợp thức nhưng sau khi giao kết, một trong những thành phần chính cần thiết cho sự có hiệu lực của hợp đồng mất đi. Ví dụ về hợp đồng bị mất hiệu lực do đối tượng của hợp đồng không còn: Cass. 1re civ., 7 nov. 2018, n° 16-26.354.
[4] Một số nhà bình luận cho rằng trong trường hợp hợp đồng có đối tượng là tài sản hình thành trong tương lai mà sau đó tài sản không hình thành thì áp dụng Điều 408 để giải quyết. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm này.
[5] Jacques Ghestin, Grégoire Loiseau, và Yves-Marie Serinet, Les obligations : La formation du contrat : L’objet et la cause - Les nullités, 4th a.b, Traité de droit civil 2 (Paris: LGDJ, 2013), 69.
[6] Dạng hợp đồng này được định nghĩa tại điều 1108 BLDS Pháp. Tác giả Vũ Văn Mẫu gọi dạng hợp đồng này là “khế ước kiểu hãnh”. Tác giả Nguyễn Mạnh Bách dùng thuật ngữ “khế ước may rủi” nhằm phân biệt với “khế ước chắc chắn”. Cách dùng từ của Nguyễn Mạnh Bách có vẻ dễ hiểu và gần gũi hơn. Xem thêm: Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo - Quyển II : Nghĩa vụ và khế ước, 1st a.b (Sài Gòn: Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, 1963); Nguyễn Mạnh Bách, Dân luật Việt Nam - Nghĩa vụ, 1st a.b (Sài Gòn: Trường Đại học Luật khoa, 1974).
[7] Christian Larroumet và Sarah Bros, Les obligations : Le contrat, 7th a.b, Traité de droit civil 3 (Paris: Economica, 2014), 376; Jean Carbonnier, Les bien. Les obligations, 1st a.b, vol 2, Droit civil (Paris: PUF, 2004), 117; Jacques Flour, Jean-Luc Aubert, và Éric Savaux, Les obligations : L’acte juridique, 15th a.b (Paris: Dalloz, 2012), 231. Tuy nhiên một số học giả không đồng tình với cách giải quyết này: Jacques Ghestin, Grégoire Loiseau, và Yves-Marie Serinet, Les obligations : La formation du contrat : L’objet et la cause - Les nullités, 71.
[8] Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (Tập 2), 778: Theo tác giả mặc dù BLDS 2005 giới hạn bởi các nguyên nhân khách quan, Tòa án vẫn áp dụng và ngầm thừa nhận việc đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện do nguyên nhân chủ quan.
[9] Điều 398 BLDS 2015 liệt kê những yếu tố cơ bản thuộc nội dung của hợp đồng, trong đó đối tượng của hợp đồng được đặt lên hàng đầu.
[10] Nếu một bên biết hoặc buộc phải biết mà không thông báo cho bên kia thì phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu trên cơ sở lừa dối.
[11] Về lý luận, cần phân biệt đối tượng của nghĩa vụ phát sinh trong hợp đồng và đối tượng của hợp đồng. Khi xem xét về tính khả thi của đối tượng, BLDS Pháp đề cập trực tiếp tới đối tượng của nghĩa vụ. Theo chúng tôi, đối tượng của hợp đồng được đề cập tới tại Điều 408 cũng cần được hiểu theo hướng này.
[12] François Terré, Yves Lequette, và Philippe Simler, Droit civil : les obligations, 10th a.b (Paris: Dalloz, 2009); Philippe Malinvaud, Dominique Laszlo-Fenouillet, và Mustapha Mekki, Droit des obligations, 14th a.b (Paris: LexisNexis, 2017); Philippe Malaurie, Laurent Aynès, và Philippe Stoffel-Munck, Les obligations, 6th a.b, Droit civil (Paris: LGDJ, 2013); Christian Larroumet và Sarah Bros, Les obligations : Le contrat.
[13] Pháp luật Pháp trước lần sửa đổi năm 2016 coi sự tồn tại của mục đích và đối tượng hợp pháp, không trái đạo đức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Sau lần sửa đổi năm 2016, BLDS Pháp chỉ đề cập tới “nội dung hợp pháp và cụ thể” (Điều 1128 BLDS Pháp). Tuy nhiên, các điều luật liên quan tới nội dung của hợp đồng (từ Điều 1162 đến Điều 1171 BLDS Pháp) đề cập trực tiếp tới đối tượng của nghĩa vụ và quy định đối tượng của nghĩa vụ phải có thể thực hiện được, phải được xác đinh hoặc có thể xác định (Điều 1163) và hợp pháp. Các tòa án Pháp luôn tuyên bố hợp đồng vô hiệu khi đối tượng của nghĩa vụ không thể thực hiện hoặc hợp đồng được giao kết mà không có đối tượng xác định. Ví dụ: Cass. com., 26 mai 2009, n° 08-12.691: Hợp đồng mua bán cổ phần của một công ty bị tuyên bố vô hiệu do công ty này không còn tồn tại.
[14] Đây là một điểm mới của BLDS Pháp sau lần sửa đổi năm 2016. Quy định này khá gần với quy định tại Điều 127 BLDS 2005 (Điều 122 BLDS 2015).
[15] Cả 3 BLDS 1995, 2005 và 2015 đều chỉ quy định mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội: Điều 131 BLDS 1995, Điều 122 BLDS 2005, Điều 117 BLDS 2015.
[16] Chúng tôi cho rằng cách giải quyết này là không hợp lý vì Điều 408 BLDS 2015 chỉ có thể áp dụng cho hợp đồng mà không thể áp dụng cho các giao dịch dân sự khác. Vấn đề này sẽ được phân tích trong một bài viết khác.
[17] Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (Tập 2), 774.
[18] Philippe Malinvaud, Dominique Laszlo-Fenouillet, và Mustapha Mekki, Droit des obligations, 249; Jacques Ghestin, Grégoire Loiseau, và Yves-Marie Serinet, Les obligations : La formation du contrat : L’objet et la cause - Les nullités, 67; CA Paris, 4 juill. 1865.
[19] Cass. 3e civ., 3 mai 2007: Bên có nghĩa vụ tự đặt mình vào tình thế không thể thực hiện nghĩa vụ không cạnh tranh phải chịu các chế tài về không thực hiện đúng hợp đồng; Anne Fauchon, A l’impossible on est tenu ! Sur l’objet relativement impossible, D. aff. 1997, p. 397.
[20] Philippe Malinvaud, Dominique Laszlo-Fenouillet, và Mustapha Mekki, Droit des obligations, 250.
[21] Đa số các học giả Pháp đều đồng nhất đối tượng không tồn tại và đối tượng không thể thực hiện một cách khách quan và tuyệt đối như ví dụ đã viện dẫn; Cass. com. 28 avr. 1987.
[22] Nulla impossibilium obligatio est; Jean Carbonnier, Les bien. Les obligations, 2:2012.
[23] Xem thêm: Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (Tập 2), 774.
[24] Đỗ Văn Đại, 778.
[25] Philippe Malinvaud, Dominique Laszlo-Fenouillet, và Mustapha Mekki, Droit des obligations, 241.
[26] Olivier Deshayes, Thomas Genicon, và Yves-Marie Laithier, Réforme du droit des contrats, du régime général et de la preuve des obligations : commentaire article par article (Paris: LexisNexis, 2018), 306.
[27] Trước khi sửa đổi, Điều 1108 BLDS Pháp coi đối tượng cụ thể là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Điều 1128 quy định đối tượng của hợp đồng (nghĩa vụ) là vật phải giao hoặc công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện. Điều 1129 quy định đối tượng phải được xác định (Án lệ của Tòa phá án giải thích một cách rộng hơn và chấp nhận đối tượng không được xác định tại thời điểm giao kết nhưng có thể xác định được tại một thời điểm khác với điều kiện không phụ thuộc vào ý chí của một bên và không cần tới một thỏa thuận khác giữa các bên).
[28] Olivier Deshayes, Thomas Genicon, và Yves-Marie Laithier, Réforme du droit des contrats, du régime général et de la preuve des obligations, 304.
[29] Cass. com., 26 mai 2009, n° 08-12.691: hợp đồng mua bán cổ phần vô hiệu do công ty không còn tồn tại tại thời điểm giao kết. Tòa án viện dẫn điều 1108 (cũ) BLDS Pháp.
Cass. com., 12 déc. 1989, n° 88-17.021: Tòa phúc thẩm công nhận hiệu lực của hợp đồng. Tòa phá án hủy bản án sơ thẩm trên cơ sở điều 1129 (cũ) BLDS Pháp theo đó đối tượng xác định là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Đối tượng không thể được coi là xác định nếu như việc xác định này chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên.
Cass. 1re civ., 19 déc. 2013, n° 12-26.459: Hợp đồng ủy quyền bán đất vô hiệu do không xác định khu đất. Tòa án viện dẫn Điều 1108 (cũ) và 1129 (cũ) BLDS Pháp.
[30] Điều 274 BLDS 2015. BLDS Pháp không định nghĩa nghĩa vụ nhưng giới Luật gia Pháp cũng có chung cách định nghĩa như trong pháp luật Việt Nam. Xem thêm: François Terré, Yves Lequette, và Philippe Simler, Droit civil : les obligations; Christian Larroumet và Sarah Bros, Les obligations : Le contrat; François Terré, Yves Lequette, và Philippe Simler, Droit civil : les obligations;
[31] Van Dai Do, Le rôle de l’intérêt privé dans le contrat en droit français (Aix-en-Provence: Presses universitaires d’Aix-Marseille, 2004), 58.
[32] Quyết định số 1357/2017/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh.
[33] Nguyễn Hồng Hải, “Một số vấn đề về hợp đồng vô hiệu trong pháp luật tư hiện hành của Việt Nam”, trong Hợp đồng vô hiệu trong pháp luật một số nước (Đại học Luật Hà Nội, 2018). Tác giả ủng hộ việc áp dụng thời hiệu chung là 3 năm. Xem thêm: Chu Xuân Minh, Tài liệu tập huấn về thi hành Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự (Chính trị quốc gia, 2008).
[34] Ví dụ: Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP của hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 03 tháng 12 năm 2012.
[35] Nguyễn Hồng Hải, “Một số vấn đề về hợp đồng vô hiệu trong pháp luật tư hiện hành của Việt Nam”.
[36] Lê Đình Nghị, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam - tập 2 (Hà Nội: Giáo dục Việt Nam, 2009); Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (Tập 1), 6th a.b (HCM: Hồng Đức, 2017).
[37] Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (Tập 2), 867: Theo tác giả, Điều 427 BLDS 2005 được áp dụng đối với tranh chấp về thực hiện hợp đồng trừ trường hợp có quy định khác.
[38] Trước khi có BLDS 2015 và BLTTDS 2015, theo tinh thần của điểm a khoản 3 Điều 23 của Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP của hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 03 tháng 12 năm 2012 thì thời hiệu quy định tại Điều 427 BLDS 2005 được áp dụng chung cho quan hệ hợp đồng.
[39] Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (Tập 2), 882.
[40] Taị Pháp, vấn đề này đã được đưa ra bàn luận khá nhiều : Jérôme François, Les obligations : Régime général, 2nd a.b, Traité de droit civil 4 (Paris: Economica, 2011), 187 et s.
[41] Trong giới nghiên cứu tại Việt Nam đang có 2 luồng ý kiến trái chiều về việc áp dụng hay không thời hiệu cho quyền phản tố của bị đơn. Xem thêm: Đương Tấn Thanh, “Yêu cầu phản tố theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và vướng mắc trong thực tiễn”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, 31 Tháng Tám 2019, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/yeu-cau-phan-to-theo-bo-luat-to-tung-dan-su-nam-2015-va-vuong-mac-trong-thuc-tien. Chúng tôi đồng ý với hướng không áp dụng thời hiệu cho quyền phản tố. Xem thêm: Đoàn Thị Ngọc Hải, “Quyền phản tố của bị đơn trong tố tụng dân sự”, Bộ Tư Pháp, 18 Tháng Bảy 2018, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2338.
[42] Điều 2262 (cũ) BLDS Pháp.
[43] Xem thêm: “Nullité relative du bail à construction conclu pour un prix dérisoire”, Dalloz étudiant, 6 Tháng Mười 2011, https://actu.dalloz-etudiant.fr/a-la-une/article/nullite-relative-du-bail-a-construction-conclu-pour-un-prix-derisoire/h/7e52ae35cb59e483db23ddccc8f28369.html#Bail.
[44] Kể từ sau lần sửa đổi các quy định về thời hiệu trong BLDS Pháp năm 2008, thời hiệu khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu là 5 năm cho tất cả các trường hợp vô hiệu tương đối và tuyệt đối.
[45] Xem thêm: Trần Anh Tuấn, “Thời hiệu dân sự - nhìn từ góc độ lịch sử và so sánh”, Tòa án nhân dân, số p.h 6 (2011).
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận