Vấn đề nội luật hóa các Công ước quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam
Bảo vệ môi trường trong đó có bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) đã trở thành vấn đề toàn cầu. Với tư cách là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các thiết chế quốc tế và tích cực thực hiện các chính sách nhằm bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ động vật hoang dã nói riêng. Việt Nam coi đây là vấn đề quan trọng trong chính sách phát triển của mình. Điều đó đặt ra nhu cầu cần phải nội luật hóa (incorporation of international law) điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã.
Chính phủ Việt Nam, từ lâu, đã khẳng định: “ Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người . Vì vậy, tất cả phải có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường sống cho các loài động vật này được bảo tồn và phát triển”. [1]. Vì vậy, tất cả phải có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường sống cho các loài động vật này được bảo tồn và phát triển.
Việt Nam thể hiện nghĩa vụ và cam kết bảo vệ động vật hoang dã với cộng đồng quốc tế thể hiện ở hai phương diện: tham gia và hiện thực hóa các cam kết của các Điều ước Quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã trên lãnh thổ quốc gia mình. Tuy nhiên, việc thực hiện cam kết này không đơn giản bởi nhiều nguyên nhân trong đó có sự khác nhau trong quy định của pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế nên việc áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế ở Việt Nam là khá khó khăn mà thường là áp dụng gián tiếp các các điều ước quốc tế đó thông qua một quá trình chuyển đổi các quy phạm điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật trong nước. Điều đó đặt ra nhu cầu cần phải nội luật hóa (incorporation of international law). Nội luật hóa điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là bổ sung các quy định của luật pháp quốc tế mà Việt Nam còn thiếu mà còn bao hàm việc sửa đổi, loại bỏ các quy định mâu thuẫn với các chuẩn mực, nguyên tắc của các điều ước quốc tế đó.
1.Cơ sở pháp lý của nội luật hóa điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam
Các Điều ước quốc tế liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã mà Việt Nam đã ký kết, tham gia gồm : Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)- Việt Nam tham gia từ năm 1994; Công ước về đa dạng sinh học (CBD)- Việt Nam tham gia từ năm 1995; Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước (RAMSAR) – Việt Nam tham gia từ năm 1989’ Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc – Việt Nam tham gia năm 2012; Hiệp định ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên – Việt Nam tham gia từ 1987; Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới- Vệt Nam tham gia từ năm 1987
Khi tham gia Điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã, Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ của mình ở các phương diện sau:
Thứ nhất, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình phù hợp với các nguyên tắc, quy định của các Điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã. Đây được xác định là nghĩa vụ bắt buộc của các quốc gia thành viên. Bởi lẽ các điều ước quốc tế là các chuẩn mực, những giá trị đã được thừa nhận chung và mang tính phổ quát mà pháp luật quốc gia không thể đứng ngoài.
Thứ hai, nghĩa vụ triển khai thực hiện các quy định của Điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã. Nghĩa vụ này đòi hỏi Việt Nam cần có những hành động tích cực nhằm bảo vệ động vật hoang dã trên thực tế bằng các biện pháp và cơ chế hữu hiệu nhất. Nghĩa vụ này phải được thực hiện bằng các hành động cụ thể. Ví dụ để thực hiện điều IX của (CITES): Vì mục đích của Công ước này, mỗi nước thành viên sẽ bổ nhiệm: Ít nhất một cơ quan thẩm quyền quản lý có đủ thẩm quyền cấp giấy phép hoặc chứng chỉ thay mặt cho quốc gia thành viên đó; và ít nhất một cơ quan thẩm quyền khoa học.Việt Nam đã giao nhiệm vụ này cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đầu mối triển khai và phối hợp thực hiện.
Thứ ba, nghĩa vụ báo cáo tình hình thực hiện điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã theo quy định của điều ước quốc tế. Nghĩa vụ này hướng tới mục tiêu đảm bảo để các quốc gia xây dựng khung pháp lý, công bố các biện pháp thực thi mà mỗi quốc gia đang áp dụng để bảo vệ động vật hoang dã ở quốc gia mình đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ hợp tác trong việc bảo vệ động vật hoang dã.
Cơ sở pháp lý để nội luật hóa các Điều ước quốc tế này rất đa dạng và có thứ bậc, phạm vi khác nhau. Đó là Công ước Viên về Điều ước quốc tế 1969, Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Điều ước Quốc tế… Trong các văn bản này đều khẳng định thiện chí và cam kết của Việt Nam trong việc tham gia và thực hiện nghiêm chỉnh các các nghĩa vụ của thành viên mà các Điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã là một ví dụ. Khoản 6 Điều 3 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên… ” Nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (nguyên tắc Pacta sunt servanda) không cho phép các quốc gia được viện dẫn pháp luật nước mình để không thực hiện điều ước quốc tế (Điều 27 Công ước Viên năm 1969). Đây cũng chính là một trong những cơ sở của việc hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định trong pháp luật hoặc áp dụng trên thực tiễn nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của điều ước quốc tế trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên quy định khác nhau về cùng một vấn đề.
2.Thực trạng nội luật hóa các điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam
Vấn đề nội luật hóa điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam gắn với đặc thù trong quy trình lập pháp của Việt Nam. Trước hết vấn đề này xuất phát từ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản về vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Bởi lẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Chính vì vậy, liên quan đến vấn đề môi trường mà động vật hoang dã là một thành tố không thể không đề cập đến chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường của Đảng. Các quan điểm chính sách này chi phối mạnh mẽ đến pháp luật về môi trường nói chung và pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nói riêng. Một trong những văn kiện quan trọng liên quan trực tiếp đến vấn đề này chính là Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 15/11/2004. Nghị quyết này sau khi đánh giá sâu sắc và toàn diện vai trò của môi trường trong phát triển của Việt Nam, nhận thức khách quan tình trạng môi trường, thực trạng bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã nhận định: Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Từ đó, Nghị quyết này khẳng định: Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội của từng ngành và từng địa phương. Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế – xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững. Những quan điểm, chính sách này của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy tính nhất quán, thể hiện quyết tâm cao trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững theo các trụ cột: tăng trưởng kinh tế- đảm bảo an sinh xã hội- bảo vệ môi trường. Những quan điểm chỉ đạo này đòi hỏi phải thể hiện trong pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường trong đó có vấn đề bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam.
Theo luật quốc tế, nghĩa vụ nội luật hóa điều ước quốc tế trong đó có điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã phải được thể hiện đầu tiên trong Hiến pháp. Vấn đề bảo vệ môi trường đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam tại Điều 63, theo đó, Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.”. Đây là cơ sở Hiến định cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó có điểm đáng chú ý như quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ môi trường, nguyên tắc xử lý trách nhiệm của tổ chức cá nhân khi gây ô nhiễm, thiệt hại đến các thành tố của môi trường đó là bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm pháp lý. Những quy định này của Hiến pháp sẽ được cụ thể hóa trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Trên cơ sở đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp về bảo vệ môi trường, pháp luật về bảo vệ môi trường và bảo vệ động vật hoang dã đã thể chế hóa các quan điểm này trên các phương diện như: quy định quy chuẩn tiêu chuẩn môi trường, quy định về quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường, quy định chế tài đối với hành vi gây thiệt hại cho môi trường, quy định kiểm tra, giám sát trong việc tuân thủ pháp luật về môi trường. Pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cũng được xây dựng và dựa trên những nội dung này. Liên quan đến pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã có thể thấy trong các quy định của Luật Bảo môi trường các năm 1993, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp với điều kiện mới trong đó có việc phù hợp với các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ động vật hoang dã nói riêng là khái niệm rộng bao gồm các hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành. Ở phương diện thứ hai, bảo vệ động vật hoang dã chỉ hạn chế trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Ở đây chúng tôi trình bày vấn đề này theo nghĩa rộng.
Luật Bảo vệ môi trường được coi là luật chung về bảo vệ môi trường do đó, động vật hoang dã không được điều chỉnh cụ thể mà được xác định là thành phần của môi trường bởi lẽ điều chỉnh vấn đề này có các luật chuyên ngành khác mà các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường được coi như là các nguyên tắc trong đó có nguyên tắc như nghiêm cấm khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ động vật hoang dã được thể hiện trong Luật Bảo vệ Môi trường thông qua các quy định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể như nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ các thành phần của môi trường.
Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã nội luật hóa bằng hơn 60 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ĐVHD, trong đó có 16 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực, thuộc các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, tài nguyên môi trường, đầu tư, hành chính và hình sự, gồm 7 luật và bộ luật, 4 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 3 thông tư[3].
Các quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: Luật Đa dạng sinh học 2008; Luật Thủy sản năm 2017 (hiệu lực năm 2019); Luật Lâm nghiệp 2017 (hiệu lực năm 2019); Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật Hình sự 2015 (Đ245); Nghị định số155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/20193 về bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước; Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES; Quyết định số 11/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 1 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật một số loài động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước CITES; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ…. Việc nội luật hóa các Điều ước quốc tế này như thế nào sẽ trình bày ở phần dưới đây.
Pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam có thể chia thành các nhóm: các quy định về xác định động vật hoang dã ở Việt Nam; các quy định về về quản lý động vật hoang dã; các quy định về các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã, pháp luật về xử lý vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Chúng tôi đánh giá hệ thống các quy định này dưới góc độ nội luật hóa bằng việc chỉ ra những quy định của các điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã trước hết là Công ước CITES đã được thể hiện trong pháp luật Việt Nam và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để đưa vào pháp luật Việt Nam.
Trước hết, các điều ước quốc tế trong đó có có Công ước CITES đã quy định danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp bị đe dọa tuyệt chủng. Nội luật hóa nội dung này, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 quy định “Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là loài hoang dã, giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa – lịch sử mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng”. Trên cơ sở đạo luật này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019) quy định tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, Nghị định số 06/ 2019/ NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán các loại thực vật, động vật hoang dã quý hiếm.). Nghị định này quy định danh mục 87 loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Ngoài ra có thể kể đến Danh mục 200 động vật loài nguy cấp, quý, hiếm bị nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích đầu tư kinh doanh cũng được ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2014. Vì lý do, các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên thực tế luôn biến động theo hướng thu hẹp hay bổ sung nên Công ước CITES khuyến khích các nước bổ sung cho Phụ lục I, II . Nội luật hóa nội dung này Điều 38, Điều 39 và Điều 40 Luật đa dạng sinh học theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân. Việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Đa dạng sinh học theo quy định tại các Điều 38, Điều 39 và Điều 40 .
So với các điều ước quốc tế, ở khía cạnh danh mục các loài cần bảo vệ đặc biệt thì pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ.
Thứ hai, các điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã luôn khuyến nghị các quốc gia thiết lập hệ thống quản lý, bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã bao gồm các nội dung như quy định về trình tự, thủ tục khai thác, vận chuyển, nuôi nhốt, xuất nhập khẩu động vật hoang dã…. Bên cạnh đó, pháp luật Việt nam đã quy định đầy đủ các hành vi bị cấm đối với động vật hoang dã như săn bắt, buôn bán, nuôi, tàng trữ, chế biến, trái quy định pháp luật.
Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng đã quy định cụ thể cơ chế quản lý động vật hoang dã theo hệ thống bao gồm các khâu từ bảo tồn, khai thác, nuôi, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và bảo đảm được truy xuất nguồn gốc mẫu vật. Các quy định được xây dựng chặt chẽ, rõ ràng, phù hợp với quy định của CITES và điều kiện thực tế của Việt Nam. Một số quy định tân tiến, có sự phối hợp liên ngành trong quản lý, đảm bảo quản lý chặt chẽ và minh bạch, đồng thời tạo thuận lợi cho tổ chức cá nhân thực hiện như quy định về cấp giấy phép CITES xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu qua hệ thống Một cửa quốc gia.
Thứ ba, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể các biện pháp bảo tồn động vật hoang dã, quý hiếm theo đúng tinh thần của các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Ngoài các biện pháp pháp luật và quản lý nêu trên, Việt Nam đã áp dụng biện pháp kinh tế, các biện pháp về xã hội, các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, các biện pháp xử lý vi phạm… Các biện pháp kinh tế thể hiện ở việc pháp luật Việt Nam không cấm hoàn toàn việc kinh doanh, buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, Việt Nam đã quy định chặt chẽ để kiểm soát hoạt động này bằng việc quy định cấm tuyệt đối buôn bán đối với những loài nhất định, đối với các loài động vật hoang dã thông thường thì cho phép kinh doanh buôn bán nhưng kèm theo đó là những quy định khá nghiêm ngặt. Ví dụ Nghị định số 06/2019/NĐ-CP có nội dung quy định chế biến, kinh doanh động vật, thực vật hoang dã nguy cấp theo đó, được chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày vì mục đích thương mại gồm: Mẫu vật các loài thuộc Phụ lục II CITES khai thác hợp pháp từ tự nhiên. Mẫu vật các loài động vật thuộc Phụ lục I CITES có nguồn gốc gây nuôi sinh sản từ thế hệ F2 trở về sau; các loài động vật thuộc Phụ lục II CITES có nguồn gốc nuôi sinh sản từ thế hệ F1 trở về sau; mẫu vật các loài thực vật thuộc Phụ lục I CITES có nguồn gốc trồng, cấy nhân tạo. Các biện pháp kinh tế trong bảo vệ động vật hoang đã cũng được gắn với chính sách, pháp luật bảo vệ rừng như: giao rừng cho người dân chăm sóc, bảo vệ, quy hoạch diện tích khu vực rừng quản lý, bảo vệ hoặc rừng gần dân cư quản lý kém hiệu quả, ổn định sinh kế cho người dân; Hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp trong thời gian dài để xây dựng mô hình trồng rừng, bảo vệ rừng
Ngoài ra, biện pháp giáo dục, tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã cũng được luật hóa bằng các biện pháp việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Thứ tư, hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm được chia thành các mức độ: xử lý hành chính và xử lý hình sự. Về xử lý hành chính các hành vi này ở Việt Nam dựa trên cơ sở pháp lý là . Trên cơ sở luật này, hàng loạt các văn bản dưới luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đã được ban hành quy định khá chi tiết căn cứ, thẩm quyền, thủ tục và các biện pháp trách nhiệm đối với cá nhân tổ chức vi phạm.[6] Đặc biệt là Nghị định 35/2109 / NĐ-CP ngày 25/4/2019 Về xử phạt hành chính trong lính vực Lâm nghiệp. Theo đó, các hành vi bị xử phạt đã bao quát tương đối đầy đủ các hành vi bị cấm trong bảo vệ động vật hoang dã theo quy định các Điều ước quốc tế bao gồm:
– Quảng cáo để kinh doanh ĐVHD; bộ phận, sản phẩm ĐVHD trái quy định của pháp luật;
– Săn bắt, giết, nuôi, nhốt ĐVHD trái quy định của pháp luật;
– Vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến ĐVHD trái pháp luật;
– Vi phạm quy định về quản lý hồ sơ trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến và gây nuôi ĐVHD;
– Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
– Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản;
– Vi phạm quy định về thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản;
– Vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm các quy định về động vật rừng có thể lên tới 400.000.000đồng[7]. Trong khi đó, mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính theo Luật xử lý Vi phạm hành chính của Việt Nam là 1 tỷ đồng với cá nhân, và 2 tỷ đồng với pháp nhân.
Về xử lý trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự Việt Nam 2015 đã có quy định tội phạm liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có 2 tội danh Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234) Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244). Các tội này được thiết kế dưới dạng quy phạm dẫn chiếu. Điều đó cho thấy các văn bản pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã có vai trò quan trọng trong việc giải thích, hướng dẫn áp dụng các quy định của BLHS về các tội danh trên. Bên cạnh đó, Điều 234 và 244 đã khắc phục hạn chế của BLHS 1999 bằng việc bổ sung thêm tình tiết “Buôn bán, vận chuyển qua biên giới” nhằm thu hút toàn bộ hành vi buôn lậu đối tượng động vật hoang dã làm tình tiết định khung tăng nặng cho các tội này. Cụ thể:
Đối Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, Điều 234 đã mô tả các hành vi phạm tội như sau:
– Săn bắn, bẫy bắt, mua, bán, giết, mổ,vận chuyển, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất khẩu động vật hoang dã và các sản phẩm động vật hoang dã, dẫn xuất từ động vật hoang dã trái với quy định của pháp luật;
– Nuôi động vật hoang dã không có hồ sơ quản lý hoặc nuôi động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp;
– Nuôi động vật hoang dã không có chuồng, trại hoặc có chuồng trại như ng không đảm bảo các điều kiện quy định theo quy định tại điều này[8]
Đối với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244). Điều luật này đã quy định đối tượng của tội phạm của tội này là thông qua việc dẫn chiếu đến các loại động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Các hành vi sau được coi là dấu hiệu định tội của tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm:
– Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
– Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;
– Ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,05 kilôgam đến dưới 01 kilôgam;
– Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật lớp khác;
– Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm c khoản này;
– Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
So với BLHS 1999, ở BLHS 2015 sửa đổi, nhà làm luật đã quy định thêm dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc. Đó là các quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nói chung, quy định về thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp[9]
Ngoài ra, BLHS 2015 của Việt Nam đã bổ sung thương mai đối 2 tội danh liên quan đến động vật hoang dã.
Về Trách nhiệm hình sự, người phạm tội là cá nhân quy định tại Điều 234 có thể bị phạt tiền đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm nếu các tình tiết tăng nặng( giá trị, số lượngđộng vật hoang dã lớn) thì có thể bị phạt từ tới 12 năm. Người phạm tội là cá nhân quy định tại Điều 244 có thể bị phạt tù đến 15 năm
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo Điều 234 có thể 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu phạm tội theo Điều 244 có thể bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.
Để hướng dẫn áp dụng các tội danh trên, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao của Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự và Điều 106 về xử lý vật chứng trong giai đoạn xét xử của Bộ luật Tố tụng hình sự. Hướng dẫn này bám sát tinh thần của các Công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã. Theo đó, Nghị quyết này đã dẫn chiếu các Phụ lục I, II, III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền xác định cấu thành tội phạm và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định các Điều 234, 244 BLHS 2015.
Việc quy định hai tội danh liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã với các chế tài tương đối nghiêm khắc cho thấy thái độ quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ động vật hoang dã theo đúng cam kết quốc tế.
3. Đánh giá và đề xuất các kiến nghị tiếp tục nội luật hóa pháp luật quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã vào pháp luật Việt Nam
Đánh giá hạn chế trong việc nội luật hóa pháp luật quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã ở Việt nam có thể đưa ra các nhận xét sau đây:
Thứ nhất, pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam tuy đã cơ bản đầy đủ nhưng còn tản mạn và thiếu tính hệ thống. Các quy định về bảo tồn động vật hoang dã nằm rải rác trong các văn bản khác nhau khó tránh khỏi sự chồng chéo, khó khăn trong quá trình áp dụng. Ví dụ hiện nay đang tồn tại rất nhiều Danh mục động vật hoang dã trong các văn bản pháp luật khác nhau[10].
Thứ hai, Pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã cơ bản đảm bảo tính toàn diện. Nếu trước đây, pháp luật tập trung ở khâu cuối của công đoạn bảo tồn đó là xử lý vi phạm tức là khi hành vi vi phạm đã thực hiện, hậu quả đã xảy ra thì đến nay các quy định về bảo tồn động vật hoang dã cũng đã được quan tâm thể hiện tư duy mới về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ động vật hoang dã nói riêng đó là không chỉ tập trung đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước mà đề cao vai trò của người dân, doanh nghiệp, sự tham gia của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng trong bảo vệ ĐVHD , huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội cho trong khi nguồn lực của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Cách thức quản lý ĐVHD đã chú ý đến kết quả, mục tiêu cuối cùng thay vì chú trọng nhiều về thủ tục hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục,[11].Tuy nhiên vấn đề ở đây cần hoàn thiện cơ chế để thực hiện các nội dung này. Ví dụ, cần có phân chia nguồn tài chính cho từng cơ quan quản lý, đối tượng được bảo tồn và phát triển cụ thể, cần có các quy định về cơ chế thu và chi quỹ cho công tác quản lý và bảo tồn và phát triển hệ sinh thái. Theo đó, quy định rõ mức thu chi cho quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái. Đồng thời thúc đẩy việc quy định áp dụng các công cụ tài chính mới, công cụ kinh tế (PES, TEEB, BBOP, Quỹ bảo tồn Đa dạng sinh học, bồi hoàn đa dạng sinh học).
Thứ ba, pháp luật Việt Nam chưa cấm hoàn toàn nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh… động vật hoang dã vì nhiều lý do trong đó có lý do nhấn mạnh khía cạnh lợi ích kinh tế. Đây là vấn đề khá khó khăn nhưng trong thời gian tới cần quyết tâm cấm triệt để hoạt động này vì mục tiêu lợi nhuận hay lợi ích kinh tế, chỉ nên cho phép mua bán, vận chuyển, tăng trữ nằm mục tiêu phi lợi nhuận
Thứ tư, về chế tài xử phạt hành vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã quy định tại Điều 234, 242, 244 BLHS bao gồm hai nhóm động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Trong đó, đối với động vật nhóm I (một) không quy định định lượng, nhóm II (hai) quy định rõ định lượng số lượng cá thể động vật hoang dã. Nghiên cứu các tôi danh này chúng tôi cho rằng còn một số bất cập. Đó là, việc quy định Điều 234 trong Chương tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là không phù hợp bởi khách thể của tội này nếu xếp ở nhóm này chỉ là xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong khi đó động vật hoang dã hay động vật hoang dã quý hiếm như trên đã nó đều là thành tố quan trọng của môi trường. Chính vì vậy, nếu coi tội danh quy định tại Điều 234 chỉ là trật tự quản lý kinh tế là không phù hợp, chưa đánh giá hết tính chất nguy hiểm của hành vi này. Bên cạnh đó, xu hướng trong thời gian tới không tiếp cận động vật hoang dã từ phương diện kinh tế mà từ phương diện môi trường bằng cấm triệt để nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã với mục đích lợi nhuận thì khách thể của tội này là trật tự quản lý kinh tế không còn. Chúng tôi đề xuất đưa tội danh này vào nhóm các tội về môi trường và như vậy liên quan đến động vật hoang dã sẽ có 3 tội danh quy định ở các Điều 234, Điều 242, Điều 244. Bên cạnh đó, trong cấu thành của các tội quy định tại Điều 234 dựa trên giá trị tính bằng tiền của động vật hoang dã là không phù hợp, khó định giá trong nhiều trường hợp. Vì vậy, cần sửa đổi theo hướng tính hậu quả theo cá thể động vật hoang dã cho thống nhất và thuận lợi trong việc áp dụng.
[1] Chỉ thị số 359/TTg ngày 29/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loại động vật hoang dã
[2] Lời nói đầu, Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế các loài ddoonngj, thực vật, hoang dã nguy cấp
[3] http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Can-he-thong-hoa-phap-luat-ve-quan-ly-dong-vat-hoang-da/396514.vgp
[4] Cục Cảnh sát môi trường, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm xâm phạm TTQLKT (Bộ Công an) , Tổng cục Kiểm lâm, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Lâm nghiệp., Tổng cục Thủy sản, (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Tổng cục môi trường, Tổng cục Biển và hải đảo, Cục quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ đội biên phòng (Bộ Quốc phòng), Bộ KHCN, Cục Dược liệu Bộ Y tế, Các ban quản lý vường quốc gia (UBND cấp tỉnh)
[5] Xem Điều 154 Luật Bảo vệ Môi trường,
[6] Theo thống kê của chúng toi hiện này có 12 văn bản dưới luật quy định về xử lý vi phạ hành chính về bảo vệ động vật hoang dã,
[7] Xem Nghị định 35/2109 / NĐ-CP ngày 25/4/2019
[8] Xem Bình Luận BLHS 2015, Trần Văn Biên, Đinh Thế Hưng (chủ biên), NXB Thế Giới, 2017, trang 517
[9] Xem Bình Luận BLHS 2015, Trần Văn Biên, Đinh Thế Hưng (chủ biên), NXB Thế Giời, 2017, trang 619
[10] Theo thống kê của của chúng tôi có khoảng 10 danh mục động vật hoang dã kèm theo các văn bản pháp luật ở Việt Nam
[11] Nghi định 06/2018 đã quy định rõ các quy trình thủ tục cấp phép, kiểm tra, giám sát để đảm bảo quản lý tốt công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận