Vấn đề xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể trong vụ án hình sự
Qua nghiên cứu quy định của pháp luật, cũng như thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến vấn đề xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể, chúng tôi nhận thấy xung quanh vấn đề này vẫn còn tồn tại bất cập cần trao đổi và đưa ra nhận thức thống nhất.
Tỷ lệ tổn thương cơ thể là một trong những yếu tố quan trọng trong việc giải quyết nhiều vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người. Nó là căn cứ trực tiếp để định tội danh và định khung hình phạt đối với người phạm tội, đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan khác. Qua nghiên cứu quy định của pháp luật, cũng như thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến vấn đề xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể, nhận thấy xung quanh vấn đề này vẫn còn tồn tại bất cập cần trao đổi và đưa ra nhận thức thống nhất.
Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, tổn thương cơ thể của người bị thương tích gồm hai loại: Tổn thương cơ thể hình thành do chính hành vi phạm tội của bị can, bị cáo gây ra và tổn thương cơ thể hình thành từ những can thiệp y tế trong quá trình điều trị cho người bị thương tích.
Trong một số trường hợp khi mà tổn thương cơ thể của người bị thương tích bao gồm cả hai loại trên thì vấn đề cần đặt ra ở đây là việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể dùng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại mà không cần bóc tách, xem xét và đánh giá tính chất, mức độ của can thiệp y tế đến việc hình thành tổn thương cơ thể của người bị thương tích. Bởi xuất phát từ hậu quả do hành vi của người phạm tội gây ra mới dẫn đến việc phải có những can thiệp y tế đối với người bị hại.
Quan điểm thứ hai, đây cũng đồng thời là quan điểm của người viết, cho rằng, trong trường hợp tổn thương cơ thể của người bị hại bao gồm cả tổn thương cơ thể hình thành do hành vi phạm tội của bị can, bị cáo và tổn thương cơ thể hình thành từ những can thiệp y tế trong quá trình điều trị thì cần thiết phải có sự xem xét, đánh giá tính chất, mức độ của can thiệp y tế đến sự hình thành tổn thương cơ thể người bị hại. Nếu xét thấy sự can thiệp về y tế là đòi hỏi cần thiết và buộc phải thực hiện để điều trị tổn thương do hành vi của bị can, bị cáo gây ra thì bị can, bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể được xác định.
Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi dùng dao đâm nhiều nhát vào vùng bụng Trần Bá V, hậu quả khiến Trần Bá V phải tiến hành phẫu thuật để điều trị vết thương. Quá trình điều trị, cơ quan y tế bắt buộc phải mổ vùng bụng của V để tiến hành các phẫu thuật nối ruột và xử lý các tổn thương trong vùng bụng. Trường hợp này, Nguyễn Văn A sẽ phải chịu tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể, trong đó có tỷ lệ tổn thương hình thành do hành vi của Nguyễn Trọng A gây ra và cả tỷ lệ tổn thương hình thành do phẫu thuật.
Mặt khác, nếu vì những nguyên nhân chủ quan của cơ quan y tế dẫn đến sự can thiệp y tế không phù hợp về tính chất, mức độ, vượt quá đòi hỏi cần thiết của yêu cầu điều trị, dẫn đến hình thành thêm tổn thương, làm gia tăng tỷ lệ tổn thương cơ thể cho người bị thương tích thì phần tỷ lệ tổn thương cơ thể vượt quá mức được đánh giá là cần thiết sẽ không được tính làm căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Nói cách khác, người phạm tội trong trường hợp này sẽ chỉ chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở phạm vi tỷ lệ tổn thương cơ thể do hành vi phạm tội gây ra và tỷ lệ tổn thương cơ thể do can thiệp y tế ở mức cần thiết gây ra trong quá trình điều trị.
Ví dụ: Nguyễn Trọng A có hành vi dùng tuýp sắt đập nhiều nhát vào đùi Trần Bá V, hậu quả xương đùi của Trần Bá V bị gẫy phải tiến hành bó bột. Tuy nhiên, do nguyên nhân chủ quan của cơ quan y tế, dẫn đến can thiệp y tế không hiệu quả, làm cho xương đùi bị lệch. Sau đó Trần Bá V phải tiến hành phẫu thuật lại, mổ để xếp lại xương đùi. Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của Trần Bá V. Kết luận giám định pháp y về thương tích của Trần Bá V cho thấy, tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể là 35%, trong đó tỷ lệ tổn thương hình thành do phẫu thuật lần đầu sau để xếp lại xương đùi là 7%. Như vậy, trong trường hợp này, trách nhiệm hình sự của Nguyễn Trọng A sẽ sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở tỷ lệ tổn thương cơ thể là 28%
Vấn đề xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể nêu ra trên đây thuộc về quy trình, nghiệp vụ của cơ quan giám định tư pháp. Đối với cơ quan tiến hành tố tụng, trong quá trình giải quyết các vụ việc có liên quan đến xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ vào kết luận giám định pháp y để tiến hành truy tố, xét xử. Tuy nhiên, như đã đề cập, người viết cho rằng cần thiết phải có sự đánh giá khách quan giữa các nguồn hình thành tổn thương cơ thể cho người bị thương tích, từ đó có thể đánh giá được đúng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và có căn cứ pháp lý vững chắc để giải quyết được vụ án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận