Vật chứng chiếc xe máy phải trả lại cho chị C

Sau khi nghiên cứu bài "Vật chứng phải xử lý như thế nào?" của tác giả Phạm Minh Đô đăng ngày 28/9/2023, tôi cho rằng vật chứng chiếc xe máy sau khi tìm lại được cần phải trả lại cho chị C, chủ sở hữu hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 47 BLHS năm 2015.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 585 BLDS về nguyên tắc bồi thường thiệt hại là phải được bồi thường toàn bộ tổn thất vật chất đã xảy ra. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật, hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc gia đình M đã bồi thường cho chị C giá trị chiếc xe, được xem là tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” là tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Đây là trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại đã thực tế xảy ra nhưng người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại.

Trở lại vụ án, trong quá trình giải quyết vụ án, do chưa tìm được chiếc xe nên M và gia đình đã bồi thường cho chị C giá trị chiếc xe là 16 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó Cơ quan điều tra tìm lại được chiếc xe của chị C. Lúc này Cơ quan điều tra cần trả lại chiếc xe cho chủ sở hữu là chị C (người bị hại) theo quy định tại khoản 2 Điều 47 về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm như sau: “Vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”. Theo quy định trên thì vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không thuộc trường hợp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Đối với chiếc xe máy bị người phạm tội chiếm đoạt, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của chiếc xe máy đó là chị C.

Đối với khoản bồi thường giá trị chiếc xe 16 triệu đồng mà gia đình M đã bồi thường, thì gia đình M có quyền yêu cầu chị C trả lại. Tuy nhiên, gia đình M có thể vẫn bồi thường khi đã tìm thấy chiếc xe nhằm phục hậu quả để hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định. Như vậy, đối với vụ án này, việc xử lý vật chứng là chiếc xe máy sẽ được trả lại cho chị C.

Trên đây là quan điểm đối với vụ án, kính mong các độc giả tiếp tục đóng góp ý kiến.

*Tòa án Quân sự Quân khu 4

Xử lý vật chứng trong vụ án buôn lậu pháo nổ- Ảnh: TL

NGUYỄN PHI HÙNG*