Về điều kiện áp dụng và nghĩa vụ của người bị kết án cải tạo không giam giữ
Bài viết bàn về điểm hạn chế trong quy định của pháp luật về điều kiện áp dụng và nghĩa vụ của người bị kết án cải tạo không giam giữ.
Hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định trong BLHS thể hiện quan điểm nhân đạo và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội, đồng thời chứng tỏ khả năng tự giáo dục, cải tạo trở thành người có ích cho xã hội của họ. Tuy nhiên, hiện nay việc quan tâm nghiên cứu cũng như áp dụng trên thực tiễn còn nhiều vướng mắc.
Cải tạo không giam giữ được quy định là hình phạt chính trong BLHS, hình phạt này được quy định tại các Điều 32, 36, 55, 63 và 100, thể hiện một số hạn chế như sau:
1. Về điều kiện áp dụng cải tạo không giam giữ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 BLHS, các điều kiện để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là:
* Điều kiện về tính chất tội phạm: Theo đó, hình phạt này chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng.
* Điều kiện về cải tạo: Người phạm tội phải có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng. Điều kiện này nhằm bảo đảm cho việc áp dụng hình phạt có hiệu quả, đồng thời thuận lợi cho người bị kết án. Bản chất hình phạt Cải tạo không giam giữ là không tước tự do của người bị kết án nhưng mục đích trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội vẫn đạt được khi người đó chịu sự giám sát của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, gia đình.
* Điều kiện về không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội: Điều kiện này có thể hiểu là việc Tòa án không cách ly người phạm tội khỏi xã hội nhưng vẫn có căn cứ để giáo dục, cải tạo người đó trở thành người có ích, không hoặc ít ảnh hưởng đến việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đối với điều kiện thứ nhất, mặc dù luật đã quy định rõ ràng, cải tạo không giam giữ chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, tuy nhiên, tôi cho rằng cần mở rộng thêm phạm vi áp dụng hình phạt này đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Bởi vì trường hợp này, người phạm tội có lỗi vô ý, tức là họ không mong muốn hậu quả xảy ra đồng thời có nhiều tình tiết giảm nhẹ cho thấy tính nguy hiểm của hành vi đã thực hiện là không lớn do đó nên được áp dụng cải tạo không giam giữ.
Đối với điều kiện thứ ba, việc xét thấy cần thiết hay không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội là điều kiện mở, phụ thuộc vào sự phân tích, đánh giá hồ sơ, nhận định của HĐXX. Mặc dù vậy, trong quá trình giải quyết, một trong những căn cứ quan trọng để hầu hết các HĐXX xem xét vấn đề này là căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do đó, để có cơ sở pháp lý, tạo sự thống nhất trong quá trình đánh giá, cần thiết quy định điều kiện về tình tiết giảm nhẹ để làm cơ sở xem xét áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Cụ thể, người phạm tội phải có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên mới được áp dụng hình phạt này.
2. Về nghĩa vụ của người bị kết án
Theo khoản 3 Điều 36 BLHS, người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện một số nghĩa vụ theo quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập để sung quỹ nhà nước. Cụ thể, theo Điều 99 Luật Thi hành án hình sự 2019, người bị kết án cải tạo không giam giữ phải chấp hành nghiêm cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục… Đặc biệt, người bị kết án về hình phạt này còn phải chịu nghĩa vụ là khấu trừ một phần thu nhập. Theo quy định hiện nay, người bị kết án phải khấu trừ một phần thu nhập từ 5%-20% để sung vào công quỹ. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
Đây là quy định thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, tuy nhiên qua thực tiễn xét xử hiện nay, đa phần các bản án đều ghi rõ “Miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo vì bị cáo không có việc làm và thu nhập thường xuyên”. Đối với việc hiểu thế nào là trường hợp đặc biệt thì chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, tùy tiện cho miễn khấu trừ thu nhập. Việc người bị phạt cải tạo không giam giữ bị khấu trừ thu nhập là quy định bắt buộc nên để làm căn cứ cho việc khấu trừ thì phải biết được nguồn thu nhập của người đó trong tháng là bao nhiêu. Đối với những người không có thu nhập ổn định hoặc không tự chứng minh được thu nhập thì việc xác định là rất khó khăn. Đây là lý do dẫn đến việc miễn khâu trừ tùy tiện với lý do “không có thu nhập ổn định thường xuyên” mà không cần xem xét đây có phải “trường hợp đặc biệt hay không”. Điều này làm cho tính cưỡng chế của cải tạo không giam giữ thấp đi, hay nói cách khác, hình phạt chỉ nặng về “không giam giữ” và hạn chế ở việc “cải tạo”.
Trong trường hợp này, nếu người bị kết án không có thu nhập ổn định thường xuyên thì cần lấy thu nhập trung bình hoặc mức lương cơ sở ở địa phương làm cơ sở tính khấu trừ (tương tự quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng). Đồng thời phải ấn định thời hạn thực hiện việc khấu trừ (trong thời gian chấp hành án cải tạo không giam giữ).
Như vậy, mặc dù quy định của BLHS 2015 đã quy định đầy đủ, chi tiết về hình phạt này tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định cần các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai hướng dẫn áp dụng trong thời gian tới.
TAND quận Hải Châu, Đà Nẵng xét xử trong mùa dịch - Ảnh: Trần Nhã Minh Hoàng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận