Về điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Tha tù trước thời hạn có điều kiện là chế định áp dụng đối với những phạm nhân đủ điều kiện, có quyết định của Tòa án không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ, được trở về sinh sống và làm việc tại địa phương nhưng vẫn phải chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương trong thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc áp dụng chế định này vẫn có những vướng mắc.
Đây là một chế định mới quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019 và Nghị quyết số 01/2018/ NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Qua đó thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước ta đối với các phạm nhân có thái độ cải tạo tốt, sớm được trở về hòa nhập với gia đình và xã hội.
1.Về điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện
Việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện mỗi năm 3 đợt vào thời điểm kết thúc quý I, kết thúc quý II và kết thúc năm xếp loại. Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/ NQ-HĐTP, phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có đủ các điều kiện sau đây:
1) Đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
2) Phạm tội lần đầu.
3) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt.
4) Có nơi cư trú rõ ràng.
5) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí.
6) Đã chấp hành ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Trường hợp người đang chấp hành án phạt tù là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Về quy định người phạm tội là người có công với cách mạng, theo Văn bản hợp nhất Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/VBHN-VPQH ngày 04 tháng 01 năm 2019 của Văn phòng Quốc hội: “Người có công với cách mạng có thể là người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng.”
Về quy định người phạm tội là thân nhân của người có công với cách mạng, theo Thông tư số 06/2018/TT-BCA ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Bộ Công an quy định tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân: “Thân nhân của người có công với cách mạng có thể là vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột của người có công với cách mạng.”
Về quy định người phạm tội đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật: “Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc; người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.”
7) Khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện phải xem xét thận trọng, chặt chẽ để bảo đảm việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là đối với các trường hợp phạm tội về ma túy, tham nhũng, phạm tội có tổ chức, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 01/2018/ NQ-HĐTP về trường hợp người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn có điều kiện khi chỉ cần có đủ các điều kiện quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 2 Nghị quyết này và đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù.
2.Các trường hợp không áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện
Theo khoản 2 Điều 66 BLHS năm 2015 thì không áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với các trường hợp sau: Bị kết án về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII BLHS); các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI BLHS); tội khủng bố (Điều 299); người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Chương XIV BLHS) do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sản xuất trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy (quy định tại các Điều 168, 169, 248, 251 và 252 BLHS); Người bị kết án tử hình được ân giảm; Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
3.Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện
Một là, về việc thực hiện xong hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đối với phạm nhân chưa chấp hành xong hình phạt tiền do thuộc trường hợp nghĩa vụ bồi thường là cấp dưỡng cho người già là cha mẹ của bị hại do không có định lượng về thời gian nên khó xác định là việc đã thực hiện nghĩa vụ thế nào?
Kiến nghị đưa ra về việc thực hiện xong hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với trường hợp trong trường hợp phạm nhân chưa chấp hành xong hình phạt tiền do thuộc trường hợp nghĩa vụ bồi thường là cấp dưỡng định kỳ có thể bổ sung quy định: “Nếu người phạm tội thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bồi thường, cấp dưỡng theo từng kỳ đến thời điểm xét giảm thì được xác định là đã đủ điều kiện để áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện”. Bên cạnh đó, cần có các quy định, điều kiện đảm bảo người phạm tội khi được tha tù trước thời hạn có điều kiện vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bồi thường và cấp dưỡng đã tuyên trong bản án, các quy định xử lý khi vi phạm các nghĩa vụ về bồi thường và cấp dưỡng.
Hai là, về điều kiện “khi về địa phương không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội…” theo quy định khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP. Quy định này còn mang tính tùy nghi, chưa có các căn cứ cụ thể để người, cơ quan có thẩm quyền nhận xét xác nhận; dẫn đến việc đánh giá có thể còn chủ quan, cảm tính, không phản ánh đúng thực tế. Do đó, kiến nghị đưa ra là nếu phạm nhân được nơi chấp hành án đánh giá có nhiều tiến bộ, xếp loại cải tạo tốt ở nhiều quý liền kề hoặc có thành tích xuất sắc, lập công trong quá trình lao động, cải tạo trước thời điểm lập hồ sơ xét, đề nghị tha tù thì không cần thiết phải áp dụng điều kiện trên.
Ngoài ra, luật cũng chưa quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm xác minh, xác định việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương theo khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP. Vì thế trong quá trình thực hiện giữa các địa phương còn chưa được thống nhất như có địa phương giao cho Công an cấp xã, có địa phương giao cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, có địa phương lại giao cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh xác minh tại nơi cư trú về việc ảnh hưởng đến an ninh trật tự khi phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện về địa phương cư trú. Do đó các tài liệu này có trong hồ sơ xét tha tù trước thời hạn có điều kiện không được đồng nhất (có hồ sơ căn cứ vào biên bản xác minh của Công an cấp xã, có hồ sơ căn cứ vào biên bản xác minh của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, có hồ sơ căn cứ vào biên bản xác minh của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh). Về các vướng mắc áp dụng quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP nêu trên, kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn chi tiết từ đó giúp việc áp dụng quy định pháp luật được bảo đảm thống nhất.
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận