Về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cá nhân theo BLTTDS 2015
Trong phạm vi bài viết, người viết tập trung phân tích một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cá nhân.
Quá trình giải quyết vụ án dân sự là một chuỗi các trình tự, thủ tục áp dụng tại Tòa án được luật quy định. Tuy nhiên, các trình tự, thủ tục được luật quy định có thể sẽ diễn ra hoặc không diễn ra trong từng trường hợp vụ án cụ thể. Quá trình giải quyết vụ án dân sự kéo dài từ khi bắt đầu vào thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết đến thời điểm ngừng giải quyết vụ việc dân sự bằng một bản án, quyết định cụ thể của Tòa án. Trong suốt quá trình này, có thể xảy ra sự kiện đương sự là cá nhân chết mà sự kiện đó không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự. Do đó, Tòa án phải đưa ra các quyết định để tác động vào quá trình tố tụng dân sự, sao cho đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích của các đương sự, trong đó có cả người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
1. Quy định của pháp luật
Về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cá nhân được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 74 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015)[1] : “Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng”.
Như vậy, trong trường hợp quyền và nghĩa vụ của đương sự đã chết là quyền và nghĩa vụ về tài sản thì người thừa kế sẽ tham gia tố tụng. Theo đó, tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015[2] (BLDS 2015) quy định người thừa kế theo pháp luật bao gồm: “(i) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; (ii) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; (iii) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
Trong trường hợp nếu đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà chưa có cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo điểm a khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015[3] : “Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó”. Nếu xác định được người thừa kế tham gia tố tụng thì Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án được quy định tại Điều 216 BLTTDS 2015[4] : “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 của Bộ luật này không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự ….”. Sau đó, Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Trường hợp có căn cứ xác định nguyên đơn đã chết không có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng thì Thẩm phán ban hành Quyết định đình chỉ vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã chết theo điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015[5]:“ Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế”.
2. Nhận thức khác nhau về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự
Thực tiễn cho thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, việc xem xét kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 74 BLTTDS 2015 vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc.
Trong bài “Xác định người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng trong vụ án dân sự” đăng ngày 24/2 của các tác giả Th.s Hà Thái Thơ và Th.s Huỳnh Xuân Tình cũng đã nêu tình huống với những quan điểm giải quyết khác nhau.
Chúng ta cùng nghiên cứu tình huống tương tự: Ông A và bà B là vợ chồng, có 2 người con ruột là ông C và bà D. Ông A và bà B cùng khởi kiện ông C về việc “Đòi tài sản”; nội dung vụ án là ông A, bà B đòi lại căn nhà đã cho ông C sử dụng. Trong quá trình tham gia tố tụng thì bà B chết và không để lại di chúc. Do đó, Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ và xác định hàng thừa kế thứ nhất của bà B gồm có ông A, bà D và ông C. Theo đó, Tòa án xác định ông A, bà D và ông C tham gia tố tụng với tư cách là những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà B. Ông A (nguyên đơn) và bà D (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đều thống nhất với yêu cầu khởi kiện của bà B nhưng ông C (bị đơn) không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà B.
Nghiên cứu tình huống nêu trên thì thấy rằng, ông C trong vụ án được xác định với 2 tư cách tham gia tố tụng là bị đơn và người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của nguyên đơn bà B. Đối với 02 tư cách tham gia tố tụng của ông C thì ông C lại có quan điểm trái ngược nhau.
Để xử lý nội dung vụ án nêu trên, có 2 quan điểm đưa ra:
Quan điểm thứ nhất: Tòa án xác định ông C đồng thời là bị đơn và người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà B vì để đảm bảo đúng các quy định pháp luật về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Quan điểm thứ hai: Tòa án xác định tư cách ông C chỉ là bị đơn trong vụ án vì các lý do là đảm bảo ý chí khởi kiện của nguyên đơn bà B (đã chết) và giải quyết được toàn diện nội dung vụ án.
Trường hợp này, nếu vận dụng cách hiểu theo quan điểm thứ nhất để xác định ông C đồng thời là bị đơn và là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà B thì vụ án không được giải quyết dứt điểm bằng pháp luật và các bên không thỏa thuận được với nhau sẽ tiềm ẩn nguy cơ các bên tự hành xử trái pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội, có thể đẩy một trong các bên vi phạm pháp luật mà nội dung tranh chấp vẫn không được giải quyết. Còn nếu vận dụng cách hiểu theo quan điểm thứ hai thì đảm bảo được ý chí khởi kiện của nguyên đơn (đã chết) và giải quyết dứt điểm nội dung vụ án. Đồng thời, bị đơn ông C vẫn có thể đưa ra yêu cầu phản tố về việc “Chia di sản thừa kế theo pháp luật” đối với phần di sản của bà B để lại, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông C.
Từ những phân tích trên, bản thân người viết đồng tình với quan điểm thứ hai. Tư cách tham gia tố tụng ban đầu của ông C được xác định là bị đơn. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, do bà B chết nên ông C được xác định thêm tư cách tham gia tố tụng là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của bà B. Có thể hiểu rằng, khi bà B chết thì ông C được kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà B để thay mặt bà B tiếp tục tham gia tố tụng nhưng không làm thay đổi ý chí khởi kiện của bà B.
Mặt khác, nếu vận dụng cách hiểu tương tự như khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015[6] quy định về các trường hợp không được làm người đại diện: “Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật: a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện; b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.” Theo đó, nếu trong cùng một vụ việc mà đương sự được xác định thêm tư cách tham gia tố tụng mới mà quyền và lợi ích hợp pháp của tư cách tham gia tố tụng mới đối lập với tư cách tư cách tham gia tố tụng ban đầu thì họ không được xem xét thêm tư cách tham gia tố tụng mới.
Để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật, cần có sự thống nhất trong nhận thức về quy định của pháp luật. Vì vậy, người viết kiến nghị cần bổ sung thêm khoản 1 Điều 74 BLTTDS như sau: “Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng. Nếu người thừa kế tham gia tố tụng đang là đương sự trong cùng một vụ việc với cá nhân đã chết mà quyền và lợi ích hợp pháp của người thừa kế đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp với cá nhân đã chết thì không được làm người thừa kế tham gia tố tụng của cá nhân đã chết”.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi của người viết về quy định kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cá nhân mà hiện nay trên thực tế còn có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau nên rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp để hoàn thiện quy định kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cá nhân.
TAND huyện Bình Giang, Hải Dương xét xử vụ tranh chấp chia di sản thừa kế - Ảnh: Phạm Văn Ngoan
[1] Khoản 1 Điều 74 BLTTDS 2015
[2] Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015
[3] Điểm a khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015
[4] Điều 216 BLTTDS 2015
[5] Điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015
[6] Khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận