Về lỗi của pháp nhân thương mại phạm tội
Tại Điều 10, Điều 11 BLHS năm 2015 chỉ đề cập đến yếu tố lỗi của người phạm tội mà không đề cập đến lỗi của pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội?
BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 (BLHS năm 2015), so với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 bổ sung chủ thể thực hiện tội phạm là “Pháp nhân thương mại”. Tuy nhiên, pháp nhân thương mại lại không phải là chủ thể của mọi tội phạm, mà theo quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ là chủ thể của 33 tội phạm.
Tuy nhiên, BLHS năm 2015 lại không đề cập đến việc khi thực hiện hành vi phạm tội thì pháp nhân thương mại có “lỗi” đối với hành vi của mình không?
Về mặt lý luận thì một hành vi của cá nhân hay pháp nhân thương mại chỉ được coi là tội phạm khi hành vi đó phải thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội phạm: chủ thể của tội phạm, khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm. Trong đó, yếu tố lỗi là dấu hiệu bắt buộc được xem xét, đánh giá trong mặt chủ quan của tội phạm.
Tại Điều 10, Điều 11 BLHS năm 2015 chỉ đề cập đến yếu tố lỗi của người phạm tội mà không đề cập đến lỗi của pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội?”. Về mặt lý luận là không phù hợp vì với bất kỳ tội phạm nào. Theo tác giả, có lẽ đây là thiếu sót trong quá trình xây dựng BLHS năm 2015. Để khắc phục hạn chế trên và để đồng bộ với các điều luật khác, như Điều 2 BLHS quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự, khoản 1 quy định đối với người phạm tội, khoản 2 quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội; Điều 3 BLHS quy định về nguyên tắc xử lý, khoản 1 quy định đối với người phạm tội, khoản 2 quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội và Điều 8 BLHS quy định về khái niệm tội phạm, khoản 1 quy định chủ thể của tội phạm là “…người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý…” thì Điều 10, Điều 11 BLHS năm 2015 cần bổ sung cụm từ “hoặc pháp nhân thương mại phạm tội” vào sau cụm từ “người phạm tội”, cụ thể như sau:
Điều 10. Cố ý phạm tội
Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
2. Người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Điều 11. Vô ý phạm tội
Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
2. Người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Theo kiemsat.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận