Về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tại Điều 54 BLHS năm 2015

Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS là trường hợp Tòa án có thể áp dụng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng pháp luật còn nhiều vướng mắc.

Quyết định hình phạt là một trong những giai đoạn cơ bản quan trọng của quá trình áp dụng luật hình sự, bởi suy cho cùng, các hoạt động tố tụng hình sự trước đó (từ điều tra, truy tố, kể cả việc tranh tụng tại phiên toà) sẽ không có ý nghĩa nếu Toà án không làm tốt việc quyết định hình phạt. Quyết định hình phạt đúng pháp luật, công bằng và hợp lý là tiền đề, điều kiện để đạt mục đích hình phạt (cải tạo, giáo dục riêng, phòng ngừa chung). Nếu hình phạt quá nhẹ sẽ làm giảm hiệu quả pháp luật trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bởi nó có thể làm phát sinh ý định phạm tội, thái độ vô trách nhiệm và coi thường pháp luật của người phạm tội. Nhưng hình phạt quá nặng sẽ tạo tâm lý không công bằng, không hợp lý ở người bị kết án dẫn đến thái độ oán hận, không tin tưởng pháp luật.

1. Quy định của điều luật và thực tiễn áp dụng                        

Quyết định hình phạt là việc cơ quan Tòa án (Hội đồng xét xử) trên cơ sở của BLHS lựa chọn một hình phạt cụ thể và xác định mức hình phạt trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội.

Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS là trường hợp Tòa án có thể áp dụng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Theo cấu trúc của các điều luật thì khi một người bị truy tố, xét xử về một tội phạm nào đó được quy định trong BLHS, thì họ phải chịu mức hình phạt của một trong các hình phạt chính được quy định trong điều luật đó. Tuy nhiên, có không ít những trường hợp người phạm tội được quyết định hình phạt nhẹ hơn khung hình phạt mà họ đã bị truy tố.

Theo quy định tại Điều 54 BLHS năm 2015 thì: “1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

2.Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò khôngđáng kể.

3.Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”

  Theo đó, Hội đồng xét xử áp dụng Điều 54 BLHS phải đảm bảo các điều kiện cần và đủ. Khi xét đến các điều kiện cần của Điều 54 BLHS thì Hội đồng xét xử phải căn cứ Khoản 1 Điều 51 BLHS, các văn bản hướng dẫn dưới luật có liên quan để xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, đồng thời phải đảm bảo các nguyên tắc về quyết định hình phạt liên quan. Như vậy, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật mà người phạm tội bị xét xử.

Thông thường các điều luật trong BLHS năm 2015, khung hình phạt của điều luật được sắp xếp theo thứ tự 1, 2, 3… từ nhẹ nhất đến nặng nhất, theo quy định khi có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS trở lên và đủ điều kiện áp dụng Điều 54 BLHS, Tòa án chỉ có thể quyết định một hình phạt trong khung hình phạt của khoản 1, nếu người phạm tội bị xét xử theo khoản 2 hoặc Tòa án chỉ có thể quyết định một hình phạt trong khung hình phạt khoản 2 nếu người phạm tội bị xét xử theo khoản 3. Tuy nhiên, có những điều luật lại được sắp xếp theo thứ tự từ nặng nhất đến nhẹ nhất.

Ví dụ: “Tội giết người” theo Điều 123 BLHS năm 2015, khoản 1 có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nhưng khoản 2 lại có khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù. Vậy nếu người phạm tội bị xét xử theo khoản 1 Điều 123 BLHS có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS tại khoản 1 Điều 51 và được áp dụng Điều 54 BLHS sẽ được quyết định hình phạt như thế nào?

Trường hợp điều luật được áp dụng chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là nhẹ nhất của điều luật, Hội đồng xét xử có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Điều luật không quy định cụ thể Tòa án có thể chuyển sang loại hình phạt nhẹ hơn liền kề, nên có cách hiểu là Hội đồng xét xử chỉ có thể quyết định chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn liền kề. Theo chúng tôi, Tòa án có thể chuyển qua loại hình phạt nhẹ hơn xuống loại hình phạt nhẹ hơn nữa; hình phạt thuộc loại nhẹ hơn không bắt buộc phải được áp dụng đối với loại tội phạm theo khung hình phạt mà bị cáo bị xét xử.

Ví dụ: Bị cáo Nguyễn Văn A bị xét xử về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 có mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ  6 tháng đến 3 năm. Bị cáo A có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 51 BLHS, đủ điều kiện áp dụng Điều 54 BLHS, Hội đồng xét xử được quyết định mức hình phạt tù dưới 06 tháng hoặc chuyển qua loại hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ hoặc chuyển qua loại hình phạt nhẹ hơn xuống loại hình phạt nhẹ hơn nữa là cảnh cáo, phạt tiền.

Đối với hình phạt tù có thời hạn, Hội đồng xét xử không được quyết định mức hình phạt tù dưới 03 tháng vì theo quy định tại Điều 38 BLHS năm 2015 mức tối thiểu của loại hình phạt này là 03 tháng; do đó, trong mọi trường hợp khi quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định mức thấp nhất của khung hình phạt là trên 03 tháng tù, thì không được quyết định mức hình phạt tù dưới 03 tháng; nếu mức thấp nhất của khung hình phạt là 03 tháng tù, thì chỉ có thể chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, theo quy định tại Điều 36 BLHS, mức tối thiểu của hình phạt này này là 06 tháng, do đó trong mọi trường hợp khi quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, không được quyết định mức hình phạt cải tạo không giam giữ dưới 06 tháng.

Đối với hình phạt tiền, thì theo quy định tại Điều 35 BLHS, mức tối thiểu là 1 triệu đồng; do đó, trong mọi trường hợp khi quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, không được quyết định mức hình phạt tiền dưới 1 triệu đồng. Nếu mức thấp nhất của khung hình phạt là 1 triệu đồng, thì chỉ có thể chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn là cảnh cáo.

Khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, nếu tội nào mà người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, thì có thể áp dụng Điều 54 BLHS để quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS đối với tội đó, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 BLHS.

Trong thực tiễn xét xử, trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS nhưng cũng có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 52 BLHS, thì việc xem xét để áp dụng Điều 54 BLHS như thế nào?

Quan điểm thứ nhất cho rằng nếu bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng đồng thời lại có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, lấy số lượng tình tiết giảm nhẹ trừ đi số lượng tình tiết tăng nặng mà còn từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên thì vẫn áp dụng Điều 54 BLHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng trong trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng cũng có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì không áp dụng Điều 54 BLHS.

Như vậy, cách hiểu và áp dụng Điều 54 BLHS của các Tòa vẫn chưa thống nhất, trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, đồng thời lại có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS, xem xét tính chất, mức độ lỗi, hậu quả nguy hiểm của hành vi phạm tội không đủ điều kiện áp dụng Điều 54 BLHS, nhưng có Tòa vẫn áp dụng Điều 54 BLHS đối với bị cáo dẫn đến quyết định hình phạt chưa chính xác.

Có những vụ án mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS nhưng không thể áp dụng Điều 54 BLHS vì tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra, không đủ điều kiện áp dụng Điều 54 BLHS xử phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Có trường hợp Hội đồng xét xử áp dụng Điều 54 BLHS đồng thời áp dụng khoản 1, 2 Điều 65 BLHS cho người phạm tội được hưởng án treo mặc dù họ bị xét xử ở khung hình phạt có mức án cao dẫn đến quyết định hình phạt không chính xác, chưa đạt được mục đích.

Cụ thể ví dụ sau: Khoảng 20h , ngày 03/6/2018 tại phòng ngủ nhà chị Nguyễn Thị N, thuộc xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, Trần Văn Th vì ham muốn tình dục, không làm chủ được bản thân đã có hành vi cho cháu Nguyễn Mai T (sinh ngày 25/5/2011) dùng tay và miệng kích thích vào dương vật của Th. Th dùng tay sờ mó vào bộ phận sinh dục của cháu T, nhằm thỏa mãn dục vọng cá nhân.

Bản án số 10/2018/HS-ST ngày 29/12/2018 của Tòa án quân sự Khu vực X Quân khu Y xét xử Trần Văn Th phạm tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 Điều 146 BLHS và nhận định bị cáo Th phạm tội lần đầu; khoản 1 Điều 146 BLHS có khung hình phạt đến 03 năm tù “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, Th có thêm 2 tình tiết giảm nhẹ “tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả” và “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, Hội đồng xét xử  áp dụng khoản 1 Điều 146; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 54, khoản 1, khoản 2 Điều 65 BLHS, xử phạt Trần Văn Th 08 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát quân sự Quân khu Y ra Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKS ngày 16/01/2019, nội dung: Kết luận của Bản án hình sự sơ thẩm về tội danh như đã nêu trên để xử phạt bị cáo Trần Văn Th là có căn cứ, tuy nhiên do chưa đánh giá hết tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả nghiêm trọng của vụ án do bị cáo gây ra cũng như thực trạng tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục có chiều hướng diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay, nên Hội đồng xét xử đã áp dụng Điều 54 và Điều 65 là không phù hợp, xử phạt bị cáo Trần Văn Th 08 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 16 tháng là quá nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.

Ngày 12/3/2019, Tòa án quân sự Quân khu Y xét xử phúc thẩm: Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, không áp dụng Điều 54 và Điều 65 BLHS đối với Trần Văn Th, sửa hình phạt tù cho hưởng án treo tại Bản án số 10/2018/HS-ST ngày 29/12/2018 của Tòa án quân sự Khu vực X Quân khu Y và tuyên phạt Trần Văn Th 12 tháng tù.

Chúng tôi cho rằng mặc dù bị cáo Th có 3 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 BLHS nhưng vì đối tượng xâm hại của tội phạm là trẻ em, được Nhà nước, xã hội, công dân có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ. Để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe cho trẻ em và ngăn ngừa loại tội phạm này Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-Tgg ngày 16/5/2017 đề nghị TANDTC, VKSNDTC chỉ đạo Tòa án, Viện kiểm sát các cấp xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Hành vi phạm tội của bị cáo Th đã xâm phạm đến khách thể rất quan trọng được pháp luật hình sự nước ta bảo vệ, đó là quyền bất khả xâm phạm về tình dục của con người, của trẻ em, xâm phạm sự phát triển bình thường về sinh lý và thể chất, danh dự, nhân phẩm của trẻ em.

Tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, bị hại Nguyễn Mai T mới được hơn 7 tuổi, còn là một đứa trẻ đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách; hành vi phạm tội của bị cáo không chỉ thể hiện sự nguy hiểm cho xã hội mà còn để lại hậu quả nặng nề, gây ảnh hưởng lâu dài đến tâm sinh lý và sự phát triển hồn nhiên của cháu T. Mặc khác, thời gian gần đây, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do vậy, Th không được áp dụng Điều 54 và Điều 65 là phù hợp.

Theo chúng tôi, để áp dụng đúng Điều 54 BLHS, Hội đồng xét xử phải xem xét nguyên nhân, điều kiện phạm tội, nhân thân, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, lỗi, hậu quả gây ra và bị cáo phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và không có tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Khi áp dụng Điều 54 BLHS thì không áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 65 BLHS xử án treo đối với trường hợp bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng có khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm hoặc đối tượng của tội phạm được xã hội đặc biệt quan tâm, bảo vệ; hành vi phạm tội của bị cáo vi phạm đạo đức bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, mặc dù người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51 BLHS, nhưng không áp dụng Điều 54 và Điều 65 BLHS để xử phạt tù cho hưởng án treo.

Ngoài ra, trong trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, nhưng lại có nhiều tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên, tùy từng trường hợp cụ thể Hội đồng xet xử mới xem xét về việc có áp dụng Điều 54 BLHS đối với bị cáo hay không, bởi vì tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thể hiện mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và người phạm tội phải chịu một hình phạt nghiêm khắc hơn trong một khung hình phạt.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

 Từ những bất cập trong thực tiễn áp dụng Điều 54 BLHS để tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

- Thứ nhất, sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS theo hướng “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”, không nhất thiết quy định cứng nhắc ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 BLHS.

- Thứ hai, để tránh việc lạm dụng áp dụng Điều 54 BLHS, đề nghị Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn trong trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, nhưng lại có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 52 BLHS nên quy định bù trừ, phải có hơn 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì mới áp dụng Điều 54 BLHS.

- Thứ ba, Cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn áp dụng Điều 54 thì không áp dụng Điều 65 BLHS để xử phạt tù cho hưởng án treo đối với người phạm tội, phạm những tội rất nghiêm trọng có khung hình phạt từ trên 7 năm đến 15 năm hoặc đối tượng của tội phạm được xã hội đặc biệt quan tâm, bảo vệ; hành vi phạm tội của bị cáo vi phạm đạo đức bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, mặc dù người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51 BLHS, nhưng không áp dụng Điều 54 và Điều 65 BLHS để xử phạt tù cho hưởng án treo (như tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi tại Điều 144 BLHS; tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tại Điều 146 BLHS…).

3. Kết luận

Quyết định hình phạt là hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật, có liên quan chặt chẽ với hoạt động định tội danh của Tòa án. Quyết định hình phạt công minh, có căn cứ và đúng pháp luật mang ý nghĩa chính trị xã hội và ý nghĩa pháp lý rất quan trọng, đó là thực hiện đúng mục đích của hình phạt, góp phần đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, hỗ trợ đắc lực cho công tác giáo dục, tuyên truyền trong nhân dân có ý thức tôn trọng, chấp hành nhiêm pháp luật, đây là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật.

*Ths -Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự - Ảnh: VP 

LÊ ĐÌNH NGHĨA*