Về thời hạn chuẩn bị xét xử theo Điều 277 BLTTHS 2015
Qua nghiên cứu bài viết của tác giả Nguyễn Minh Cương (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4), tác giả có phân tích thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 277 BLTTHS 2015, tôi đồng ý quan điểm thứ nhất.
Theo bài viết, Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực X Quân khu Y qua nghiên cứu thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự khu vực X nên đã ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát quân sự khu vực X, tuy nhiên Viện kiểm sát quân sự Khu vực X cho rằng vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự khu vực X nên đã chuyển lại hồ sơ cho Tòa án quân sự Khu vực X . Xung quanh quy định về thời hạn xét xử quy định tại Điều 277 BLTTHS 2015 thì có 02 quan điểm
Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất là thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa án khi thụ lý vụ án lần 2 là 30 ngày, bởi lẽ: Về quy định thời hạn chuẩn bị xét xử của BLTTHS 2015 giống với BLTTHS 2003, nội dung này cũng đã được Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa giải đáp tại phiên tập huấn trực tuyến ngày 23 tháng 11 năm 2019 nội dung: “Thẩm quyền của tòa án trong xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm theo quy định của BLTTHS 2015”.
Điều này cũng phù hợp với khoản 2 Điều 277 BLTTHS: Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.”, theo quy định, sau khi nhận lại hồ sơ trước đây đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong thời hạn 15 ngày phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử cộng với thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 277 BLTTHS 2015: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày. Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp như ví dụ nêu trên là 30 ngày.
Tôi không đồng tình với quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Tòa án X đã giải quyết vụ án với Quyết định trả hồ sơ vụ án ngày 01/11/2019, do đó khi Tòa án X nhận lại hồ sơ và thụ lý lại vụ án lần 02 thì vụ án này được xem là một vụ án mới, do đó thời hạn chuẩn bị xét xử của lần thụ lý 2 vẫn là 02 tháng (đối với tội phạm nghiêm trọng) như lần thụ lý 1, bởi lẽ: Đồng tình với tác giả là khi thụ lý vụ án lần 02 thì vụ án này là một vụ án mới, nhưng tác giả cho rằng thời hạn chuẩn bị xét xử của lần thụ lý lần 02 vẫn là 02 tháng như thụ lý lần 01 là không hợp lý, không đúng với quy định của BLTTHS 2015 vì thời hạn của thụ lý lần 01 theo quy định của BLTTHS 2015 là 02 tháng (đối với tội phạm nghiêm trọng), trong thời gian này Thẩm phán phải nghiên cứu, nắm chắc các tình tiết có trong hồ sơ vụ án và ra một trong các quyết định được quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS 2015, nếu thụ lý lần 02 trong trường hợp đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vẫn là thời hạn 02 tháng như lần 01 là bất hợp lý, điều này sẽ tạo cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tính ỷ lại, chủ quan vì cho rằng thời hạn chuẩn bị xét xử còn dài trong khi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án trong giai đoạn thụ lý lần 01. Ngoài ra đặt trong trường hợp bị can trong vụ án bị áp dụng các biện pháp ngăn chăn nghiêm khắc như tạm giam, việc cho rằng thời hạn chuẩn bị xét xử thụ lý lần 02 như thụ lý lần 01 sẽ gây bất lợi với bị can và không đảm bảo quyền con người (Thời hạn tạm giam dài hơn).
Trên đây là quan điểm của tôi về bài viết “Vướng mắc về thời hạn chuẩn bị xét xử theo Điều 277 BLTTHS 2015”, rất mong được độc giả quan tâm trao đổi./.
TAND huyện Krông Bông, Đắk Lắk xét xử vụ án “Cướp giật tài sản” – Ảnh: Nguyễn Tâm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận